- Bất chấp đà sụt giảm của giá vàng quốc tế, vàng SJC ‘vững’ mốc 67 triệu đồng/lượng
Trước sức ép của giá vàng thế giới đã khiến giá vàng trong nước quay đầu sụt giảm trong tuần này.
Tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng yết ở mức 66,35 - 67,05 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng bán ra tại các cửa hàng khác thấp hơn 100.000 - 200.000 đồng. Chênh lệch giữa hai chiều mua - bán duy trì ở mức khoảng 600.000 đồng/lượng. So với tuần trước, giá vàng đã có sự chênh lệch chiều mua vào và bán ra đều giảm 200 nghìn đồng/lượng.
Giá vàng DOJI tại Hà Nội đang niêm yết ở mức 66,35 - 66,95 triệu đồng/lượng, không đổi so với cuối phiên trước nhưng đã giảm 50 nghìn đồng/lượng ở cả 2 chiều mua và bán so với cùng thời điểm phiên trước; đồng thời giảm 200 nghìn ở cả 2 chiều mua và bán so với tuần trước
Tại TP.HCM, giá vàng DOJI đang được niêm yết ở 66,65 - 67,15 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng ở giá mua, trong khi tăng 50.000 đồng/lượng ở giá bán so với cuối phiên trước; còn so với cùng thời điểm phiên trước, giá mua hiện đã thấp hơn 100.000 đồng. So với tuần trước thì giảm đều 150.000 đồng/lượng
Có thể thấy, sau hai tuần đi lệch pha, giá vàng trong nước cuối cùng đã bị ảnh hưởng bởi đà đi xuống của giá vàng thế giới.
Chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng gần 11 triệu đồng/lượng.
Mặc dù giá vàng đã có sự hồi phục vào phiên thứ Sáu sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tháng, tuy nhiên, trong bối cảnh đồng USD và lợi suất trái phiếu của Mỹ vẫn đang ở mức rất cao đã khiến giá vàng giảm khoảng 1,6%, trở thành tuần thứ ba liên tiếp đóng cửa trong sắc đỏ.
Ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao ngay tăng 0,29% lên 1.945,93 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6/2023 trên sàn Comex New York tăng 0,13% lên 1.964,9 USD/ounce.
Chỉ số DXY - đo lường biến động của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới đã giảm 1,02 điểm so với tuần trước (+0,04%) xuống 104,21 điểm.
Tỷ giá trung tâm ngày 28/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.711 VND/USD, tăng 31 đồng so với tuần trước. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.525 - 24.897 VND/USD. Tại Vietcombank, tỷ giá tăng 20 đồng ở cả hai chiều mua và bán, hiện đang được yết ở mức 23.320 VND/USD (mua vào) và 23.660 VND/USD (bán ra).
- Loạt ngân hàng vừa bị nêu tên vì vượt trần tín dụng, nợ xấu cao
Một số ngân hàng tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép của Ngân hàng nhà nước như Ngân hàng TMCP Bản Việt, Ngân hàng TMCP Bảo Việt, Ngân hàng TMCP Phương Đông
Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa gửi Quốc hội báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2022. Theo đó, năm 2022, KTNN đã kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2021 của Ngân hàng nhà nước (NHNN) và 5 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.
Theo đánh giá của KTNN, năm 2021, NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, góp phần kiểm soát lạm phát ở mức 1,84 %, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối... Các ngân hàng được kiểm toán đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động, kinh doanh có lãi, tỉ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%.
Tuy nhiên, KTNN lưu ý với mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế là 13,61%, tăng trưởng tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đều cao hơn mức tăng trưởng chung (lĩnh vực bất động sản 15,37%, lĩnh vực chứng khoán 23,85%, lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp 17,65%).
Tỉ lệ dư nợ tín dụng nền kinh tế so với GDP ở mức cao (năm 2020 là 114,3%; năm 2021 là 113,2%). Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, tỉ lệ của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong việc kiểm soát dòng tiền tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro.
Ngoài ra, KTNN cũng chỉ ra việc chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể việc điều hành, kiểm soát chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chung và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng (TCTD).
Đáng chú ý, một số TCTD tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép của NHNN. Cụ thể, vượt mức tăng trưởng tín dụng tối đa được giao trong năm là Ngân hàng TMCP Bản Việt (được giao 13,48 %, thực hiện 15,67%); Ngân hàng TMCP Bảo Việt (được giao 5,5%, thực hiện 31,82%). Vượt mức tăng trưởng tín dụng tối đa tại các thời điểm trong năm là Ngân hàng TMCP Phương Đông (tại 31-7-2021, 31-8-2021, 30-9-2021, 31-10-2021).
KTNN cũng chỉ ra một số đơn vị đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Trong đó, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đầu tư 23,19 tỉ đồng từ năm 2011 vào Công ty CP Dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn và 17,5 tỉ đồng từ năm 2014 vào Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8-CTCP nhưng chưa được chia cổ tức, đồng thời chưa thoái được vốn tại các công ty này theo phương án được phê duyệt.
Tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), số dư khoản đầu tư trái phiếu vào Công ty Tài chính TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy đến 31-12-2021 là 50 tỉ đồng, trích lập dự phòng 100%; đầu tư 33,96 tỉ đồng vào Công ty CP Bảo hiểm AAA từ năm 2005 (chiếm 3,52% vốn góp), Công ty hoạt động không hiệu quả từ năm 2009 và lỗ lũy kế đến 31-12-2021 là 776 tỉ đồng.
- Cốc Cốc ra mắt AI Chat và AI Search tối ưu hóa cho người Việt
Ngày 29/5, Cốc Cốc chính thức ra mắt bộ đôi sản phẩm Cốc Cốc AI Chat và Cốc Cốc AI Search tới người dùng, đánh dấu cú chuyển mình ấn tượng sau 10 năm xây dựng và phát triển tại thị trường Việt Nam.
Cốc Cốc AI Lab sẽ nghiên cứu, phát triển và tích hợp những sản phẩm ứng dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) mới nhất, tiện lợi nhất trên Trình duyệt và Công cụ tìm kiếm Cốc Cốc. Đặc biệt, người dùng sẽ được trải nghiệm các ứng dụng này hoàn toàn miễn phí. Cốc Cốc AI Chat và Cốc Cốc AI Search là hai sản phẩm đầu tiên khẳng định cho những nỗ lực của Cốc Cốc trong lĩnh vực này.
Cốc Cốc AI Chat là chatbot ứng dụng mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Model - LLM), được phát triển dựa trên mô hình GPT 3.5 và dữ liệu từ tìm kiếm Cốc Cốc. Nhờ vậy, sản phẩm có khả năng cung cấp câu trả lời bằng văn bản nhanh, cập nhật và chính xác. Sản phẩm hỗ trợ tốt nhất cho ngôn ngữ tiếng Việt và có hỗ trợ dịch truy vấn bằng tiếng Anh để trả lời bằng tiếng Việt.
Điểm khác biệt nổi bật của Cốc Cốc AI Chat nằm ở năng lực hiểu tiếng Việt và xử lý linh hoạt, chính xác những nội dung truy vấn mang đặc trưng văn hóa Việt Nam - điểm hạn chế của hầu hết các sản phẩm tương tự trên thị trường. Bằng việc đưa ra phản hồi tự nhiên, gần gũi, Cốc Cốc AI Chat có thể hỗ trợ người dùng như một trợ lý AI người Việt.
Người dùng có thể trò chuyện với Cốc Cốc AI Chat để tham khảo câu trả lời về đa dạng chủ đề, sáng tạo nội dung, xử lý các tác vụ liên quan đến ngôn ngữ như tóm tắt, dịch văn bản…
- Boeing sẽ đầu tư chuỗi cung ứng thiết bị hàng không tại Việt Nam
Thời gian tới, Boeing sẽ hợp tác trong một số lĩnh vực đặc thù, như máy bay trực thăng, vận tải; đầu tư phát triển chuỗi cung ứng phụ tùng, thiết bị hàng không tại Việt Nam.
Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC và Hội nghị Bộ trưởng Thương mại Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) tại Mỹ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc làm việc với ông Steve Biegun, Phó chủ tịch cấp cao của Tập đoàn Boeing và ông Bernerd De Santos, Phó chủ tịch thường trực kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Năng lượng AES.
Tại cuộc gặp, ông Steve Biegun cho biết Boeing đã mở văn phòng đại diện tại Việt Nam do tiềm năng và vị trí quan trọng của thị trường Việt Nam đối với chiến lược kinh doanh của Boeing.
"Trong thời gian tới, hoạt động của Boeing tại Việt Nam sẽ hợp tác trong một số lĩnh vực đặc thù, như máy bay trực thăng, vận tải; đầu tư phát triển chuỗi cung ứng phụ tùng, thiết bị hàng không tại Việt Nam...", ông nói.
Còn lãnh đạo Tập đoàn AES cũng cho biết sẽ quyết tâm đẩy nhanh các dự án năng lượng đang được triển khai tại Việt Nam nhằm sớm cung cấp điện năng, đảm bảo đầy đủ năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế.
Hiện AES cũng đặt ra mục tiêu đạt mức 0 ròng vào năm 2050; đồng thời đang hợp tác với nhiều đối tác để tập trung phát triển chuỗi cung ứng của ngành năng lượng, thúc đẩy thương mại và xuất khẩu các sản phẩm pin tích năng và module năng lượng mặt trời sản xuất tại Việt Nam.