Mùa hè đến, nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát trong các gia đình tăng cao. Cũng bởi vậy mà hoá đơn tiền điện cũng đạt con số lớn hơn hẳn so với các thời điểm khác trong năm. Để tiết kiệm điện hơn, rất nhiều phương pháp đã được chỉ ra. Và có lẽ nhiều người chưa biết, bên cạnh thao tác với các thiết bị làm mát như quạt hay điều hoà, người dùng có thể thực hiện cả những thay đổi nhỏ trên các thiết bị điện khác nữa.
Tủ lạnh là một ví dụ. Theo thống kê của EVN vào mùa hè năm ngoái, tủ lạnh là 1 trong những thiết bị tiêu tốn nhiều điện nhất trong gia đình. Thiết bị hoạt động với công suất cao, liên tục 24/24 nhằm đảm bảo bảo quản thực phẩm, rau củ quả được tươi ngon. EVN cũng chỉ ra, vào mùa hè, chỉ với 1 thao tác với nút nhỏ trong tủ lạnh, các gia đình có thể tiết kiệm được phần nào tiền điện.
Đó chính là điều chỉnh nhiệt độ của 2 ngăn - ngăn mát và ngăn đông tủ lạnh.
Ảnh minh hoạ
Điều chỉnh nhiệt độ tủ lạnh như thế nào?
Nút điều chỉnh nhiệt độ ở tủ lạnh thường sẽ được thiết kế dưới dạng núm xoay tròn. Đa phần mọi thiết bị sẽ có ít nhất 1 nút ở ngăn mát, số ít hơn có cả ở ngăn đông đá. Trên các nút này sẽ được ghi rõ các con số, từ 1 đến 7 - tương ứng với các mức làm mát. Ngoài ra mức nhiệt độ làm lạnh thấp nhất cũng có thể được ký hiệu là MIN; còn mức nhiệt độ làm lạnh cao nhất được ký hiệu là MAX.
Theo lời khuyên từ các chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm, người dùng hoàn toàn có thể điều chỉnh mức nhiệt độ ở các ngăn của tủ lạnh, từ đó tiết kiệm điện năng. Cụ thể, mức nhiệt được điều chỉnh cao hay thấp còn phụ thuộc vào lượng thực phẩm đang được dự trữ trong tủ lạnh.
Nếu tủ lạnh đang phải chứa lượng thực phẩm lớn, từ 2/3 ngăn tủ trở lên, mức nhiệt lý tưởng là từ mức 4 trở lên, hoặc mức cao nhất. Khi này, tủ lạnh sẽ hoạt động hết công suất nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động, bảo quản thực phẩm bên trong được mát, tươi ngon. Tuy nhiên, việc để tủ ở mức làm mát cao nhất cũng được các chuyên giá khuyến cáo là nên hạn chế, chỉ khi nào tủ lạnh thực sự đầy ắp thực phẩm thì mới nên cài đặt mức nhiệt này.
Người dùng hãy điều chỉnh mức nhiệt của tủ lạnh tuỷ theo lượng thực phẩm bên trong (Ảnh minh hoạ)
Song ngược lại, nếu tủ lạnh chỉ đang chứa lượng thực phẩm nhỏ, ít hơn so với 1/2 sức chứa của thiết bị, hãy điều chỉnh nhiệt độ làm mát về mức trung bình hoặc thấp (mức 2-3). Khi này, công suất hoạt động của tủ lạnh sẽ được giảm đi, tủ lạnh không cần hoạt động hết công suất, từ đó điện năng tiêu thụ cũng sẽ giảm. Việc làm này vẫn đảm bảo hiệu quả hoạt động của tủ lạnh lại vừa giúp tiết kiệm điện.
Nếu tủ lạnh luôn duy trì lượng thực phẩm ở mức ổn định, trung bình, không quá nhiều hay không quá ít, các chuyên gia khuyên cao rằng lý tưởng nhất là để ngăn mát ở mức làm mát khoảng 4. Còn ngăn đông tủ lạnh có nhiều thực phẩm tươi sống có thể đặt ở mức nhiệt -18 hoặc -16 độ C. Với những chiếc tủ lạnh có ngăn lưu trữ rau củ quả riêng biệt, mức nhiệt lý tưởng là 2-4 độ C.
Bên cạnh nút dạng núm vặn, nhiều loại tủ lạnh được trang bị nút điều chỉnh nhiệt độ dạng thanh trượt. Chúng phổ biến hơn ở ngăn đá và có tác dụng điều chỉnh lượng gió. Trên thanh trượt này cũng được quy định 3 mức là thấp (MIN) - trung bình (MID) - cao (MAX). Bởi vậy người dùng chỉ cần trượt thay trượt để vị trí với ký hiệu tương ứng để điều chỉnh độ mát của ngăn đông đá.
Mức làm mát trung bình được khuyến khích cài đặt cho tủ lạnh, vừa hiệu quả vừa tiết kiệm điện (Ảnh minh hoạ)
Nhiều tủ lạnh có cả nút điều chỉnh mức làm mát dạng thanh trượt (Ảnh minh hoạ)
Mẹo tiết kiệm điện với tủ lạnh
Bên cạnh việc điều chỉnh mức nhiệt độ của tủ lạnh, dưới đây cũng là một số lời khuyên khác để các dùng sử dụng thiết bị vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm.
1. Vị trí đặt tủ lạnh phù hợp
Theo các chuyên gia, vị trí đặt tủ lạnh không phù hợp sẽ ảnh hưởng tới quá trình tản nhiệt của tủ lạnh, từ đó dẫn tới lãng phí điện năng. Bởi vậy khi chọn vị trí cho tủ lạnh, người dùng cần ưu tiên thiết bị được tản nhiệt tốt. Không nên đặt tủ quá sát tường hay quá sát các nguồn nhiệt khác như bếp nấu, nồi cơm, lò vi sóng hay nơi có ánh nắng mặt trời trực tiếp.
Tủ lạnh nên được đặt ở nơi tản nhiệt tốt (Ảnh minh hoạ)
2. Hạn chế mở cửa tủ lạnh quá lâu
Nhiều người dùng có thói quen mở cửa tủ lạnh trong thời gian dài để "khảo sát" tình trạng bên trong thiết bị. Số khác lại thường xuyên vô tình quên đóng tủ sau khi đã lấy hoặc đưa thực phẩm vào. Chuyên gia đánh giá những thói quen trên vô tình khiến điện năng tủ lạnh tiêu thụ gia tăng, gây lãng phí.
Cũng bởi vậy mà hiện nay nhiều dòng tủ lạnh thông minh đời mới được trang bị tính năng phát ra tín hiệu, báo cho người dùng biết thời gian mở cửa tủ lạnh đã quá dài, cần kiểm tra và đóng cửa thiết bị lại.
Nên hạn chế việc mở tủ lạnh quá lâu (Ảnh minh hoạ)
3. Kiểm tra, vệ sinh tủ lạnh định kỳ
Kiểm tra và vệ sinh tủ lạnh định kỳ không chỉ giúp thiết bị luôn hoạt động hiệu quả mà còn giúp tiết kiệm điện năng. Cụ thể, tủ lạnh sử dụng lâu ngày sẽ không tránh khỏi có nhiều bụi bẩn bám vào các lỗ cung cấp khí lạnh, máy nén từ đó phải hoạt động nhiều hơn để cung cấp đủ độ mát, từ đó tốn điện hơn. Hay dàn ngưng của tủ lạnh khi không được kiểm tra, vệ sinh kịp thời cũng sẽ suy giảm hiệu quả, dẫn đến tủ lạnh tản nhiệt kém, cũng tốn điện hơn.
Hay một phận rất nhỏ ở cửa tủ lạnh có nguy cơ cao bị hư hỏng sau thời gian dài, đó là gioăng cao su. Gioăng cao su hỏng đồng nghĩa với việc tủ lạnh không được đóng kín hoàn toàn, hơi lạnh thoát ra ngoài, gây lãng phí điện.
Ảnh minh hoạ
Tốt hơn hết người dùng nên tiến hành vệ sinh tủ lạnh định kỳ 2-3 tháng/lần, còn kiểm tra và sửa chữa thì nên 6-12 tháng/lần.
Theo Đời sống Pháp luật