Điểm tin kinh doanh 8/8: WGC: Kinh tế đi xuống khiến nhu cầu vàng ở Việt Nam giảm 9%

Việt Báo (Tổng hợp)| 08/08/2023 06:00

BVSC: Về trung hạn, VN-Index sẽ hướng đến mục tiêu 1.300-1.350 điểm; Giá USD trên thị trường tự do tăng mạnh

gia-vang-hom-nay-18-7-1-1689645643-246-width1400height933.jpg

- WGC: Kinh tế đi xuống khiến nhu cầu vàng ở Việt Nam giảm 9%

Trong một báo cáo mới công bố về xu hướng nhu cầu vàng, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết nhu cầu tiêu thụ vàng của Việt Nam sụt giảm trong quý 2 vừa qua, với mức giảm mạnh hơn so với toàn cầu...

Theo số liệu được báo cáo đưa ra, tổng lượng tiêu thụ vàng tại Việt Nam trong thời gian từ đầu tháng 4 đến hết tháng 6/2023 giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 12,7 tấn từ mức 14 tấn của quý 2/2022.

Trong đó, nhu cầu vàng miếng giảm 5%, còn 9,1 tấn từ mức 9,6 tấn của quý 2/2022. Hu cầu vàng trang sức giảm 18%, còn 3,7 tấn từ mức 4,5 tấn cùng kỳ năm ngoái.

Nhận định về thị trường vàng Việt Nam trong quý 2, ông Shaokai Fan - Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc phụ trách mảng ngân hàng trung ương toàn cầu của WGC, nói: “Cũng giống như các thị trường khác trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhu cầu vàng của người tiêu dùng tại Việt Nam đã giảm trong quý 2 vừa rồi. Tình trạng suy giảm kinh tế Việt Nam trong hai quý liên tiếp đã tác động đến tâm lý thị trường và nhu cầu tiêu thụ trang sức. Nhu cầu mua vàng miếng cũng bị hạn chế do tính thanh khoản thấp, cộng thêm chịu tác động từ sự suy thoái của thị trường chứng khoán và bất động sản”.

- BVSC: Về trung hạn, VN-Index sẽ hướng đến mục tiêu 1.300-1.350 điểm

Trong ngắn hạn, theo BVSC, VN-Index đang đối điện khả năng điều chỉnh, còn về trung hạn VN-Index sẽ hướng đến mục tiêu 1.300 - 1.350 điểm.

Theo báo cáo đánh giá triển vọng chứng khoán tháng 8 của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tháng 7/2023, VN-Index đạt 1.222,9 điểm, tăng mạnh 21,43% so với cuối năm ngoái. Định giá của thị trường đã tăng lên đáng kể so với vùng đáy 11/2022, P/E của nhóm ngành phi tài chính (sau khi loại bỏ bất động sản) cũng đã lên mức đỉnh nhiều năm, có thể tạo ra một số áp lực điều chỉnh.

"Bước sang tháng 8 là thời điểm thị trường tương đối thiếu vắng các thông tin hỗ trợ mới, đồng thời tiềm ẩn một số rủi ro", các chuyên gia BVSC nhận định.

Cụ thể, giá thị trường đã tăng lên đáng kể so với vùng đáy tháng 11/2022. Bên cạnh đó, hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) của nhóm ngành phi tài chính (trừ bất động sản) cũng đã tăng lên mức đỉnh nhiều năm; báo cáo soát xét có thể khiến nhiều cổ phiếu bị loại ra khỏi danh sách được cho vay ký quỹ (margin).

Ngoài ra, biến động đồng USD trên thị trường thế giới có thể ảnh hưởng tới tỷ giá VND và từ đó gián tiếp ảnh hưởng tới khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ.

"Trong bối cảnh thiếu vắng các thông tin hỗ trợ trong tháng 8, dòng tiền đầu cơ sẽ thiếu câu chuyện để theo đuổi. Các cổ phiếu vốn hóa lớn, định giá rẻ có thể được quan tâm hơn", BVSC nhận định.

Tuy nhiên, theo nhóm phân tích, thị trường vẫn có nhiều động lực tăng trưởng. Lợi suất trái phiếu Chính phủ bắt đầu tăng mạnh kể từ tháng 03/2022 là một trong các yếu tố chính gây áp lực giảm cho VN-Index. Hiện tại, mặt bằng lợi suất trái phiếu Chính phủ đã giảm từ đỉnh tháng 12/2022 đang là yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán.

Đặc biệt, trong giai đoạn lãi suất cao (từ tháng 10/2022 – 3/2023), tốc độ tăng trưởng tiền gửi khu vực dân cư đạt trung bình 1,82%/tháng, cao hơn nhiều so với mức trung bình 0,69% trong 9 tháng đầu năm 2022.

Lượng tiền gửi tăng đột biến do lãi suất huy động tăng cao là khoảng 400.000 tỷ đồng (thường có kỳ hạn 6-12 tháng).

"Với mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục giảm từ mức đỉnh, thị trường chứng khoán có cơ hội thu hút được một phần khoản tiền gửi đáo hạn đi tìm cơ hội đầu tư", BVSC nhận định.

Theo đó, dù trong ngắn hạn, VN-Index đang đối điện khả năng điều chỉnh, nhưng BVSC cho rằng kết quả kinh doanh cải thiện trong nửa sau 2023 và 2024 sẽ giúp đưa định giá trở lại mức hấp dẫn hơn. Về trung hạn, VN-Index sẽ hướng đến mục tiêu 1.300-1.350, BVSC kỳ vọng.

- AGM nói gì khi cổ phiếu trần 10 phiên dù thua lỗ và nợ lãi trái phiếu?

Giá cổ phiếu AGM tăng trần 10 phiên liên tiếp đến nay là do cung cầu trên thị trường chứng khoán, các quyết định giao dịch của nhà đầu tư đối với cổ phiếu AGM nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty.

CTCP Xuất Nhập khẩu An Giang (Angimex, HoSE: AGM) vừa có giải trình về việc giá cổ phiếu tăng trần 11 phiên liên tiếp từ 24/7 đến 7/8 để lên 12.650 đồng/cp trong phiên hôm nay, tức tăng 107%.

Theo AGM, hiện nay thị trường lúa gạo thế giới và Việt Nam vẫn đang tiếp tục biến động tăng giá do tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraina và ảnh hưởng của tình trạng thời tiết El Nino.

Bên cạnh đó, sau Ấn Độ thì Nga và các Tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất - UAE cũng đã cấm xuất khẩu gạo làm giá lương thực tăng vọt.

"Giá cổ phiếu AGM tăng trần 10 phiên liên tiếp đến nay là do cung cầu trên thị trường chứng khoán, các quyết định giao dịch của nhà đầu tư đối với cổ phiếu AGM nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty. Công ty không có sự tác động nào đến giá giao dịch của cổ phiếu AGM trên thị trường chứng khoán", AGM khẳng định.

- Tăng 6 tuần liên tiếp, giá dầu thế giới đạt mức cao nhất trong gần 4 tháng

Sau 6 tuần tăng liên tiếp, kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá dầu đã ở mức cao nhất trong vòng 4 tháng. Đây là chuỗi tăng theo tuần dài nhất kể từ cuối năm 2021.

Lực mua trên thị trường dầu bị thúc đẩy bởi lo ngại thâm hụt nguồn cung nửa cuối năm do động thái can thiệp mới từ các nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, Saudi Arabia và Nga. Cụ thể, giá dầu WTI đóng cửa tuần với mức tăng 2,78% lên mức 82,82 USD/thùng, giá dầu Brent tăng 2,17% lên mức 86,24 USD/thùng.

Nguyên nhân chính đẩy giá dầu tăng cao là do quyết định gia hạn việc cắt giảm tự nguyện 1 triệu thùng dầu/ngày vào tháng 9 của Saudi Arabia trong cuộc họp các Bộ trưởng thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+).

Saudi Arabia đồng thời cũng cho biết thêm rằng kế hoạch có thể sẽ được gia hạn hoặc giảm sâu hơn. Như vậy, sản lượng của Saudi Arabia dự kiến ​​sẽ vào khoảng 9 triệu thùng/ngày trong tháng 9, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2021.

- Giá USD trên thị trường tự do tăng mạnh

Tính từ giữa tháng 7 đến nay, chỉ số DXY đo sức mạnh của đồng USD đã phục hồi hơn 3%, leo lên vùng 102,22 điểm. Ở thị trường trong nước, tỷ giá tuần qua đang leo thang...

Trong tuần từ 31/7 - 4/8, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng qua các phiên. Chốt ngày 4/8, tỷ giá trung tâm ở mức 23.825 VND/USD, tăng mạnh 81 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD. Tỷ giá bán giao ngay phiên cuối tuần ở mức 24.966 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.

Tỷ giá liên ngân hàng tiếp tục giao dịch tăng – giảm đan xen qua các phiên. Chốt phiên 4/8, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.725 VND/USD, tăng tiếp 40 đồng so với phiên cuối tuần trước.

Tỷ giá trên thị trường tự do cũng tăng mạnh trong tuần qua. Chốt phiên 4/8, tỷ giá tự do tăng 100 đồng ở chiều mua vào và 80 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.730 VND/USD và 23.780 VND/USD.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 8/8: WGC: Kinh tế đi xuống khiến nhu cầu vàng ở Việt Nam giảm 9%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO