Giờ đây, đất nước này đang trải qua cơn ác mộng Covid-19 tồi tệ nhất thế giới. Số ca nhiễm hàng ngày không ngừng tăng suốt 10 ngày qua.
Tính đến nay, nước này đã ghi nhận trên 17,6 triệu người dương tính với virus corona chủng mới và gần 198.999 trường hợp tử vong. Riêng ngày 26/4, Ấn Độ có thêm 352.991 ca mới, phá kỷ lục toàn cầu về số ca nhiễm trong một ngày đơn lẻ, theo trang thống kê Worldometers.
Nỗi đau vì mất người thân vì Covid-19 ở Ấn Độ. Ảnh: Times of India |
Những con số trên đã khiến dư luận thế giới sốc khi chúng còn được thể hiện qua những bức ảnh thực tế ghi cảnh nhiều người khóc gục ở lề đường hoặc đau đớn làm thủ tục hỏa thiêu thi thể người thân chết vì Covid-19. Các bệnh viện cạn kiệt nguồn lực, với nhiều bệnh nhân chết vì thiếu oxy.
Chính phủ đã nỗ lực ứng phó cuộc khủng hoảng, với một loạt quốc gia trên thế giới sẵn sàng cung cấp viện trợ. Nhưng đến nay, đợt bùng phát vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm và các chuyên gia cảnh báo tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn.
"Tôi e rằng đây chưa phải đỉnh điểm", CNN dẫn lời Tiến sĩ Giridhara R. Babu thuộc Tổ chức Y tế Công cộng của Ấn Độ cho biết ngày 26/4. "Theo số liệu mà chúng tôi thấy thì ít nhất 2-3 tuần nữa mới đến đỉnh điểm".
Một số người lại cho rằng, Ấn Độ đang đạt đỉnh dịch lúc này, sớm hơn ước tính của Tiến sĩ Babu. Tuy nhiên, với quá nhiều người nhiễm trong khi nguồn cung y tế khan hiếm, nước này sẽ chứng kiến nhiều người chết hơn trước khi làn sóng thứ 2 lắng xuống.
Vì sao dịch trở nên tồi tệ?
Số ca lây nhiễm tăng lên từ đầu tháng 3 và tăng tốc vào cuối tháng, gấp 6 lần so với đầu tháng và tiếp tục vọt lên trong tháng 4.
Theo các chuyên gia, làn sóng thứ 2 sẽ gây ảnh hưởng nặng nề hơn vì mọi người không hề chuẩn bị. Đợt đầu tiên đạt đỉnh vào tháng 9/2020 và các ca hàng ngày giảm dần trong những tháng tiếp theo. Sự phục hồi rõ ràng dường như thành công đến mức Bộ trưởng Y tế Ấn Độ tuyên bố vào đầu tháng 3 rằng nước này đang "ở trong giai đoạn cuối" của đại dịch.
Và chiến dịch tiêm chủng ở quốc gia to lớn và đầy tham vọng này được tiến hành vào tháng 1.
Ảnh: Times of India |
Người dân bắt đầu coi nhẹ các quy định phòng dịch an toàn, chẳng hạn như giãn cách xã hội, và chính quyền cũng thả lỏng việc thực thi. Mặc dù một số bang vẫn thận trọng và chuẩn bị cho làn sóng thứ hai, nhưng không bao giờ là đủ, và không ai đoán trước được làn sóng lớn sắp tới nguy hiểm mức nào.
K. VijayRaghavan, cố vấn khoa học của Chính phủ Ấn Độ nói: "Không ai thấy mức độ của làn sóng này. Trước khi đợt bùng phát thứ nhất lắng xuống, tất cả chúng tôi đều có cảm giác điều gì đó đã được xử lý về cơ bản. Chúng tôi thấy các dấu hiệu của một đợt tăng tiếp theo, nhưng quy mô và cường độ của nó không rõ ràng".
Cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn do phản ứng chậm chạp từ chính quyền trung ương. Mặc dù một số bộ trưởng và chính quyền địa phương đã bắt đầu hành động từ tháng 2, nhưng dường như vẫn có khoảng trống.
Tuần trước, Thủ tướng Narendra Modi cuối cùng đã phá vỡ sự im lặng của mình, thừa nhận tính cấp bách của tình hình dịch bệnh trong một bài phát biểu trước toàn thể quốc gia. Ông đưa ra một số biện pháp khẩn cấp để giảm bớt gánh nặng cho các bang và bệnh viện.
Nhưng đến lúc đó, những người chỉ trích cho rằng thiệt hại đã quá nhiều.
Khủng hoảng xảy ra ở những đâu?
Thủ đô New Delhi bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng thứ 2. Nơi này đã bị phong tỏa từ 19/4 và lệnh này kéo dài đến 3/5.
Các bệnh viện khắp Delhi đều thông báo thiếu hụt oxy y tế. Ngày 23/4, 20 bệnh nhân nguy kịch đã qua đời tại bệnh viện Jaipur Golden sau khi nguồn cung oxy bị gián đoạn 7 giờ. Giám đốc bệnh viện, Tiến sĩ DK Baluja, nói: "Mọi thứ của chúng tôi đều cạn kiệt. Oxy không được cung cấp đúng giờ. Đáng lẽ phải được giao đến lúc 5h chiều nhưng lại đến vào nửa đêm. Những người bị bệnh nặng cần được cung cấp oxy".
Bang Maharashtra phía tây cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Các cuộc tụ tập chỉ giới hạn ở 4 người, và phương tiện công cộng di chuyển qua các quận và trong thành phố chỉ được cung cấp dịch vụ ở mức thiết yếu và cho những sự kiện như tang lễ. Toàn bang áp dụng phong tỏa cuối tuần cho đến hết tháng.
Một số bang khác cũng báo cáo số ca dương tính cao chưa từng có, trong đó Kerala, Uttar Pradesh, Karnataka, Rajasthan và Chhattisgarh.
Một người ngồi chờ đến lượt hỏa táng thi thể người thân chết vì Covid-19 ở New Delhi. Ảnh: AP |
Ai bị ảnh hưởng?
Các chuyên gia cho biết, mặc dù thành phần nhiễm Covid-19 hiện nay dàn trải ở nhiều lứa tuổi nhưng dường như số người trẻ dương tính ngày càng nhiều lên.
"Virus và làn sóng dịch thứ hai đang tấn công những người trẻ tuổi, thậm chí cả trẻ em, theo cách chưa từng có ở làn sóng thứ nhất. Chúng tôi đã gặp những em bé 18 ngày tuổi đang chiến đấu giành sự sống của mình trong phòng cấp cứu", Barkha Dutt, nhà báo tại New Delhi, phản ánh.
Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong cao nhất vẫn là ở những bệnh nhân từ 70 tuổi trở lên. Theo ông Babu thuộc Tổ chức Y tế Công cộng của Ấn Độ, điều đó "có nghĩa là chúng ta cần phải bảo vệ người cao tuổi bằng cách cung cấp dịch vụ chăm sóc quan trọng".
Các biến thể của virus
Theo các chuyên gia dịch tễ học hàng đầu của Ấn Độ, giữa sự gia tăng hiện tại và sự gia tăng của "biến thể Ấn Độ" có một mối tương quan.
"Ở Maharashtra, chúng ta đã thấy (biến thể lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ) tăng cao và chúng ta chứng kiến dịch bệnh bùng nổ. Chúng ta cũng đang thấy điều này ở Delhi, và chúng ta chứng kiến một đợt bùng phát. Đây là những tương quan dịch tễ học rất quan trọng", Anurag Agrawal, Giám đốc Viện Genomics và Sinh vật Tích hợp cho biết tại một hội thảo tuần trước.
Điều quan trọng cần ghi nhớ là những biến thể này đã lan truyền rất nhiều. Theo một số ước tính, chúng chiếm khoảng 60% ở một bang, Maharashtra. Tỷ lệ các trường hợp biến thể có thể tương tự ở Delhi, cũng như các khu vực khác trong những tuần tới, ông nói thêm.
Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu về biến thể Ấn Độ và tiến hành giải trình tự bộ gen để xác định tác động của đột biến nếu có. Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo các biến thể mới đang tạo ra nguy cơ rõ ràng, có thể quan sát được ngay cả trước khi dữ liệu chính thức được thu thập.
Theo ông Babu, các khu vực đông dân ở những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề, nơi có mức kháng thể gần 50% trong đợt dịch đầu tiên đến nay vẫn thông báo tỷ lệ dương tính hơn 25%. "Điều đó có nghĩa là bất kỳ biện pháp bảo vệ nào chống lại biến thể trước đó không thực sự hữu ích vì biến thể mới hơn lây lan nhanh hơn".
Điều gì xảy ra với vắc-xin?
Ấn Độ đang cung cấp hai loại vắc-xin: vắc-xin Oxford-AstraZeneca, còn được gọi là Covishield, và Covaxin - được phát triển bởi Bharat Biotech và Hội đồng Nghiên cứu Y tế Ấn Độ (ICMR) do chính phủ điều hành. Vào giữa tháng 4, Ấn Độ cũng đã phê duyệt vắc-xin Sputnik V của Nga.
Nước này đã bắt đầu chương trình tiêm chủng vào tháng 1 cho các nhân viên y tế và các nhóm ưu tiên – tròn 100 ngày vào 25/4 - với mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 300 triệu người vào tháng 8. Nhưng chương trình đã có một khởi đầu chậm chạp, đối mặt với vố số vấn đề hậu cần cũng như thái độ lưỡng lự về vắc-xin trong dân chúng, đặc biệt là đối với Covaxin, vốn được chấp thuận sử dụng khẩn cấp trước khi dữ liệu về tính hiệu quả của thử nghiệm giai đoạn ba được công bố.
Tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 ở Srinagar thuộc vùng Kashimir do Ấn Độ kiểm soát hôm 16/1/2021. Ảnh: AP |
Tính đến ngày 25/4, Ấn Độ đã tiêm 140,9 triệu liều vắc-xin chống Covid-19, theo Bộ Y tế nước này. Và dù có số lượng người tiêm vắc-xin nhiều thứ 3 thế giới (sau Mỹ và Trung Quốc), quốc gia này vẫn xếp hạng thấp trong danh sách các nước tiêm ngừa Covid-19 theo đầu người.
Bắt đầu từ ngày 1/5, tất cả cư dân trên 18 tuổi sẽ đủ điều kiện để tiêm chủng. Các nhà cung cấp vắc xin tư nhân cũng sẽ có thể bán và quản lý vắc-xin. Tuy nhiên, nhiều bộ trưởng cấp bang lên án các biện pháp mới này, chỉ ra rằng sẽ không có đủ vắc-xin để tiêm.
Chính phủ đang làm gì?
Chính phủ trung ương đã bắt đầu hành động vào cuối tháng 4 khi mức độ của cuộc khủng hoảng Covid-19 trở nên rõ ràng. Hôm 20/4, ông Modi cho biết chính phủ đang làm việc để cung cấp 100.000 bình oxy mới cho các bang, và họ sẽ tạm dừng sử dụng oxy cho các mục đích công nghiệp để giải phóng nguồn cung cấp cho y tế.
Việc tăng số giường bệnh và xây dựng các bệnh viện Covid-19 chuyên dụng ở một số thành phố cũng đang được thực hiện.