Điện Biên: Trèo đèo, lội suối tiêm 50.000 mũi vaccine COVID-19

VĂN THÀNH CHƯƠNG| 21/06/2022 13:47

Điện Biên – Với hơn 50.000 liều vaccine COVID-19 có nguy cơ phải hủy do hết hạn, ngành y tế đứng trước những áp lực rất lớn. Thế nhưng, chỉ trong vòng chưa đến 1 tuần nỗ lực, nhiệm vụ tưởng chừng “bất khả thi” đã cơ bản hoàn thành.

Điện Biên: Trèo đèo, lội suối tiêm 50.000 mũi vaccine COVID-19
Thành viên các tổ tiêm chủng vaccine COVID-19 phải chèo đèo, lội suối đến từng thôn, bản. Ảnh: PGN

Nỗ lực để không phải hủy vaccine COVID-19 do hết hạn

Theo Giám đốc Sở Y tế Điện Biên, để đạt được "kỳ tích" như vậy, bên cạnh sự nỗ lực, ngày đêm khắc phục mọi khó khăn của cán bộ ngành y tế còn có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền.

Đặc biệt là tại các địa phương vùng sâu, vùng khó khăn, cán bộ y tế phải trèo đèo, vượt suối, băng rừng trong thời tiết mưa lũ để đến từng thôn bản vận động, tuyên truyền và tiêm vaccine cho người dân. Do vậy, chỉ trong vòng chưa đến 1 tuần, hàng chục nghìn người đã được tiêm đúng đối tượng và không còn nguy cơ phải hủy vaccine do hết hạn.

Chiều 20.6, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Phạm Giang Nam – Giám đốc Sở Y tế Điện Biên cho biết, hiện chỉ còn lại khoảng 7.000 liều vaccine COVID-19 có hạn sử dụng đến 26.6, trong khi ngành y tế vẫn đang nỗ lực ngày đêm để triển khai tiêm, quyết không xảy ra tình trạng phải hủy vaccine do hết hạn.

Ông Phạm Giang Nam - Giám đốc Sở Y tế Điện Biên tiêm vaccine COVID-19 mũi 4 tại điểm tiêm chủng khi đi kiểm tra.
Ông Phạm Giang Nam - Giám đốc Sở Y tế Điện Biên tiêm vaccine COVID-19 mũi 4 tại điểm tiêm chủng khi đi kiểm tra.

“Bộ Y tế đã đồng ý cho đổi 20.000 liều vaccine có hạn sử dụng đến 26.6 nhưng tỉnh Điện Biên chỉ phải đổi 12.000 liều. Trong 5 ngày tới, lực lượng y tế toàn tỉnh vẫn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân triển khai tiêm nên sẽ không còn nguy cơ phải hủy vaccine do hết hạn” - ông Phạm Giang Nam khẳng định.

Trước đó, ngày 15.6, Báo Lao Động đã có bài phản ánh “Điện Biên: Hàng chục nghìn liều vaccine COVID-19 có nguy cơ phải hủy”. Theo đó, đến hết ngày 15.6, tỉnh Điện Biên còn tồn trên 50 nghìn liều vaccine COVID-19 gần hết hạn và có nguy cơ cao phải hủy.

Mặc dù toàn ngành Y tế Điện Biên đã rất nỗ lực, tuy nhiên, việc triển khai tiêm vaccine COVID-19 lại gặp phải rất nhiều khó khăn do người dân không còn mặn mà với việc tiêm. Cán bộ y tế phải lập điểm tiêm chủng lưu động tại các thôn, bản để tiêm cho nhân dân theo kế hoạch nhưng tiến độ vẫn rất chậm.

Sau khi cả ngành y tế và toàn bộ hệ thống chính quyền nỗ lực vào cuộc thì người dân đã đồng ý đến tiêm vaccine COVID-19 theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Sau khi cả ngành y tế và toàn bộ hệ thống chính quyền nỗ lực vào cuộc thì người dân đã đồng ý đến tiêm vaccine COVID-19 theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trong khi đó, số lượng lớn vaccine khi tiếp nhận chỉ còn hạn sử dụng rất ngắn (hạn sử dụng đến 26.6). Trước thực trạng đó, Sở Y tế Điện Biên đã có văn bản gửi Bộ Y tế xin đổi 35.000 liều vaccine (lấy vaccine còn hạn dài) nhưng Bộ không đồng ý vì các địa phương khác cũng trong tình trạng như tương tự.

Sau khi tiếp nhận thông tin từ báo chí, Bộ Y tế đã đồng ý đổi 20.000 liều vaccine còn dài hạn cho Điện Biên. Đồng thời có công điện đề nghị UBND tỉnh Điện Biên chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế về tiêm chủng vaccine COVID-19.

Triển khai tiêm vaccine COVID-19 trong thời điểm liên tục có mưa lũ làm ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ.
Triển khai tiêm vaccine COVID-19 trong thời điểm liên tục có mưa lũ làm ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ.

“Nếu không nhận vaccine hoặc để vaccine tồn không sử dụng, trong khi vẫn còn người dân chưa được tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, để xảy ra dịch tại địa phương thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ” – Công điện nêu rõ

Khó khăn chồng khó khăn khi thực thi nhiệm vụ

Cuối tháng 5.2022, khi Điện Biên triển khai tiêm vaccine mũi 3, mũi 4, phóng viên Báo Lao Động đã có dịp theo chân tổ tiêm phòng lưu động tại các thôn, bản. Có thể thấy, đa số người dân có tâm lý chủ quan và không muốn tiêm vaccine COVID-19 nữa. Toàn tỉnh Điện Biên mỗi ngày cũng chỉ còn ghi nhận rất ít ca mắc COVID-19 và hầu hết ở thể nhẹ.

Đường đến bản vùng cao.
Đường đến bản vùng cao.

Theo đó, tại huyện biên giới Nậm Pồ, Mường Nhé, bên cạnh tâm lý chủ quan khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát cũng có nhiều người dân cho rằng “cả nhà tôi đã bị và khỏi bệnh rồi nên không tiêm nữa” hoặc “con tôi tiêm 2 mũi rồi vẫn bị COVID-19 nên không tiêm nữa”.

Trước thực trạng đó, lực lượng y tế đã phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương để làm công tác tuyên truyền, vận động người dân theo phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”.

Bên cạnh đó, người dân không đến các điểm tiêm tại trạm y tế nên lực lượng tiêm chủng phải mang theo thiết bị, vật tư đến từng thôn, bản để tiêm lưu động trong điều kiện trời mưa liên tục trong nhiều ngày.

 
Nhân viên y tế vận chuyển vật tư, thiết bị đến các điểm tiêm chủng lưu động.

Để đến được các bản, có khi các nhân viên y tế phải bỏ lại xe máy để vác bình oxy, phích vaccine và các vật tư y tế đi qua những con đường trơn trượt rất nguy hiểm. Có những bản phải đi mất 5 giờ đồng hồ mới tiếp cận người dân để tuyên truyền, vận động tiêm vaccine.

Sau những nỗ lực ngành y tế và toàn bộ hệ thống chính quyền từ tỉnh đến thôn bản cùng vào cuộc thì nhiều người dân đã đồng ý đến tiêm vaccine COVID-19 theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế. Đến chiều 20.6, Giám đốc Sở Y tế Điện Biên - ông Phạm Giang Nam đã có thể tự tin khẳng định "Điện Biên không còn nguy cơ phải hủy vaccine do hết hạn".

Bài liên quan
  • Tiêm vaccine COVID-19 mũi 4 có cần thiết không?
    Theo các chuyên gia y tế, vaccine phòng COVID-19 không tồn tại mãi trong cơ thể mà sẽ dần mất khả năng bảo vệ. Vì vậy, việc tiêm vaccine COVID-19 mũi 4 là cần thiết, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Trèo đèo, lội suối tiêm 50.000 mũi vaccine COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO