Điểm tin kinh doanh 4/6: Giá dầu thế giới giảm bất chấp OPEC+ cắt giảm sản lượng

Việt Báo (Tổng hợp)| 04/06/2024 06:00

Malaysia với chiến lược phát triển ngành bán dẫn; Tỷ giá trung tâm ngày 3/6 ổn định

gia-vang-hom-nay-ngay-17-5-1715924936691908755871.jpg

- Giá dầu thế giới giảm bất chấp OPEC+ cắt giảm sản lượng

Giá dầu thế giới giảm vào đầu ngày 3-6 , bất chấp động thái của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ mở rộng (OPEC+, gồm OPEC và Nga) nhằm gia hạn cắt giảm sản lượng sâu đến năm 2025.

Theo Reuters, giá dầu Brent giao tháng 8 giảm 24 cent xuống 80,87 USD/thùng, tương đương 0,3%. Giá dầu thô West Texas Middle (WTI) của Mỹ giao tháng 7 giảm 19 cent xuống 76,80 USD, tương đương 0,25%.

Hiện OPEC+ đang cắt giảm sản lượng tổng cộng 5,86 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 5,7% nhu cầu toàn cầu, bao gồm mức cắt giảm 3,66 triệu thùng/ngày (sẽ hết hạn vào cuối năm 2024) và việc cắt giảm tự nguyện của 8 thành viên ở mức 2,2 triệu thùng/ngày (sẽ hết hạn vào cuối tháng 6-2024).

Nhưng vào ngày 2-6, nhóm này đã đồng ý gia hạn mức cắt giảm 3,66 triệu thùng/ngày thêm một năm, cho đến cuối năm 2025. Đồng thời, sẽ kéo dài mức cắt giảm 2,2 triệu thùng/ngày thêm 3 tháng, cho đến cuối tháng 9-2024. Các quốc gia thực hiện cắt giảm tự nguyện đợt 2 là Algeria, Iraq, Kazakhstan, Kuwait, Oman, Nga, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Gabon.

Quyết định được đưa ra trong bối cảnh giá dầu giao dịch ở mức gần 80 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với mức mà nhiều thành viên OPEC+ cần để cân bằng ngân sách. Các nhà phân tích cho biết tình hình xung đột ở nhiều nơi kéo dài, cộng với tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vẫn chưa đạt kỳ vọng là 2 nguyên nhân chính khiến OPEC+ cắt giảm sản lượng.

- Tỷ giá trung tâm ngày 3/6 ổn định

Tỷ giá trung tâm giữ nguyên mức niêm yết so với cuối tuần qua.

Sáng 3/6, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) với đô la Mỹ (USD) ở mức 24.261 đồng, giữ nguyên mức niêm yết so với cuối tuần qua.

Với biên độ +/-5%, tỷ giá trần các ngân hàng áp dụng là 25.474 VND/USD và tỷ giá sàn là 23.047 VND/USD.

Tại các ngân hàng thương mại, giá USD cũng được giữ ổn định. Cụ thể, lúc 8h22' tại Vietcombank giá USD được niêm yết ở mức 25.224 - 25.474 VND/USD (mua vào - bán ra), giữ nguyên so với cuối tuần qua.

Giá đồng NDT được niêm yết ở mức 3.440 - 3.587 VND/NDT (mua vào - bán ra), giảm 37 đồng ở chiều mua vào và tăng 29 đồng ở chiều bán ra so với cuối tuần qua.

BIDV niêm yết giá đồng bạc xanh ở mức 25.254 - 25.474 VND/USD (mua vào - bán ra), giữ nguyên so với cuối tuần qua.

Giá đồng NDT tại ngân hàng này được niêm yết ở mức 3.473 - 3.553 VND/NDT (mua vào - bán ra), giảm 28 đồng đồng ở chiều mua vào và gỉảm 39 đồng ở chiều bán ra so với cuối tuần qua.

- Malaysia với chiến lược phát triển ngành bán dẫn

Với chủ đề “Tăng cường tính linh hoạt và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu”, triển lãm Semicon Đông Nam Á 2024 dành cho ngành công nghiệp điện tử trong khu vực vừa diễn ra ngày 28-5 tại Malaysia.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim khẳng định, trong 50 năm phát triển và trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ 6 về chất bán dẫn và thứ 10 về các sản phẩm điện - điện tử (E&E), Malaysia tự tin có đủ năng lực mạnh mẽ để đa dạng hóa và tiến lên cao hơn trong chuỗi giá trị, bao gồm thiết kế chất bán dẫn, lắp ráp và thử nghiệm thuê ngoài (OSAT), đóng gói tiên tiến cũng như thiết bị sản xuất chất bán dẫn phức tạp.

Theo ông Ibrahim, tầm nhìn của Malaysia là tạo ra hệ sinh thái được thúc đẩy dựa trên các công ty địa phương năng động, mang đẳng cấp quốc tế để cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu dựa trên sự đổi mới, sáng tạo. Vì vậy, Malaysia tự định vị mình là “cầu nối” để kết nối các bên sẵn sàng hợp tác công nghệ, cũng như tự coi mình là “trung lập” để đảm bảo tất cả hoạt động hợp tác công nghệ đều phục vụ mục đích tích cực. Nhu cầu về chất bán dẫn trên toàn cầu dự kiến đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Malaysia đang nỗ lực tham gia vào thị trường này, với mục tiêu trở thành trung tâm của ngành bán dẫn ở châu Á.

Đáng chú ý, ông Ibrahim công bố tổng quan kế hoạch Chiến lược bán dẫn quốc gia của Malaysia với 3 giai đoạn, bao gồm xây dựng nền tảng OSAT, phát triển các nhà máy và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; thiết kế, chế tạo và thử nghiệm chip bộ nhớ và logic tiên tiến; tăng cường hỗ trợ phát triển cho các công ty thiết kế chất bán dẫn, thiết bị sản xuất, đóng gói tiên tiến mang đẳng cấp quốc tế và thu hút người mua chip tiên tiến. Để hiện thực hóa Chiến lược bán dẫn quốc gia, chính phủ Malaysia đặt ra 5 mục tiêu, phân bổ ít nhất 5,3 tỷ USD hỗ trợ tài chính kèm theo các ưu đãi. Ngoài ra, để tái khẳng định cam kết trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong ngành bán dẫn, Lực lượng đặc nhiệm chiến lược bán dẫn quốc gia được thành lập nhằm tập trung vào việc thúc đẩy đổi mới, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển cũng như thúc đẩy thương mại hóa chất bán dẫn công nghệ.

Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia, ông Tengku Datuk Abdul Aziz, cho biết, xuất khẩu chất bán dẫn hiện chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, qua đó giúp Malaysia trở thành nước xuất khẩu lớn thứ 6 trong lĩnh vực này. Với kinh nghiệm xây dựng và phát triển ngành bán dẫn trong 50 năm qua, Malaysia sẽ tiếp tục nâng cao vị thế và vai trò trong ngành bán dẫn thông qua ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI).

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 4/6: Giá dầu thế giới giảm bất chấp OPEC+ cắt giảm sản lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO