Điểm tin kinh doanh 6/2: Giá vàng tuần này khó tăng

Việt Báo (Tổng hợp)| 06/02/2023 06:00

Giá vàng tuần này khó tăng; Bộ Tài chính đề nghị nghiên cứu quy định thù lao tối thiểu cho DN bán lẻ xăng dầu

- Giá vàng tuần này khó tăng

Với đà lao dốc của giá vàng thế giới phiên cuối tuần, nhiều chuyên gia dự báo giá kim loại quý khó tăng trong tuần này.

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên giao dịch ở mức 1.864,3 USD/ounce. Giá vàng giao kỳ hạn giao dịch ở mức 1.865,3 USD/ounce. Tính theo tuần, giá vàng giao ngay giảm 3,7%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể đầu tháng 10.

Yếu tố tác động tới giá vàng tuần qua là phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell. Ông nhấn mạnh, Ngân hàng Trung ương Mỹ còn nhiều việc phải làm và cần thêm các dấu hiệu cho thấy lạm phát đang giảm. “Hiện vẫn còn quá sớm để ăn mừng”, ông nói.

Theo Everett Millman, chuyên gia về kim loại quý của Gainesville, giá vàng đang trong mức hỗ trợ. Nếu không giữ được mức đó, vàng sẽ giao dịch quanh 1.850 USD/ounce và sau đó giảm về 1.800 USD/ounce.

Ông lạc quan, triển vọng của giá vàng vẫn tốt. Dù Fed có hành động như thế nào, giá vàng vẫn sẽ hoạt động tốt trong thời gian tiếp theo. Tác động giảm giá vàng chỉ trong ngắn hạn, không thay đổi cơ bản triển vọng của vàng.

Theo dữ liệu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), một động lực cần chú ý là hoạt động mua vàng của ngân hàng trung ương. Số lượng vàng giao dịch lên tới 1.136 tấn trong quý I/2023, mức cao nhất kể từ năm 1967.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần 4/2, giá vàng miếng 9999 tại SJC TP.HCM là 66,4 triệu đồng/lượng (mua vào)- 67,4 triệu đồng/lượng (bán ra). SJC Hà Nội niêm yết ở mức 66,4 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,42 triệu đồng/lượng (bán ra).

Doji Hà Nội niêm yết ở mức 66,2 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,2 triệu đồng/lượng (bán ra). Doji TP.HCM mua vàng SJC ở mức 66,2 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 67,2 triệu đồng/lượng.

Với mức giá ở thời điểm hiện tại, giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước khoảng 13,64 triệu đồng/lượng.

- Bộ Tài chính đề nghị nghiên cứu quy định thù lao tối thiểu cho DN bán lẻ xăng dầu

Bộ Tài chính vừa có văn bản góp ý gửi Bộ Công Thương về việc sửa đổi Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu sau khi phía Bộ Công Thương có dự thảo Nghị định lần 2. Quan điểm của Bộ Tài chính là sửa Nghị định theo hướng giao thống nhất một đầu mối về Bộ Công Thương.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất giao Bộ Công Thương đảm nhận hết phần việc của Bộ Tài chính đang làm hiện nay. Bộ Tài chính sẽ chỉ thực hiện chức năng thanh, kiểm tra theo đúng quy định.

Hiện, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, đồng thời là cơ quan chủ trì điều hành giá xăng dầu. Trong khi đó, Bộ Tài chính thực hiện việc giám sát trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá, rà soát tính toán công bố các khoản định mức để tính giá cơ sở.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công Thương rà soát, đánh giá, giảm bớt số lượng khâu trung gian phân phối xăng dầu; nghiên cứu quy định mức thù lao tối thiểu (chiết khấu) đại lý bán lẻ xăng dầu đảm bảo hoạt động cho các đơn vị bán lẻ ổn định nguồn cung trong kinh doanh xăng dầu. Tránh tình trạng có hàng mà không bán cho người dân vì cửa hàng lỗ.

"Đồng thời, nghiên cứu mỗi đại lý xăng dầu được mua hàng của các công ty phân phối khác về xăng dầu", Bộ đề xuất.

Đặc biệt, tại văn bản góp ý, Bộ Tài chính cho biết Bộ Công Thương nhận định một trong những nguyên nhân khiến thị trường, nguồn cung xăng dầu bất ổn là do các chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ...

"Tuy nhiên, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương bỏ nhận định chủ quan và chưa chính xác nêu trên trong dự thảo tờ trình Thủ tướng", văn bản nêu rõ.

Theo Bộ Tài chính, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới (hiện chiếm tỷ trọng từ 60% đến 80% tùy từng chủng loại trong công thức tính giá cơ sở).

- Gần 1,7 tỉ USD vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong tháng 1/2023

Trong 20 ngày đầu năm 2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 1,69 tỉ USD.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/1/2023, cả nước có 153 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt hơn 1,2 tỉ USD, tăng 48,5% về số dự án và tăng hơn 3,1 lần về số vốn cam kết so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, có 89 lượt dự án FDI đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm đạt gần 306,3 triệu USD (giảm 75,9% so với cùng kỳ); và 204 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 174,1 triệu USD (giảm 60,7% so với cùng kỳ).

Lũy kế 20 ngày đầu năm 2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 1,69 tỉ USD, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Vốn thực hiện của các dự án FDI ước đạt 1,35 tỉ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Dòng vốn FDI chảy vào 17 ngành, lĩnh vực tại Việt Nam. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 1,34 tỉ USD, chiếm 79,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 6/2: Giá vàng tuần này khó tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO