- Giá vàng: Tăng, giảm thất thường
Giá vàng hôm 6/9 giao dịch ở mức giảm 100.000 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra đối với vàng PNJ TP Hồ Chí Minh và Hà Nội; còn các loại vàng khác đều tăng 50.000 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra.
Theo ghi nhận vào chiều 6/9, giá vàng ở thị trường trong nước được niêm yết cụ thể như sau: Vàng SJC Hà Nội và SJC Đà Nẵng giao dịch ở mức 67,800 triệu đồng/lượng mua vào; 68,420 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng DOJI Hà Nội 67,700 triệu đồng/lượng mua vào; 68,450 triệu đồng/lượng bán ra; DOJI Sài Gòn 67,750 triệu đồng/lượng mua vào; 68,450 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng PNJ TP Hồ Chí Minh 56,300 triệu đồng/lượng mua vào; 57,400 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 100.000 nghìn đồng so với phiên giao dịch hôm trước đó. Giá vàng PNJ Hà Nội giao dịch ở mức 56,300 đồng/lượng.
Giá vàng thế giới đứng ở mức 1/945 USD/ounce, giảm mạnh 19 USD/ounce so với cùng giờ sáng trước đó.
Giá vàng giảm khi chịu áp bởi sự bứt phá của đồng USD. Chỉ số US Dollar Index tăng vọt lên gần mốc 105 điểm khi các nhà đầu tư tìm kiếm biện pháp phòng ngừa trước những lo ngại về tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu. Những lo lắng về tăng trưởng toàn cầu, đặc biệt là ở Trung Quốc và khu vực đồng euro, đã đẩy nhu cầu trú ẩn với đồng tiền này lên cao nhất trong nhiều tháng.
- Gojek hợp tác với Selex Motors, mở rộng thí điểm xe máy điện tại Việt Nam
Gojek công bố hợp tác với Selex Motors, công ty khởi nghiệp xe máy điện tiên phong ở Việt Nam, triển khai thí điểm sử dụng xe máy điện Selex Motors trong các dịch vụ vận chuyển hành khách, giao đồ ăn, và dịch vụ giao hàng của Gojek tại Việt Nam. Từ ngày 06/9/2023, người dùng Gojek sẽ có thể trải nghiệm dịch vụ GoRide, GoFood và GoSend với dòng xe máy điện Selex Camel ở mức giá không đổi.
Với dự án hợp tác này, các đối tác tài xế Gojek sẽ có cơ hội sử dụng xe máy điện Selex Camel khi thực hiện các đơn hàng GoRide, GoFood và GoSend trên nền tảng ứng dụng Gojek. So với xe máy chạy bằng xăng truyền thống, xe máy điện Selex Camel có thể giúp tiết kiệm lên đến 35% chi phí nhiên liệu và 50% chi phí bảo trì, giúp các tài xế tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành, đồng thời giảm lượng khí thải carbon ra môi trường.
Các mẫu xe Selex Camel sử dụng công nghệ đổi pin, cho phép người lái xe có thể đổi pin nhanh và hiệu quả trong vòng 2 phút tại trạm đổi pin chung, đạt được phạm vi vận chuyển lên tới 150 km cho một lần sạc đầy. Thông qua dự án thí điểm với Selex, đối tác tài xế Gojek có thể đổi pin miễn phí tại hơn 30 trạm đổi pin ở Hà Nội và hơn 40 trạm tại TP.HCM. Selex Camel còn được trang bị bộ sạc di động, giúp người lái xe có thể sạc tại nhà dễ dàng, đáp ứng các nhu cầu sạc khác nhau của các đối tác tài xế.
- Mắc áo thép Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ tiếp tục bị áp thuế chống bán phá giá hơn 220%
Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) vừa thông tin, sản phẩm mắc áo thép nhập khẩu từ Việt Nam tiếp tục bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá với mức thuế lên tới 220,68%. Ngoài ra, sản phẩm này cũng đang bị áp thuế chống trợ cấp với mức thuế là 31,58%.
Theo đó, Cục Phòng vệ Thương mại cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa ban hành kết luận cuối cùng của đợt rà soát hoàng hôn lần thứ 2 lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm mắc áo thép nhập khẩu từ Việt Nam.
Đây là đợt rà soát được thực hiện ngay trước khi hết thời hạn 5 năm kể từ ngày có quyết định áp thuế chống bán phá giá chính thức hoặc kể từ ngày có kết quả rà soát (nếu rà soát được tiến hành cả về biên phá giá và thiệt hại).
Tại kết luận này, do không có doanh nghiệp Việt Nam nào tham gia rà soát nên Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) quyết định tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm mắc áo thép nhập khẩu từ Việt Nam với mức thế 220,68% (trừ 3 công ty được áp dụng thuế suất riêng là 157%). Được biết, so với mức thuế hiện hành được áp dụng từ tháng 2/2023 thì mức thuế này là không thay đổi.
- Tăng một mạch 6 phiên, VN-Index lên mức cao nhất năm
6 phiên tăng liên tiếp đã giúp chỉ số VN-Index có thêm hơn 60 điểm, cán mốc 1.245 điểm, cũng là mốc cao nhất năm. Thanh khoản khớp lệnh tăng mạnh, riêng sàn HoSE khớp lệnh khoảng 23.700 tỷ đồng, tương đương khoảng 1 tỷ USD.
Phiên 6/9, chỉ số VN-Index tăng 10,52 điểm, tương đương 0,85%, lên 1.245,5 điểm. Đây là phiên tăng thứ 6 liên tiếp của VN-Index, đưa chỉ số này lên mức cao nhất trong năm.
Cổ phiếu chứng khoán giao dịch rất tích cực trong "ngày vui" của thị trường. Theo đó, SSI tăng 1,95%, VND tăng 2,13%, VCI tăng 2,15%, HCM tăng 1,64%, VIX tăng 2,29%, BSI tăng 5,08%, ORS tăng 4,13%, FTS tăng kịch trần.
Cổ phiếu thép cũng là tâm điểm của thị trường khi HPG tăng tới 4,32%, HSG và NKG đồng loạt tăng kịch biên độ. Các cổ phiếu sản xuất khác nhìn chung cũng diễn biến khả quan, trong đó, MSN tăng 1,47%, DCM tăng 1,42%, DPM tăng 1,34%, VHC tăng 1,69%, DHC và BMP tăng kịch trần.
Nhóm ngân hàng không nằm ngoài xu hướng chung. Trong đa số cổ phiếu tăng, có thể kể đến VPB tăng 3,81%, SSB tăng 1,09%, STB tăng 1,07%, OCB tăng 3,5%. Riêng BID giảm nhẹ 0,42%.
Ở nhóm bất động sản, sắc xanh cũng là chủ đạo. Cụ thể, VHM tăng 1,08%, NVL tăng 1,87%, DIG tăng 1,73%, PDR tăng 2,61%, TCH tăng 2,69%, HDC tăng 4,97%, DXS tăng 2,26%, CTD tăng 2,6%, SZC tăng 2,39%, QCG tăng kịch biên độ.
Cổ phiếu năng lượng và bán lẻ giao dịch tích cực: GAS tăng 1,91%, PGV tăng 2,56%, PLX tăng 0,38% còn POW đứng giá tham chiếu; MWG, PNJ và FRT lần lượt có thêm 1,29%, 0,75% và 2,66% giá trị.
Cổ phiếu hàng không phân hóa hơn khi VJC tăng 1,19% còn HVN giảm 1,11%.
Toàn sàn HoSE có 356 mã tăng giá, 70 mã đứng giá tham chiếu và 145 mã giảm giá. Thanh khoản khớp lệnh ở mức cao, lên đến 23.698 tỷ đồng.
- Top 3 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam 8 tháng đầu năm
Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong 8 tháng của năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu gạo đến khoảng 30 thị trường, trong đó thị trường lớn tập trung vào Trung Quốc, Philippines, Indonesia.
Theo số liệu Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong 7 tháng đầu năm 2023, trong số trên dưới 30 thị trường xuất khẩu gạo thì Philippines là thị trường lớn nhất của Việt Nam, tiếp đến là Trung Quốc, Indonesia, Malaysia. Sang tháng 8, những thị trường này tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong xuất khẩu gạo.
Trên các thị trường giao ngay, giá gạo thậm chí đã tăng mạnh hơn rất nhiều. Số liệu cập nhật ngày 31/8 từ VFA, giá gạo xuất khẩu của nước ta tiếp tục được điều chỉnh tăng. Hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực là gạo 5% tấm và gạo 25% tấm đồng loạt tăng 5 USD/tấn, lên các mức lần lượt là 643 USD/tấn và 628 USD/tấn.
Như vậy, giá gạo xuất khẩu nước ta vẫn dẫn đầu thế giới và chưa hạ nhiệt, ngay cả khi đã neo cao nhất trong hơn một thập kỷ. So với ngày 19/7, giai đoạn bắt đầu chuỗi tăng phi mã, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta đã tăng 20%. Còn so với ngày đầu năm nay, hiện giá gạo 5% tấm đã tăng tới 185 USD/tấn, tương đương 40,3%; trong khi đó, gạo 25% tấm tăng vọt hơn 43%, với tổng mức tăng tích lũy đạt tới 185 USD/tấn.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước đạt 3,17 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước. Giá gạo xuất khẩu bình quân trong 8 tháng đạt 542 USD/tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.
Với lượng gạo xuất khẩu 6 – 8 triệu tấn/năm, hiện Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia gạo xuất khẩu nhiều nhất thế giới, đứng sau Ấn Độ và Thái Lan. Gạo Việt theo đó được xuất khẩu sang 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.