Điểm tin kinh doanh 26/5: Giá vàng thế giới giảm mạnh nhất kể từ đầu năm

Việt Báo (Tổng hợp)| 26/05/2024 06:00

Khối ngoại bán ròng hơn 5.000 tỷ trên thị trường chứng khoán tuần qua; G7 lo ngại tình trạng sản xuất dư thừa hàng hóa giá thấp của Trung Quốc

gia-vang-hom-nay-ngay-17-5-1715924936691908755871.jpg

- Giá vàng thế giới giảm mạnh nhất kể từ đầu năm

Giá vàng thế giới đang trên đà trượt dốc, hướng đến tuần tồi tệ nhất từ đầu năm do ảnh hưởng chính sách cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Chốt phiên giao dịch cuối ngày 24/5 (giờ Mỹ), giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 2.332,77 USD/ounce khi chỉ số USD giảm 0,4%. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,1% xuống 2.334,50 USD/ounce.

Mức tăng trên không đáng kể so với giá kỷ lục 2.449,89 USD/ounce ngày 20/5. Hiện, giá vàng giảm hơn 100 USD/ounce so với lúc đạt mức cao nhất mọi thời đại. Trong tuần qua, giá vàng giảm đến 3%, mức giảm mạnh nhất trong vòng 5 tháng qua, theo Reuters.

"Giới đầu tư không chắc chắc thời điểm Fed cắt giảm lãi suất. Chỉ khi Fed thông qua điều đó, vàng mới tăng trở lại", Michael Widmer - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kim loại của Bank of America - nói với Reuters.

Ông Michael Widmer nhận định xu hướng mua vàng của các nhà đầu tư Trung Quốc cũng chững lại trong nửa cuối năm nay. Nguyên do chính quyền Bắc Kinh đang nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế.

Trong biên bản họp ngày 22/5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy con đường đạt lạm phát 2% của ngân hàng trung ương mất nhiều thời gian hơn dự kiến. Điều đó khiến giới đầu tư nghi ngờ khả năng Fed cắt giảm lãi suất. Từ con số 72%, CME FedWatch Tool hiện đưa ra khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 11 là 63%.

Bạc giao ngay tăng 0,5% lên 30,25 USD/ounce. Bạch kim tăng 0,8% lên 1.027,25 USD/ounce, trong khi palladin giảm 0,7% xuống 962,50 USD/ounce. Cả ba kim loại hướng tới mức thua lỗ hàng tuần.

Tại thị trường nhiên liệu, giá dầu thô tăng sau khi chịu áp lực về chính sách hạn chế kéo dài của Fed. Dầu thô Mỹ tăng 1,11% lên mức 77,72 USD/thùng, trong khi dầu Brent ổn định ở mức 82,12 USD/thùng, tăng 0,93% trong ngày.

- Khối ngoại bán ròng hơn 5.000 tỷ trên thị trường chứng khoán tuần qua

Sự điều chỉnh của TTCK Việt Nam trong tuần giao dịch từ 20-24/5 chứng kiến nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng mạnh. Tổng giá trị bán ròng đạt 5.352 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các mã cổ phiếu bluechips.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một tuần giao dịch đầy biến động khi chỉ số VN-Index giảm hơn 11 điểm, tương đương 0,88%, so với tuần trước, chốt ở mức 1.261,93 điểm.

Đây là kết quả của bốn tuần phục hồi liên tiếp gặp phải áp lực điều chỉnh ngắn hạn khi tiến tới vùng kháng cự mạnh. Đặc biệt, phiên cuối tuần chứng kiến áp lực bán mạnh từ phía nhà đầu tư nước ngoài.

Nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tổng cộng 5.352 tỷ đồng trong tuần qua. Giao dịch bán ròng này phần lớn đến từ các quỹ ETF ngoại lớn như Fubon ETF, tập trung vào các cổ phiếu bluechips.

Trên sàn HoSE, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 3.871 tỷ đồng, trên HNX là 33 tỷ đồng và trên sàn UPCoM là 1.448 tỷ đồng.

Tâm điểm bán ròng là cổ phiếu ABB của ABBank với giá trị 883 tỷ đồng, chủ yếu trong hai phiên 21-22/5. Đây là hoạt động bán ra của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) theo lộ trình thoái vốn đã thống nhất. Sau giao dịch này, cổ đông lớn nước ngoài duy nhất của ABBank là Maybank với tỷ lệ sở hữu 16,4%.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu FPT và VHM cũng bị bán ròng mạnh với giá trị lần lượt là 667 tỷ và 659 tỷ đồng. Một số mã như VEA, VNM, KBC... cũng đồng loạt bị bán ròng trên 300 tỷ đồng tại mỗi mã.

Mặc dù áp lực bán ròng khá lớn, một số mã cổ phiếu vẫn thu hút được dòng tiền từ khối ngoại. Đáng chú ý nhất là cổ phiếu DBC của Dabaco với giá trị mua ròng 627 tỷ đồng, trong bối cảnh giá thịt lợn tăng cao.

Chứng chỉ quỹ FUEVFVND cũng được gom mạnh với 224 tỷ đồng, cùng với các mã NLG và HVN được mua ròng lần lượt 135 tỷ và 119 tỷ đồng. Các mã PC1, HCM, NVL và HDG cũng ghi nhận lực mua ròng từ khối ngoại với giá trị vài chục tỷ đồng mỗi mã.

Kể từ đầu tháng 5 đến nay, khối ngoại đã bán ròng khoảng 8.900 tỷ đồng trên sàn HoSE. Đây là phiên thứ ba liên tiếp trong tháng mà nhà đầu tư nước ngoài bán ròng với giá trị lớn.

- G7 lo ngại tình trạng sản xuất dư thừa hàng hóa giá thấp của Trung Quốc

Quan chức hàng đầu trong lĩnh vực tài chính của Nhóm G7 bày tỏ lo ngại rằng tình trạng sản xuất dư thừa hàng hóa giá thấp của Trung Quốc có tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu.

Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản phụ trách các vấn đề quốc tế Masato Kanda cho biết nhiều quan chức hàng đầu trong lĩnh vực tài chính của Nhóm các nền công nghiệp tiên tiến nhất thế giới (G7) ngày 24/5 bày tỏ lo ngại rằng tình trạng sản xuất dư thừa hàng hóa giá thấp của Trung Quốc có tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu.

Phát biểu với báo giới tại thành phố Stresa, miền Bắc Italy, ông Kanda cũng đề cập đến các vấn đề về tiền tệ và cho rằng cần có hành động thích hợp nếu có những biến động quá mức, khi cuộc họp diễn ra vào thời điểm đồng yen giảm giá mạnh so với đồng USD.

Ông Kanda đưa ra nhận xét trên sau khi Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước G7 kết thúc phần đầu tiên của cuộc thảo luận.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 26/5: Giá vàng thế giới giảm mạnh nhất kể từ đầu năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO