Điểm tin kinh doanh 29/12: Cổ phiếu ngân hàng tỏa sáng

Việt Báo (Tổng hợp)| 29/12/2022 06:00

Cổ phiếu ngân hàng tỏa sáng; Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến

- Cổ phiếu ngân hàng tỏa sáng

Sau phiên hứng khởi hôm qua, thị trường đã chịu áp lực trở lại trong phiên hôm 28/12. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ đắc lực từ BID, VCB và một số mã ngân hàng, VN-Index vẫn giữ được sắc xanh đến cuối phiên.

Trong nhóm ngân hàng, BID tăng mạnh nhất (4,75%); CTG (2,07%), STB (1,78%), TPB (1,66%)… trở thành động lực dẫn dắt thị trường.

Trong nhóm bất động sản, xây dựng, ấn tượng nhất phiên là PDR khi mã này nhận lực cầu lớn, kéo lên mức trần 13.450 đồng với thanh khoản cao nhất sàn 13,5 triệu đơn vị. Ngoài ra, DRH, VRCM, KBC vẫn giữ vững sắc tím khi không chịu áp lực nào từ lực cung. Trong khi đó, VHM, VIC… ngược dòng từ đà giảm hơn 2% trở lại sắc xanh vào cuối phiên giúp VN-Index đỡ áp lực.

Nhóm chứng khoán cũng có nhiều mã đảo chiều thành công, giúp sắc xanh chiếm ưu thế hơn sắc đỏ. Trong đó, VND (1,1%), HCM (1,2%), VCI (1,7%)… Trong nhóm thép, sự phân hoá trở nên rõ rệt khi POM tăng mạnh 4,2%, HSG 1,3%..., còn HPG giảm 0,3%, NKG giữ tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu bán lẻ hiện sắc đỏ với sự sụt giảm của ông lớn MWG sau thông tin lãi sau thuế tháng 11 giảm sâu đến 67% so với cùng kỳ, trong bối cảnh nhu cầu yếu ngay cả trong mùa cao điểm. MWG cũng trở thành mã ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN30-Index khi lấy đi gần 2 điểm. Các cổ phiếu khác cùng giảm xuống dưới mức tham chiếu như FRT, AST, VGC…

Kết phiên, VN-Index tăng 11 điểm, lên 1.015 điểm; HNX tăng 2,9 điểm lên 206 điểm, Upcom giảm 0,08 còn 70,4 điểm. Thanh khoản của thị trường vẫn duy trì ở mức thấp 10.800 tỷ đồng với 259 mã tăng, 146 mã giảm.

- Chứng khoán 2022: Áp lực lớn nhưng hấp dẫn trong khu vực

Tuy có diễn biến phức tạp và chịu áp lực lớn từ biến động của thị trường quốc tế, nhưng chứng khoán Việt Nam năm 2022 vẫn là thị trường hấp dẫn trong khu vực và hút dòng vốn nước ngoài vào mạnh mẽ.

Đó là nhận định được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đưa ra trong báo cáo tổng kết năm 2022 vừa phát đi.

Theo UBCKNN, năm 2022, mặc dù thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam diễn biến phức tạp và chịu áp lực lớn từ biến động của thị trường quốc tế nhưng TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường hấp dẫn so với các thị trường khác trong khu vực, khi dòng vốn nước ngoài đã quay trở lại mạnh mẽ vào những tháng cuối năm.

- VinaCapital trở thành cổ đông lớn tại Vietravel (VTR)

Ngày 28/12, Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel, mã chứng khoán VTR) đã công bố thông tin về việc Vinacapital chính thức trở thành cổ đông lớn tại Vietravel.

Theo đó, Tập đoàn Vietravel, cổ đông lớn nhất của Vietravel hiện đang nắm giữ 7,04 triệu cổ phiếu VTR, tương đương tỷ lệ 40,68%, đã chuyển nhượng thành công 1,78 triệu cổ phiếu VTR, tỷ lệ 10,3% vốn cho CTCP Quản lý Quỹ VinaCapital theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh, với giá 24.000 đồng/CP. Giao dịch được thực hiện vào ngày 23/12/2022.

CTCP Quản lý Quỹ VinaCapital, thuộc Tập đoàn VinaCapital là một trong những công ty đầu ngành trong lĩnh vực đầu tư tài chính ở Việt Nam.

Ở một diễn biến khác, Vietravel cũng vừa công bố chuyển nhượng hơn 39 triệu cổ phần, tương đương 30,22% cổ phần Công ty đang nắm giữ tại Vietravel Airlines cho Tập đoàn Vietravel nhằm hoàn thiện kế hoạch tái cấu trúc Vietravel theo mô hình Tập đoàn, để Vietravel tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi của đơn vị là du lịch, đồng thời hoạt động tài chính của Công ty trở nên thanh thoát hơn.

- Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến

Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp cuối năm của Ban Chỉ đạo, tổ chức sáng 28/12.

Cụ thể, Phó Thủ tướng chỉ đạo, trong dịp Tết Quý Mão 2023, Ban Chỉ đạo điều hành giá cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cấp có thẩm quyền các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc điều hành giá phải theo sát thị trường, nắm bắt nhanh nhạy, sát thực tiễn, đo được phản ứng của dư luận…để đưa ra các giải pháp chính xác, hiệu quả, phù hợp với đặc thù của đất nước, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân, doanh nghiệp; tổ chức thông tin, truyền thông chính xác, trung thực, kịp thời.

- Nhận định thị trường dầu thô tháng 1/2023

Dưới góc nhìn phân tích kỹ thuật, giá dầu thô vẫn đang nằm trong kênh giảm giá ở các khung đồ thị daily, weekly và monthly. Một triển vọng tăng giá cho dầu thô có thể được nhìn thấy trong trung hạn, khi kinh tế Trung Quốc quay trở lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên, điều đó cần thời gian tích lũy các điều kiện hỗ trợ nhiều hơn cho xu hướng tăng giá.

Dự báo giá dầu thô WTI hợp đồng kỳ hạn tháng 3/2023 trong tuần từ 2/1 – 6/1/2023 được giao dịch trong phạm vi từ 73.5 – 81.7 USD/thùng, với giá trung bình thấp hơn so với tuần hiện tại.

Trong phạm vi tháng 1/2023, dự kiến hợp đồng kỳ hạn tháng 3/2023 dao động với giá trung bình tương đương tháng 12/2022, trong phạm vi từ 70.3 – 83.5 USD/thùng.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 29/12: Cổ phiếu ngân hàng tỏa sáng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO