- Giá vàng hôm 6/2: Tăng thẳng đứng sau tuần ảm đạm
Giá vàng thế giới tăng mạnh sau đợt bán tháo chốt lời cuối tuần trước, hướng trở lại mức 1.900 USD/ounce trong tuần này.
Mở cửa thị trường ngày 6/2, giá vàng 9999 hôm nay của SJC tăng 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào nhưng giảm 100 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước.
Chốt phiên giao dịch cuối tuần 4/2, giá vàng miếng 9999 tại SJC TP.HCM là 66,4 triệu đồng/lượng (mua vào) - 67,4 triệu đồng/lượng (bán ra). SJC Hà Nội niêm yết giá vàng ở mức 66,4 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,42 triệu đồng/lượng (bán ra).
Doji Hà Nội niêm yết giá vàng ở mức 66,2 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,2 triệu đồng/lượng (bán ra). Doji TP.HCM mua vàng SJC ở mức 66,2 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 67,2 triệu đồng/lượng.
Tỷ giá trung tâm ngày 6/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.611 đồng/USD, tăng 5 đồng so với cuối tuần qua. Giá USD ở các ngân hàng thương mại sáng nay (6/2) được giao dịch quanh mốc 23.270 đồng/USD (mua vào) và 23.640 đồng/USD (bán ra).
Tới 9h34' hôm ngày 6/2, giờ Việt Nam, giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.874,2 USD/ounce, tăng 22,9 USD/ounce so với đêm qua. Giá vàng giao tương lai tháng 4 trên sàn Comex New York ở mức 1.888,1 USD/ounce, tăng 33,8 USD/ounce so với đêm qua.
Sáng 6/2, vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá hơn 53,41 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế và phí), thấp hơn khoảng 12,91 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên giao dịch ở mức 1.864,3 USD/ounce. Giá vàng giao kỳ hạn giao dịch ở mức 1.865,3 USD/ounce.
- Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương giảm bớt trung gian phân phối xăng dầu
Bộ Tài chính có công văn gửi Bộ Công Thương đề nghị rà soát, đánh giá, giảm bớt số lượng khâu trung gian phân phối xăng dầu.
Cụ thể, tại công văn số 973 /BTC-QLG gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương rà soát, đánh giá, giảm bớt số lượng khâu trung gian phân phối xăng dầu; nghiên cứu quy định mức thù lao tối thiểu để đảm bảo hoạt động cho các đơn vị bán lẻ, ổn định nguồn cung trong kinh doanh xăng dầu, tránh tình trạng kho có hàng mà không bán cho người dân vì cửa hàng lỗ.
Đồng thời, nghiên cứu mỗi đại lý xăng dầu được mua xăng dầu của các công ty phân phối khác về xăng dầu (ngoài nhà cung cấp đại lý), trừ trường hợp có ràng buộc hợp đồng nhưng khi nhà phân phối hết hàng đại lý được phép mua nhà phân phối khác để bán.
Quy định chất lượng xăng dầu sản xuất trong nước phù hợp với xăng dầu nhập khẩu để xăng dầu nhập khẩu và xăng dầu trong nước cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, công ty nhập khẩu xăng dầu không bị thiệt hại.
- Vietnam Airlines có thể bị hủy niêm yết cổ phiếu tại HOSE vì lỗ kéo dài
Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) vừa có văn bản gửi Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines) lưu ý về khả năng bị hủy niêm yết cổ phiếu do kinh doanh thua lỗ kéo dài.
Trong văn bản này, HOSE thông báo Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines) về khả năng cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ và/hoặc vốn chủ sở hữu là số âm.
Theo báo cáo tài chính của Vietnam Airlines, trong quí 4-2022, chi phí tài chính của Vietnam Airlines tăng gấp 3,6 lần cùng kỳ, lên hơn 1.000 tỉ đồng, chủ yếu là lỗ chênh lệch tỷ giá và lãi vay. Cộng thêm vào đó là chi phí bán hàng tăng lên hơn 1.000 tỉ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ dẫn đến Vietnam Airlines lỗ ròng gần 2.700 tỉ đồng trong quí 4-2022, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 1.000 tỉ đồng.
Tính chung cả năm 2022, Vietnam Airlines lỗ ròng 10.400 tỉ đồng, dù doanh thu gấp 2,5 lần cùng kỳ, đạt 70.500 tỉ đồng. Theo lý giải của Vietnam Airlines, kết quả thua lỗ quí 4-2022 là do thị trường quốc tế phục hồi chậm, chi phí nhiên liệu tăng mạnh, xung đột Nga-Ukraine, các biến động về tỷ giá và lãi suất tăng.
Với 12 quí lỗ liên tiếp, Vietnam Airlines đang lỗ lũy kế hơn 34.000 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 10.000 tỉ đồng. Điều này đồng nghĩa cổ phiếu của Vietnam Airlines đối diện với nguy cơ bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục lỗ ròng hoặc vốn chủ sở hữu là con số âm.