- Viettel đứng đầu top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam
Với mức định giá 8,8 tỷ USD, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) tiếp tục duy trì vị thế thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 7 năm liên tiếp. Thông tin được Brand Finance, công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới, công bố.
Thương hiệu Viettel được định giá cao gấp 3 lần hai thương hiệu lần lượt đứng thứ hai và thứ ba (khoảng 2,8 tỷ USD) trên bảng xếp hạng Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Với mức định giá gần 8,8 tỷ USD, giá trị thương hiệu Viettel chiếm gần 36% tổng giá trị 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam (24,42 tỷ USD).
Trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu hợp nhất của Viettel đạt 79,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ của Viettel đạt gần 72 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6%. Lợi nhuận trước thuế của Viettel đạt 26,6 nghìn tỷ đồng, tăng 21,7% so với cùng kỳ.
- 89% người tiêu dùng Việt Nam hiện đang quản lý tài chính cá nhân trên nền tảng số
Hầu hết người tiêu dùng Việt Nam đã chuyển sang quản lý tài chính cá nhân trên nền tảng số, như thanh toán hóa đơn, chuyển khoản ngân hàng, mở tài khoản ngân hàng mới hay lập kế hoạch tài chính.
Theo Chỉ số thanh toán mới của Mastercard năm 2022, 89% người tiêu dùng Việt Nam đã sử dụng các công cụ số cho ít nhất một hoạt động tài chính trong năm qua, trong đó ba hoạt động phổ biến nhất là thanh toán hóa đơn (85%), chuyển khoản ngân hàng (80%) và bắt đầu thói quen tiết kiệm (73%).
- Ngân hàng Nhà nước tăng trở lại các loại lãi suất điều hành từ hôm nay 23/9
Ngày 22 tháng 9 năm 2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1606/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, quy định các mức lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như sau: Lãi suất tái cấp vốn: 5,0%/năm; Lãi suất tái chiết khấu: 3,5%/năm; Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 6,0%/năm.
- Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng tăng cao
Việc Ấn Độ chính thức cấm xuất khẩu gạo tấm và áp mức thuế 20% xuất khẩu đối với các loại gạo khác đã ngay lập tức tác động lên thị trường lúa gạo thế giới.
Theo thông tin từ Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn – Bộ NN&PTNT), trong tuần từ 12/9 - 16/9/2022, giá gạo 5% tấm tại Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam đều tăng.
Theo đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đạt 430 USD/tấn, tăng 12 USD/tấn so với tuần trước. Giá gạo tăng do mưa lớn gây lũ lụt khiến phí vận chuyển nội địa tăng cao. Dự báo giá gạo Thái Lan sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới do ảnh hưởng từ chính sách của Ấn Độ. Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Ấn Độ đạt mức trung bình 389 USD/tấn, tăng 6 USD/tấn so với tuần trước. Giá tăng do ảnh hưởng của chính sách hạn chế xuất khẩu mới của Chính phủ nước này.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam ước tính đạt 405 USD/tấn, tăng 14 USD/tấn so với tuần trước. Do ảnh hưởng từ Ấn Độ, giá gạo của Việt Nam đang có xu hướng tăng lên.
- Lạm phát tại Sri Lanka tăng lên tới 70,2%
Ngày 21/9, Cục Điều tra và Thống kê Sri Lanka cho biết, lạm phát giá tiêu dùng tại quốc gia này đã tăng lên mức 70,2% trong tháng 8, trong bối cảnh Sri Lanka đang vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Theo số liệu thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng quốc gia (NCPI) trong tháng 8 đã tăng 70,2% so với cùng kỳ năm trước, sau khi tăng 66,7% vào tháng 7. Giá lương thực đã tăng 84,6%, trong khi giá các mặt hàng phi thực phẩm tăng 57,1%.