- Giá vàng giảm liên tiếp, USD vọt tăng
Sáng 23/9, giá vàng trong nước giảm phiên thứ 2 liên tiếp. Trên thị trường tiền tệ, tỷ giá USD tăng trở lại.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 68,35 - 69,05 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn tròn trơn 56,95 - 57,9 triệu đồng/lượng, giữ nguyên so với hôm 22/9.
Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng miếng SJC 68,25 - 69,15 triệu đồng/lượng. Mức giá này giảm 150.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra.
Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá Vàng Rồng Thăng Long, vàng nhẫn tròn trơn 57,08 - 57,98 triệu đồng/lượng, giảm 80.000 đồng/lượng.
Cùng thời điểm, giá vàng thế giới ở mức 1.925 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, vàng thế giới khoảng 53,9 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế, phí.
Trên thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm 24.060 đồng/USD. Tại ngân hàng thương mại, tỷ giá USD quanh mức 24.200 - 24.450 đồng/USD. Mức giá này tăng 60 đồng/USD ở chiều mua vào và tăng 30 đồng/USD ở chiều bán ra.
Sáng 23/9, chỉ số USD Index đo lường sức mạnh của đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt thế giới ở mức 105.56 điểm, mức cao nhất trong 6 tháng qua.
Kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 9, Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã giữ lãi suất ổn định ở mức 5,25% -5,50%.
Đồng USD ở mức cao do lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm cũng đạt mức cao nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây. Đồng USD tăng giá cũng khiến việc nắm giữ vàng trở nên đắt đỏ hơn.
- Standard Chartered giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2023
Tăng trưởng GDP được dự báo sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2023, sau khi nền kinh tế có những dấu hiệu phục hồi trong quý II.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP quý III của Việt Nam sẽ đạt 5,1%, tăng so với mức 4,1% trong quý II.
Tăng trưởng GDP được dự báo sẽ phục hồi trong nửa cuối năm, sau khi nền kinh tế có những dấu hiệu phục hồi trong quý II. Ngân hàng giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2023 ở mức 5,4%.
Theo Standard Chartered, dữ liệu tháng 9 có thể sẽ cải thiện đôi chút so với tháng 8 nhờ doanh số bán lẻ. Tăng trưởng doanh số bán lẻ trong tháng 9 được kỳ vọng sẽ duy trì mạnh ở mức 8,2% so với cùng kỳ, xuất khẩu được dự đoán giảm 6,2% so với cùng kỳ, nhập khẩu giảm 7,0% và tăng trưởng sản xuất công nghiệp tăng lên 3,2%. Thặng dư thương mại có thể thu hẹp xuống 1,3 tỷ đô la Mỹ. Lạm phát có thể tăng trở lại lên 3,2% so với cùng kỳ (lạm phát tháng 8 đạt 3,0%).
- Các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng 19.000 tỷ đồng tiền lãi
Lãnh đạo Vụ Tín dụng cho biết mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm với lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm khoảng hơn 1,0% so với cuối năm 2022.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến ngày 15/9, các ngân hàng thương mại đã cam kết tổng tiền lãi được giảm khoảng 19.000 tỷ đồng.
Cũng theo bà Giang, trong thời gian Ngân hàng Nhà nước đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5%-2,0%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Đến nay, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm (lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm khoảng hơn 1,0% so với cuối năm 2022).
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhiều biện pháp để giảm lãi suất cho vay như khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; có nhiều văn bản chỉ đạo và làm việc trực tiếp với các tổ chức tín dụng để đề nghị tiếp tục triển khai các biện pháp để giảm lãi suất tiền gửi; tiếp tục triển khai các giải pháp để giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới (phấn đấu mức giảm lãi suất tổi thiểu từ 1,5%-2%/năm).
Đối với chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02, tính đến cuối tháng 8/2023, lũy kế tổng giá trị nợ (gốc và lãi) được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ gần 121.000 tỷ đồng, với gần 124.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Cũng theo bà Giang, đến nay đã có 13 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia chương trình cho vay nông lâm, thủy sản gói tín dụng 15.000 tỷ đồng và đã thực hiện với doanh số giải ngân đạt gần 5.500 tỷ đồng (bằng 37% tổng số tiền cam kết), cho 2.000 lượt khách hàng vay vốn.
- Giá tiêu giữ mức 72.500 đồng/kg
Giá tiêu hôm nay (23/9) trong khoảng 70.000 - 72.500 đồng/kg, giữ ổn định tại các địa phương so với cùng thời điểm hôm 22/9. Các doanh nghiệp phải đẩy mạnh nhập khẩu để bảo đảm nguồn hàng cung ra thị trường.
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, tiêu được thu mua với mức 71.000 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu ở mức 70.000 đồng/kg. Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu ở mức 70.500 đồng/kg. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giá tiêu ở mức 72.500 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bình Phước, tiêu được thu mua với mức 72.000 đồng/kg.
Giá tiêu nhiều ngày gần đây liên tục trong trạng thái đi ngang, duy trì mức cao nhất là 72.500 đồng/kg. Có thể trước các dự báo khan hiếm nguồn cung, nông dân và các đại lý đang có tâm lý giữ hàng không bán, với kỳ vọng đợi giá sẽ tăng thêm. Do đó, nguồn cung trên thị trường sẽ bị ảnh hưởng, hoạt động mua bán trong nước không nhiều.
Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), 18 ngày đầu tháng 9 năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 8.615 tấn hồ tiêu, trong đó tiêu đen đạt 7.728 tấn, tiêu trắng đạt 887 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 31,3 triệu USD. Số liệu xuất khẩu 18 ngày đầu tháng 9/2023 cho thấy lượng tiêu giảm sút, trong khi nhập khẩu tăng lên. VPSA dự báo, sản lượng tiêu năm 2023 của Việt Nam ước đạt khoảng 190.000 tấn, tăng 3,8% so với năm 2022.
Từ nay đến cuối năm hoàn toàn phụ thuộc vào lượng tiêu tồn kho từ năm ngoái sang khoảng 60 nghìn tấn (trong đó khoảng 30 nghìn tấn phải để dự trữ gối vụ) và lượng nhập khẩu. Điều này cho thấy, nguồn cung tiêu trong quý 4/2023 và quý 1/2024 là rất hạn chế cho đến khi mùa vụ thu hoạch mới.
- Xuất khẩu thủy sản năm 2023 có thể mang về 9,2 tỷ USD
Sau các tháng đầu năm ghi nhận sự sụt giảm đáng kể, thời điểm cuối năm 2023 được coi là giai đoạn tăng tốc của ngành thủy sản với dự báo xuất khẩu thủy sản cả năm đạt 9,1 - 9,2 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 8/2023, xuất khẩu thủy sản sang nhiều thị trường đều đạt mức đỉnh kể từ đầu năm. Đây là tín hiệu cho thấy thủy sản xuất khẩu đang trở lại đường đua và sẽ dần tăng tốc trong những tháng cuối năm.
Về các thị trường chính, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ lần đầu tiên tăng trưởng dương sau 11 tháng sụt giảm liên tiếp, giúp Mỹ giữ vị trí số 1 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam với kim ngạch 165 triệu USD trong tháng 8, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm trước (YoY).
Dù xuất khẩu cá tra vẫn thấp hơn 24% trong tháng, nhưng xuất khẩu tất cả các sản phẩm chủ lực khác sang Mỹ đều hồi phục trong tháng qua. Cụ thể, mặt hàng tôm tăng 11%, cá ngừ tăng 2%, cá biển khác tăng 12%, cua ghẹ, mực bạch tuộc, nhuyễn thể có vỏ đều tăng từ 24-56% YoY.
Với những dấu hiệu tích cực hơn từ thị trường Mỹ và Trung Quốc, VASEP dự báo xuất khẩu cá tra có thể mang về doanh số 1,8-1,9 tỷ USD; tôm ước đạt 3,6 tỷ USD và các mặt hàng hải sản sẽ đạt khoảng 3,5 tỷ USD.
“Dự báo tổng xuất khẩu thủy sản năm 2023 có thể đạt khoảng 9,1 – 9,2 tỷ USD, giảm 16% so với năm 2022”, theo VASEP.