- 68% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng
Theo Vụ Thanh toán (NHNN), trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị; qua Internet tăng tương ứng 63,2% và 32,3%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 98,3 và 84,3%; qua QR code tăng 86% và 127% (so với cùng kỳ năm 2021).
Có 68% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng; 5,5 triệu tài khoản và khoảng 8,9 triệu thẻ ngân hàng được mở bằng phương thức điện tử (eKYC) (tính đến tháng 6/2022).
Nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở Top đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số. Những năm qua, các ngân hàng mạnh tay đầu tư chuyển đổi số. Riêng nhóm 10 ngân hàng lớn nhất trong hệ thống đầu tư bình quân 15.000 tỷ đồng mỗi năm cho chuyển đổi số.
- Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam vượt 10% trong quý 3
Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trường GDP của Việt Nam sẽ đạt 10,8% trong quý 3 và 3,9% trong quý 4, qua đó đưa tăng trưởng GDP cả năm 2022 đạt 6,7%.
Chuyên gia của VinaCapital cho rằng lạm phát của Việt Nam có thể đạt mức 4,5% vào cuối năm 2022 nếu giá dầu tăng từ 120 lên 130 đô la Mỹ một thùng, còn giá gạo và thịt lợn được giữ nguyên. Với trường hợp giá dầu tăng lên mức 130 đô la Mỹ một thùng, giá gạo và thịt lợn tăng 10% thì lạm phát có thể đạt mức 5,5%.
Cũng theo VinaCapital, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể chịu một số ảnh hưởng do tăng trưởng GDP của Mỹ chậm lại. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ đã chậm lại khoảng 50% so với cùng kì trong 6 tháng đầu năm 2021, xuống còn khoảng 23% so với cùng kì trong 6 tháng đầu năm 2022.
- TP.HCM dẫn đầu về số dự án FDI mới
Trong số các dự án mới, các nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP.HCM, Hà Nội.
Theo địa bàn đầu tư, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 51 tỉnh, thành phố trên cả nước. Bình Dương dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,6 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 94,9% so với cùng kỳ năm 2021. TP.HCM đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 2,43 tỷ USD, chiếm 15,6% tổng vốn, tăng 36,5% so với cùng kỳ. Bắc Ninh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,68 tỷ USD, chiếm 10,8% tổng vốn và tăng gấp hơn 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Trong số các dự án mới, các nhà ĐTNN vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP.HCM, Hà Nội. TP.HCM dẫn đầu về số dự án mới (40,2%), tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (67,8%) và đứng thứ hai về số lượt dự án điều chỉnh vốn (14,7%; chỉ sau Hà Nội là 17,8%).
- Nhu cầu tiêu dùng vàng của Việt Nam tăng 11% so với cùng kỳ
Nhu cầu vàng của người tiêu dùng tại Việt Nam lên tới 14 tấn trong quý 2, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu vàng tăng do lo ngại lạm phát, nhà đầu tư tìm đến vàng để phòng trừ rủi ro.
Theo báo cáo Xu hướng nhu cầu vàng mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu vàng của người tiêu dùng tại Việt Nam đã tăng từ 12,6 tấn trong quý 2/2021 lên 14 tấn trong quý 2/2022, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Mức tăng trưởng này đạt được bởi tổng nhu cầu vàng thỏi và vàng đồng tăng 5%, từ 9,1 tấn trong quý 2/2021 lên 9,6 tấn trong cùng kỳ năm 2022 và nhu cầu vàng trang sức tăng 28%, từ 3,5 tấn trong quý 2/2021 lên 4,5 tấn trong quý 2/2022.
- Thêm một siêu thị phiên bản mới tại Việt Nam
Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam đã khai trương và đưa vào vận hành siêu thị Tops Market Moonligh phiên bản mới tại TP. Thủ Đức vào sáng 28/7/2022.
Tops Market là siêu thị phiên bản mới đầu tiên tại Việt Nam được đưa vào hoạt động sau quá trình chuyển đổi hoàn tất 7 siêu thị Big C thành Tops Market trong năm 2021, được thiết kế đảm bảo 3 tiêu chí: thực phẩm hữu cơ tươi sống đa dạng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng uy tín, và đặc biệt là dịch vụ khách hàng tận tâm, nhằm nhằm đón đầu xu hướng mua sắm mới.
Tại Tops Market Moonlight sẽ cung ứng hơn 15.000 sản phẩm phục vụ nhu cầu cho tất cả các thành viên trong gia đình từ sản phẩm tươi sống và đông lạnh, bánh, các sản phẩm chế biến từ sữa, thực phẩm ăn liền, hàng tạp hóa, các sản phẩm thiết yếu và sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp…