Nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, ông Nguyễn Mạnh Cường (62 tuổi, từng công tác tại Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc) tức tốc sắp xếp công việc, từ Sóc Sơn về lại căn nhà cũ trên phố Nguyễn Thượng Hiền (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Buổi sáng trong lành sau cơn mưa tầm tã, cả con phố ngày thường sôi động, bỗng trầm lắng lạ thường. Một người hàng xóm lâu ngày mới trông thấy ông Cường, hỏi "biết tin gì chưa?".
Cả hai lặng lẽ nhìn nhau, như hiểu ý, rồi cùng ngước lên ban công tầng 3 - nơi có căn phòng ngày xưa gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh sống hơn 10 năm.
"Cường ơi, lên cắt tóc cho chú"
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng học khoa ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội (khóa 8). Ông tốt nghiệp cử nhân năm 1967, được phân công về làm biên tập viên của Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản).
Gia đình ông chuyển từ khu tập thể Kim Liên đến nhà tập thể Tạp chí Cộng sản trên phố Nguyễn Thượng Hiền.
Thời đó, nhà tập thể Tạp chí Cộng sản thực chất là một căn biệt thự Pháp cổ, diện tích hơn 100m2, có 3 tầng, gồm 8 phòng nhỏ là nơi sinh sống của 8 hộ gia đình là cán bộ, nhân viên công tác tại Tạp chí Cộng sản. Họ dùng chung 2 nhà vệ sinh và bể nước dưới sân.
Gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có 5 người, gồm: bà (người mẹ thân sinh của Tổng Bí thư), vợ chồng ông bà Nguyễn Phú Trọng - bà Ngô Thị Mận và hai người con, sống trong căn phòng 25m2 trên tầng 3, không bếp, không nhà vệ sinh.
Trong khi đó, nhà ông Cường sinh sống ở tầng một của khu tập thể.
Nhiều lần lên nhà "chú Trọng" chơi, ông Cường nhớ mãi bố trí căn phòng, từ chiếc bàn dựa vào tường đi kèm 2 chiếc ghế, giường, tủ kệ, gác xép lửng, ngách trong nhà cải tạo thành bếp, ban công…
"Ngày xưa, chúng tôi thường gặp gỡ chú Trọng, chuyện trò, thăm hỏi nhau hàng ngày, mối quan hệ thân thiết như những người trong cùng một nhà. Gia đình chú Trọng coi con gái tôi như cháu nuôi, thường gọi lên nhà ăn cơm", ông Cường kể.
Trong ký ức của người hàng xóm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "một người khác biệt", sự chân thành toát ra từ con người ông, điển hình của tầng lớp trí thức nho nhã và thanh lịch.
Mỗi lần tóc hơi dài, "chú Trọng" lại gọi: "Cường ơi, lên cắt tóc cho chú". Cả hai ngồi ngoài ban công, vừa cắt tóc, vừa trò chuyện - những câu chuyện giản dị, ấm áp điển hình của một thời xưa cũ.
Trong ký ức của ông Cường, bà Ngô Thị Mận, Phu nhân Tổng Bí thư, là người hiền hậu và chất phác. Những bữa cơm giản đơn do bà Mận nấu, đã "nuôi dưỡng" tuổi thơ của những đứa trẻ trong khu tập thể.
Dù sau này đã là vợ của Tổng Bí thư, bà Mận vẫn thường xuyên ghé qua con phố Nguyễn Thượng Hiền để đi chợ. Bà đội chiếc nón cũ, chỉ có những người sinh sống ở đây mới nhận ra, những người xa lạ không hay biết.
"Thỉnh thoảng đi chợ tôi gặp cô Mận. Chúng tôi nói chuyện, hỏi han chuyện gia đình, sức khỏe và công việc. Hai gia đình dù không còn là hàng xóm, nhưng vẫn gần gũi và thân tình", ông Cường nói.
Trong đám cưới con trai, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đó là Chủ tịch Quốc hội, chỉ tổ chức nội bộ gia đình, mời hàng xóm ở phố Nguyễn Thượng Hiền và rất ít bạn bè. Ông Cường là một trong số ít khách mời đến dự đám cưới được tổ chức tại Cung văn hóa Việt Xô.
"Gặp lại những người hàng xóm cũ tại đám cưới con trai, chú Trọng dành những cái ôm ấm áp và bắt tay thăm hỏi ân cần. Từ ngày chú chuyển nơi ở khác, tôi cũng thỉnh thoảng đến thăm hỏi sức khỏe gia đình chú", ông Cường nói đây là những dấu ấn sâu đậm nhất trong cuộc đời mình.
Căn phòng kỷ niệm đặc biệt
Tháng 8/1991, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được bổ nhiệm làm Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, được phân thêm căn phòng 16m2, có thêm phòng bếp và nhà tắm. Căn nhà có vẻ "khang trang" hơn trước, cả gia đình không còn phải dùng chung nhà vệ sinh với hàng xóm.
Sau đó, khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được bổ nhiệm Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, cả gia đình chuyển đến nhà công vụ sinh sống.
Vài năm sau, ông Cường có cơ duyên sở hữu căn phòng nơi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và gia đình từng sinh sống.
Trải qua gần 30 năm và mấy lần sửa chữa, căn phòng vẫn giữ nguyên được góc ban công đầy lá xanh mát và bộ cửa bốn cánh nhìn ra con phố Nguyễn Thượng Hiền - nơi "chú Trọng" và gia đình thường đứng trò chuyện thân tình cùng những người hàng xóm.
Thỉnh thoảng, trong những cuộc trò chuyện với người thân và bạn bè, ông Cường tâm sự đó là căn phòng kỷ niệm đặc biệt - nơi gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sinh sống nhiều năm.
Ông lưu giữ căn phòng như một kỷ niệm đẹp, giản dị và chan chứa tình người, một không gian ký ức về gia đình của Tổng Bí thư.
Góc ban công - một trong những điểm nhấn đặc biệt của căn phòng (Ảnh: Mạnh Quân).
"Sự ra đi không phải là kết thúc, mà sẽ tiếp diễn ở tương lai"
Nghe tin "chú Trọng" qua đời, mọi ký ức như thước phim quay chậm cứ thế ùa về mạnh mẽ trong đầu ông Cường.
Ông bước lên cầu thang, một lối đi hẹp và tối dẫn lên căn phòng hoài niệm tầng 3. Đứng từ góc ban công năm xưa, ông Cường nói "trong lòng hụt hẫng" như mất đi một người thân trong gia đình.
Ngày "chú Trọng" lên làm Tổng Bí thư, ông Cường ít có cơ hội gặp gỡ, chỉ thỉnh thoảng hỏi thăm qua gia đình. Gần đây nhất, ông hay tin "chú Trọng" nằm viện, nhưng không ngờ Tổng Bí thư ra đi đột ngột thế.
Trong giây phút xúc động, ông Cường nói muốn dành những lời cuối cùng cho "chú Trọng" - những lời giản dị như chính cuộc đời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
"Chú đã sống một cuộc đời dành trọn cho đất nước, được nhân dân quý mến và kính trọng. Tôi vẫn quan niệm, sự ra đi không phải là kết thúc, mà sẽ tiếp diễn ở tương lai…
Xin tiễn biệt người chú - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", ông Cường nghẹn ngào.