- Giá vàng: Vàng nhẫn, vàng miếng tăng hơn 1 triệu đồng trong tuần đầu tiên năm 2025
Giá vàng thế giới hôm 5/1 đảo chiều giảm xuống 2.639 USD/ounce, kết thúc tuần biến động tăng giảm đan xen. Trong nước, giá vàng tăng mạnh tuần vừa qua, hiện vàng miếng SJC giao dịch ở mức 85,5 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn SJC giao dịch ở mức 85,3 triệu đồng/lượng.
Tuần vừa qua, giá vàng trong nước đã có những phiên tăng mạnh trước khi đi ngang vào hôm 4/1. Chốt tuần tăng giá với vàng miếng SJC bán ra ở mức 85,5 triệu đồng/lượng; vàng nhẫn 85,3 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, tại thời điểm 8 giờ sáng 5/1, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào-bán ra ở mức 84-85,5 triệu đồng/lượng, không đổi so kết phiên trước đó. Chênh lệch mua-bán thu hẹp còn 1,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn SJC 9999 mua vào 84 triệu đồng/lượng, bán ra 85,3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng DOJI tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mua vào ở mức 84 triệu đồng/lượng và bán ra 85,5 triệu đồng/lượng. Thương hiệu này niêm yết giá vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 mua vào-bán ra ở mức 84-85 triệu đồng/lượng.
Vàng PNJ chốt tuần mua vào ở mức 84,4 triệu đồng/lượng và bán ra mức 85,5 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng so kết phiên hôm trước.
Như vậy, giá mua vào vàng nhẫn và vàng miếng trong nước đã ngang bằng nhau, trong khi giá bán ra chênh lệch không đáng kể.
Tính đến 8 giờ sáng 5/1 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới tăng 17,8 USD so kết phiên trước đó lên mức 2.639,4 USD/ounce.
Giá vàng thế giới tuần qua biến động tăng giảm đan xen, tăng 18 USD so chốt phiên tuần trước đó. Tuần này, giá vàng tăng mạnh vào đầu tuần, có lúc lên 2.660 USD/ounce khi căng thẳng địa chính trị leo thang ở tại Trung Đông.
Tuy nhiên, giữa và cuối tuần nền kinh tế Mỹ công bố dữ liệu việc làm và đơn đặt hàng mới tích cực đã đẩy đồng USD tăng lên 109 điểm gây áp lực lên giá vàng. Ngay lập tức, các nhà đầu cơ chốt lời, chuyển sang mua USD và trái phiếu tạo lợi nhuận tốt hơn khiến giá vàng giảm.
Các chuyên gia nhận định rằng đồng USD sẽ tiếp tục tăng giá khi nền kinh tế mạnh buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải điều chỉnh chu kỳ nới lỏng chậm hơn trong năm 2025 khiến đà tăng giá của vàng bị kìm hãm.
Bất chấp những yếu tố bất lợi này, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng như các chuyên gia vẫn kỳ vọng giá vàng sẽ tăng lên 3.000 USD/ounce trong năm nay.
457 nhà đầu tư nhỏ lẻ tại Phố Chính-Main Street đã tham gia Khảo sát vàng thường niên của Kitco News. Trong đó, phần lớn các nhà đầu tư dự đoán kim loại quý này sẽ lập mức cao kỷ lục mới khi giao dịch trên 3.000 USD/ounce vào năm 2025.
Cụ thể, 266 nhà đầu tư nhỏ lẻ (tương đương 58%) tham gia khảo sát kỳ vọng giá vàng sẽ tăng lên mức 3.000 USD/ounce vào năm tới. 103 nhà đầu tư khác (22%) dự đoán giá vàng sẽ đạt đỉnh trong khoảng từ 2.800-3.000 USD. Trong khi đó, chỉ có 30 người (7%) cho rằng giá vàng sẽ giao dịch trong khoảng từ 2.600-2.800 USD. 58 nhà đầu tư còn lại (13%) tin rằng giá sẽ giảm trở lại mức 2.400-2.600 USD/ounce.
So với Main Street, các nhà phân tích Phố Wall-Wall Street, mặc dù lạc quan về giá vàng, nhưng vẫn có quan điểm thận trọng hơn một chút.
Chantelle Schieven, Trưởng phòng nghiên cứu tại Capitalight Research cho rằng, vàng vẫn đang giữ vững vị thế và đợt điều chỉnh gần đây là đợt điều chỉnh lớn đầu tiên mà kim loại quý này chứng kiến trong một năm.
“Tôi vẫn lạc quan về vàng trong năm 2025 như tôi đã từng lạc quan về năm 2024”, bà Chantelle Schieven và cho biết thêm rằng dự kiến giai đoạn củng cố hiện tại sẽ kéo dài trong vài tháng. Vị nữ chuyên gia dự đoán, giá vàng sẽ giao dịch trong khoảng từ 2.500-2.700 USD trong nửa đầu năm và vượt qua mốc 3.000 USD/ounce vào nửa cuối năm 2025.
Sáng 5/1, Chỉ số USD-Index tăng lên mức 108,95 điểm; lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm ở mức 4,601%; chứng khoán Mỹ tuần qua biến động theo xu hướng giảm; giá dầu thế giới tăng 3-4% trong tuần này nhờ kỳ vọng lạc quan vào kinh tế Trung Quốc và nhu cầu nhiên liệu, giao dịch ở mức 76,51 USD/thùng đối với dầu Brent và 73,96 USD/thùng với dầu WTI.
- Ngân hàng Nhà nước nhắc 9 ngân hàng đẩy mạnh cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam; Ngoại thương Việt Nam; Công thương Việt Nam; Đầu tư và phát triển Việt Nam; Tiên phong; Kỹ thương; Việt Nam Thịnh vượng; Quân đội; Phát triển Tp.HCM khẩn trương thực hiện cho vay nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân…
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành văn bản về việc triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP gửi Chủ tịch Hội đồng quản trị (Hội đồng thành viên) và Tổng giám đốc của: Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam; NHTMCP Ngoại thương Việt Nam; NHTMCP Công thương Việt Nam; NHTMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam; NHTMCP Tiên phong; NHTMCP Kỹ thương; NHTMCP Việt Nam Thịnh vượng; NHTMCP Quân đội; NHTMCP Phát triển Tp.HCM.
Theo NHNN, tình hình giải ngân gói vay này thấp. Cùng với đó, vừa qua một số ngân hàng thương mại đề xuất về việc bổ sung hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại tham gia Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ (nhà ở xã hội) hoặc loại trừ dư nợ cho vay nhà ở xã hội khi tính hạn mức tăng trưởng tín dụng.
- Nhận định thị trường phiên giao dịch ngày 6/1: Không cần vội vàng bán tháo
Tín hiệu tiêu cực trở nên lấn át hơn sau phiên giảm điểm cuối tuần qua, khi VN-Index xuyên thủng đường MA200 ngày với thanh khoản gia tăng đáng kể. Đây là một tín hiệu khá xấu cho thấy xu hướng tăng điểm trước đó có khả năng bị đảo ngược.
Lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 6/1
Gom dần với tỷ trọng nhỏ với cổ phiếu nắm giữ dài hạn
CTCK Vietcombank (VCBS)
Trước diễn biến mạnh lên của đồng USD so với các đồng tiền khác, chỉ số VN-Index hoàn toàn có thể tiếp tục diễn biến rung lắc mạnh để kiểm tra lại các vùng hỗ trợ dưới, cũng như gây ra áp lực tiêu cực lên tâm lý của nhà đầu tư.
Với lực cung chưa có dấu hiệu dừng lại, nhà đầu tư cần thận trọng trong việc giải ngân mới vào thị trường, nhưng vẫn có thể duy trì danh mục hiện tại và mua gom dần với tỷ trọng nhỏ với cổ phiếu mục tiêu cho mục đích nắm giữ dài hạn.
Không cần vội vàng bán tháo
CTCK Kiến Thiết Việt Nam (CSI)
Tín hiệu tiêu cực trở nên lấn át hơn sau phiên giảm điểm cuối tuần qua, khi VN-Index xuyên thủng đường MA200 ngày với thanh khoản gia tăng đáng kể. Đây là một tín hiệu khá xấu cho thấy xu hướng tăng điểm trước đó có khả năng bị đảo ngược.
Ở thời điểm hiện tại, các vị thế khuyến nghị mua của chúng tôi ở mốc hỗ trợ 1.260 điểm bắt đầu đối diện với mức độ rủi ro, nên chúng ta cần thận trọng, hạn chế việc mua thêm.
Khối lượng khớp lệnh dù vượt qua mức trung bình 20 phiên, nhưng chưa phải là tín hiệu báo động khi vẫn thấp hơn 2 phiên bùng nổ trước đó.
Vì vậy, chúng ta không cần vội vàng bán tháo và chỉ căn bán dần, giảm bớt tỷ trọng ở các mã cổ phiếu vi phạm ngưỡng quản trị rủi ro khi thị trường có diễn biến xấu trong các phiên tới. Nhịp chỉnh có thể đưa VN-Index về vùng hỗ trợ quanh mốc 1.248 điểm trong phiên tới.
Xu hướng tăng trong ngắn hạn vẫn được bảo toàn
CTCK KB Việt Nam (KBSV)
Chỉ số VN-Index hình thành nến "Marubozu" giảm điểm với thanh khoản gia tăng. Trạng thái của thị trường đã chuyển biến kém tích cực khi hoạt động phân phối trở nên mạnh hơn và phe bán khớp giá sâu xuống vùng giá dưới.
Tuy nhiên, việc chỉ số chưa đánh mất các ngưỡng hỗ trợ tạm thời vẫn đang bảo toàn cho xu hướng tăng trong ngắn hạn.
Tiếp tục rung lắc
CTCK Asean
Chúng tôi cho rằng thị trường có thể tiếp tục rung lắc trong những phiên tới. Nhà đầu tư cần chờ đợi thị trường kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.255 điểm là vùng hội tụ nhiều yếu tố kỹ thuật quan trọng.
Các yếu tố vĩ mô đang có xu hướng dần ổn định hơn trong ngắn và trung hạn, tuy nhiên nhà đầu tư cần tiếp tục quan sát các chỉ số vĩ mô trên và chỉ giải ngân mạnh tay hơn khi xu hướng đã hình thành rõ ràng đối với tỷ giá, thanh khoản thị trường và triển vọng tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, theo dõi sát sao diễn biến thị trường toàn cầu đề phòng những phiên dao động mạnh mẽ của TTCK Mỹ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của TTCK Việt Nam do hai thị trường có độ tương quan cao.
- Xuất khẩu rau quả 2025 có thể tiếp tục lập kỷ lục 8 tỷ USD nhờ sầu riêng?
Năm 2025, ngành rau quả đặt mục tiêu xuất khẩu tiếp tục lập mốc kỷ lục mới, tăng 15% so với 2024 lên khoảng 8 tỷ USD. Trong đó, sầu riêng tiếp tục đóng vai trò là lực đẩy chính nhờ vẫn còn dư địa tăng trưởng.
Hoạt động xuất khẩu rau quả năm 2024 đem về trên 7 tỷ USD, tăng 27% so với năm ngoái. Đây là năm thứ hai liên tiếp xuất khẩu rau quả thiết lập kỷ lục, vượt so với mục tiêu mà ngành đặt ra là 6-6,5 tỷ USD. Trong đó, mặt hàng sầu riêng đóng góp gần một nửa kim ngạch.
Sự tăng trưởng vượt bậc của sản lượng các loại trái cây chủ lực, kết hợp với việc khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc là những nhân tố đã giúp xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt được những thành tích đáng ghi nhận trong thời gian qua.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho biết năm nay ngành đặt mục tiêu xuất khẩu tiếp tục lập mốc kỷ lục mới, tăng 15% so với 2024 lên khoảng 8 tỷ USD. Trong đó, sầu riêng tiếp tục đóng vai trò là lực đẩy chính và vẫn còn dư địa tăng trưởng cho năm 2025.
Ông Nguyên cho biết sầu riêng vẫn còn dư địa tăng trưởng trong năm nay nhờ sản lượng có thể tiếp tục tăng khoảng 15%.
- Bút bi Thiên Long lãi ròng 448 tỷ đồng trong 11 tháng 2024
Lũy kế 11 tháng đầu năm 2024, Tập đoàn Thiên Long lãi ròng 448 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023.
CTCP Tập đoàn Thiên Long (HoSE: TLG) vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh sơ bộ 11 tháng năm 2024.
Công ty cho biết mặc dù gặp nhiều thách thức trong tháng 11, TLG đã đạt được kết quả lũy kế 11 tháng mạnh mẽ nhờ tăng trưởng xuất khẩu, hiệu quả hoạt động và quản lý chi phí hiệu quả. Công ty vẫn duy trì lộ trình để giữ vững vị thế dẫn đầu trong ngành.
Cụ thể, lũy kế 11 tháng đầu năm 2024, doanh thu TLG đạt 3.470 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 91% kế hoạch năm.
Trong đó, doanh thu nội địa đạt 2.545 tỷ đồng trong 11 tháng 2024, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù doanh thu tháng 11 giảm 15%, phản ánh nhu cầu ổn định từ thị trường nội địa.
Doanh thu xuất khẩu đạt 925 tỷ đồng, tăng ấn tượng 21% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 11 doanh thu tăng mạnh 91% so với cùng kỳ, nhờ nỗ lực thâm nhập thành công vào thị trường quốc tế.
Lợi nhuận gộp lũy kế của Thiên Long trong 11 tháng năm 2024 đạt 1.545 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp của công ty đạt 44,52%, tăng 0,73% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 11 tháng đầu năm 2024, CTCP Tập đoàn Thiên Long đã kiểm soát chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, đồng thời chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023.
Kết quả lũy kế 11 tháng, Tập đoàn Thiên Long lãi ròng 448 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023. Biên lợi nhuận ròng cũng tăng từ 11,09% lên 12,91%.