- Tăng dồn dập, vàng miếng vượt 73 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn lên đỉnh mới
Sáng 28/11, giá vàng nhẫn lập kỷ lục mới khi đạt 61,80 triệu đồng/lượng, xô đổ kỷ lục cũ là 61,65 triệu, trong khi đó vàng miếng cũng vượt mốc 73 triệu đồng.
Cụ thể, lúc 10h sáng 28/11, giá vàng nhẫn được Tập đoàn Doji niêm yết ở mức 60,65 - 61,9 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 200.000 đồng/lượng so với chốt phiên chiều trước đó.
Giá vàng nhẫn tại SJC cũng được niêm yết ở mức tương ứng 60,65 - 61,85 triệu đồng/lượng.
Như vậy, giá vàng nhẫn đã thiết lập kỷ lục mới và đắt nhất lịch sử. Từ đầu năm đến nay, giá vàng nhẫn đã tăng tới gần 7,5 triệu đồng/lượng.
Không chỉ giá vàng nhẫn, giá vàng miếng cũng tiếp tục xu hướng tăng mạnh, gần đạt ngưỡng lịch sử hồi tháng 3/2022 là 73,6 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, giá vàng miếng ngày 28/11 tại Doji đang được niêm yết ở mức 72,1 - 73,1 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng khoảng 300.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với cuối chiều trước đó.
Tương tự, giá vàng miếng tại SJC được niêm yết ở mức 72,3 - 73,1 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Giá vàng liên tục tăng ngay sau mở cửa sáng 28/11. Hiện khoảng cách chênh lệch giữa giá mua và bán đang lên đến 1 triệu đồng/lượng.
- HoSE cắt margin 87 cổ phiếu gồm NVL, HBC, IBC, HSG, HPX, POM, ITA,...
Hiện sàn HOSE có tổng cộng 87 mã chứng khoán không được cấp margin, trong đó có những mã đang có thanh khoản lớn như NVL, HAG, ITA, AGM, APC, HBC, IBC, HSG, HPG,...
Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) vừa bổ sung cổ phiếu ITD của Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong vào danh mục chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.
Nguyên nhân bị cắt margin do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng (niên độ tài chính 2023 – 2024) là số âm.
Sau khi bổ sung thêm ITD, sàn HOSE có tổng cộng 87 mã chứng khoán không được cấp margin. Trong đó có những mã đang có thanh khoản lớn trên thị trường như NVL, HAG, ITA, ABS, AGM, APC, ASP, BCE, CIG, CKG, DAG, FDC, GMC, HVN, LDG, NVT, OGC, POM, SJF, TDH, TGG, TTF, TVB… phần lớn các cổ phiếu này thuộc diện kiểm soát, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2023 là số âm, báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023 có ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần của tổ chức kiểm toán.
Ngoài ra, 4 quỹ niêm yết là FUCVREIT, FUEDCMID, FUEIP100 và FUEKIV30 không đủ điều kiện ký quỹ do quỹ đầu tư đại chúng có tối thiểu một tháng có giá trị tài sản ròng (NAV) tính trên một đơn vị chứng chỉ quỹ nhỏ hơn mệnh giá, căn cứ trên báo cáo thay đổi giá trị tài sản ròng hàng tháng xét trong 3 tháng liên tiếp.
Cùng với đó, 3 quỹ niêm yết khác là FUEBFVND, FUEFCV50, FUEMAVND cũng nằm trong danh sách, do có thời gian niêm yết dưới 6 tháng.
- DKSH và Glenmark hợp tác cùng nâng cao chất lượng cuộc sống người Việt
DKSH đã ký kết thành công thỏa thuận hợp tác chiến lược với Glenmark, nhà nghiên cứu và sản xuất dược phẩm trên toàn cầu, để phát triển và mang đến các sản phẩm đa dạng cho thị trường Việt Nam. Các sản phẩm của Glenmark sẽ được nhập khẩu bởi DKSH và phân phối bởi các đối tác trong nước.
Ngành hàng Chăm sóc sức khoẻ của DKSH đã chính thức thiết lập mối quan hệ hợp tác chiến lược với Glenmark để mang nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe thuộc nhóm da liễu, hô hấp, tim mạch, chăm sóc sức khỏe phụ nữ,… về Việt Nam.
Thông qua mối quan hệ hợp tác này, các sản phẩm nổi bật của Glenmark như Candid, Klenzit, Saferon, Combiwave và nhiều sản phẩm chất lượng cao khác sẽ được cung cấp tại thị trường Việt Nam.
Ông Tomas Mihal, Phó Chủ tịch, kiêm Giám đốc Kinh doanh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Glenmark, cho biết: “Với cam kết tạo ra ‘Liệu pháp mới cho cuộc sống mới’ bằng khoa học và sự cải tiến, chúng tôi tin rằng DKSH là đối tác đáng tin cậy giúp chúng tôi mở rộng thị trường cho các sản phẩm của Glenmark tại Việt Nam. Quan hệ hợp tác này cũng là động lực giúp Glenmark có thể tiếp tục đầu tư nghiên cứu và cải tiến sản phẩm để tạo nên các liệu pháp đột phá trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe”.
Ông Phillip Wray, Tổng Giám đốc, DKSH Pharma Việt Nam, chia sẻ: “Quan hệ hợp tác với Glenmark là một phần trong trong cam kết chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người của chúng tôi. Với kiến thức chuyên sâu và mạng lưới rộng lớn, chúng tôi sẽ chung tay hiện thực hóa các mục tiêu kinh doanh của Glenmark tại Việt Nam, đồng thời tiếp bước trên hành trình nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt bằng các sản phẩm tiên tiến và chất lượng cao.”
- Giá USD trên thị trường tự do chưa hạ nhiệt dù DXY giảm 3% từ đầu tháng 11
Từ tháng 8/2023 đến nay, tỷ giá “chợ đen” chủ yếu đi ngang và tăng. Từ đầu tháng 11 đến nay, chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD (DXY) đã giảm hơn 3%, từ 106,9 về 103,2 điểm. Điều này giúp áp lực tỷ giá vơi bớt chứ không khiến giá USD tự do đảo chiều...
Trên thị trường thế giới, chỉ số USD Index tiếp tục giảm thêm 0,2% trong ngày giao dịch đầu tuần này, xuống dưới mức 103,2 điểm và hiện đã mất giá khoảng hơn 3% tính từ đầu tháng 11 đến nay. Như vậy, xu hướng giảm của đồng USD trong hai tuần vừa qua vẫn đang được duy trì.
Giới phân tích dự báo vùng giá này tiếp tục là vùng giao dịch chủ đạo của thị trường trước thời điểm cuộc họp của FED vào ngày 13/12, khi chính sách tiền tệ tại Mỹ được định hình rõ ràng hơn.
Một loạt sự kiện và dữ liệu kinh tế quan trọng đang được thị trường theo dõi trong tuần này để xác định xu hướng lãi suất chính sách sắp tới. Tuy nhiên, các kỳ vọng vào khả năng FED bắt đầu đảo chiều chính sách tiền tệ, chuyển sang cắt giảm lãi suất trong năm 2024 ngày một lớn hơn. Thị trường đang kỳ vọng thời điểm sớm nhất là vào tháng 3/2024 (23% khả năng) và cao nhất là vào tháng 5/2024 (50%).
Ở trong nước, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh theo cả 2 chiều, tăng – giảm đan xen. Nếu so sánh với đầu tháng 11, tại ngày 28/11, tỷ giá trung tâm giảm 169 đồng, được niêm yết ở mức 23.930 VND/USD.
Áp dụng biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là từ 22.734 - 25.127 VND/USD.
Theo khảo sát tại các ngân hàng thương mại, giá mua USD sáng 28/11 nằm trong khoảng từ 24.005 – 24.200 VND/USD còn giá bán ra duy trì trong phạm vi 24.410 - 24.430 VND/USD.
Tỷ giá trên thị trường tự do neo cao. Sáng 28/11, giá mua USD trên thị trường tự do dao động từ 24.550 – 24.670 VND/USD. Giá bán duy trì trong phạm vi 24.630 – 24.720 VND/USD.
Nhìn lại giá USD trên thị trường tự do từ tháng 8/2023 đến nay, có thể nhận thấy tỷ giá “chợ đen” chủ yếu đi ngang và tăng. Cụ thể, vào đầu tháng 8, giá USD tự do mua vào ở mức 23.730 VND/USD, bán ra 23.800 VND/USD. Như vậy, luỹ kế từ tháng 8/2023 đến nay, tỷ giá “chợ đen” đã tăng gần 4% và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Giá USD trong nước neo cao do tác động cộng hưởng bởi chênh lệch lãi suất giữa VND-USD ở mức cao.
- Thị trường hàng hóa nông sản dự kiến “hạ nhiệt” trong năm 2024
Giá hàng hóa thực phẩm toàn cầu năm 2024 dự kiến sẽ giảm và rời khỏi mức cao kỷ lục sau ba năm hỗn loạn do xung đột, diễn biến thời tiết bất lợi, chi phí năng lượng cũng như chi phí đầu vào leo thang.
Những dự báo trên được đưa ra trong báo cáo Triển vọng Thị trường Hàng hóa Nông nghiệp thường niên mới nhất của ngân hàng đầu tư Rabobank.
Với giá hàng hóa nông nghiệp thấp hơn, một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy lạm phát giá lương thực sẽ giảm. Mặc dù sức ép lên giá cả và nguồn cung đã giảm, Rabobank dự đoán nhu cầu vẫn yếu do người tiêu dùng tiếp tục phải đối mặt với những thách thức kinh tế, bao gồm lạm phát và lãi suất cao. Nhìn chung, triển vọng tăng trưởng kinh tế yếu trong năm 2024 sẽ hạn chế tăng trưởng nhu cầu hàng hóa nông nghiệp.
Ông Carlos Mera, người đứng đầu bộ phận hàng hóa nông sản tại Rabobank cho biết trong ba năm qua, các nhà sản xuất nông nghiệp vẫn đang vật lộn với hậu quả của xung đột, thời tiết bất lợi, lạm phát đầu vào cao và nhu cầu tiêu dùng yếu. Đa phần coi năm 2024 là thời điểm hoạt động của họ trở lại trạng thái bình thường. Báo cáo của Rabobank đánh giá triển vọng của một rổ 10 hàng hóa nông sản quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu dựa trên các kịch bản khác nhau.
Theo đó, Rabobank dự đoán giá các mặt hàng nông sản quan trọng như ngô, đậu tương, đường và cà phê sẽ giảm do hoạt động sản xuất đã có thời gian thích ứng với giá cao trong khi nhu cầu vẫn yếu. Giá lúa mì sẽ vẫn phụ thuộc vào thời tiết năm tới cùng những bất ổn liên quan đến hoạt động xuất khẩu. Trong khi đó, Rabobank dự đoán những công ty trong lĩnh vực sản xuất bánh mì, sản phẩm sữa và protein động vật sẽ là những bên được hưởng lợi lớn nhất khi thị trường trở lại trạng thái “khỏe mạnh” hơn và tăng cường nguồn cung.
- Giao 8 thương nhân nhập khẩu 107.000 tấn đường
Sau phiên đấu giá sáng 28/11, Bộ Công Thương đã chọn được 8 thương nhân để phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2023.
Sáng 28/11, Bộ Công Thương tổ chức Phiên phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2023 theo phương thức đấu giá. theo phương thức đấu giá.
Kết quả cho thấy, có 8 thương nhân có hồ sơ hợp lệ gồm: Công ty CP Đường Việt Nam; Công ty CP Mía đường Lam Sơn; Công ty CP Mía đường Sơn La; Công ty CP Thành Thành Công – Biên Hoà; Công ty CP Hàng tiêu dùng Biên Hoà; Công ty TNHH MTV Đường Biên Hoà – Ninh Hoà; Công ty CP Mondelez Kinh Đô Việt Nam; Công ty TNHH MTV Kinh Đô Miền Bắc.
Hội đồng phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2023 công bố như sau:
Công ty CP Đường Việt Nam được phân giao 20.000 tấn
Công ty CP Thành Thành Công – Biên Hoà được phân giao 20.000 tấn
Công ty CP Hàng tiêu dùng Biên Hoà được phân giao 20.000 tấn
Công ty TNHH MTV Đường Biên Hoà – Ninh Hoà được phân giao 20.000 tấn
Công ty CP Mía đường Lam Sơn được phân giao 20.000 tấn
Công ty CP Mía đường Sơn La được phân giao 5.000 tấn
Công ty CP Mondelez Kinh Đô Việt Nam được phân giao 1.000 tấn
Công ty TNHH MTV Kinh Đô Miền Bắc được phân giao 1.000 tấn
Tổng hợp số lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường được phân giao cho các doanh nghiệp đợt này là 107.000 tấn, thấp hơn so với tổng lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2023 theo phương thức đấu giá được phân giao là 119.000 tấn.