Điểm tin kinh doanh 28/3: Vàng trang sức giảm mạnh trong khi SJC diễn biến lạ

Việt Báo (Tổng hợp)| 28/03/2023 06:00

Nguy cơ khủng hoảng tín dụng khi các ngân hàng thắt chặt cho vay; VPBank bán 15% vốn cho đối tác ngoại, thu về 1,5 tỷ USD

- Giá vàng hôm 27/3: Vàng trang sức giảm mạnh trong khi SJC diễn biến lạ

Chốt phiên giao dịch cuối tuần (26/3), giá vàng thế giới và trong nước cùng quay đầu giảm.

Đầu tuần 27/3, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào 66,55 triệu đồng/lượng, bán ra 67,25 triệu đồng/lượng, ổn định so với hôm qua. Biên độ chênh lệch giá mua - vàng vàng SJC được duy trì khoảng 700.000 đồng/lượng.

Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) giao dịch giá vàng SJC mua vào 66,6 triệu đồng/lượng, bán ra 67,3 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch quanh 54,8 triệu đồng/lượng mua vào, 55,8 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 300.000 đồng/lượng so với hôm qua.

Chốt phiên giao dịch 26/3, giá vàng miếng 9999 tại SJC TP.HCM là 66,6 triệu đồng/lượng (mua vào) - 67,3 triệu đồng/lượng (bán ra). SJC Hà Nội niêm yết ở mức 66,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,32 triệu đồng/lượng (bán ra).

Doji Hà Nội niêm yết ở mức 66,55 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,25 triệu đồng/lượng (bán ra). Doji TP.HCM mua vàng SJC ở mức 66,7 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 67,3 triệu đồng/lượng.

Một diễn biến hiếm thấy trong nhiều năm trở lại đây là giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K đang thấp hơn giá vàng thế giới, còn giá vàng SJC cũng chỉ cao hơn thế giới khoảng 10-11 triệu đồng thay vì 15-17 triệu đồng/lượng như những năm trước.

Cụ thể, giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết vào khoảng 56,4 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng nhẫn khoảng 600.0000 đồng/lượng trong khi vẫn thấp hơn giá vàng SJC khoảng 10,5 triệu đồng/lượng.

- Đối thủ Starlink hoàn tất mạng lưới vệ tinh, sẵn sàng đua Internet không gian

OneWeb, công ty Internet vệ tinh trụ sở tại Vương quốc Anh đã hoàn tất việc đưa các vệ tinh lên quỹ đạo, sẵn sàng đi vào khai thác dịch vụ ngay trong năm nay.

Theo đó, OneWeb vừa hoàn tất phóng 36 vệ tinh cuối cùng trong nhóm 616 vệ tinh ban đầu để cung cấp vùng phủ sóng băng thông rộng toàn cầu.

OneWeb cho hay công ty hiện có đủ các vệ tinh bay nhanh trên quỹ đạo để cung cấp dịch vụ băng thông rộng cho khách hàng từ doanh nghiệp tới cơ quan ban ngành tại 48 bang của nước Mỹ trong tháng 5 tới đây và dự kiến bao phủ toàn cầu vào cuối năm 2023.

“Đây là thành quả của rất nhiều công việc khó khăn, trong đó công ty đã phải vượt qua trở ngại liên quan đến vấn đề địa chính trị, đồng nghĩa chúng tôi đã chứng tỏ được sự kiên cường và khả năng bắt kịp của mình”, CEO Neil Masterson của OneWeb cho biết trong cuộc phỏng vấn trước buổi phóng tại cơ quan Tổ chức nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ.

OneWeb từng đệ đơn phá sản vào tháng 3/2020 sau khi bị loại khỏi thị trường tín dụng do khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ đại dịch Covid, trước khi được chính phủ Vương quốc Anh, Tập đoàn Bharti và ông trùm viễn thông Ấn Độ Sunil Mittal giải cứu. Từ đó đến nay, công ty đã thu hút thêm nhiều nhà đầu tư rót vốn, chẳng hạn như SoftBank, tập đoàn Hàn Quốc Hanwha Systems và công ty Mỹ Hughes Satellite Systems.

- Lado taxi thuê 500 ô tô điện VinFast và mua bổ sung 40 xe VF e34

Công ty TNHH Đồng Thúy - đơn vị sở hữu thương hiệu Lado Taxi đã ký hợp đồng thuê và mua xe ô tô điện số lượng lớn với Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) và Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ VinFast để mở rộng hoạt động kinh doanh taxi điện tại Lâm Đồng, Bình Định và các khu vực khác.

Cụ thể, Lado đặt mua từ VinFast 40 xe VF e34, bổ sung vào đội xe điện VF e34 đã đi vào vận hành chuyên nghiệp. Song song với việc mua mới, Lado cũng đã ký hợp đồng thuê 300 xe VF e34 và 200 xe VF 5 Plus thông qua Công ty GSM. Thời hạn thuê là 42 tháng kể từ ngày ký hợp đồng chính thức, có thể được gia hạn tuỳ vào nhu cầu sử dụng thực tế.

Trước đó, Lado đã mua và vận hành đội xe 75 chiếc VF e34 từ cuối tháng 5/2022, phục vụ vận chuyển hành khách tại Sân bay Liên Khương (Lâm Đồng).

- Nguy cơ khủng hoảng tín dụng khi các ngân hàng thắt chặt cho vay

Các chính phủ trên khắp thế giới vẫn đang cảnh giác cao độ sau khi xảy ra tình trạng hỗn loạn tại các ngân hàng lớn của Mỹ và châu Âu do điều này có thể kéo theo cuộc khủng hoảng tín dụng.

Giới chức kinh tế Mỹ và châu Âu cho biết đang theo dõi chặt chẽ căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng thời gian gần đây do điều này có thể kéo theo cuộc khủng hoảng tín dụng khi các ngân hàng thắt chặt hoạt động cho vay.

Các chính phủ trên khắp thế giới vẫn đang cảnh giác cao độ sau khi xảy ra tình trạng hỗn loạn tại các ngân hàng lớn của Mỹ và châu Âu, trong đó có sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank của Mỹ cùng vụ giải cứu Credit Suisse - ngân hàng lớn thứ hai tại Thụy Sĩ.

Tuần trước, thị trường tài chính đã phát đi tín hiệu căng thẳng. Đồng euro giảm so với đồng USD, cùng với lợi suất trái phiếu chính phủ Khu vực đồng tiền chung euro (Erozone) giảm và chi phí bảo hiểm đối với các vụ vỡ nợ ngân hàng tăng, bất chấp sự đảm bảo từ các nhà hoạch định chính sách.

Trong nỗ lực mới nhất nhằm xoa dịu các nhà đầu tư, Bộ Tài chính Mỹ ngày 24/3 cho biết Hội đồng Giám sát ổn định tài chính (FSOC) đánh giá hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn đang hoạt động "mạnh mẽ và có khả năng chống chịu tốt".

- VPBank bán 15% vốn cho đối tác ngoại, thu về 1,5 tỷ USD

Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) của Nhật mua 15% cổ phần VPBank sau khi thoái vốn khỏi Eximbank sau 10 năm hợp tác bất thành.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, sáng 27/3 VPBank và Tập đoàn SMBC ký kết thỏa thuận phát hành riêng lẻ 15% cổ phần VPBank.

Thương vụ này mang về cho VPBank 35.900 tỷ đồng vốn cấp 1 (tương đương khoảng 1,5 tỷ USD).

Khoản đầu tư từ SMBC giúp VPbank nâng tổng vốn chủ sở hữu từ 103,5 nghìn tỷ đồng lên xấp xỉ 140 nghìn tỷ đồng. Thỏa thuận đầu tư lần này là một phần trong kế hoạch tăng vốn đã được VPBank thực hiện từ năm 2022.

Trước đó, hồi đầu tháng 5/2022, VPBank và SMBC ký biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác kinh doanh trong chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản đến Việt Nam.

Đây là một động thái tiếp theo của SMBC nhằm mở rộng sự hiện diện tại châu Á và củng cố ngân hàng số, một trong những mục tiêu trụ cột SMBC đã đặt ra trong kế hoạch quản lý trung hạn bắt đầu từ năm tài chính 2020 và kéo dài đến năm tài chính 2022.

- Silicon Valley Bank đã được mua lại

Đã có 2 ngân hàng nộp hồ sơ dự thầu cho Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC), cạnh tranh nhau để mua lại Silicon Valley Bank.

Valley National Bancorp (hay còn được gọi là Valley National Bank) và First Citizens Bank là 2 ngân hàng đang cạnh tranh để giành được Silicon Valley Bank (SVB) sau khi đơn vị này sụp đổ vào đầu tháng 3.

FDIC, cơ quan tiếp quản SVB và đang trong quá trình tìm bên mua lại trong suốt 2 tuần qua, vừa công bố, First Citizens Bank có trụ sở tại Raleigh, Bắc Carolina đã ký một thỏa thuận mua lại đối với tất cả các khoản tiền gửi và khoản vay của SVB. Thỏa thuận này bao gồm việc mua khoảng 72 tỷ USD tài sản SVB với mức chiết khấu 16,5 tỷ USD.

Khoảng 90 tỷ USD chứng khoán và các tài sản khác sẽ vẫn nằm trong quyền tiếp nhận của FDIC, trong khi FDIC cũng có quyền đánh giá cao vốn cổ phần trong First Citizens Bank trị giá tới 500 triệu USD. Theo tuyên bố, chi phí ước tính của việc phá sản của SVB đối với Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi (DIF) là khoảng 20 tỷ USD.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 28/3: Vàng trang sức giảm mạnh trong khi SJC diễn biến lạ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO