- Thị trường vàng châu Á “án binh” trong lúc chờ quyết định của Fed
Giá vàng châu Á giao dịch trong biên độ hẹp ngày 22/3, trong bối cảnh một số nhà đầu tư chờ đợi quyết định lãi suất và triển vọng chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Khoảng 12 giờ 40 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đi ngang ở mức 1.940,11 USD/ounce, sau khi giảm 2% trong phiên 21/3. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng nhẹ 0,1% lên 1.942,10 USD/ounce.
Kim loại quý này gần đây đây đã tăng tới 10%, khoảng 180 USD, lên mức cao của một năm nhờ nhu cầu đối với tài sản an toàn gia tăng sau vụ sụp đổ ngân hàng Silicon Valley Bank tại Mỹ và cuộc khủng hoảng tại ngân hàng Credit Suisse. Tuy nhiên, giá vàng đã giảm xuống sau khi Credit Suisse được giải cứu, làm tăng nhu cầu tài sản rủi ro dù cho những bất ổn trên hệ thống tài chính vẫn còn.
Sự chú ý của nhà đầu tư hiện đang hướng đến quyết định của Fed, vào lúc 1 giờ sáng 23/3 theo giờ Việt Nam, sau đó là phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell. Theo công cụ của CME FedWatch, Fed được cho là sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm.
Vàng được xem là kênh đầu tư an toàn trong thời kỳ lạm phát. Tuy nhiên, chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng tăng khi lãi suất tăng nhằm hạ nhiệt lạm phát.
Nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của hãng tin Reuters cho hay vàng có thể tăng lên phạm vi 1.951-1.958 USD/ounce, khi ổn định ở mức hỗ trợ 1.934 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,1% xuống 22,36 USD/ounce, giá bạch kim tăng 0,5% lên 973,30 USD/ounce, còn giá palladium tăng 1,6% lên 1.410,76 USD/ounce.
Giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,4 - 67,12 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
- Bao nhiêu người Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa?
Vừa qua, Coin98 đã phát hành báo cáo tổng hợp thị trường ctypto (tiền mã hóa) Việt Nam năm 2022. Dẫn số liệu từ Finder.com, báo cáo cho biết, hiện Việt Nam có hơn 16,6 triệu người sở hữu tiền mã hóa. Trong số này, có khoảng 31% sở hữu Bitcoin.
Báo cáo cho biết thêm, trong một cuộc khảo sát 389.345 người trên 26 quốc gia, Việt Nam đứng thứ 3 về chấp nhận crypto, sau Ấn Độ và Nigeria. Khoảng 23% dân số Việt Nam nói rằng họ có sở hữu tài sản crypto.
"Từ tháng 7/2021 - 6/2022, giá trị các hoạt động giao dịch tài sản số ở Việt Nam lên tới 112,6 tỉ USD, cao hơn cả Singapore với 101 tỉ USD. Lĩnh vực Gaming/Metaverse chiếm phần lớn các dự án crypto Việt Nam, theo sau là DeFi, NFT và Infrastructure", báo cáo tiết lộ.
Còn theo báo cáo của MarketsandMarkets, thị trường liên quan đến blockchain tại Việt Nam được dự báo sẽ đạt giá trị gần 2,5 tỷ USD vào năm 2026, tăng gấp 5 lần quy mô so với năm 2021.
Cũng theo báo cáo, nhiều dự án crypto Việt Nam đạt mức vốn hóa trên 1 tỉ USD, trên 10 dự án có vốn hóa trên 100 triệu USD. Hơn 170 triệu USD đã được các dự án crypto Việt Nam kêu gọi thành công trong năm 2022.
- Moody’s cập nhật xếp hạng tín nhiệm của Techcombank
Ngày 22/3/2023, tổ chức Moody’s đã cập nhật xếp hạng của Techcombank là Ba3, trong bối cảnh đầy thách thức của thị trường Việt Nam.
Xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi ngoại tệ LT (FC) và nội tệ (LC) của Techcombank được Moody’s cập nhật từ Ba2 sang Ba3, do những biến động gần đây trên thị trường bất động sản Việt Nam. Báo cáo xếp hạng này ghi nhận Techcombank vẫn thuộc nhóm các ngân hàng dẫn đầu trong nước về chất lượng tài sản tín dụng.
Trước đó, trong đánh giá hồi tháng 9/2022, Techcombank có cùng mức xếp hạng quốc gia, và là ngân hàng Việt Nam duy nhất có mức đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) ở mức Ba2.
Theo cập nhật từ kết quả kinh doanh toàn ngành ngân hàng năm 2022, Techcombank hiện đứng đầu về chỉ số an toàn vốn ở mức 15,2%, gấp khoảng 2 lần so với yêu cầu tối thiểu 8% của Basel II. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) là một trong những chỉ tiêu quan trọng khi đánh giá về hoạt động an toàn và quản trị rủi ro của các ngân hàng.
- Hải quan Trung Quốc kiểm tra 5 công ty nước ép trái cây của Việt Nam
Tổng cục Hải quan Trung Quốc yêu cầu kiểm tra theo hình thức trực tuyến 5 doanh nghiệp chế biến nước ép trái cây đông lạnh có lô hàng vi phạm quy định an toàn thực phẩm trong số 12 doanh nghiệp phía Trung Quốc đưa ra.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam vừa ký văn bản số 1635 gửi Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố; Ban quản lý An toàn thực phẩm các tỉnh thành gồm Bắc Ninh, Đà Nẵng và TP.HCM.
Nội dung văn bản cho thấy, Bộ NN&PTNT vừa nhận được thông báo của Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan Trung Quốc yêu cầu kiểm tra theo hình thức trực tuyến đối với 5 doanh nghiệp (DN) chế biến nước ép trái cây đông lạnh. Lý do là 5 DN này có lô hàng vi phạm quy định an toàn thực phẩm.
Bộ NN&PTNT cho hay, theo các Lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, sản phẩm nước ép trái cây không nằm trong danh mục 18 nhóm sản phẩm phải đăng ký qua cơ quan thẩm quyền Việt Nam nên các DN chủ động đăng ký trực tiếp qua CIFER với Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Tuy nhiên, quy định tại Điều 12 Lệnh 248 thì cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nơi đặt trụ sở hoặc DN sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về tính xác thực, đầy đủ và hợp pháp của các tài liệu được nộp.
Và qua rà soát 12 DN cho thấy một số DN có thông tin đăng ký với phía Trung Quốc không chính xác, một số DN chỉ có hoạt động thương mại không có hoạt động sản xuất, một số DN có lô hàng bị cảnh bảo vi phạm về an toàn thực phẩm...
- 52 doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam
Chiều 22/3, phái đoàn doanh nghiệp Mỹ gồm các nhà quản lý cấp cao từ 52 tập đoàn, công ty hàng đầu của Mỹ trong nhiều lĩnh vực năng lượng, công nghệ, sáng tạo, dịch vụ tài chính ngân hàng, chuỗi thực phẩm và đồ uống, y tế, hàng không, quốc phòng, du lịch, hậu cần… đã gặp, cùng thảo luận với lãnh đạo nhà nước và các bộ, ngành về các vấn đề liên quan đến chính sách, các cơ hội bán hàng, cung ứng và đầu tư tại Việt Nam.
Hôm 22/3, Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN (USABC) đưa phái đoàn doanh nghiệp gặp Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và gặp gỡ, thảo luận với nhiều bộ, ngành để tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
TTXVN dẫn lời ông Ted Osius, nguyên đại sứ Mỹ tại Việt Nam, với số lượng doanh nghiệp tham gia lớn nhất từ trước tới nay, trong đó có những tập đoàn hàng đầu Boeing, Lockheed Martin, Apple, SpaceX, Netflix…, Mỹ thể hiện niềm tin của cộng đồng kinh doanh với tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam cũng như những ấn tượng về sự ổn định, định hướng phát triển KT-XH trong 10 năm qua.
Theo Hiệp hội Các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham), các công ty Mỹ đang quan tâm xu hướng tiếp tục mở rộng trung tâm sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam trong các ngành bán dẫn, hàng tiêu dùng nhanh FMCG, đồ chơi, đồ nội thất, lương thực thực phẩm, kinh tế số, kinh tế sáng tạo, dịch vụ tài chính ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, hàng không vũ trụ, quốc phòng và an ninh.
Các nhà đầu tư Mỹ cũng đang rót vốn vào thị trường tài chính Việt Nam qua các quỹ đầu tư gián tiếp và thị trường chứng khoán, bất động sản còn rất tiềm năng để thu hút vốn Mỹ trong tầm nhìn trung hạn và lâu dài.