Điểm tin kinh doanh 29/5: Giá vàng: tiếp tục tăng mạnh

Việt Báo (Tổng hợp)| 29/05/2024 06:00

Hàng loạt cổ phiếu bị đình chỉ và hạn chế giao dịch; Loạt doanh nghiệp cảng biển báo lãi lớn

gia-vang-hom-nay-ngay-18-5-1716029458199938205891.jpg

- Giá vàng: tiếp tục tăng mạnh

Giá vàng hôm 28-5 trong nước đồng loạt tăng mạnh đối với tất cả các thương hiệu. Mức tăng cao nhất là 700.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra, giao dịch gần 91 triệu đồng/lượng bán ra.

Vàng SJC tại Hà Nội và vàng SJC tại Đà Nẵng: 88,5 triệu đồng/lượng mua vào, 90,5 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 600.000 đồng/lượng so giá hôm 27/5 ở cả 2 chiều).

Vàng SJC Phú Quý: 88,4 triệu đồng/lượng mua vào (tăng 700.000 đồng/lượng so giá hôm qua), 90 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 600.000 đồng/lượng so giá hôm 27/5).

Vàng DOJI tại Hà Nội và DOJI tại TP Hồ Chí Minh: 88,9 triệu đồng/lượng mua vào, 90 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 700.000 đồng/lượng so giá hôm 27/5 ở cả 2 chiều).

VietinBank Gold: 88,5 triệu đồng/lượng mua vào, 90,5 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 600.000 đồng/lượng so giá hôm 27/5 ở cả 2 chiều).

Giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu được doanh nghiệp giao dịch ở mức 88,45 triệu đồng/lượng mua vào (tăng 550.000 đồng/lượng so với giá hôm 27/5), 90 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 400.000 đồng/lượng so với giá hôm qua). Vàng nhẫn tròn trơn được doanh nghiệp giao dịch ở mức 75,52 triệu đồng/lượng mua vào (tăng 240.000 đồng/lượng so giá hôm 27/5), 76,92 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 190.000 đồng/lượng so với giá hôm 27/5).

Vàng nhẫn PNJ tại TP Hồ Chí Minh và vàng PNJ tại Hà Nội: 75 triệu đồng/lượng mua vào, 76,6 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 200.000 đồng/lượng so với giá hôm 27/5 ở cả 2 chiều).

Giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới chiều 28-5 đứng ở mức 2.342,7 USD/ounce, giảm 8 USD/ounce so với phiên giao dịch buổi sáng. Giá vàng tương lai đứng ở mức 2.343,7 USD/ounce, giảm 8,8 USD/ounce so với phiên giao dịch buổi sáng. Như vậy, so với phiên giao dịch sáng cùng ngày, vàng thế giới giảm nhẹ.

Nhận định về xu hướng giá vàng, một số nhà phân tích cho rằng, đồng USD suy yếu chỉ trong ngắn hạn, sự sụt giảm giá vàng hiện tại chỉ là tạm thời. Điều quan trọng hơn ở thời điểm hiện tại, thị trường vàng đang hướng đến báo cáo chỉ số tiêu dùng cá nhân cốt lõi (PCE) tháng 5 của Mỹ sắp công bố tới đây. Các nhà đầu tư kỳ vọng kế hoạch cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy giá vàng lên 3.000 USD trong 12 tháng tới.

- Hàng loạt cổ phiếu bị đình chỉ và hạn chế giao dịch

Do không thực hiện đúng quy định về việc công bố thông tin BCTC nên hàng loạt cổ phiếu như KSH, NHP, PSG, DPS, PVA, SJC, CLG, TBH, và PPI bị HNX yêu cầu đình chỉ giao dịch.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có quyết định đưa 9 mã cổ phiếu vào diện đình chỉ giao dịch kể từ ngày 3/6, và 9 mã vào diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 29/5.

Cụ thể, 9 mã cổ phiếu thuộc diện đình chỉ giao dịch bao gồm: KSH, NHP, PSG, DPS, PVA, SJC, CLG, TBH, và PPI; do các công ty này chưa công bố Báo cáo tài chính (BCTC) năm đã được kiểm toán của các năm: 2021, 2022, 2023.

Ngoài ra, 9 mã cổ phiếu khác cũng bị đưa vào diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 29/5, bao gồm: LCM, RIC, SQC, PEC, TGG, TTB, DZM, IBC, và KLF; do chậm nộp Báo cáo tài chính năm 2023 đã được kiểm toán quá 45 ngày so với quy định.

Theo HNX, các cổ phiếu bị hạn chế giao dịch chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày bị đình chỉ hoặc hạn chế giao dịch, các công ty vi phạm phải có văn bản giải trình nguyên nhân và đưa ra phương án khắc phục.

Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) cũng đã đưa ra quyết định hạn chế giao dịch đối với loạt cổ phiếu do chậm nộp BCTC kiểm toán và Báo cáo thường niên 2023.

Cụ thể, HoSE thông báo chuyển cổ phiếu DRH của Công ty Cổ phần DRH Holdings (mã: DRH), LEC của Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Miền Trung (mã: LEC) và SRF của Công ty cổ phần Searefico (mã: SRF) từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch.

- Loạt doanh nghiệp cảng biển báo lãi lớn

Thị trường cảng biển dần có dấu hiệu khởi sắc, mang đến kết quả kinh doanh tích cực cho nhiều doanh nghiệp.

Kết thúc quý I/2024, Công ty CP Cảng Sài Gòn ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ trong quý đạt hơn 50 tỷ đồng, tăng 26,4 tỷ đồng so với cùng kỳ. Lợi nhuận phần lớn tới từ hoạt động kinh doanh cảng biển. Trong đó, doanh thu của hoạt động cung cấp dịch vụ khai thác cảng tăng hơn 42 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp kinh doanh cảng biển khác là Công ty CP Cảng Xanh VIP (VIP Greenport) cũng có kết quả kinh doanh hiệu quả khi đạt lợi nhuận kỷ lục. Theo đó, doanh nghiệp ghi nhận mức lợi nhuận 94 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023 và là mức lợi nhuận cao kỷ lục trong một quý của công ty này.

Theo lãnh đạo Cảng Xanh VIP, sản lượng container qua cảng tăng hơn 22% là lý do khiến doanh thu tăng so với cùng kỳ năm trước. Cùng đó, cảng Xanh VIP cũng được hưởng lợi khi chi phí khấu hao giảm vì tài sản cố định hết khấu hao.

Sở hữu nhiều cảng biển, Công ty CP Gemadept cũng đạt mức lãi trước thuế trong quý I/2024 gấp 2,3 lần cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 708 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt gần 656 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận gộp từ hoạt động khai thác cảng và logistics tăng hơn 14 tỷ đồng.

107373289-1707875167710-gettyimages-1631567909-usd_and_rmb.jpeg

- Lãi suất gửi tiết kiệm tiếp tục tăng

Thêm nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi trong những ngày cuối tháng 5-2024.

Ngày 28-5, nhiều ngân hàng thương mại như BVBank, VIB, SHB, NCB, BacABank, Techcombank… tiếp tục tăng lãi suất đầu vào thêm 0,1-0,3 điểm % so với biểu lãi suất trước đó.

Với kỳ hạn gửi 3 tháng, Techcombank điều chỉnh lãi suất lên 2,9%/năm, BVBank lên 3,3%/năm, VIB lên 3%/năm, SHB lên 3%/năm… - tăng 0,1 điểm % so với trước đó.

Với kỳ hạn gửi tiết kiệm 6 tháng, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất cao hơn tại một số ngân hàng sau khi đã điều chỉnh, như Techcombank lên 3,8%/năm, MB 3,5%/năm, BVBank 4,6%/năm, SHB 4,3%/năm… Điều chỉnh cao nhất trong nhóm này là SHB, tăng 0,4 điểm %.

Với kỳ hạn 12 tháng, một số ngân hàng như BVBank tăng lãi suất huy động thêm 0,4 điểm %, lên cao nhất 5,2%/năm; ABBANK tăng mạnh từ 3,7% lên tới 5%/năm. Một số ngân hàng khác nhích lênkhoảng 0,1-0,3 điểm %.

Thống kê từ Wichart cho thấy nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất 1-2 lần trong tháng 5 vừa qua. Dù vậy, xu hướng tăng chủ yếu diễn ra ở các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô vừa và nhỏ. Ở khối ngân hàng thương mại quốc doanh như Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank, lãi suất vẫn chưa có sự điều chỉnh. Hiện lãi suất gửi thấp nhất kỳ hạn 12 tháng tại Vietcombank là 4,6%/năm, trong khi 3 ngân hàng thương mại nhà nước còn lại là 4,7%/năm.

Lãi suất kỳ hạn gửi 12 tháng hiện cao nhất - trên 5%/năm - thuộc về một số ngân hàng như BVBank, VietBank, Oceanbank, NCB, HDBank, CBBank, BacABank…

- Nước nào đang là chủ nợ lớn nhất thế giới?

Với tài sản ròng bên ngoài đạt mức 471,3 nghìn tỷ yên, Nhật Bản dẫn đầu danh sách chủ nợ lớn nhất thế giới. Theo sau là Đức và Trung Quốc với giá trị lần lượt 454,8 nghìn tỷ yên và 412,7 nghìn tỷ yên.

Ngày 28/5, Bộ Tài chính Nhật Bản thông báo tài sản ròng bên ngoài Nhật Bản tăng lên mức kỷ lục là 471,3 nghìn tỷ yên (khoảng 3 nghìn tỷ USD) vào năm 2023, đánh dấu năm thứ sáu tăng liên tiếp.

Bộ Tài chính nước này cho biết sự suy giảm của đồng yên cùng hoạt động mua lại các công ty ở nước ngoài làm tăng giá trị tài sản nước ngoài. Mỗi năm, mức tăng giá trị tài sản ròng bên ngoài do chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân Nhật Bản nắm giữ lên đến 51.000 tỷ yên.

Nhờ đó, Nhật Bản tiếp tục giữ vị trí chủ nợ hàng đầu thế giới. Cơ quan nhà nước của Nhật đồng thời liệt kê Đức là chủ nợ lớn thứ hai thế giới với 454,8 nghìn tỷ yên, Trung Quốc đứng thứ ba với tài sản ròng bên ngoài là 412,7 nghìn tỷ yên, tính đến cuối năm 2023.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 29/5: Giá vàng: tiếp tục tăng mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO