- Giá dầu lao dốc 4 tuần liên tiếp
Giá dầu thô thế giới đã ghi nhận chuỗi giảm kéo dài 4 tuần. Nguyên nhân là nguy cơ suy thoái của kinh tế thế giới, lãi suất tăng cao và triển vọng nhu cầu tại Trung Quốc sụt giảm.
Theo dữ liệu của Trading Economics, trong vòng 24 giờ qua, giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu có lúc giảm xuống dưới ngưỡng 86 USD/thùng, rồi bật tăng nhẹ về 86,71 USD/thùng, đánh dấu mức giảm 4,15% so với 24 giờ trước đó.
Dầu thô Brent đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 8 tháng qua và ghi nhận tuần giảm thứ 4 liên tiếp.
Trong khi đó, dầu WTI sụt giá 5,69% so với 24 giờ trước đó về 78,74 USD/thùng. Trong vòng một tháng qua, giá dầu WTI đã lao dốc 16,59%.
Trong những tuần qua, giá dầu liên tục sụt giảm khi giới đầu tư lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang đẩy mạnh thắt chặt chính sách để kìm hãm lạm phát. Giá cả leo thang cũng triệt tiêu sức mua của người tiêu dùng.
- Giá vàng rơi xuống đáy
Phiên giao dịch hôm 24-9, giá vàng chạm mức 1.640 USD/ounce, tương đương 47,3 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá thấp nhất trong vòng gần 3 năm qua.
Theo ông Bart Melek, Giám đốc hàng hóa toàn cầu Ngân hàng TD Securities, sức ép lãi suất tăng mạnh đã khiến giới đầu tư bán tháo vàng. Giá vàng vẫn rơi tự do vì lực mua vẫn chưa xuất hiện trở lại. Trong thời gian tới, giá vàng có thể rơi về mức 1.550 USD/ounce, tương đương 44,7 triệu đồng/lượng.
Ông Edward Moya, chuyên gia phân tích OANDA cho biết, thị trường đang chứng kiến sức mạnh không ngừng của đồng USD và điều đó đã khiến vàng ngày càng dễ bị tổn thương trong ngắn hạn.
Nền kinh tế rõ ràng đang hướng tới suy thoái đã thúc đẩy giới đầu tư lao vào đồng USD trú ẩn an toàn. Đây là một tin xấu đối với vàng.
Giới phân tích cho rằng trừ khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quay đầu giảm lãi suất thì vàng bớt sức ép bán tháo và có cơ hội tăng giá trở lại.
- Vinamilk, Nestle, Masan dẫn đầu Top doanh nghiệp uy tín ngành thực phẩm - đồ uống 2022
Theo xếp hạng của Vietnam Report, công ty Vinamilk dẫn đầu bảng xếp hạng doanh nghiệp uy tín nhóm ngành sữa và sản phẩm từ sữa, trong khi Nestle và Masan đứng đầu các nhóm ngành đường, bánh kẹo và thực phẩm đóng gói.
Trong Báo cáo Top 10 Công ty uy tín ngành Thực phẩm - Đồ uống năm 2022 do CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố ngày 23/9, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đứng đầu nhóm ngành sữa và sản phẩm từ sữa. Trước đó Vinamilk cũng được Brand Finance xếp hạng là "Thương hiệu sữa lớn thứ 6 thế giới".
Đứng sau Vinamilk trong nhóm ngành này lần lượt là Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam, CTCP Sữa Quốc tế (IDP), CTCP Thực phẩm Dinh dưỡng NutiFood (NutiFood), CTCP Sữa VitaDairy Việt Nam…
Đối với nhóm ngành đường, bánh kẹo và thực phẩm dinh dưỡng khác, Công ty TNHH Nestlé Viet Nam (Nestlé) và Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina (Orion) là hai cái tên được nhắc tới đầu tiên. Kế đến là những cái tên như CTCP Mondelez Kinh Đô Việt Nam, Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam, CTCP Đường Quảng Ngãi…
Ở nhóm ngành thực phẩm đóng gói, gia vị, dầu ăn, những cái tên dẫn đầu là Masan Consumer (CTCP tiêu dùng Masan), Calofic (Công ty TNHH Calofic) và Acecook (CTCP Acecook Việt Nam).
Top 3 công ty đứng đầu của nhóm ngành thực phẩm tươi sống, đông lạnh là C.P. (CTCP Chăn nuôi C.P. Việt Nam), Masan MEATLife (CTCP Masan MEATLife) và Vissan (CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản).
Với nhóm ngành đồ uống có cồn, Sabeco (Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn), Heineken (Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam), Habeco (Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội) là 3 cái tên đứng đầu.
Còn với nhóm đồ uống không cồn (nước giải khát, trà, cà phê…) thì Top 3 công ty đứng đầu là Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam, Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam và Tập đoàn Trung nguyên Legend.