- Giá vàng: Vàng miếng, vàng nhẫn SJC đồng loạt tăng nửa triệu đồng/lượng
Giá vàng thế giới hôm 3/1 tiếp đà tăng lên 2.661 USD/ounce trong bối cảnh kim loại quý này đang được hỗ trợ mạnh mẽ do bất ổn về địa chính trị và kinh tế đầu năm mới. Trong nước, giá vàng tiếp tục tăng thêm nửa triệu đồng, vàng miếng SJC giao dịch ở mức 85,5 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn SJC giao dịch ở mức 85,3 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường trong nước, giá vàng mở đầu năm rực rỡ bằng 2 phiên tăng giá liên tiếp với mức tăng 1,3 triệu đồng/lượng. Hiện, vàng miếng SJC niêm yết bán ra ở mức 85,5 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng nhẫn SJC bám sát giá vàng miếng, giao dịch ở mức 85,3 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, tại thời điểm 10 giờ 30 phút ngày 3/1, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào-bán ra ở mức 84-85,5 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng/lượng so kết phiên trước đó.
Giá vàng nhẫn SJC 9999 mua vào 84 triệu đồng/lượng, bán ra 85,3 triệu đồng/lượng, tăng nửa triệu đồng so chốt phiên hôm qua.
Giá vàng miếng DOJI tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mua vào ở mức 84 triệu đồng/lượng và bán ra 85,5 triệu đồng/lượng. Thương hiệu này niêm yết giá vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 mua vào-bán ra ở mức 84-85 triệu đồng/lượng.
Vàng PNJ chốt tuần mua vào ở mức 84,4 triệu đồng/lượng và bán ra mức 85,5 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng so kết phiên hôm trước.
Tính đến 10 giờ 30 phút ngày 3/1 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao dịch ở mức 2.661,7 USD/ounce, tăng mạnh 41,7 USD so mức giá thấp nhất trong phiên giao dịch đêm qua (2.620 USD/ounce).
Giá vàng thế giới sáng nay tăng lên mức cao nhất trong 2 tuần qua do nhà đầu tư tăng nhu cầu trú ẩn an toàn vì lo ngại căng thẳng chính trị trước thềm lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump.
Lễ nhậm chức của ông Donald Trump vào ngày 20/1 tới đã làm gia tăng sự bất ổn tài chính khi các chính sách thuế quan do ông đề xuất có thể sẽ gây ra lạm phát tại nền kinh tế số 1 thế giới.
Nhà phân tích James Hyerczyk tại FX Empire cho biết, trước những bất ổn về chính trị và kinh tế khi năm mới bắt đầu, các nhà đầu tư tăng cường tìm đến vàng như tài sản trú ẩn an toàn, giúp kim loại quý có những phiên tăng tốt những ngày đầu năm.
“Các nhà đầu tư vẫn neo vào kỳ vọng rằng các biện pháp thuế quan và bảo hộ thương mại do ông Donald Trump đề xuất có thể thúc đẩy lạm phát, củng cố sức hấp dẫn của vàng như một biện pháp phòng ngừa rủi ro”, ông James Hyerczyk nói.
Kể từ giữa tháng 11, giá vàng đã giao dịch trong phạm vi từ 2.583,91-2.726,30 USD/ounce và dự kiến sẽ đột phá khi có những tín hiệu rõ ràng hơn từ chính quyền mới và cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào ngày 28-29/1 tới, vị chuyên gia chia sẻ.
Ông nói thêm rằng, cách tiếp cận thận trọng hơn của FED đối với tiến trình cắt giảm lãi suất khi lạm phát vẫn duy trì ở mức trên 2% sẽ hỗ trợ thêm cho giá vàng và một số yếu tố thúc đẩy đà tăng giá của kim loại quý này vào năm 2024 có khả năng sẽ tiếp tục là chất xúc tác khiến vàng tăng giá vào năm nay.
Sáng 3/1, Chỉ số USD-Index tăng lên mức 109,19 điểm; lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm ở mức 4,563%; chứng khoán Mỹ giảm điểm phiên thứ năm liên tiếp; giá dầu thế giới tăng 2% nhờ kỳ vọng lạc quan vào kinh tế Trung Quốc và nhu cầu nhiên liệu, giao dịch ở mức 76,17 USD/thùng đối với dầu Brent và 73,39 USD/thùng với dầu WTI.
- Cục Hải quan TP.HCM thu ngân sách tăng hơn 130.000 tỉ đồng
Theo Cục Hải quan TP.HCM, số lượng doanh nghiệp làm thủ tục hải quan trong năm 2024 đạt hơn 69.052 doanh nghiệp, tăng hơn 4% so với năm 2023. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2024 đạt hơn 132 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023, đứng thứ 2 và chiếm khoảng 17% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn ngành.
Đáng chú ý, số thu ngân sách nhà nước năm 2024 của Cục Hải quan TP.HCM đạt gần 131.387 tỷ đồng, đạt 100,45% chỉ tiêu kế hoạch, tăng khoảng 8,5% so với năm 2023.
Nổi bật trong năm 2024, Cục Hải quan TP.HCM đã chủ trì, phối hợp các cơ quan hữu quan, các cơ quan lãnh sự, các hiệp hội doanh nghiệp trong nước và quốc tế,... tổ chức 29 hoạt động tiếp xúc, gỡ vướng, đối thoại và 13 hoạt động tập huấn, phổ biến, tuyên truyền chính sách pháp luật về hải quan cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
- Hơn 5 tỷ USD xuất khẩu cà phê
Việt Nam được biết đến là một trong những quốc gia có sản lượng sản xuất, xuất khẩu cà phê Top đầu thế giới nhưng phải mất gần 1 thế kỷ, đến năm 2024 lần đầu tiên xuất khẩu cà phê vượt mốc 5 tỷ USD.
Làm gì để duy trì đà tăng trưởng đó một cách bền vững trong bối cảnh thị trường nhiều biến động khó lường là đề bài mà nhiều doanh nghiệp, ngành hàng trăn trở tìm lời giải cho năm 2025 và những năm tiếp theo.
Niên vụ cà phê 2023 -2024 (từ tháng 10/2023 – tháng 9/2024) Việt Nam xuất khẩu 1,45 triệu tấn cà phê, kim ngạch đạt gần 5,43 tỷ USD, giảm 12,7% về lượng nhưng tăng 33% về giá trị so với niên vụ trước. Tính riêng năm 2024, đến ngày 15/12, xuất khẩu cà phê đã đạt 5,2 tỷ USD. Cà phê trở thành mặt hàng nông sản thứ 3 sau rau quả và gạo xuất khẩu vượt mốc 5 tỷ USD.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Cao cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng vọt là do cơn sốt giá chưa từng có ở nửa đầu năm 2024. Niên vụ cà phê 2023 – 2024, từ dự báo giảm sản lượng ở nhiều quốc gia sản xuất lớn, thị trường chứng kiến giá xuất khẩu liên tục tăng. Lần đầu tiên giá cà phê Robusta trên sàn giao dịch Luân Đôn ở mức trên 5.000 USD/tấn, giá cà phê Robusta cao hơn cả cà phê Arabica trong khi trước đó luôn thấp hơn. Trong nước, giá cà phê cũng liên tục lập đỉnh, đạt mức cao nhất trong vòng 30 năm qua và cao hơn cả giá xuất khẩu.
Tính chung trong cả niên vụ 2023 - 2024, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt bình quân 3.673 USD/tấn, cao hơn gần 50% so với niên vụ 2022/2023. Với mức tăng này, cà phê hiện là nông sản có giá tăng mạnh nhất trong số các nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Về thị trường, EU tiếp tục là đích đến xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam với khối lượng đạt 563.000 tấn, trị giá 2 tỷ USD, giảm 8,6% về lượng nhưng tăng 41% về kim ngạch so với niên vụ trước, chiếm 38% về lượng và 37% về kim ngạch trong xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
- Bộ LĐTBXH trao tặng bằng khen cho Chubb Life Việt Nam vì những đóng góp tích cực cho trẻ em năm 2024
Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Chubb Việt Nam (“Chubb Life Việt Nam”) được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khen thưởng tại chương trình “Mùa xuân cho em” lần thứ 18, ghi nhận những đóng góp bền bỉ và xuất sắc của Chubb Life Việt Nam trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao đời sống cho trẻ em khó khăn trong năm 2024.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Bảo trợ Quỹ Trẻ Em Việt Nam (BTTEVN) - Bà Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt và gửi lời tri ân đến những tấm lòng vàng có nhiều đóng góp cho hoạt động của Quỹ, góp phần cùng Đảng, Nhà nước và xã hội chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Tổng giám đốc Chubb Life Việt Nam, chia sẻ: “Đồng hành cùng Quỹ BTTEVN, Chubb Life sẽ tiếp tục tích cực triển khai các sáng kiến vì cộng đồng trong năm 2025, đặc biệt là hỗ trợ giáo dục cho trẻ em, từ cơ sở vật chất, học bổng đến các chương trình phát triển thể chất, trí lực và tâm lực. Đầu tư vào giáo dục và phát triển toàn diện thế hệ trẻ không chỉ góp phần vào sự phát triển chung của đất nước, mà còn góp sức tạo nên những giá trị lâu dài và bền vững cho sự nghiệp giáo dục tại các địa phương”.
Từ năm 2005, Chubb Life Việt Nam đã tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ giáo dục cho trẻ em. Tính đến nay, hành trình “Chubb Life vì tương lai em” đã hỗ trợ hơn 36.000 trẻ em và học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên khắp cả nước. Vừa qua, Chubb Life cũng đã hưởng ứng lời kêu gọi của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam chung tay khắc phục hậu quả, hỗ trợ cộng đồng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (Yagi). Thông qua Quỹ BTTEVN, Chubb Life tiếp tục cam kết duy trì sự hỗ trợ, tham gia tích cực vào các hoạt động vì cộng đồng, giáo dục, từ đó, góp phần chắp cánh tương lai, tiếp thêm động lực vượt khó cho các em nhỏ ở khắp mọi miền Tổ quốc trong năm tới.
- Doanh số bán xe sụt giảm lần đầu tiên trong lịch sử, Tesla của tỷ phú Elon Musk đang làm ăn ra sao?
Tesla vừa kết thúc năm 2024 với sự sụt giảm trong doanh số bán xe lần đầu tiên trong lịch sử, khiến cổ phiếu giảm hơn 6%. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ như BYD và điều kiện kinh tế toàn cầu biến động, liệu Tesla có thể lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2025?
Tesla báo cáo đã giao 1,78 triệu xe trong năm 2024, thấp hơn so với dự báo 1,8 triệu xe của các nhà phân tích và giảm so với 1,8 triệu xe của năm 2023. Đây là lần đầu tiên Tesla ghi nhận sự sụt giảm doanh số so với cùng kỳ năm trước, một điều hiếm thấy đối với nhà sản xuất xe điện hàng đầu này.
Quý IV/2024, Tesla chỉ giao được 495.930 xe, thấp hơn kỳ vọng 510.400 xe. Dù con số này cao hơn quý trước (463.000 xe), nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng kỳ vọng từ các nhà đầu tư. Nguyên nhân có thể đến từ áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, nhu cầu suy giảm và tình hình kinh tế toàn cầu không thuận lợi.
BYD, đối thủ lớn nhất của Tesla tại Trung Quốc, đã giao hơn 4,3 triệu xe trong năm 2024, trong đó có 2,5 triệu xe hybrid và khoảng 1,76 triệu xe thuần điện (EV). Điều này khiến khoảng cách giữa hai hãng trở nên rất nhỏ.
- Từ 8/1/2025, sầu riêng Việt Nam xuất sang EU bị tăng tần suất kiểm tra
Từ ngày 8/1/2025, Liên minh châu Âu (EU) sẽ nâng tần suất kiểm tra mặt hàng sầu riêng Việt Nam từ 10% lên 20%, theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU.
Ủy ban Châu Âu mới đây đã ban hành Quy định số 2024/3153 về rà soát áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm tra bổ sung, biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm từ bên ngoài vào EU theo Quy định 2019/1793 và đưa ra quyết định đối với một số nông sản, thực phẩm có nguồn gốc tại Việt Nam.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU, EU nâng tần suất kiểm tra mặt hàng sầu riêng từ 10% lên 20% và vẫn áp dụng tại Phụ Lục I, lý do trong thời gian qua, tỷ lệ cảnh báo về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong các lô hàng sầu riêng xuất khẩu sang EU vẫn còn cao.
EU áp dụng tần suất kiểm tra tại biên giới đối với thanh long từ 30%; đậu bắp và ớt, áp dụng tần suất kiểm tra đều là 50%, đồng thời kèm theo các lô hàng là Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm (theo quy định tại phụ lục II).
Lý do trong thời gian qua, số các lô hàng thanh long, ớt và đặc biệt là đậu bắp xuất khẩu sang EU vẫn còn bị cảnh báo, vi phạm quy định MRL không giảm do đó EU vẫn duy trì áp dụng biện pháp tăng cường kiểm tra như lần thông báo trước.