- Giá USD tăng mạnh, Ngân hàng Nhà nước TP.HCM đẩy mạnh kiểm tra các bàn thu đổi ngoại tệ
Mặc dù biên độ tỷ giá từ +/-3% lên +/-5% nhưng giá USD tại một số ngân hàng thương mại vẫn chạm trần biên độ trong ngày...
Ghi nhận trong hôm 22/10, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.688 VND/USD, không đổi so với phiên liền trước. Với biên độ +/-5% đang áp dụng, tỷ giá trần trong phiên là 24.872 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.504 VND/USD.
Mặc dù biên độ vừa được nới, đồng thời tỷ giá trung tâm cũng vẫn đều đặn được nâng lên, thế nhưng giá USD tại các ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục tăng mạnh. Theo đó, một lần nữa, giá USD tại một số ngân hàng thương mại đã chạm trần biên độ trong ngày.
Liên quan tỷ giá USD/VND, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định về ngoại hối sau khi Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ 3% lên 5%.
- Tháng 10, sản lượng vận chuyển hành khách bằng đường hàng không sụt giảm
Trong tháng 10/2022, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đạt 7,1 triệu khách.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 10/2022, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đạt 7,1 triệu khách, giảm 11,6% so tháng 9/2022, tăng 1.814,2% so với tháng 10/2021 và giảm 23,3% so tháng 10/2019 (trước khi xảy ra dịch COVID-19).
Trong đó, khách quốc tế đạt 1,3 triệu khách, giảm 1,4% so tháng 9/2022, tăng 2.794,6% so với tháng 10/2021 và giảm 61,8% so tháng 10/2019; khách nội địa đạt 5,8 triệu khách, giảm 13,6% so tháng 9/2022, tăng 1.679,3% so với tháng 10/2021 và giảm 0,8% so tháng 10/2019.
Sản lượng vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam trong tháng 10/2022 đạt trên 3,5 triệu khách, giảm 11,7% so tháng 9/2022, tăng 1.853,4% so với tháng 10/2021 và giảm 19,8% so tháng 10/2019.
Trong đó, khách nội địa đạt 2,9 triệu khách, giảm 13,6% so tháng 9/2022, tăng 1.679,3% so với tháng 10/2021 và giảm 0,8% so tháng 10/2019; khách quốc tế đạt 614 nghìn khách, giảm 1,2% so tháng 9/2022, tăng 3.574,4% so với tháng 10/2021 và giảm 59,1% so tháng 10/2019.
Đây là tháng thứ 2 liên tiếp sản lượng vận chuyển khách nội địa sụt giảm. Trước đó, sản lượng vận chuyển khách của các hãng hàng không Việt Nam tháng 9/2022 cũng giảm tới 13% so với tháng 8/2022.
- Các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu tháng 10
Theo Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 10/2022, Việt Nam xuất khẩu hơn 14 tỷ USD hàng hóa, trong đó các mặt hàng điện tử, hàng dệt may, giày dép… là các mặt hàng có kim ngạch lớn nhất.
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 10/2022 (1/10 – 15/10) ước đạt 27,7 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tính từ đầu năm đến hết kỳ 1 tháng 10/2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 585,3 tỷ USD, tăng 14,6%.
Trong kỳ 1 tháng 10/2022, Việt Nam xuất siêu 0,5 tỷ USD. Tính đến hết kỳ 1 tháng 10/2022, Việt Nam xuất siêu 7,3 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu trong kỳ 1 tháng 10 ước đạt 14,1 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Các mặt hàng có trị giá xuất khẩu lớn nhất trong kỳ này vẫn là các mặt hàng điện tử. Trong đó, điện thoại các loại và linh kiện đạt trị giá cao nhất tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tiếp theo, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 8,5% và chiếm 13,4%. Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 6,3% và chiếm 13%.
Trong top 10 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất tại kỳ 1 tháng 10/2022, giày dép là mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất khi tăng 136% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong kỳ này, cao su cũng lọt trong top 10 sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất khi đạt hơn 0,24 tỷ USD.