Điểm tin Kinh doanh 24/8: Giá vàng: tiếp đà giảm cực mạnh

Việt Báo (Tổng hợp)| 24/08/2024 06:00

Sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 24/8; Circle K 'ngắm nghía' 7-Eleven: 'Đốm lửa' cho các thương vụ M&A xuyên biên giới

dvt_0047-1527.jpg

- Giá vàng: tiếp đà giảm cực mạnh

Theo cập nhật giá vàng hôm ngày 23/8, thị trường vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh giá vàng nhẫn, cùng xu hướng với thế giới.

Theo đó, giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 79 triệu đồng/lượng mua vào và 81 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TPHCM, giá vàng SJC ngày 23/8 đang mua vào và bán ra mức tương tự so với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng. Như vậy, so với chốt phiên trước, giá vàng SJC giữ nguyên cả hai chiều mua vào và bán ra.

Giá vàng Doji hôm nay tại khu vực Hà Nội đang là 79 triệu đồng/lượng mua vào và 81 triệu đồng/lượng bán ra, giữ nguyên cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên trước. Giá vàng Doji ngày 23/8 ở TPHCM đang mua vào và bán ra tương tự so với khu vực Hà Nội.

Giá vàng PNJ niêm yết ở mức 79 triệu đồng/lượng mua vào và 81 triệu đồng/lượng bán ra.

Giá vàng Bảo Tín Minh Châu được doanh nghiệp giao dịch ở mức 79 triệu đồng/lượng mua vào và 81 triệu đồng/lượng bán ra.

Như vậy, giá vàng trong nước hôm ngày 23/8, giữ ổn định ở một số thương hiệu vàng lớn.

Giá vàng nhẫn hôm ngày 23/8, tiếp đà giảm mạnh ở một số thương hiệu vàng, không cùng xu hướng với giá vàng miếng.

Cụ thể, giá vàng nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng tại Doji niêm yết ở ngưỡng 77-78,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 150.000 đồng/lượng cả hai chiều mua vào và bán ra so với đầu phiên giao dịch trước.

Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng nhẫn SJC ở ngưỡng 76,9-78,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 200.000 đồng/lượng cả hai chiều mua vào và bán ra so với đầu phiên giao dịch trước.

Theo cập nhật giá vàng thế giới tính đến chiều 23/8 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới ngày 23/8 giảm mạnh với vàng giao ngay giảm 26,8 USD, xuống 2.485,7 USD/ounce.

Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.520,8 USD/ounce, giảm 26,9 USD so với rạng sáng cùng ngày.

Giá vàng thế giới đã mất hơn 1% vào thứ Năm do chịu áp lực chốt lời sau khi kim loại quý này liên tiếp chinh phục các mốc kỷ lục mới. Bên cạnh đó, sự phục hồi của đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc cao hơn cũng góp phần đẩy giá vàng đi xuống.

- Chủ khách sạn Novotel Saigon Centre: Nợ gấp hơn 10 lần vốn chủ sở hữu, 30 lô trái phiếu không thể thanh toán đúng hạn

Công ty Khách sạn Quốc tế Thiên Phúc được biết tới là chủ sở hữu khách sạn 4 sao Novotel Saigon Centre với quy mô 247 phòng tại số 167 Hai Bà Trưng (quận 3, TP.HCM).

Công ty TNHH Một thành viên Khách sạn Quốc tế Thiên Phúc (Công ty Thiên Phúc) vừa công bố thông tin tài chính định kỳ theo quy định liên quan tới chào bán, giao dịch.

Theo thông tin công bố, nửa đầu năm 2024, các chỉ số tài chính của Công ty Khách sạn Quốc tế Thiên Phúc vẫn khá đáng ngại. Cụ thể, nửa đầu năm 2024, Công ty có vốn chủ sở hữu âm 454,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước âm 902,9 tỷ đồng. Tình trạng vốn chủ sở hữu âm của Công ty đã kéo dài từ năm 2022 tới nay và chưa cải thiện.

Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng từ mức 9,63 lần kỳ trước lên 10,67 lần nửa đầu năm 2024, tương ứng nợ phải trả ở mức 4.849,5 tỷ đồng.

Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu giảm từ mức 7,11 lần kỳ trước xuống 6,6 lần nửa đầu năm 2024, tương ứng dư nợ trái phiếu ở mức 2.999,7 tỷ đồng.

Công ty báo thua lỗ 115,5 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024, trong khi cùng kỳ năm trước âm 369,6 tỷ đồng.

Trước đó, trong năm 2023, Công ty bất ngờ báo lãi sau thuế ở mức 194,2 tỷ đồng, trong bối cảnh nửa đầu năm 2023 lợi nhuận sau thuế vẫn đang ở mức âm 369,6 tỷ đồng. Trước đó, năm 2021, 2022, Công ty lỗ sau thuế lần lượt 785,9 và 783,3 tỷ đồng.

Công ty TNHH Một thành viên Khách sạn quốc tế Thiên Phúc được thành lập vào năm 2013, có địa chỉ tại 167 Hai Bà Trưng, quận 3, TP.HCM. Lĩnh vực kinh doanh chính là kinh doanh khách sạn, kinh doanh bất động sản.

Công ty Khách sạn Quốc tế Thiên Phúc được biết tới là chủ sở hữu khách sạn 4 sao Novotel Saigon Centre với quy mô 247 phòng tại số 167 Hai Bà Trưng (quận 3, TP.HCM).

Dù tình hình kinh doanh thua lỗ liên tiếp, nhưng Công ty Thiên Phúc đã phát hành thành công 47 lô trái phiếu trái phiếu với số tiền 6.450 tỷ đồng. Chỉ riêng ngày 31/07/2020, Công ty Thiên Phúc đã phát hành 11 lô trái phiếu khác nhau có mã từ TPHCB2023001 đến TPHCB2023011 với tổng mệnh giá 1.200 tỷ đồng, lãi suất 11,5%/năm. Các lô trái phiếu này đã được Công ty Thiên Phúc tất toán vào ngày 31/07/2023 do đến hạn.

Tiếp theo, vào ngày 31/08/2020, Công ty Thiên Phúc huy động thành công 30 lô trái phiếu có mã từ THP.H2025.01 đến THP.H2025.30 với tổng mệnh giá 3.000 tỷ đồng. Toàn bộ 30 lô trái phiếu hiện vẫn còn lưu hành, được lưu ký tại CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) và có cùng ngày đáo hạn 31/08/2025 và lãi suất 11%/năm.

Báo cáo thanh toán gốc, lãi trái phiếu nửa đầu năm 2024 cho thấy, Công ty Thiên Phúc không thể thực hiện các đợt thanh toán đối với toàn bộ 30 lô trái phiếu này. Nguyên nhân được Công ty đưa ra là chưa thu xếp được nguồn để thanh toán.

- Sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 24/8

Thông tin lịch sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 24/8 về các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.

* VCF: Ngày 06/9 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức năm 2023 của CTCP Vinacafe Biên Hòa (VCF – HOSE), ngày đăng ký cuối cùng là 09/9. Theo đó, cổ tức sẽ được trả bằng tiền mặt theo tỷ lệ 250%, thanh toán bắt đầu từ ngày 20/9/2024.

* NLG: CTCP Đầu tư Thái Bình, cổ đông lớn của CTCP Đầu tư Nam Long (NLG – HOSE) chỉ bán được hơn 435.000 cổ phiếu trong tổng số 3,8 triệu cổ phiếu NLG đăng ký bán từ ngày 24/7 đến 22/8 theo phương thức khớp lệnh. Sau giao dịch, cổ đông trên còn nắm giữ hơn 21,13 triệu cổ phiếu NLG, tỷ lệ 5,49%.

* TBC: Ngày 11/9 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2024 của CTCP Thủy điện Thác Bà (TBC – HOSE), ngày đăng ký cuối cùng là 12/9. Theo đó, cổ tức sẽ được trả bằng tiền mặt theo tỷ lệ 10%, thanh toán bắt đầu từ ngày 27/9/2024.

* GEG: Ngày 29/8 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức năm 2023 của CTCP Điện Gia Lai (GEG – HOSE), ngày đăng ký cuối cùng là 30/8. Theo đó, cổ tức sẽ được trả bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 100:5 (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 6 cổ phiếu), tương ứng GEG sẽ phát hành thêm hơn 17,06 triệu cổ phiếu mới trong đợt này.

* VNM: CTCP Sữa Việt Nam – Vinamilk (VNM – HOSE) thông báo, ngày 25/9 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2023 và tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2024 bằng tiền mặt theo tỷ lệ tổng cộng 8,5%, thanh toán bắt đầu từ ngày 24/10/2024.

* TSC: CTCP Vật tư Kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (TSC – HOSE) thông qua việc nhận chuyển nhượng 6 triệu cổ phần tại CTCP FIT Consumer, với giá 9.000 đồng/cổ phần từ bên chuyển nhượng là CTCP Tập đoàn F.I.T. Sau giao dịch, TSC sẽ nắm giữ hơn 112,35 triệu cổ phần tại FIT Consumer, tương ứng tỷ lệ sở hữu 76,95%.

* NTL: Ông Lê Anh Tuấn, Thành viên HĐQT CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm (NTL – HOSE) đã mua vào 200.000 cổ phiếu NTL từ ngày 25/7 đến 23/8 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Trước giao dịch, ông Tuấn chưa nắm giữ bất kỳ cổ phiếu NTL nào.

* DMC: Ngày 13/9 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức năm 2023 của CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC – HOSE), ngày đăng ký cuối cùng là 16/9. Theo đó, cổ tức sẽ được trả bằng tiền mặt theo tỷ lệ 25%, thanh toán bắt đầu từ ngày 18/10/2024.

* BCF: Ông Phạm Hoàng Thái, Ủy viên HĐQT CTCP thực phẩm Bích Chi (BCF – HNX) đăng ký mua 200.000 cổ phiếu BCF từ ngày 26/8 đến 23/9 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Hiện tại, ông Thái đang nắm giữ hơn 1,82 triệu cổ phiếu BCF, tỷ lệ 5,4%.

* HKT: Ông Đỗ Mạnh Cường, cổ đông lớn của CTCP Đầu tư Ego Việt Nam (HKT – HNX) đã bán toàn bộ hơn 804.000 cổ phiếu HKT sở hữu, tỷ lệ 13,11% trong ngày 20/8. Cùng ngày, một cổ đông khác của HKT là ông Đỗ Văn Mạnh cũng đã bán ra hơn 591.000 cổ phiếu HKT, qua đó, giảm sở hữu tại HKT xuống còn hơn 279.000 cổ phiếu, tỷ lệ 4,55%.

co.opmart-tang-luong-banh-len-30_-so-voi-cung-ky.jpg

- Kido hoàn tất thâu tóm Hùng Vương Plaza

Tập đoàn Kido đã chính thức trở thành công ty mẹ của Hùng Vương Plaza sau khi nâng tỷ lệ sở hữu lên 58,05%.

CTCP Tập đoàn Kido (HoSE: KDC) mới đây thông báo về việc hoàn tất giao dịch theo từng giai đoạn và đưa CTCP Hùng Vương - chủ sở hữu trung tâm thương mại Hùng Vương Plaza - trở thành công ty con của tập đoàn.

Cụ thể, Kido đã mua thêm 4,5 triệu cổ phiếu của Hùng Vương Plaza vào ngày 22/8. Sau khi hoàn tất giao dịch, Kido tăng sở hữu tại Hùng Vương Plaza lên hơn 14 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 58,05%.

Thực tế, Kido đã trở thành cổ đông lớn của Hùng Vương Plaza từ đầu tháng 8 vừa qua, sau khi mua vào 39,41% cổ phần.

Ở chiều ngược lại, quỹ VOF Investment (liên quan VinaCapital) bán ra toàn bộ 31,04% cổ phần tại Hùng Vương Plaza.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, Tổng giám đốc Kido Trần Lệ Nguyên từng tiết lộ đang tiến hành M&A Hùng Vương Plaza. Ông cho biết nếu không có gì thay đổi, trong quý III doanh nghiệp sẽ mua lại trung tâm thương mại này với tỷ lệ 77%.

Như vậy, với việc thâu tóm Hùng Vương Plaza, Kido đã mở rộng hệ thống với tổng cộng 9 công ty con và 4 công ty liên kết.

- Circle K 'ngắm nghía' 7-Eleven: 'Đốm lửa' cho các thương vụ M&A xuyên biên giới

Phi vụ mua lại giữa chuỗi cửa hàng tiện lợi Circle K và 7-Eleven được kỳ vọng kích hoạt làn sóng M&A xuyên biên giới bùng nổ trong năm 2024.

Thông tin Seven & I Holdings (Nhật Bản), đơn vị điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven đình đám nhận được lời đề nghị mua lại từ Alimentation Couche-Tard (trụ sở tại Canada) - chủ thương hiệu Circle K đang thu hút sự quan tâm của giới quan sát.

Được biết, sau hơn một năm nỗ lực đàm phán giữa hai bên, Alimentation Couche-Tard đã gửi "đề xuất thân thiện, không ràng buộc" tới công ty mẹ của 7-Eleven, nhằm tìm kiếm "một thỏa thuận có lợi cho khách hàng, nhân viên, nhà nhượng quyền và cổ đông của cả hai công ty".

Với giá trị ước tính lên đến 38 tỷ USD (hơn 5.600 tỷ yên), thương vụ này được xem là một trong những giao dịch lớn nhất ngành bán lẻ trong năm nay. Đây cũng được xem là nỗ lực thâu tóm của một doanh nghiệp nước ngoài nhắm vào một công ty Nhật Bản. Giới quan sát cho rằng, nếu Alimentation Couche-Tard thành công sẽ kích hoạt làn sóng M&A xuyên biên giới nói chung và trên đất nước mặt trời mọc này nói riêng.

Về phía Seven & I Holdings (Nhật Bản), công ty này cũng cho biết, họ đã thành lập một ủy ban đặc biệt gồm các thành viên hội đồng quản trị không điều hành để xem xét đề xuất từ Alimentation Couche-Tard. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, cả hội đồng quản trị và ủy ban đặc biệt đều chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin Kinh doanh 24/8: Giá vàng: tiếp đà giảm cực mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO