- Người mua ngỡ ngàng vì cả vàng nhẫn và SJC đồng loạt tăng giá mạnh
Giá vàng hôm 25/4 trong nước tăng nhẹ trong khi giá vàng thế giới hôm nay 25/4 bật tăng tiến sát mốc 2.000 USD/ounce.
Giá vàng hôm 25/4 ở thị trường trong nước tăng nhẹ theo giá thế giới. Lúc 9 giờ, giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 66,45 triệu đồng/lượng, bán ra 67,05 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng mỗi lượng so với cuối ngày hôm trước đó.
Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch quanh 55,9 triệu đồng/lượng mua vào, 56,9 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 200.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua.
Chốt phiên giao dịch 24/4, giá vàng miếng 9999 tại SJC TP.HCM là 66,4 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67 triệu đồng/lượng (bán ra). SJC Hà Nội niêm yết ở mức 66,4 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,02 triệu đồng/lượng (bán ra).
Doji Hà Nội niêm yết ở mức 66,4 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,95 triệu đồng/lượng (bán ra). Doji TP.HCM mua vàng SJC ở mức 66,4 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 66,95 triệu đồng/lượng.
Lúc 9h53' hôm ngày 25/4, giờ Việt Nam, giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.994,7 USD/ounce, tăng 11,7 USD/ounce so với đêm qua. Giá vàng giao tương lai tháng 6 trên sàn Comex New York ở mức 2.007 USD/ounce, tăng 23 USD/ounce so với đêm trước đó.
Sáng 25/4, vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá hơn 56,87 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế và phí) thấp hơn khoảng 10,2 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.
- Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay
Ngày 25/4 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và 5 ngân hàng thương mại nhà nước về các giải pháp giảm lãi suất cho vay, tình hình hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp; kết quả thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản (BĐS) cho các địa phương, doanh nghiệp và các giải pháp trong thời gian tới.
Thủ tướng cho rằng, các ngân hàng thương mại nhà nước chiếm tỷ lệ lớn trong tổng lượng tín dụng của nền kinh tế. Do đó, các ngân hàng này cần tham gia dẫn dắt, điều tiết thị trường, tạo động lực, truyền cảm hứng cho hệ thống ngân hàng, hỗ trợ nền kinh tế phát triển; tiếp tục nỗ lực giảm chi phí đầu vào bằng các biện pháp như đổi mới công nghệ, quản trị, tăng cường chuyển đổi số. Giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay; có chính sách hỗ trợ lãi suất đối với từng đối tượng cụ thể, hướng tín dụng vào đúng vào các địa chỉ, lĩnh vực cần thiết.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính sớm hoàn thiện hồ sơ, phương án giảm 2% thuế VAT, giảm tiền thuê đất… để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; khẩn trương hoàn thiện việc đánh giá tác động và đề xuất phương án với việc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
- FPT Telecom có Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc mới
Từ ngày 25/04, ông Hoàng Nam Tiến sẽ thôi giữ chức Chủ tịch HĐQT FPT Telecom để đảm nhiệm vi trí mới tại FPT Education. Trong khi đó, ông Hoàng Việt Anh được bầu là tân Chủ tịch FPT Telecom và ông Nguyễn Hoàng Linh trở thành Tổng giám đốc mới của FPT Telecom.
Theo đó, từ ngày 25/04, ông Hoàng Nam Tiến sẽ thôi giữ vai trò Chủ tịch FPT Telecom để đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT, phụ trách hoạt động của Viện Quản trị và Công nghệ FSB.
Cùng ngày 25/04, FPT Telecom công bố các Nghị quyết của Hội đồng Quản trị về việc bầu nhân sự đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo chủ chốt. Theo đó, ông Hoàng Việt Anh được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT FPT Telecom nhiệm kỳ 2023 – 2028 và ông Nguyễn Hoàng Linh được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc FPT Telecom.
Cùng với việc được tín nhiệm bầu vào vị trí Chủ tịch FPT Telecom thay cho ông Hoàng Nam Tiến, ông Hoàng Việt Anh hiện đảm nhiệm vị trí PTGĐ Tập đoàn FPT phụ trách Chuyển đổi số kiêm nhiệm Chủ tịch FPT Digital.
- Vinasun muốn sớm kinh doanh taxi điện
Trước câu hỏi của cổ đông về sự xuất hiện của hãng taxi điện mới trên thị trường, lãnh đạo Vinasun khẳng định doanh nghiệp sẽ sớm tham gia vào lĩnh vực này.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), lãnh đạo doanh nghiệp đã khẳng định kinh doanh taxi điện sẽ là một chỉ tiêu của doanh nghiệp trong năm nay.
Cụ thể, ông Trần Anh Minh - Phó tổng giám đốc Vinasun - khẳng định doanh nghiệp sẽ hướng tới kinh doanh bằng xe điện bởi về lý thuyết đây là phương tiện xanh, thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, vị này khẳng định Vinasun sẽ đánh giá nhiều yếu tố để cân nhắc tính khả thi trước khi đưa một phương tiện vào kinh doanh. Những yếu tố này bao gồm chi phí đầu tư, vận hành, bảo dưỡng, tính thanh khoản và khấu hao của phương tiện khi cần thanh lý.
- Việt Nam đầu tư ra nước ngoài hơn 153,5 triệu USD
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt hơn 153,5 triệu USD, bằng 46,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 41 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 140 triệu USD, bằng 49% so với cùng kỳ; Có 11 lượt dự án điều chỉnh với tổng vốn đầu tư tăng thêm hơn 13,5 triệu USD, bằng 32,2% so với cùng kỳ.
Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 13 ngành. Trong đó, ngành Thông tin và truyền thông dẫn đầu với 10 dự án đầu tư mới và 01 lượt điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 105,9 triệu USD, chiếm gần 69% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Tiếp sau là ngành Nông lâm nghiệp, thủy sản với hơn 13,2 triệu USD, chiếm 8,6%...
Singapore là quốc gia dẫn đầu trong tổng số 20 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam với 07 dự án đầu tư mới và 02 dự án điều chỉnh vốn. Tổng vốn đầu tư đăng ký trong 4 tháng đạt gần 103,3 triệu USD, chiếm 62,3% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Lào, Australia, Cuba…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, lũy kế đến hết ngày 20/4/2023, Việt Nam có 1.643 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 21,93 tỷ USD.
- Ngân hàng Nhà nước triển khai Thông tư 02/2023
Từ ngày 24/4, Thông tư của Ngân hàng Nhà nước về việc cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng vay vốn, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn chính thức có hiệu lực. Quy định mới này được cho sẽ góp phần giúp các khách hàng không bị chuyển nhóm nợ, tránh rơi vào nhóm có khoản nợ xấu, từ đó có điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Chiều nay 25/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023.
Theo quy định tại Thông tư 02, các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024. Ngoài ra, trong quy định của Thông tư cũng đã quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong việc xây dựng và ban hành quy định nội bộ để hướng dẫn thống nhất triển khai trong toàn hệ thống, cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện chính sách.
NHNN cho biết, việc cơ cấu thời gian trả nợ cho khách hàng được thực hiện từ thời điểm này và kéo dài đến giữa năm 2024. Điều này sẽ góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp có được điều kiện quay vòng vốn và tiếp cận nguồn vốn mới để duy trì sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Chính sách giãn, hoãn nợ sẽ tác động trực tiếp đến dòng tiền, nguồn vốn của nhiều doanh nghiệp. Thay vì phải trả nợ cả gốc và lãi thì nay nguồn tiền đó có thể được doanh nghiệp sử dụng để tiếp tục kinh doanh, sản xuất. Quan trọng hơn là nợ cũ của doanh nghiệp không bị nhảy nhóm và bị liệt vào nhóm nợ xấu.