- Thị trường vàng trong nước 'chìm nghỉm'
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn mạnh tay thu hẹp chênh lệch giá mua và bán của cả vàng miếng SJC và vàng 9999 nhằm khuấy động thị trường.
Chiều ngày 6-3, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,15 triệu đồng/lượng (mua) và 66,85 triệu đồng/lượng (bán), giảm 50.000 đồng mỗi lượng ở cả hai chiều so với cuối tuần qua.
Tập đoàn vàng bạc đá quý Phú Nhuận giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều mua và giảm 150.000 đồng/lượng ở chiều bán so với giá chốt phiên tuần trước, neo giá mua và bán vàng miếng SJC ở mức 66,15 – 66,8 triệu đồng/lượng.
Tương tự, ngân hàng Eximbank giảm 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với giá đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua, công bố giá vàng miếng SJC ở mức 66,2 – 66,7 triệu đồng/lượng.
Sau hai tuần gần đây, nhiều phiên giá vàng miếng SJC đảo chiều tăng nhưng chưa thể lấy lại mốc 67 triệu đồng/lượng.
Đối với các loại vàng 9999, phần lớn doanh nghiệp kinh doanh vàng đều điều chỉnh tăng giá. Đơn cử như tại cửa hàng vàng Mi Hồng, giá vàng nữ trang 24K được tăng thêm 100.000 đồng/lượng ở chiều mua nhưng vẫn giữ nguyên giá chiều bán, niêm yết giá vàng nhẫn 24K ở mức 53,5 – 54 triệu đồng/lượng.
Tương tự, Công ty vàng bạc đá quý Sacombank - SBJ cũng cộng thêm 160.000 đồng/lượng ở cả hai chiều, kéo giá vàng nhẫn tròn trơn lên vùng giá 52,98 – 53,88 triệu đồng/lượng (mua – bán).
Hiện sức mua trên thị trường rất yếu, phần lớn cửa hàng vàng đều thu hẹp chênh lệch giá mua-bán của cả vàng miếng SJC lẫn vàng 9999 chỉ còn khoảng 500.000 – 600.000 đồng/lượng thay vì neo độ vênh lên đến 1 triệu đồng/lượng như vài tháng trước đây.
Trên thị trường quốc tế, giá kim loại quý giao dịch ở mức 1.853 USD/ounce, giảm khoảng 4 USD/ounce so với giá cuối tuần qua.
Giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại tương đương 53,3 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng miếng SJC khoảng 13,5 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng trang sức 24K từ 500.000 – 700.000 đồng/lượng.
- Đối tác của Apple đầu tư 280 triệu USD cho nhà máy mới ở Việt Nam
Do căng thẳng Mỹ-Trung, những đối tác của Apple phải tìm khu vực mới để chuyển nhà máy sản xuất.
Một trong những đối tác sản xuất AirPods của Apple, công ty GoerTek có thể phải chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc do căng thẳng chính trị leo thang. Theo Bloomberg, Phó chủ tịch GoerTek, ông Kazuyoshi Yoshinaga cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng công ty đang đầu tư thêm 280 triệu USD vào một nhà máy mới ở Việt Nam. Ngoài ra, họ cũng cân nhắc thêm việc mở rộng sản xuất sang Ấn Độ.
Trong đó, 9/10 nhà cung cấp quan trọng nhất của Apple có thể đang chuẩn bị di chuyển nhà máy với quy mô lớn đến các quốc gia như Ấn Độ hay Việt Nam. Bloomberg Intelligence ước tính các công ty sản xuất có thể mất tới 8 năm để chuyển 10% công suất lắp ráp các thiết bị của Apple ra khỏi Trung Quốc.
- Phụ nữ Việt sẵn sàng chi nhiều tiền “đi cafe” hơn đàn ông
Phụ nữ Việt sẵn sàng chi nhiều tiền hơn đàn ông cho việc “đi café”. Đó là thông tin được đưa ra trong báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2022 vừa được công bố. Báo cáo được thực hiện bởi iPos, VIRAC và cộng đồng chuyên trang F&B Việt Nam.
Theo đó, trên tổng hàng nghìn người tham gia khảo sát, số lượng người có tần suất sử dụng dịch vụ đồ uống bên ngoài từ 1-2 lần mỗi tháng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất với tỷ lệ 53,3%. Theo sau là tần suất từ 1-2 ngày/tuần.
Khảo sát cũng cho thấy, khách hàng giới tính nam có xu hướng đi cà phê hàng ngày lớn hơn so với phụ nữ. Tuy nhiên, thống kê lại thấy phụ nữ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho việc “đi café”.
Cụ thể, thống kê chung, 58% thực khách sẵn sàng dành từ 40.000 đồng cho mỗi lần sử dụng đồ uống. Trong đó, 44% sẵn sàng chi tiêu từ 41.000 - 70.000 đồng và 14% sẵn sàng chi tiêu từ 70.000 đồng.
Xét theo giới tính, mức chi tiêu từ 41.000 - 70.000 đồng/lần cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất đối với nữ. Tuy nhiên, con số này có xu hướng giảm đi đối với nam giới khi đây chỉ là mức chi tiêu phổ biến đứng thứ 2 với tỷ lệ 35% đối với nhóm giới tính này. Đối với giới tính nam, mức giá 20.000 - 40.000 đồng là phổ biến nhất.
- VinGroup thành lập công ty cho thuê xe và taxi điện VinFast
Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng quyết định thành lập Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh GSM (Green – Smart – Mobility), chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê ô tô, xe máy điện và dịch vụ taxi VinFast. Đây là mô hình dịch vụ vận tải phức hợp xanh lần đầu tiên được triển khai trên thế giới nhằm phổ cập trải nghiệm di chuyển điện hóa, qua đó thúc đẩy lối Sống Xanh bền vững cho cộng đồng.
Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh GSM có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, do Chủ tịch TĐ Vingroup - Ông Phạm Nhật Vượng thành lập với 95% tỷ lệ cổ phần. GSM hoạt động trong 2 mảng chính: cho thuê Ô tô - Xe máy điện và Taxi điện.
Cụ thể, GSM sẽ cho các hãng dịch vụ vận chuyển như taxi, xe ôm công nghệ và nhân viên của họ thuê ô tô - xe máy điện để chở khách. Đồng thời, GSM cũng tự vận hành dịch vụ taxi bằng ô tô điện. Theo kế hoạch, hãng taxi thuần điện đầu tiên tại Việt Nam do GSM thành lập sẽ đi vào hoạt động ngay trong tháng tới tại Hà Nội, tiến tới phủ sóng toàn quốc trong năm 2023.
Toàn bộ xe do GSM cung cấp và sử dụng là ô tô và xe máy điện VinFast, với quy mô đầu tư là 10.000 ô tô và 100.000 xe máy.
- Giới buôn hàng hóa toàn cầu đạt được lợi nhuận kỷ lục 115 tỉ đô la Mỹ
Ngành kinh doanh hàng hóa nguyên liệu thô thu về lợi nhuận kỷ lục hơn 115 tỉ đô la Mỹ trong năm ngoái khi giá cả năng lượng biến động mạnh sau cuộc xung đột Nga-Ukraine tạo thuận lợi cho các giao dịch chênh lệch giá trên thị trường, theo báo cáo của hãng tư vấn quản lý Oliver Wyman (Mỹ) công bố hôm 5-3.
Báo cáo cho biết, tổng lợi nhuận giao dịch trong lĩnh vực buôn bán hàng hóa, bao gồm ở các đơn vị kinh doanh của ngân hàng, quỹ phòng hộ, các công ty thương mại độc lập và bộ phận tự doanh của cá công ty sản xuất hàng hóa, tăng vọt lên 115 tỉ đô la, cao 60% so với năm trước và cao hơn gần ba lần so với mức trước đại dịch.
Nhờ ngân sách tài chính dồi dào, các hãng buôn bán hàng hóa lớn nhất thế giới như Trafigura, Vitol và Glencore chiếm phần lớn con số lợi nhuận nói trên.
Trong số các hạng mục hàng hóa, khí đốt tự nhiên, điện và carbon đóng góp mức tăng trưởng lớn nhất, với lợi nhuận từ ba phân khúc này tăng 90% vào năm 2022 so với năm trước. Trong khi đó, lợi nhuận từ mảng giao dịch dầu thô, khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), kim loại và khoáng sản, hàng hóa nông nghiệp và thực phẩm ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận từ 45-55%.