Điểm tin kinh doanh 30/4: Vàng đang bị mắc kẹt

Việt Báo (Tổng hợp)| 30/04/2023 06:00
Đọc bài báo này

Cung cấp bởi  

Logo vbee Image
0:00

4 thương hiệu điện thoại nào được nhập khẩu nhiều nhất về Việt Nam?; Novaland 'nếm mùi' thua lỗ

- Vàng đang bị mắc kẹt

Các chuyên gia đang đưa ra những nhận định trái chiều nhau. Bên cạnh một quan điểm cho rằng vàng vẫn là nơi trú ẩn an toàn trên thị trường, thì chiến lược gia kỹ thuật cao cấp tại Forex.com lại dự báo vẫn còn một đợt giảm giá sâu hơn sắp tới.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi tăng 50.000 đồng/lượng trong ngày 28/9, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng ngày 29/4 tại Hà Nội chưa có sự biến động, hiện niêm yết lần lượt ở mức 66,6 – 67,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 66,6 – 67,2 triệu đồng/lượng.

Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng 29/4 tăng 30.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 80.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với ngày hôm qua, hiện đứng ở mức 55,92 – 56,87 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần tại Mỹ tăng nhẹ 1,8 USD lên 1.990,6 USD/ounce.

Giá vàng tương lai giao tháng 6/2023 trên sàn Comex New York tăng 01, USD, tương ứng tăng 0,01% lên 1.999,1 USD/ounce.

Vàng đang bị mắc kẹt trong một biên độ hẹp, với tâm lý "mua khi giá giảm" đang thống trị thị trường. Các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao đợt tăng lãi suất 25 điểm cơ bản được mong đợi rộng rãi của Cục Dự trữ Liên bang vào tuần tới. Nhưng nếu các thị trường giải thích thông điệp này là "sự tạm dừng diều hâu", thì đà tăng của vàng có thể bắt đầu lại, theo các nhà phân tích.

Với mức giá khoảng 1.990,6 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 57,36 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng 9,86 triệu đồng/lượng.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) mở cửa sáng nay đứng ở mức 101,47 điểm.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng 29/4 niêm yết ở mức 23.639 đồng/USD. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.457 – 24.821 đồng/USD.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng 29/4 niêm yết ở mức 23.450 đồng/USD ở chiều mua vào và 24.770 đồng/USD ở chiều bán ra.

Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… hiện giao dịch quanh mức 23.200 – 23.700 đồng/USD.

Sáng 29/4 tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 23.430 đồng/USD và bán ra là 23.480 đồng/USD.

- 4 thương hiệu điện thoại nào được nhập khẩu nhiều nhất về Việt Nam?

Điện thoại iPhone, Samsung, Oppo, Xiaomi là những thương hiệu điện thoại được nhập khẩu nhiều nhất về Việt Nam, chiếm 93,4%.

Báo cáo xuất nhập khẩu năm 2022 vừa được Bộ Công Thương công bố cho thấy, trong năm 2022, số lượng điện thoại Việt Nam đã sản xuất ước đạt khoảng 210,5 triệu chiếc, giảm 9,1% so với năm 2021. Trị giá sản xuất linh kiện điện thoại đạt khoảng 663,7 nghìn tỷ đồng, tăng 15,1% so với năm 2021.

Điện thoại các loại và linh kiện giữ vững vị trí đầu tiên, là nhóm hàng chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Cụ thể, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 57,99 tỷ USD, tăng 0,81% so với năm 2021 và chiếm 15,62% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước. Trong đó, kim ngạch của khối doanh nghiệp FDI đạt 57,8 tỷ USD, tăng 1,35% so với năm trước và chiếm 99,67% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng.

Về chủng loại, xuất khẩu điện thoại nguyên chiếc đạt 33,32 tỷ USD, tăng 0,67% so với năm 2021, chiếm 57,4% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng. Trong đó, xuất khẩu điện thoại Samsung đạt trên 31,42 tỷ USD, chiếm 95% tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại nguyên chiếc của cả nước.

Về linh kiện, phụ kiện điện thoại, báo cáo cho biết, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2022 đạt trên 24,67 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2021.

Đáng chú ý, về thị trường xuất khẩu chính của nhóm hàng điện thoại và linh kiện, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 16,3 tỷ USD, tăng 7,1% so với 2021, chiếm 28% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng. Đứng thứ hai là thị trường Hoa Kỳ với kim ngạch 11,9 tỷ USD, tăng 22,5%, chiếm 20,5% tổng xuất khẩu.

Ở chiều ngược lại, trong năm vừa qua, nhập khẩu điện thoại và linh kiện của Việt Nam đạt 21,1 tỷ USD, giảm 1,6% so với năm 2021 và chiếm trên 5,9% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước. Trong đó, kim ngạch của khối doanh nghiệp FDI đạt 20,1 tỷ USD, giảm 0,9% so với năm trước và chiếm 95,4% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng.

Đặc biệt, nhập khẩu điện thoại di động nguyên chiếc, trong năm 2022 đạt trị giá trên 3,5 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm 2021 và chiếm 16,6% tổng trị giá nhập khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện.

Điện thoại iPhone, Samsung, Oppo, Xiaomi là những thương hiệu điện thoại được nhập khẩu nhiều nhất về Việt Nam, chiếm 93,4%. Riêng iPhone chiếm 46% tổng kim ngạch nhập khẩu điện thoại nguyên chiếc của cả nước.

Trong năm 2022, nhập khẩu linh kiện, phụ kiện điện thoại đạt trị giá trên 17,6 tỷ USD, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2021. Linh kiện nước ta nhập khẩu chủ yếu từ các doanh nghiệp khác với tỷ trọng lên đến hơn 99%, thị phần các hãng lớn như LG, Samsung chiếm tỷ trọng không đáng kể.

Về thị trường nhập khẩu, năm 2022, nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn chiếm chủ yếu tỷ trọng nhập khẩu điện thoại và linh kiện. Riêng kim ngạch nhập khẩu từ 2 thị trường này chiếm tới hơn 92% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng.

Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 11,5 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2021, chiếm 54,4% tổng nhập khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện. Nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 8 tỷ USD, giảm 12,7% so với năm 2021, chiếm tỷ trọng 38,2%...

- Novaland 'nếm mùi' thua lỗ

Doanh thu không đủ bù đắp chi phí, Novaland lần đầu tiên báo lỗ kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán với khoản lỗ ròng 410 tỉ đồng trong quý 1/2023.

CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland - Mã CK: NVL) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023 với doanh thu thuần đạt 604,1 tỉ đồng, giảm 69,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, 452,8 tỉ đồng kiếm được từ việc bàn giao sản phẩm tại các dự án bất động sản như NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram, Aqua City, Palm City, Saigon Royal và Soho Residence. Doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ đạt 151,2 tỉ đồng.

Trừ đi giá vốn hàng bán, NVL báo lãi gộp 148,9 tỉ đồng, giảm 79,2% so với quý 1/2022.

Trong quý đầu năm 2023, doanh thu hoạt động tài chính của NVL đạt 920 tỉ đồng, chủ yếu là lãi từ hợp đồng hợp tác đầu tư (640,4 tỉ đồng), lãi tiền cho vay (106,9 tỉ đồng), lãi tiền gửi ngân hàng (81,7 tỉ đồng), lãi do chênh lệch tỷ giá (77,6 tỉ đồng).

Tuy vậy, nguồn thu này vẫn không đủ bù đắp các khoản chi phí phát sinh trong kỳ như chi phí tài chính (823 tỉ đồng), chi phí bán hàng (37,3 tỉ đồng), chi phí quản lý doanh nghiệp (303,5 tỉ đồng), khiến NVL báo lỗ 94,1 tỉ đồng từ hoạt động kinh doanh.

Trừ đi các chi phí khác, NVL báo lỗ sau thuế quý 1/2023 ở mức 410,2 tỉ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, họ vẫn lãi 1.046 tỉ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên nhà phát triển bất động sản này báo lỗ kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.

Tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản của NVL đạt 256.194 tỉ đồng. Trong đó, số dư tiền và các khoản tương đương tiền đạt 5.363 tỉ đồng, giảm 37,6 % so với đầu năm.

Hàng tồn kho của NVL ghi nhận ở mức 136.904 tỉ đồng, tương đương 5,8 tỉ USD - cao nhất trong nhóm doanh nghiệp bất động sản niêm yết và gấp 2,2 lần so với giá trị hàng tồn kho của ông lớn địa ốc Vinhomes.

Ở phía bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của NVL đạt 211.786 tỉ đồng, giảm nhẹ so với cuối năm 2022. Trong đó, tổng dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn đạt 62.729 tỉ đồng, chiếm 29,6 % tổng nguồn vốn.

Trong một diễn biến đáng chú ý, Chính phủ đã chỉ các bộ, ngành liên quan thành lập tổ công tác để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản. Trong đó, dự án The Grand Manhattan tại quận 1 (TP.HCM) của NVL đã được gỡ vướng pháp lý, qua đó tái khởi động với sự trợ vốn từ TPBank.

Novaland cho biết, từ quý 2, tập đoàn sẽ tập trung làm việc với các đối tác tài chính, nhà thầu thi công để sớm đưa vào triển khai xây dựng lại các dự án ở trung tâm TP.HCM, Khu đô thị Aqua City, NovaWorld Phan Thiet và NovaWorld Ho Tram.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 30/4: Vàng đang bị mắc kẹt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO