- Tỷ giá USD tự do tiến sát 25.500 đồng
Phiên cuối ngày 25/10, tỷ giá USD tự do tăng mạnh chiều bán ra với mức 25.450 đồng/USD, trong khi tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng tăng kịch trần trong biên độ +/-5%.
Ngày 25/10, tỷ giá trung tâm USD/VND được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tại mức 23.703 đồng/USD, tăng 3 đồng so với phiên ngày 24/10.
Với biên độ +/-5%, tỷ giá trần đã tăng lên 24.888 đồng/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước bán 24.870 đồng/USD.
Cuối phiên ngày 25/10, tỷ giá USD trên thị trường tự do đang giao dịch ở mức 25.250-25.450 (mua vào - bán ra), tăng 150 đồng so với phiên sáng nay, mức cao lịch sử, đang trên đường bám sát mức 25.500 đồng/USD.
- Giá vàng trong nước giảm nhẹ
Đóng cửa phiên giao dịch hôm 25/10, giá vàng tại các công ty vàng bạc trong nước đồng loạt giảm. Hiện, vàng SJC giao dịch ở ngưỡng trên 67 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch hôm nay, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI Hà Nội niêm yết giá vàng quanh ngưỡng 66,1 triệu đồng/lượng mua vào và 67,1 triệu đồng/lượng bán ra. Cùng thời điểm, DOJI Thành phố Hồ Chí Minh giao dịch giá vàng mua vào ở ngưỡng 66,2 triệu đồng/lượng và giá vàng bán ra ở mức 67,1 triệu đồng/lượng.
Cùng thời điểm, SJC Hà Nội và Đà Nẵng niêm yết giá vàng ở mức 66,2 triệu đồng/lượng mua vào và 67,22 triệu đồng/lượng bán ra. SJC Thành phố Hồ Chí Minh niêm yết giá vàng mua vào ở ngưỡng tương tự; giá vàng bán ra ở ngưỡng 67,2 triệu đồng/lượng. Như vậy so với phiên giao dịch ngày hôm qua, giá vàng SJC tại cả 3 thị trường là Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh đã được điều chỉnh giảm 100 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.
Có chung xu hướng giảm, tại Phú Quý SJC, giá vàng mua vào và bán ra được điều chỉnh giảm 100 nghìn đồng/lượng. Theo đó, tại Phú Quý SJC, giá vàng giao dịch ở ngưỡng 66,1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra ở ngưỡng 67,1 triệu đồng/lượng.
- Lãi suất tiền gửi nhiều ngân hàng lại tăng kịch trần
Sau khi NHNN nới trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng lên 6%/năm, một loạt ngân hàng đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động kỳ hạn ngắn lên kịch trần.
Trong thông báo mới nhất, Sacombank đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động khách hàng cá nhân áp dụng từ chiều 25/10, trong đó ghi nhận mức tăng mạnh ở một loạt kỳ hạn với cả hình thức gửi tại quầy và online.
Cụ thể, với các khoản tiền gửi tiết kiệm tại quầy, nhà băng này tăng mạnh lãi suất các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng từ 4,1-4,6%/năm trước đó lên 5,6-6%/năm theo biểu lãi suất mới, tương đương mức tăng 1,4-1,5 điểm %.
Nếu gửi tiền qua kênh online, khách hàng gửi tiền tại Sacombank với các kỳ hạn 1-5 tháng đều sẽ được áp dụng mức lãi suất kịch trần 6%/năm.
Không chỉ các mốc lãi suất kỳ hạn ngắn được điều chỉnh tăng, trong thông báo mới này, Sacombank cũng tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-11 tháng từ mức 5,8-6,3%/năm lên 7-7,25%/năm với kênh quầy.
Đặc biệt, nếu gửi qua kênh online, khách hàng sẽ nhận được mức lãi suất 7,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng; 7,65%/năm với kỳ hạn 9 tháng và 7,75%/năm với kỳ hạn 11 tháng, đều tăng 1,2-1,5 điểm % so với biểu lãi suất trước đó.
Cũng trong chiều 25/10, một loạt ngân hàng khác như BacABank, NCB, SeaBank, VIB đã đưa ra biểu lãi suất huy động mới, trong đó điều chỉnh tăng mạnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng theo điều chỉnh của NHNN.
- Việt Nam xuất khẩu 33,6 tấn thịt gà chế biến đầu tiên sang Nhật Bản
Trải qua nhiều khâu kiểm định, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF) đã chấp thuận cho phép nhập khẩu lô thịt gà chế biến đầu tiên của Việt Nam, thông qua việc đánh giá năng lực sản xuất Công ty CPV Food Bình Phước.
Các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Nhật phải được cam kết truy xuất nguồn gốc 100% toàn bộ chuỗi cung ứng từ nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đến chế biến, thực hiện các tiêu chuẩn thực hành tốt nhất theo đẳng cấp thế giới như môi trường và phúc lợi động vật… đáp ứng tất cả các tiêu chí khắt khe của Nhật Bản và các nước nhập khẩu khác.
Để chuẩn bị cho lô thịt gà chế biến đầu tiên sang Nhật Bản, Cục Thú y đã phối hợp với CPV Food tổ chức triển khai các chương trình giám sát dịch bệnh gia cầm, gắn với giám sát chuỗi cung ứng an toàn thực phẩm. Thực hiện các yêu cầu vệ sinh thú y với cơ sở giết mổ, sản xuất an toàn thực phẩm đối với các cơ sở chế biến, đảm bảo an toàn và chất lượng cao đáp ứng các yêu cầu của Nhật Bản.
- Tập đoàn FPT báo lãi ròng quý III/2022 tăng trưởng 28%
CTCP FPT (HoSE: FPT) vừa công bố BCTC hợp nhất quý III/2022. Theo đó, doanh thu thuần quý III/2022 đạt 11.148,5 tỷ đồng, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trừ đi giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp đạt 4.359 tỷ đồng, tăng 34%.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của FPT đạt 549,7 tỷ đồng, tăng 65,5%. Trong khi chi phí tài chính tăng từ 273 tỷ đồng lên 414 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng lần lượt 40,7% và 36% lên 1.131,4 tỷ đồng và 1.461,4 tỷ đồng.
Khấu trừ các khoản chi phí, lãi sau thuế FPT đạt 1.756 tỷ đồng, tăng 28%.
Theo FPT, kết quả kinh doanh duy trì mức tăng 2 con số nhờ vào tăng trưởng tốt ở mảng công nghệ, nhất là dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài và tăng trưởng biên lợi nhuận mảng viễn thông.