- Giá vàng: đảo chiều tăng cực mạnh
Theo cập nhật giá vàng hôm ngày 8/11, thị trường vàng trong nước đảo chiều tăng rất mạnh giá vàng nhẫn và giá vàng miếng.
Giá vàng ngày 8/11 tăng giá vàng miếng lên mức 82 triệu đồng/lượng mua vào.
Theo đó, giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 82 triệu đồng/lượng mua vào và 86 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TPHCM, giá vàng SJC ngày 8/11 đang mua vào và bán ra mức tương tự so với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng. Như vậy, so với chốt phiên trước, giá vàng SJC tăng 1 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 500.000 đồng/lượng chiều bán ra.
Giá vàng Doji hôm nay tại khu vực Hà Nội đang là 82 triệu đồng/lượng mua vào và 86 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 1 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 500.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Giá vàng Doji ngày 8/11 ở TPHCM đang mua vào và bán ra tương tự so với khu vực Hà Nội.
Giá vàng PNJ niêm yết ở mức 82 triệu đồng/lượng mua vào và 86 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 1 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 500.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước.
Giá vàng Bảo Tín Minh Châu được doanh nghiệp giao dịch ở mức 82,3 triệu đồng/lượng mua vào và 86 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 1,3 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 500.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước.
Như vậy, giá vàng trong nước hôm ngày 8/11, tăng mạnh trở lại cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên trước ở một số thương hiệu vàng lớn.
Giá vàng hôm ngày 8/11, đảo chiều tăng mạnh trở lại giá vàng nhẫn và giá vàng miếng trong nước.
Giá vàng nhẫn hôm ngày 8/11, quay đầu tăng mạnh ở một số thương hiệu vàng.
Cụ thể, giá vàng nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng tại Doji niêm yết ở ngưỡng 83,35 – 85,15 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 2,15 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 1,15 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch trước.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng nhẫn SJC loại 1-5 chỉ ở mức 82 – 84,8 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 1 triệu đồng/lượng cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên giao dịch trước.
Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá nhẫn tròn trơn ở ngưỡng 83,32 – 85,12 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 2,04 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 1,04 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch tuần trước.
Theo cập nhật giá vàng thế giới tính đến chiều 8/11 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới ngày 8/11 đảo chiều tăng mạnh với vàng giao ngay tăng 48,4 USD, lên 2.708,8 USD/ounce.
Giá vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.713,3 USD/ounce, tăng 45,3 USD so với rạng sáng cùng ngày.
Sự suy yếu của đồng USD cùng quyết định cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm như dự đoán của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giúp vàng đảo chiều và có được mức tăng hơn 1%.
- Fortune công bố Viettel là doanh nghiệp hàng đầu về tác động tích cực đến xã hội
Trong bảng xếp hạng “Change the world 2024” của Fortune, Viettel đứng thứ 3 trong hơn 50 doanh nghiệp toàn cầu có đóng góp quan trọng vào phát triển bền vững, tác động tích cực đến xã hội.
“Change the world” là bảng xếp hạng của Fortune, được thực hiện thường niên từ 2015 đến nay, tôn vinh các doanh nghiệp đóng góp quan trọng vào phát triển bền vững, có tác động tích cực đến xã hội.
Đứng thứ nhất trong “Change the world 2024” là nhóm doanh nghiệp Space X, GHG Sat, Rocket Lab vì phát triển các vệ tinh theo dõi phát thải. Grab Holdings đứng thứ hai vì đã hỗ trợ tài chính cho người làm việc thời vụ và các nhà bán hàng nhỏ lẻ. Viettel đứng thứ ba vì các nỗ lực cải thiện chất lượng giáo giục tại Việt Nam và 10 thị trường nước ngoài mà Viettel đầu tư thông qua dự án Internet trường học. Tiếp theo trong bảng xếp hạng là Maven Clinic, Cisco, Alibaba, Walmart, eBay,…
Trong 10 năm, bảng xếp hạng đã vinh danh nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn nhất thế giới như Alphabet, Microsoft, Meta, Apple, Intel, Qualcomm, Nvidia, Tencent. Các công ty lọt vào danh sách này đều thể hiện vai trò tiên phong trong việc giải quyết các vấn đề lớn của thế giới, từ biến đổi khí hậu, bất bình đẳng đến sức khỏe cộng đồng.
- Vàng được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng giá do bất ổn thương mại và lạm phát
Các nhà phân tích dự đoán nhu cầu vàng sẽ tiếp tục tăng sau chiến thắng của cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ bởi căng thẳng thương mại và sự không chắc chắn đối với đồng đô la Mỹ và các tài sản được định giá bằng đồng tiền này.
Theo GF Securities, những kỳ vọng ông Trump đắc cử kể từ đầu tháng 10 đã dẫn đến đồng đô la Mỹ tăng mạnh, giá vàng tăng, giá dầu giảm, giá đồng giảm và cổ phiếu Mỹ biến động, và hiện thị trường có khả năng giao dịch theo hướng ngược lại trong ngắn hạn.
Shen Jianguang, nhà kinh tế trưởng tại JD.com cho biết, để ứng phó với cuộc bầu cử Mỹ, "các tài sản ảo như Bitcoin và trái phiếu Mỹ đã tăng mạnh" và giá vàng cũng sẽ tăng trong dài hạn. Điều này phản ánh sự suy giảm niềm tin rộng rãi hơn vào đồng đô la Mỹ trong số các chính phủ và nhà đầu tư trên toàn thế giới.
“Đối với nhiều khu vực, đặc biệt là những khu vực có quan hệ địa chính trị căng thẳng với Mỹ, vị thế của vàng, đóng vai trò là nơi trú ẩn an toàn đáng tin cậy, là nơi lưu trữ giá trị đang ngày càng tăng”, ông cho biết.
Vàng từ lâu đã được xem là một biện pháp phòng ngừa bất ổn kinh tế và chính trị, đặc biệt là trong bối cảnh lãi suất thấp. Giá vàng đã đạt mức cao kỷ lục là 2.769,25 USD/ounce vào ngày 29/10, tăng gần 35% từ đầu năm đến nay. Vào thứ Tư (6/11), sau khi kết quả của cuộc bầu cử Mỹ trở nên rõ ràng, giá vàng giao ngay đã giảm mạnh 3,1% xuống còn 2.659,24 USD/ounce.
Trong một báo cáo được công bố vào tuần trước, UBS dự báo giá vàng sẽ đạt 2.900 USD/ounce vào cuối quý III/2025, với chiến thắng của ông Trump sẽ đẩy nhanh đà tăng này do quan điểm của ông về thuế quan, chi tiêu của chính phủ, thuế và lãi suất.
Nhà phân tích Lina Thomas của Goldman Sachs Research cho biết, giá vàng sẽ tăng lên 3.000 USD/ounce vào cuối năm tới.
Trong khi theo Nhà kinh tế Shen Jianguang, vàng sẽ đạt mức cao mới trong dài hạn, do tác động của kỷ luật tiền tệ ngày càng lỏng lẻo của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đối với vị thế toàn cầu của đồng đô la Mỹ.
- DKSH và Abcam hợp tác thúc đẩy nghiên cứu khoa học sự sống tại Việt Nam
DKSH Việt Nam chính thức ký kết thỏa thuận phân phối với Abcam, công ty khoa học sự sống đồng hành cùng các nhà nghiên cứu nhằm thúc đẩy và đổi mới trong khoa học. Quan hệ hợp tác này giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng về các giải pháp nghiên cứu khoa học sự sống tiên tiến tại thị trường Việt Nam.
Ngành Kỹ Thuật Công Nghệ của DKSH thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược với Abcam với mục tiêu nâng cao khả năng tiếp cận đến đa dạng các sản phẩm hỗ trợ các nghiên cứu thuộc khoa học sự sống tại Việt Nam. Theo đó, DKSH sẽ mở rộng năng lực bán hàng, tiếp thị, hỗ trợ ứng dụng, và dịch vụ hậu mãi để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Với mục tiêu mang đến những cải tiến khoa học nhằm giúp các chuyên gia trong ngành khoa học sự sống đạt được kết quả nhanh hơn, Abcam cung cấp danh mục sản phẩm đa dạng bao gồm các kháng thể được xác thực cao, bộ xét nghiệm và công cụ cần thiết khác trong hoạt động nghiên cứu sinh học quan trọng.
Sản phẩm của công ty được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu thuốc, chẩn đoán và nghiên cứu cơ bản, đặc biệt trong các lĩnh vực như ung thư, rối loạn thần kinh và bệnh truyền nhiễm. Thông qua mạng lưới phân phối rộng khắp và chuyên môn về thị trường của DKSH, quan hệ hợp tác này sẽ giúp tăng khả năng tiếp cận các sản phẩm của Abcam đối với các chuyên gia, phòng thí nghiệm và trung tâm nghiên cứu trên khắp Việt Nam.
Ông Rich Lane, Giám đốc Thương mại khu vực Nhật Bản và Châu Á - Thái Bình Dương tại Abcam, cho biết: “Hợp tác với DKSH Việt Nam là một bước đi chiến lược giúp Abcam hiện thực hoá tầm nhìn trở thành công ty khoa học sự sống có sức ảnh hưởng lớn nhất đối với các nhà nghiên cứu trên toàn cầu. Với kiến thức sâu rộng và năng lực của DKSH trong lĩnh vực khoa học sự sống, chúng tôi luôn tự tin sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực kỹ thuật và sản xuất để mang đến các giải pháp thúc đẩy tiến bộ khoa học. Đội ngũ DKSH đóng vai trò là chủ lực cho sự phát triển của Abcam tại thị trường Việt Nam”.
- Ồ ạt xả hàng, nhà đầu tư ngoại bán ròng tới hơn 1.200 tỷ đồng trong phiên 8/11
Nhà đầu tư ngoại chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, tiếp tục đẩy mạnh xả hàng và đã bán ròng tới hơn 1.200 tỷ đồng trong phiên 8/11.
Trên sàn giao dịch HOSE, nhà đầu tư nước ngoài mua vào hơn 26 triệu đơn vị, tổng giá trị 855,72 tỷ đồng, giảm 47,53% về khối lượng và 43% về giá trị so với phiên hôm qua (ngày 7/11).
Ở chiều ngược lại, khối này bán ra 62,45 triệu đơn vị, giá trị đạt 2.024,23 tỷ đồng, tăng 10,1% về khối lượng và 6,9% về giá trị so với phiên trước.
Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 36,44 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng đạt 1.168,51 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần về lượng và gần 3 lần về giá trị so với phiên trước đó.
Hôm nay, khối ngoại mua ròng mạnh nhất cổ phiếu HPG với khối lượng 1,59 triệu đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng đạt 43,26 tỷ đồng. Các cổ phiếu còn lại chỉ được mua ròng trên dưới 10 tỷ đồng.
Trái lại, khối này bán ròng mạnh nhất cổ phiếu CMG với giá trị đạt 172,74 tỷ đồng, tương đương khối lượng bán ròng đạt 3,18 triệu đơn vị. Tuy nhiên, VHM vẫn là mã dẫn đầu danh mục bị bán ròng mạnh về khối lượng, đạt 3,93 triệu đơn vị, giá trị bán ròng tương ứng đạt 159,81 tỷ đồng.
Các mã bị bán ròng mạnh tiếp theo là MSN đạt 132,5 tỷ đồng, MWG đạt 81,12 tỷ đồng, STB đạt 79,38 tỷ đồng, VPB đạt 68,5 tỷ đồng…
Trên sàn giao dịch HNX, khối ngoại mua vào 999.590 đơn vị, giá trị đạt 27,2 tỷ đồng, tăng 11,64% về lượng và 48,55% về giá trị so với phiên trước.
Ở chiều ngược lại, khối này bán ra 1,61 triệu đơn vị, giá trị bán ra đạt 50,91 tỷ đồng, giảm 16,5% về lượng nhưng tăng 14,53% về giá trị so với phiên trước.
Do đó, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 606.890 đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng đạt 23,71 tỷ đồng, giảm 40,98% về lượng và 9,3% về giá trị so với phiên trước đó.
Hôm 8/11, khối ngoại mua ròng mạnh nhất cổ phiếu PVS với khối lượng 166.060 đơn vị, giá trị mua ròng đạt 6,36 tỷ đồng.
Trái lại, khối này bán ròng mạnh nhất cổ phiếu IDC với khối lượng 471.100 đơn vị, giá trị bán ròng đạt 26,91 tỷ đồng.
Trên thị trường UPCoM, khối ngoại mua vào 746.700 đơn vị, giá trị mua vào đạt 46,18 tỷ đồng, giảm 16% về lượng nhưng tăng gấp hơn 3 lần về giá trị so với phiên trước.
Ngược lại, khối này bán ra 671.680 đơn vị, giá trị bán ra là 65,57 tỷ đồng, giảm 43,6% về lượng nhưng tăng gấp hơn 3,6 lần về giá trị so với phiên trước đó
Do đó, khối ngoại đã mua ròng 75.020 đơn vị, giá trị là bán ròng 19,39 tỷ đồng; trong khi phiên trước đó bán ròng 301.450 đơn vị, giá trị bán ròng đạt 2,98 tỷ đồng.
Cụ thể, khối ngoại mua ròng mạnh nhất ACV với giá trị đạt 1,15 tỷ đồng (9.620 đơn vị); còn bán ròng mạnh nhất MCH với giá trị đạt 21,52 tỷ đồng (100.100 đơn vị).
Tính chung trên toàn thị trường trong phiên 8/11, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 36,97 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng đạt 1.211,61 tỷ đồng, gấp gần 4,5 lần về lượng và gấp gần 3 lần về giá trị so với phiên giao dịch hôm qua ngày 7/11 (bán ròng 419 tỷ đồng).