- Chênh lệch giá mua, bán vàng SJC xuống mức cực thấp
Thị trường vàng ế ấm khiến các doanh nghiệp rút ngắn chênh lệch giữa giá mua – bán vàng miếng SJC xuống mức rất thấp để kích cầu, có nơi độ vênh này chỉ còn 200.000 đồng mỗi lượng.
Đầu giờ chiều ngày 24/2, giá vàng miếng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,3 – 67 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với chiều qua. Tại các cửa hàng kinh doanh vàng bạc Mi Hồng lại giảm 50.000 đồng mỗi lượng ở cả hai chiều, neo giá mua vào – bán ra ở mức 66,35 – 66,85 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn vàng bạc đá quý Phú Nhuận giữ nguyên giá mua ở mức 66,2 triệu đồng/lượng nhưng giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều bán, xuống 66,95 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, sau phiên giảm sốc giá mua vàng miếng SJC tới 700.000 đồng/lượng vào ngày hôm qua, sang chiều nay 24/2, ngân hàng Eximbank lại tăng giá vàng miếng SJC thêm 250.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với cuối ngày hôm qua, hiện ở mức 66,5 – 67 triệu đồng/lượng.
Dù giá vàng miếng tăng giảm mỗi nơi một khác song điểm chung là biên độ chênh lệch giữa giá mua và bán đều được các doanh nghiệp kinh doanh vàng thu hẹp đáng kể, hiện ở mức 500.000 – 700.000 đồng/lượng.
Thậm chí, trên thị trường giao dịch vàng tự do, nhiều cửa hàng chỉ neo biên độ này ở quanh ngưỡng 200.000 đồng/lượng để thu hút khách, mức giá mua vào – bán ra chỉ có 66,57 – 66,77 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường vàng thế giới, giá kim loại quý đang giao dịch quanh mức 1.825 USD/Ounce, giảm khoảng 6 USD/ounce so với giá lúc mở cửa phiên hôm qua. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại tương đương 52,8 triệu đồng mỗi lượng. Như vậy, giá vàng miếng SJC hiện đang cao hơn giá thế giới khoảng 14 triệu mỗi lượng, chưa tính thuế và các khoản phí.
- Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online
Bộ Tài chính đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. Theo đó, trò chơi trực tuyến (game online) là một đối tượng phải áp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo Bộ Tài chính, game online là một loại hình giải trí gắn liền với sự phát triển của internet, có sự tương tác giữa những người chơi với nhau và giữa người chơi với máy chủ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến thông qua các thiết bị điện tử như máy tính cá nhân, máy chơi game, các thiết bị di động.
Loại hình kinh doanh game hiện nay là mặt hàng có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ tham gia. Do vậy, cần thiết phải nghiên cứu bổ sung vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để định hướng tiêu dùng.
- Doanh nghiệp gặp khó khăn, hơn 546.000 người lao động ở 50 tỉnh, thành bị giảm giờ làm
Theo báo cáo của các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương, tính từ tháng 9-2022 đến hết tháng 1-2023 đã có khoảng 1.300 doanh nghiệp (tại 50 tỉnh, thành phố) gặp khó khăn, bị cắt, giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của 546.835 người lao động.
Trong đó giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương là 491.212 người, chiếm 89,82% tổng số người bị ảnh hưởng; tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là 7.000 người, chiếm 1,28%; chấm dứt hợp đồng lao động với 48.623 người, chiếm 9% tổng số người bị ảnh hưởng.
Số lao động bị ảnh hưởng phần lớn ở các doanh nghiệp FDI (chiếm 75% tổng số lao động bị ảnh hưởng), tập trung trong 3 ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ (chiếm 77% tổng số lao động bị ảnh hưởng); chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang... (chiếm 70% tổng số người lao động bị ảnh hưởng của toàn quốc).
Có 36 doanh nghiệp ở 16 tỉnh/thành phố, nợ 74,29 tỉ đồng tiền lương của 5.979 người lao động, bình quân nợ 12,42 triệu đồng/người; đến nay đã giải quyết 17,83 tỉ đồng tiền lương của 486 người lao động; chưa giải quyết 56,45 tỉ đồng tiền lương của 5.493 người lao động.
So với năm 2021, số doanh nghiệp, người lao động và tổng số tiền nợ đều giảm nhưng mức nợ lương bình quân tính trên lao động cao hơn (năm 2021 là 62 doanh nghiệp nợ 79,39 tỉ đồng tiền lương của 8.300 người lao động, bình quân nợ 9,56 triệu đồng/người).
- Meta thử nghiệm dịch vụ đăng ký trả phí tại Australia và New Zealand
Phí sử dụng Meta Verified là 11,99 USD/tháng khi đăng ký trên website; nếu đăng ký thông qua các hệ điều hành iOS hoặc Android, người dùng phải trả 14,99 USD mỗi tháng.
Meta thông báo kể từ ngày 24/2, mạng xã hội Facebook và ứng dụng chia sẻ hình ảnh Instagram - hai công ty con của tập đoàn này - sẽ triển khai thử nghiệm dịch vụ xác minh tài khoản có trả phí tại Australia và New Zealand.
Khi đăng ký dịch vụ Meta Verified, người dùng sẽ nhận được một biểu tượng hình tròn màu xanh da trời, bên trong có dấu tích trắng, ngay bên cạnh tên tài khoản Facebook của mình. Đây là cách người dùng mạng xã hội có thể bảo vệ tài khoản cá nhân khỏi bị mạo danh trên mạng.
Phí sử dụng Meta Verified là 11,99 USD/tháng khi đăng ký trên website. Nếu đăng ký thông qua các hệ điều hành iOS hoặc Android, người dùng phải trả 14,99 USD mỗi tháng. Việc mua trên các hệ điều hành có giá cao hơn do các nhà phát triển phải trả phụ phí khi mua hàng trong ứng dụng.
- Lùi thời hạn nối lại đường bay đến Trung Quốc sang cuối tháng 4
Các hãng hàng không Việt Nam phải tạm thời lùi thời hạn khai thác đến Trung Quốc tới cuối tháng 4 hoặc sang tháng 5/2023.
Tin từ Cục Hàng không VN, các hãng hàng không Việt Nam phải tạm thời lùi thời hạn khai thác đến Trung Quốc đến cuối tháng 4 hoặc sang tháng 5/2023 để chờ các quyết định tiếp theo của Trung Quốc về việc cho phép khách du lịch đến Việt Nam.
Cơ quan này cho hay: Năm 2019 (trước dịch Covid-19), thị trường hàng không Việt Nam - Trung Quốc có 14 hãng hàng không hai nước khai thác trong đó 11 hãng hàng không Trung Quốc (gồm: Air China, China Eastern, China Southern, Hainan Airlines, Lucky Air, Sichuan Airlines, Xiamen Airlines, Okay Airways, Chongqing Airlines, Shenzhen Airlines và Donghai Airlines) khai thác 32 đường bay từ 14 điểm tại Trung Quốc đến 5 điểm tại Việt Nam (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Quốc và Nha Trang) với tổng tần suất đạt 240 chuyến/chiều/tuần.
Phía Việt Nam có 4 hãng hàng không là: Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, và Vietjet Air khai thác 72 đường bay từ 5 điểm tại Việt Nam (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Quốc và Nha Trang) đến 48 điểm tại Trung Quốc với tổng tần suất đạt 276 chuyến/chiều/tuần thường lệ và 145 chuyến/tuần/chiều không thường lệ (tổng cộng 421 chuyến/tuần).
Với chính sách mới, các hãng hàng không Việt Nam phải tạm thời lùi thời hạn khai thác đến Trung Quốc đến cuối tháng 4/2023 hoặc sang tháng 5/2023 để chờ các quyết định tiếp theo của quốc gia này về việc cho phép khách du lịch đến Việt Nam.
- Cảnh báo nguy cơ dư thừa và dội chợ khi diện tích sầu riêng tăng ồ ạt
Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cảnh báo việc tăng diện tích trồng sầu riêng một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng và khuyến cáo của các đơn vị chuyên môn sẽ dẫn đến hậu quả khó lường như cung vượt quá cầu, dư thừa và dội chợ.
Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ngày 23/2 đã ban hành văn bản gửi các tỉnh phía Nam chỉ đạo về việc phát triển cây sầu riêng tại khu vực này.
Theo cơ quan này, các địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và Tây Nguyên vẫn có hiện tượng phát triển nóng cây sầu riêng, đặc biệt là mở rộng diện tích ở các vùng có điều kiện đất đai, sinh thái không phù hợp; phá cây cà phê, cây hồ tiêu trong vườn trồng xen sầu riêng; chuyển đổi đất lúa để trồng cây sâu riêng…
Cục Trồng trọt cảnh báo việc tăng diện tích một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng, khuyến cáo của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn sẽ dẫn đến hậu quả khó lường như cung vượt quá cầu; dư thừa, dội chợ và nghiêm trọng hơn là tại các vùng không phù hợp như vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng không chủ động được tưới, tiêu sẽ gây thiệt hại nghiệm trọng về năng suất và chất lượng sầu riêng của Việt Nam.