Điểm tin kinh doanh 3/9: Petrolimex kiến nghị gì để bình ổn thị trường xăng dầu?

Việt Báo (Tổng hợp)| 03/09/2022 07:00

Petrolimex kiến nghị gì để bình ổn thị trường xăng dầu?; giá dầu đi lên trong phiên chiều 2/9

- Mỹ thu lợi khủng: Mỗi tàu LNG đến châu Âu có thể kiếm được hơn 100 triệu USD

Để chuẩn bị cho mùa đông sắp tới, nhiều nước châu Âu đang đua nhau lấp đầy kho chứa khí đốt.

Theo trang tin năng lượng IWR của Đức, tính đến ngày 28/8, mức dự trữ khí đốt tự nhiên của các nước thành viên EU là 79,94%, gần với mục tiêu đạt 80% vào ngày 1/11.

Khi nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga giảm mạnh, châu Âu đang mua thêm khí đốt từ Mỹ bất chấp giá cao, mang lại lợi nhuận chưa từng có cho các nhà cung cấp khí đốt của Mỹ, với mỗi tàu chở LNG đến châu Âu bình quân thu lợi hơn 100 triệu USD.

- Giá vàng vượt ngưỡng tâm lý 1.700 USD/ounce

Giá vàng châu Á đã tăng vượt ngưỡng tâm lý 1.700 USD/ounce trong phiên giao dịch chiều 2/9, giữa bối cảnh đồng USD tạm ngừng tăng và giới đầu tư chờ đợi dữ liệu việc làm quan trọng của thị trường Mỹ.

Cụ thể, vào lúc 16 giờ 26 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đã tăng 0,5% lên mức 1.704,90 USD/ounce.

Mặc dù vậy, giá kim loại quý này đã giảm 2% trong tuần qua, chạm mức thấp nhất của 6 tuần là 1.687,60 USD/ounce hôm 1/9.

Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,4% lên 1.716,30 USD/ounce.

- Giá dầu đi lên trong phiên chiều 2/9

Trong phiên giao dịch chiều 2/9, giá dầu châu Á đi lên trong bối cảnh thị trường kỳ vọng rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (OPEC+) sẽ thảo luận về việc cắt giảm sản lượng tại cuộc họp dự kiến tổ chức vào ngày 5/9 tới.

Cụ thể, vào lúc 16 giờ 00 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent kỳ hạn đã tăng 2,72 USD (2,9%) lên 95,08 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn cũng tiến 2,62 USD (3%) lên 89,23 USD/thùng. Trong phiên giao dịch trước, giá dầu Brent và WTI đã giảm 3%, xuống mức thấp nhất của hai tuần.

Trong tuần qua, OPEC+ đã điều chỉnh dự báo về thị trường trong năm nay. Theo đó, chênh lệch giữa cung và cầu (cung nhỏ hơn cầu) được kỳ vọng giảm xuống 400.000 thùng dầu/ngày (bpd), từ mức ước tính 900.000 thùng/ngày trước đó. Liên minh này dự kiến thâm hụt của năm 2023 sẽ là 300.000 thùng/ngày.

- Hong Kong là thị trường xuất khẩu thịt lớn nhất của Việt Nam

7 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu hơn 10.000 tấn thịt và sản phẩm thịt, trong đó Hong Kong (Trung Quốc) chiếm tới 50%, tương ứng khoảng hơn 5.000 tấn.

Trong tháng 7/2022, Việt Nam nhập khẩu 61.480 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, tương ứng 140 triệu USD, sụt giảm 5,2% về lượng và tăng 13,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Tháng 7, Việt Nam nhập khẩu thịt từ 29 thị trường, trong đó Ấn Độ là thị trường cung cấp thịt cho Việt Nam lớn nhất. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu các chủng loại thịt và phụ phẩm ăn được (sau giết mổ), thịt trâu tươi đông lạnh, thịt bò tươi ướp lạnh… Trong đó, nhập khẩu thịt gia cầm, thịt lợn và thịt bò giảm so với cùng kỳ năm 2021; nhập khẩu thịt trâu tiếp tục tăng.

Tính chung 7 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 350.860 tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 789 triệu USD, giảm lần lượt 21,1% và 9,8% so với cùng kỳ năm 2021.

- Petrolimex kiến nghị gì để bình ổn thị trường xăng dầu?

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam vừa có văn bản khẩn gửi các bộ ngành liên quan, kiến nghị đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát để bình ổn thị trường xăng dầu.

Cụ thể, Petrolimex đề nghị các cơ quan Quản lý Nhà nước tăng cường công tác kiểm tra để đảm bảo tất cả các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối đều phải có trách nhiệm đảm bảo nguồn hàng để đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu bán hàng của hệ thống phân phối của mình.

Kịp thời điều chỉnh các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở như Premium và chi phi vận tải tạo nguồn trong nước chưa được điều chỉnh theo quy định của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu tại kỳ điều hành giá ngày 11/7/2022 ngay vào chu kỳ điều hành giá ngày 12/9/2022 để giảm bớt khó khăn cho các thương nhân đầu mối.

Đề nghị Ủy Ban quản lý Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Liên Bộ Công Thương - Tài chính ghi nhận các yếu tố khách quan dẫn đến kết quả kinh doanh xăng dầu năm 2022 của Tập đoàn bị lỗ do tham gia bình ổn thị trường khi đánh giá hiệu quả hoạt động của ban quản lý điều hành và các chính sách liên quan đến người lao động.

Ngoài ra, Petrolimex đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát ngay từ đầu nguồn thông qua việc kết nối dữ liệu từ các kho của các thương nhân đầu mối trong việc tiếp nhận hàng nhập khẩu hoặc mua từ các Nhà máy lọc dầu trong nước.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
  • Kinh doanh vàng mã, dịch vụ mai táng thu lãi bất ngờ
    Nhiều nhà đầu tư sẽ khá bất ngờ khi không chỉ kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt mà nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực mai táng, kinh doanh vàng mã còn duy trì chia cổ tức đều đặn qua từng năm với tỷ lệ tương đối cao.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 3/9: Petrolimex kiến nghị gì để bình ổn thị trường xăng dầu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO