Điểm tin kinh doanh 3/3: Giá vàng lao dốc từ mức đỉnh lịch sử 81 triệu đồng/lượng

Việt Báo (Tổng hợp)| 03/03/2024 06:00

Ngân hàng Nhà nước giải thích nguyên nhân tăng trưởng tín dụng chậm hơn so với cùng kỳ; Diễn tập chuyển đổi hệ thống sang KRX lần 1

vang-nhan-16968170588251740533517.jpg

- Giá vàng lao dốc từ mức đỉnh lịch sử 81 triệu đồng/lượng

Sau khi tăng vọt, lập mức đỉnh mới 81 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước đảo chiều, giảm 500.000-600.000 đồng/lượng, xuống mức đỉnh cũ 80,3 triệu đồng/lượng.

Lúc hơn 15h ngày 2/3, Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 77,8 triệu đồng/lượng (mua vào) - 80,3 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 600.000 đồng/lượng mỗi chiều so với sáng cùng ngày.

Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji giảm 600.000 đồng/lượng (chiều mua) và 500.000 đồng/lượng (chiều bán) so với sáng cùng ngày, để là 77,85 triệu đồng/lượng (mua vào) - 80,45 triệu đồng/lượng (bán ra).

Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng cùng thương hiệu là 78 triệu đồng/lượng (mua vào) - 80,25 triệu đồng/lượng (bán ra), so với mức 78,5 triệu đồng/lượng (mua vào) - 80,85 triệu đồng/lượng (bán ra) lúc sáng cùng ngày.

Do giá biến động mạnh, biên độ mua-bán được doanh nghiệp đẩy lên mức 2,25-2,7 triệu đồng/lượng thay vì mức 1,8-2 triệu đồng/lượng như những ngày qua nhằm tránh rủi ro.

Như vậy, so với cuối ngày hôm trước, giá vàng nơi giảm 100.000 đồng/lượng chiều mua nơi giữ nguyên, có nơi lại tăng 50.000 đồng/lượng; còn chiều bán tăng 500.000-750.000 đồng/lượng. Giá vàng trong nước đang cao hơn giá thế giới khoảng 17,8 triệu đồng/lượng. Giá vàng giảm mạnh từ mức đỉnh được cho có thể là bởi lực bán chốt lời.

Trong khi đó, cũng vào thời điểm trên, giá vàng nhẫn tăng 750.000-900.000 đồng/lượng (chiều mua) và 600.000-1.000.000 đồng/lượng (chiều bán) so với cuối hôm trước, giao dịch ở mức 65,3-66,78 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,5-67,98 triệu đồng/lượng (bán ra). Mức 67,98 triệu đồng/lượng là mức đỉnh mới của giá vàng nhẫn.

Trước đó, sáng 2/3 giá vàng trong nước tăng vọt 1,1 triệu đồng/lượng, lên mức đỉnh mới 81 triệu đồng/lượng, bỏ xa mức đỉnh cũ 80,3 triệu đồng/lượng lập được vào ngày 26-12-2023.

Theo chuyên gia, giá vàng trong nước tăng mạnh vào sáng 2/3 bởi ảnh hưởng từ thị trường quốc tế. Phiên giao dịch cuối tuần giá vàng thế giới tăng gần 40 USD/ounce, lên 2.083,3 USD/ounce. Một trong những nguyên nhân khiến giá vàng tăng là đồng USD giảm giá.

Ngoài ra, giá vàng trong nước tăng còn bởi sức cầu tăng khi lãi suất huy động thấp và các kênh đầu tư khác chưa thực sự sáng sủa, trong khi đó, sức cung vàng hạn chế. Bên cạnh đó, thị trường chưa thấy động thái can thiệp từ cơ quan quản lý.

- Diễn tập chuyển đổi hệ thống sang KRX lần 1

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) thông báo đến các công ty chứng khoán kế hoạch diễn tập chuyển đổi hệ thống lần 1 của dự án Công nghệ thông tin KRX.

Cụ thể, từ ngày 4/3 đến 8/3, HoSE chuyển đổi hệ thống. Công ty chứng khoán chuẩn bị hệ thống để chuyển đổi theo lịch trình, thực hiện kiểm tra hệ thống và Cutover Test vào ngày 7/3.

Từ ngày 11/3 đến 15/3, công ty chứng khoán thử nghiệm việc nhập lệnh giao dịch, đảm bảo hoạt động giao dịch chứng khoán như một ngày giao dịch bình thường.

HoSE lưu ý ngày đầu tiên trên hệ thống mới là 4/3/2023. Dữ liệu cho ngày giao dịch đầu tiên là dữ liệu cuối ngày 1/3/2024.

Tại lễ đánh cồng khai trương giao dịch chứng khoán đầu xuân Giáp Thìn ngày 19/2, bà Nguyễn Thị Việt Hà, Quyền Chủ tịch HoSE cho biết dự án công nghệ thông tin với nhà thầu Hàn Quốc đã được một số bước tiến đáng kể, đã thực hiện xong giai đoạn kiểm thử người dùng cuối cùng (FAT) và tiến đến xem xét việc triển khai hệ thống KRX thời gian tới.

Hệ thống KRX do HoSE làm chủ đầu tư, triển khai vào năm 2012. Ngoài HoSE với tư cách là chủ đầu tư, các đơn vị thụ hưởng của hệ thống còn có Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD).

- Ngân hàng Nhà nước giải thích nguyên nhân tăng trưởng tín dụng chậm hơn so với cùng kỳ

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2-3, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà trả lời câu hỏi của phóng viên thời gian qua về việc tăng trưởng tín dụng thấp, thậm chí là âm.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, về điều hành tăng trưởng tín dụng, cuối năm 2023 cũng như năm 2024, NHNN đã xác định một mức phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế và chỉ số lạm phát, với mức tăng trưởng tín dụng năm 2024 là khoảng 15%. Trên cơ sở đó, NHNN đã giao các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng cơ sở tổ chức tín dụng vào ngày 31-12-2023 để các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động mức tăng trưởng tín dụng và thông báo công khai nguyên tắc phân bổ để TCTD chủ động thực hiện.

Qua theo dõi 2 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng chậm hơn so với cùng kỳ của các năm. Với thực tế là thanh khoản rất dồi dào nhưng tín dụng tăng trưởng chậm, xác định nguyên nhân chung có yếu tố mùa vụ. Sau khi tháng 12 tăng trưởng tín dụng rất mạnh 11%, tháng 1, 2 đầu năm thường là tháng Tết, hoạt động tín dụng giảm, hoạt động vay vốn không được tăng trưởng như các tháng trước.

“Năm nay còn có yếu tố nữa là, kinh tế thế giới tác động vào thị trường của chúng ta cũng chưa có sự phát triển mạnh mẽ, ảnh hưởng đến đầu ra xuất khẩu, kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn, về cầu của tín dụng suy giảm nên tăng trưởng tín dụng giảm”, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết.

san-thuong-mai-dien-tu-la-gi.jpg

- Khoảng 40 nghìn tỷ đồng trái phiếu rủi ro cao chậm trả gốc, lãi trong năm 2024

Giá trị trái phiếu có rủi ro cao sẽ chậm trả gốc/lãi trong năm 2024 là 40 nghìn tỉ đồng chiếm 19% lượng trái phiếu đáo hạn trong năm 2024, con số này thấp hơn đáng kể so với 147 nghìn tỉ đồng trái phiếu chậm trả gốc/lãi phát sinh trong năm 2023...

Giá trị trái phiếu chậm trả phát sinh mới đã giảm đáng kể xuống dưới 5 nghìn tỉ đồng mỗi tháng trong Quý 4/2023. Tính đến tháng 12/2023, nhóm ngành có tỉ lệ chậm trả cao nhất vẫn là Bất động sản, Xây dựng và Năng lượng do thị trường bất động sản suy giảm và các dự án năng lượng tái tạo chậm trễ trong việc đưa vào vận hành thương mại. Tuy nhiên tỉ lệ chậm trả đã bắt đầu giảm nhẹ so với mức đỉnh tháng 10/2023, theo Vis Ratings.

Nhiều tổ chức phát hành đã đàm phán được với trái chủ để thay đổi điều khoản và gia hạn trái phiếu sang năm 2024 hoặc 2025, đặc biệt là các tổ chức phát hành thuộc nhóm ngành Bất động sản, Xây dựng và Năng lượng.

Tổng cộng có 175 mã trái phiếu với giá trị mệnh giá là 59 nghìn tỉ đồng có ngày đáo hạn theo điều khoản ban đầu là năm 2023 đã được gia hạn, chiếm 14% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn của cả năm 2023. Thời gian gia hạn bình quân của các trái phiếu này là 20 tháng gần sát so với thời gian gia hạn tối đa 2 năm theo Nghị định 08/2023/NĐ-BTC (Nghị định 08).

Giá trị trái phiếu có rủi ro cao sẽ chậm trả gốc/lãi trong năm 2024 là 40 nghìn tỉ đồng chiếm 19% lượng trái phiếu đáo hạn trong năm 2024, con số này thấp hơn đáng kể so với 147 nghìn tỉ đồng trái phiếu chậm trả gốc/lãi phát sinh trong năm 2023.

- TV360 bắt tay Globus Access phát triển TV360 tại thị trường quốc tế

Vừa qua, tại Hội nghị Di động thế giới MWC 2024, Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) - Đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Globus Access - Công ty Công nghệ có kinh nghiệm cung cấp dịch vụ/thiết bị cho các mạng viễn thông, đã chính thức ký thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển TV360 ở thị trường quốc tế.

Theo thoả thuận, Viettel và Globus Access sẽ cùng nhau thúc đẩy sự phát triển và mở rộng sự hiện diện của TV360 trên phạm vi toàn cầu, đưa giải pháp truyền hình của TV360 tiếp cận tới mạng viễn thông trên thế giới, mang lại lợi ích cho khách hàng và chính phủ các nước triển khai bằng việc thúc đẩy chuyển đổi số - xã hội số, phổ cập dịch vụ truyền hình của Viettel đến với khách hàng tiềm năng.

Globus Access là đơn vị có thế mạnh về cung cấp giải pháp công nghệ/dịch vụ/thiết bị cho các mạng viễn thông, với sự quan tâm đặc biệt tới các nền tảng truyền hình giải trí trên công nghệ 5G/6G. Với kinh nghiệm hơn 30 năm hoạt động trong lĩnh vực viễn thông và tài chính, Globus Access sẽ đưa TV360 tiếp cận các thị trường mà Globus Access đang có hợp tác kinh doanh tại Đông Nam Á (Philippines), Caribe, Trung Đông và Châu Phi.

Sự kết hợp giữa Viettel Telecom và Globus Access là một bước quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển và mở rộng thị trường truyền hình thế hệ mới, cùng khát vọng và triết lý “Công nghệ từ trái tim”, TV360 mong muốn sự hợp tác này giúp cho việc đưa dịch vụ truyền hình số hiện đại đến nhiều người dùng nhanh và mạnh hơn nữa.

- Giá gạo Ấn Độ vẫn ở mức cao do nguồn cung hạn chế

Giá gạo Ấn Độ vẫn ở mức cao do nguồn cung hạn chế, trong khi giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm tuần thứ hai liên tiếp do nguồn cung mới được bổ sung từ vụ thụ hoạch đang diễn ra.

Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới - được chào bán ở mức kỷ lục 546 - 554 USD/tấn trong tuần này, không thay đổi so với tuần trước.

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào giá ở mức 600 USD/tấn, giảm so với mức 625 - 630 USD/tấn một tuần trước. Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết giá giảm là do dự đoán nguồn cung sẽ tăng trong những tuần tới do vụ thu hoạch đang diễn ra. Tuy vậy, thương nhân này cho rằng giá gạo sẽ không giảm thêm nữa do nhu cầu vẫn mạnh, trong đó Indonesia cho biết sẽ tăng cường thu mua trong năm nay.

Trong khi đó, tại Bangladesh, giá gạo trong nước vẫn tăng trong tuần này do năng suất và dự trữ tốt. Chính phủ Bangladesh tiếp tục bán ngũ cốc thiết yếu với mức giá trợ cấp để hỗ trợ những người nghèo ứng phó với lạm phát cao.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan vẫn ở mức 615 USD/tấn, không thay đổi so với tuần trước. Một thương nhân ở Bangkok cho biết giá vẫn ở mức cao do nguồn cung từ vụ thu hoạch mới chỉ vừa bắt đầu được đưa ra thị trường.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 3/3: Giá vàng lao dốc từ mức đỉnh lịch sử 81 triệu đồng/lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO