Điểm tin kinh doanh 27/11: Giá vàng SJC lên mức cao nhất gần 20 tháng trở lại đây

Việt Báo (Tổng hợp)| 27/11/2023 06:00

Thêm một công ty “họ” FLC bị phạt 92 triệu đồng; Hàn Quốc bắt đầu thí điểm tiền kỹ thuật số vào cuối năm 2024 với 100.000 công dân

vang-hoang-ha-1-1305-1243-1141-1241-884.jpg

- Giá vàng SJC lên mức cao nhất gần 20 tháng trở lại đây

Trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce, giá vàng SJC đã lên mức cao nhất gần 20 tháng trở lại đây, trên 72 triệu đồng/lượng.

Theo giới chuyên môn, nhiều yếu tố sẽ hỗ trợ giá vàng vượt ngưỡng này trong thời gian dài.

Tại thị trường trong nước, vàng đã có tuần giao dịch tăng mạnh, với mức tăng 1,6 triệu đồng/lượng, tương đương 2,26% về giá trị.

Từ đầu tuần (20/11), giá vàng trong nước liên tục tăng và chạm ngưỡng 72 triệu đồng/lượng trong phiên giao dịch 22/11. Sau đó, giao dịch lình xình ở ngưỡng 71 triệu đồng/lượng, trước khi bật tăng trở lại vào ngày 25/11 và duy trì đà tăng này đến cuối tuần.

Chốt phiên dịch cuối tuần, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 71,3 - 72,32 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 300 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 500 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên trước đó.

Tập đoàn Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 71,4 - 72,25 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 350 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 400 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên trước đó.

Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 71,2 - 72,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 300 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 500 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên trước đó.

Với mức giá này, giá vàng SJC đã lên cao nhất gần 20 tháng và chỉ cách mức đỉnh từ trước tới nay khoảng 2 triệu đồng/lượng.

- Cơ quan Đặc nhiệm chống rửa tiền toàn cầu đưa Việt Nam vào 'Danh sách Xám'

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, từ tháng 10/2023, Việt Nam bị FATF đưa vào danh sách các quốc gia có hoạt động của các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo có tầm quan trọng, chính yếu của FATF.

FATF có thể yêu cầu Việt Nam sẽ phải thực hiện các biện pháp ưu tiên nhằm triển khai khuôn khổ pháp lý về phòng, chống rửa tiền liên quan đến tài sản ảo.

Như vậy, việc thoát khỏi Danh sách Xám trước năm 2025 là một trong những mục tiêu trọng tâm của Việt Nam, trong đó tăng cường quy định, cơ chế phòng, chống tội phạm rửa tiền thông qua giao dịch tiền mã hóa (tiền kỹ thuật số, tiền ảo) là một yêu cầu cấp bách.

- Dấu hiệu cảnh báo tài khoản cá nhân nghi nhờ rửa tiền, vào tầm kiểm soát

Những dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực ngân hàng được quy định rất rõ trong Luật Phòng, chống rửa tiền. Đối tượng cần báo cáo bao gồm các tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan quy định tại khoản 1, 2 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022.

Quy định giao dịch từ 400 triệu đồng phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước nhằm góp phần chống rửa tiền.

Từ 1/12/2023, các giao dịch có giá trị từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo với Ngân hàng Nhà nước. Đây là nội dung đáng chú ý của Quyết định 11/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định 11/2023/QĐ-TTg thay thế Quyết định 20/2013/QĐ-TTg ngày 18-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo.

- Thêm một công ty “họ” FLC bị phạt 92 triệu đồng

Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán: ROS) vừa bị phạt hành chính 92,5 triệu đồng do không công bố thông tin báo cáo tài chính và báo cáo tình hình quản trị trong nhiều năm.

Cụ thể, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành Quyết định số 359/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (mã ROS, địa chỉ trụ sở chính tại số 265 Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội), 92 triệu đồng đối với hành vi không công bố thông tin tài chính và báo cáo quản trị theo quy định pháp luật.

Công ty này đã không công bố thông tin trên hệ thống công bố thông tin của UBCKNN đối với các tài liệu gồm: Báo cáo tài chính năm 2021, 2022 đã được kiểm toán; Báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét năm 2022, 2023; Báo cáo tài chính quý I, II, III, IV-2022; Báo cáo tài chính quý I, II, III-2023; Báo cáo thường niên năm 2021, 2022; Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2022; Báo cáo tình hình quản trị công ty bán niên năm 2023. Do đó, Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros bị UBCKNN ra quyết định xử phạt 92 triệu đồng.

Trước đó, ngày 3-10-2023, Thanh tra UBCKNN cũng đã phạt Công ty này 92,5 triệu vì lỗi tương tự.

Gần đây nhất, ngày 8-11-2023, Thanh tra UBCKNN đã ban hành quyết định xử phạt đối với một công ty khác cũng thuộc họ nhà FLC là Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (mã chứng khoán: KLF) 92,5 triệu đồng cũng với hành vi vi phạm tương tự.

- Hàn Quốc bắt đầu thí điểm tiền kỹ thuật số vào cuối năm 2024 với 100.000 công dân

Theo dự án thí điểm, các cá nhân được chọn có thể mua hàng bằng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương của Hàn Quốc.

Một trăm nghìn người Hàn Quốc sẽ có thể sử dụng mã token dựa trên loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) vào năm tới, trong một chương trình thí điểm do Ngân hàng Hàn Quốc (BOK) và các cơ quan tài chính phối hợp triển khai.

BOK, Ủy ban Dịch vụ Tài chính và Dịch vụ Giám sát Tài chính đã công bố các kế hoạch, sau chuyến thăm của Agustin Carstens, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, tới BOK vào ngày 23/11.

Đây là kế hoạch mới của một token trước đó được đưa ra vào tháng 10 tiết lộ ý định của ngân hàng trung ương về việc thử nghiệm CBDC trong thế giới thực.

Theo dự án thí điểm, 100.000 công dân được chọn có thể mua hàng bằng token do ngân hàng thương mại phát hành dưới dạng CBDC, tương tự như sử dụng voucher tại các cửa hàng. Các ngân hàng thương mại được chọn sẽ tuyển dụng người tham gia vào khoảng tháng 9 đến tháng 10 năm sau và sẽ tiến hành thử nghiệm dự án trong 3 tháng.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 27/11: Giá vàng SJC lên mức cao nhất gần 20 tháng trở lại đây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO