- Vàng lên giá
Giá vàng châu Á bật tăng vào phiên chiều ngày 25/3, trong bối cảnh các thị trường dần lấy lại niềm tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ băt đầu tăng lãi suất kể từ tháng Sáu và đồng USD yếu đi khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua nước ngoài.
Vào lúc 13 giờ 48 phút chiều 25/3 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng nhẹ 0,1%, đạt mức 2.166,39 USD/ounce. Giá vàng của Mỹ giao kỳ hạn tăng 0,4% lên 2.167,70 USD/ounce.
Chuyên gia Tim Waterer, nhà phân tích thị trường tại sàn giao dịch KCM Trade cho biết các yếu tố ảnh hưởng đến giá vàng hiện vẫn phát triển khá tích cực. Ông nói các thị trường vẫn đang mong đợi Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất trong những tháng tới.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, các nhà giao dịch đang “đặt cược” 74% xác suất là Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu.
Các nhà đầu tư chờ số liệu lạm phát của Mỹ sẽ được công bố trong tuần để đánh giá liệu số liệu mới có tác động đến kế hoạch của Fed trong việc hạ lãi suất ba lần trong năm nay hay không.
Trên các thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,1% xuống còn 24,62 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 0,2% lên 896,23 USD/ounce và giá palladium tăng 0,8% lên 993,37 USD/ounce.
Tại Việt Nam, trong phiên giao dịch chiều 25/3, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 77,90-79,90 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).
- Standard Chartered dự báo GDP quý 1 của Việt Nam đạt 6,1%
Ngân hàng Standard Chartered dự báo, trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, ngân hàng này dự báo tăng trưởng GDP quý 1/2024 duy trì ở mức vừa phải trước lạm phát gia tăng.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam công bố ngày 25/3, Standard Chartered cho biết, tăng trưởng GDP quý 1/2024 của Việt Nam duy trì ở mức vừa phải, đạt 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái (mức 6,7% hồi quý 4/2023).
Theo Standard Chartered, dữ liệu tháng 3 có dấu hiệu phục hồi sau dịp Tết Nguyên đán, nhờ doanh số bán lẻ. Tăng trưởng doanh số bán lẻ được dự báo tăng trưởng ở mức 9,2% trong tháng 3, so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu được dự báo hồi phục ở mức 5,2% so với cùng kỳ; nhập khẩu đạt mức 5,0%. Thặng dư thương mại có thể thu hẹp xuống 0,8 tỷ đô la Mỹ.
Lạm phát trong tháng 3 có thể tăng lên mức 4,2% so với cùng kỳ (từ mức 4,0% trong tháng 2). Giá dịch vụ giáo dục, nhà ở (vật liệu xây dựng) và thực phẩm đã thúc đẩy lạm phát trong thời gian gần đây. Để nguồn FDI phục hồi mạnh mẽ thì sẽ cần tăng trưởng GDP nhanh hơn.
Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế Việt Nam và Thái Lan của Standard Chartered, cho biết khả năng tăng trưởng quý 1 có chậm lại, nhưng Việt Nam vẫn giữ đà phục hồi. Tuy nhiên, ông nói, ngân hàng này thận trọng trong dự báo nửa đầu năm do những thách thức đến từ toàn cầu.
Standard Chartered cũng dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,5% cho đến hết quý 3/2024 và tăng 50 điểm cơ bản vào quý 4, trước lo ngại về lạm phát do tăng trưởng.
- Hai nhà băng tiếp tục giảm lãi suất tiết kiệm
Hôm 25/3, hai ngân hàng thương mại cổ phần lớn là VIB và Techcombank cùng thông báo điều chỉnh giảm nhiều nhất 0,2 điểm % với các kỳ hạn tiền gửi.
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam - VIB (HoSE: VIB) thông báo giảm lãi suất huy động đối với các khoản tiền gửi mở mới của khách hàng cá nhân. Đây cũng là lần điều chỉnh đầu tiên của nhà băng này trong tháng 3.
Cụ thể, với hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến, VIB giảm 0,1 điểm % lãi suất tiền gửi các kỳ hạn 6-18 tháng.
Sau điều chỉnh, lãi suất tại kỳ hạn 6-11 tháng về còn 4%/năm; kỳ hạn 15-18 tháng còn 4,8%/năm; 24-36 tháng còn 5%/năm. Với các kỳ hạn ngắn 1-5 tháng, VIB giữ nguyên lãi suất tại mốc 2,7-3%/năm.
Ở hình thức gửi tại quầy, lãi suất khách hàng nhận được sẽ thấp hơn 0,1 điểm % so với hình thức gửi online.
Cùng ngày, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam - Techcombank (HoSE: TCB) cũng thông báo điều chỉnh giảm 0,2 điểm % lãi suất huy động đối với hình thức gửi tại quầy với các kỳ hạn ngắn 1-2 tháng. Sau điều chỉnh, lãi suất huy động tại kỳ hạn này về còn 2,15%/năm.
Lãi suất các kỳ hạn còn lại được Techcombank giữ nguyên. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 3-5 tháng ở mức 2,35%/năm; kỳ hạn 6 tháng ở mức 3,45%/năm; kỳ hạn 12 tháng trở lên ở mức 4,45%/năm.
Với khách hàng ưu tiên có khoản tiền gửi mở mới giá trị lớn hơn, lãi suất sẽ cao hơn khoảng 0,05-0,15 điểm % so với khách hàng thường.
Nếu khách hàng chọn hình thức gửi online, lãi suất được nhận sẽ tăng thêm 0,15 điểm %.
Ngoài VIB và Techcombank, lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại khác không có sự thay đổi trong ngày đầu tuần. Theo ghi nhận từ đầu tháng 3, đã có 25 ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi suất huy động.
- Xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Trung Quốc “rơi tự do”
Trong 2 tháng đầu năm, thị trường Trung Quốc rơi xuống vị trí thứ 10 về nhập khẩu tiêu Việt Nam với thị phần chiếm 2,6% so với 25,3% của cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 2/2024 Việt Nam xuất khẩu 13.450 tấn hạt tiêu, tương đương 54,5 triệu USD, giảm 23% về lượng, giảm 22% về kim ngạch so với tháng trước.
Tính chung 2 tháng, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 30.914 tấn, trị giá 124,3 triệu USD, giảm 23,5% về lượng và giảm 2,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngược chiều sản lượng và kim ngạch, giá xuất khẩu trung bình tháng 2/2024 đạt 4.021 USD/tháng, tăng mạnh 28% so với cùng kỳ năm 2023.
Xét về thị trường, Mỹ là thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm, đạt 8.735 tấn, tương đương 36,5 triệu USD, chiếm tỷ trọng 28,3%. Đứng sau lần lượt là Ấn Độ và Đức, đều chứng kiến sản lượng và kim ngạch tăng trưởng.
Trong tháng 2, Việt Nam xuất sang Italia 193 tấn, tương đương 769 nghìn USD, tăng mạnh 1.187% về lượng và tăng 1.241% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023, chiếm tỷ trọng 1,1% trong tổng sản lượng xuất khẩu. Giá xuất khẩu bình quân đạt 4.085 USD/tấn, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, xuất khẩu sang Trung Quốc trong 2 tháng đã giảm mạnh xuống chỉ còn 816 tấn từ mức 10.209 tấn của cùng kỳ năm 2023. Thị trường này cũng rơi xuống vị trí thứ 10 về nhập khẩu tiêu Việt Nam với thị phần chiếm 2,6% so với 25,3% của cùng kỳ.
- Cổ phiếu VNDirect giảm 1,44% trong ngày hệ thống giao dịch bị tấn công
Sau khi gặp sự cố bị tấn công mạng, kết phiên giao dịch ngày 25/3, cổ phiếu VNDirect (VND) mất 1,44%, còn 23.950 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, cổ phiếu này lại có khối lượng giao dịch đột biến khi đạt hơn 86 triệu đơn vị.
Con số này gấp 3 lần mức bình quân phiên trong vòng một năm trở lại đây và là mức thanh khoản cao thứ 2 trong lịch sử niêm yết của VND, chỉ sau phiên 6/7/2023 (khớp lệnh 105 triệu đơn vị).
Trước đó, VNDIRECT đã thông tin chính thức về sự cố hệ thống giao dịch trực tuyến của công ty. Thông báo cho biết, sáng 24/3, toàn bộ hệ thống của VNDIRECT bị tấn công dẫn đến toàn bộ nền tảng giao dịch của công ty tạm thời không truy cập được.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sau đó đã tạm thời ngắt kết nối giao dịch từ xa và giao dịch trực tuyến trên các thị trường giao dịch chứng khoán niêm yết, giao dịch chứng khoán đăng ký giao dịch, giao dịch chứng khoán phái sinh, giao dịch công cụ nợ và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của VNDirect tới HNX kể từ ngày 25/3 cho đến khi VNDirect khắc phục được hoàn toàn sự cố.
Sau khi Công ty chứng khoán VNDirect thông báo hệ thống bị tấn công, website của nhiều công ty có liên quan đến công ty này cũng không thể truy cập được.