- Doanh nghiệp FDI chiếm 63,3% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước
Tính đến hết ngày 15/6, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 103,61 tỷ USD, tăng 14,3%, tương ứng tăng 13 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 1 tháng 6/2024 đạt 11,31 tỷ USD, giảm 10,7%, tương ứng giảm 1,35 tỷ USD so với kỳ 2 tháng 5/2024.
Theo đó, tính đến hết ngày 15/6/2024, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 123,45 tỷ USD, tăng 13,2%, tương ứng tăng 14,42 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 72% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Đáng chú ý, trong khi xuất khẩu giảm thì ở chiều ngược lại, nhập khẩu lại tăng cao. Cụ thể, trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt 9,93 tỷ USD, tăng 2,6%, tương ứng tăng 249 triệu USD so với kỳ 2 tháng 5/2024.
Như vậy, tính đến hết ngày 15/6/2024, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 103,61 tỷ USD, tăng 14,3%, tương ứng tăng 13 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 63,3% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
- Việt Nam đã chi 158,4 triệu USD nhập khẩu nho
Sau mặt hàng táo, nho là chủng loại trái cây Việt Nam nhập khẩu đứng vị trí thứ hai trong nhóm ngành hàng trái cây nhập khẩu.
Việt Nam chi hơn 7.000 tỷ nhập trái cây Thái Lan, Trung QuốcTrung Quốc là thị trường cung cấp rau quả lớn nhất cho Việt NamÚc đẩy mạnh xuất khẩu nho tươi vào thị trường Việt Nam
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong số các mặt hàng rau quả nhập khẩu, táo là mặt hàng được nhập khẩu nhiều nhất trong năm 2023, đạt 237,1 triệu USD, giảm 11,5% so với năm 2022, chiếm 21,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu trái cây. Xếp vị trí thứ hai là nho, đạt 158,4 triệu USD (tương đương gần 3.900 tỷ đồng), giảm 17,4% so với năm 2022, chiếm 14,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu trái cây.
Việt Nam có vùng trồng nho rất nổi tiếng, nhưng sản lượng khá khiêm tốn so với nhu cầu tiêu dùng nội địa. Thế nên, hàng năm, nho luôn nằm trong Top đầu các loại quả được nhập khẩu về Việt Nam nhiều nhất.
Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 6/2024 do Bộ Công Thương tổ chức sáng 2/7, ông Bùi Trung Thướng - Thám tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ - cho biết, giá thành 1 kg nho của Ấn Độ chỉ khoảng 1 USD, nếu cộng thêm chi phí vận chuyển và lợi nhuận khi về Việt Nam sẽ bán khoảng 3 USD. Đây là mức giá cạnh tranh nên Ấn Độ rất muốn Việt Nam mở cửa thị trường cho quả nho của họ.
- Cổ phiếu công nghệ tăng trưởng đột biến gần 54% trong nửa đầu năm
Theo thống kê, nhóm cổ phiếu ngành công nghệ thông tin tiếp tục ghi nhận tăng trưởng mạnh với mức tăng 10,18% trong tháng Sáu và tăng 53,63% so với cuối năm 2023.
Cổ phiếu công nghệ đang là tâm điểm của giới đầu tư chứng khoán toàn cầu và tại thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ. Chỉ số ngành công nghệ thông tin (VNIT) trên HOSE ghi nhận sự bứt tốc mạnh mẽ trong những tháng gần đây, tăng tới gần 54% chỉ trong nửa đầu năm 2024, vượt xa mức tăng của chỉ số chung VN-Index.
Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE), kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.245,32 điểm, giảm 1,3% so với cuối tháng 5/2024.
Tuy nhiên, so với cuối năm 2023, thị trường chứng khoán vẫn ghi nhận tăng hơn 10% trong nửa đầu năm nay. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu ngành công nghệ thông tin tiếp tục ghi nhận tăng trưởng mạnh với mức tăng 10,18% trong tháng Sáu và tăng 53,63% so với cuối năm 2023.
Đứng đầu trong nhóm cổ phiếu công nghệ phải kể đến FPT (Công ty Cổ phần FPT). Cổ phiếu này đã có mức tăng hơn 55% trong nửa đầu năm nay. Thậm chí, có giai đoạn VN-Index biến động mạnh, cổ phiếu này vẫn duy trì được đà tăng tích cực. Đây cũng là mã cổ phiếu được các quỹ ngoại săn đón và nắm giữ với giá trị cao. Nhờ đó, giá trị vốn hóa của FPT tại ngày 30/6/2024 đạt hơn 190.588 tỷ đồng, chỉ đứng sau cổ phiếu VCB và BID trên sàn HOSE.
Ngoài FPT, nhiều cổ phiếu công nghệ khác cũng ghi nhận mức tăng tích cực như CMG của Tập đoàn Công nghệ CMC; FOX (Công ty Cổ phần Viễn thông FPT); ELC (Công ty Cổ phần Công nghệ-Viễn thông ELCOM)…
Trên sàn UPCOM, cổ phiếu VGI của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel trở thành hiện tượng đáng chú ý nhất trong nửa đầu năm nay. Hiện cổ phiếu đang giao dịch quanh mốc 105.000 đồng/cổ phiếu, gấp 4 lần so với hồi đầu năm. Vốn hóa thị trường cũng tăng mạnh lên hơn 323.000 tỷ đồng, hiện chỉ đứng sau VCB của Vietcombank trên thị trường chứng khoán chung.
Dù trong vài phiên gần đây, nhóm cổ phiếu công nghệ chịu sự điều chỉnh theo sự biến động chung của thị trường song vẫn là tâm điểm thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư.
- Vàng giảm giá giữa những tín hiệu trái ngược về lãi suất
Giá vàng thế giới giảm nhẹ đêm qua và sáng 3/7, khi nhà đầu tư đón nhận những tín hiệu trái chiều về lãi suất đến từ số liệu thống kê kinh tế Mỹ và phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell. Ngoài ra, thị trường cũng thận trọng trước khi biên bản cuộc họp tháng 6 của Fed và báo cáo việc làm tháng 6 của Mỹ được công bố trong tuần này.
Lúc đóng cửa phiên giao dịch tại thị trường New York, giá vàng giao ngay giảm 3 USD/oz, tương đương giảm khoảng 0,13%, còn 2.330,2 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Lúc gần 10h trưa nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á giảm thêm 0,8 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ, giao dịch ở mức 2.329,4 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương khoảng 71,5 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
- Chỉ số VN-Index tháng 6 giảm nhẹ nhưng thanh khoản tăng 6,11% về giá trị
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.245,32 điểm, giảm 1,3% so với tháng 5; tuy nhiên thanh khoản về số lượng giao dịch và giá trị lại tăng. Điều này cho thấy, phần lớn các cổ phiếu giao dịch đều có vốn hóa lớn.
Sáng 3/7, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) công bố các chỉ số giao dịch trong tháng 6. Theo đó, bên cạnh chỉ số VN-Index giảm, chỉ số VN-Allshare cũng giảm nhẹ 0,84%, đạt 1.295,31 điểm; chỉ có VN30 tăng 0,18%, đạt 1.278,32 điểm. So với cuối năm 2023, VNIndex, VNAllshare, VN30 đều ghi nhận tăng lần lượt là 10,21%, 12,20% và 12,98%.
Các chỉ số Index giảm cũng kéo các chỉ số ngành giảm. Trong đó, chỉ số ngành giảm mạnh nhất là năng lượng (VNENE) với mức giảm 5,61%, bất động sản (VNREAL) giảm 4,22%, hàng tiêu dùng thiết yếu (VNCONS) giảm 3,27%. Ngược lại, có 3 chỉ số ngành tăng điểm so với tháng trước, nổi bật có chỉ số ngành công nghệ thông tin (VNIT) tiếp tục ghi nhận tăng trưởng mạnh với mức tăng 10,18%, so với cuối năm 2023 là tăng 53,63%.
Mặc dù các chỉ số giảm, nhưng thanh khoản giao dịch lại tăng, cho thấy phần lớn các cổ phiếu giao dịch đều có vốn hóa lớn. Theo đó, khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 857 triệu cổ phiếu/ngày, với giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 22.914 tỷ đồng/ngày; tương ứng tăng 3,71% về khối lượng và tăng 6,11% về giá trị so với tháng 5/2024.