Điểm tin kinh doanh 23/10: Giá vàng thế giới tiến gần 2.000 USD/ounce, dự đoán trong nước lên 73 triệu đồng/lượng

Việt Báo (Tổng hợp)| 23/10/2023 06:00

Giá xăng ngày 23/10 có thể tăng thêm 600 đồng/lít; Đặc sản OCOP thu về 100 tỉ đồng sau 800 phiên livestream

vang-nhan-hoang-ha-1-1378-1194-996-940.jpg

- Giá vàng thế giới tiến gần 2.000 USD/ounce, dự đoán trong nước lên 73 triệu đồng/lượng

Trưa ngày 23/10, giá vàng quốc tế cũng đã lên 1.980,9 USD/ounce. Đây là phiên tăng thứ sáu liên tục của giá vàng quốc tế, đưa giá vàng tiến gần hơn tới ngưỡng chủ chốt 2.000 USD/ounce.

Chỉ trong tuần trước, giá vàng trên thị trường thế giới đã tăng khoảng 4%. Đã có lúc giá quý kim chạm ngưỡng 1.992 USD/ounce, mức cao nhất trong vòng 5 tháng qua. Giá vàng kỳ hạn tháng 12 cũng tăng vọt lên 2.008 USD/ounce.

Kim loại quý kéo dài chuỗi tăng và đang ở mức cao nhất trong vòng 5 tháng qua do các nhà đầu tư lo ngại căng thẳng tại Trung Đông leo thang. Điều đó khiến nhiều người quan tâm hơn đến tài sản an toàn như vàng bất chấp lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng lập đỉnh.

Tương tự như cuối tuần trước đó nữa, lực mua vàng tăng vọt vào thứ Sáu tuần trước do nhà đầu tư muốn nắm giữ thêm trước khi kết tuần, với hy vọng vàng sẽ còn tăng tiếp do nhiều tin đồn cho rằng căng thẳng vẫn còn leo thang.

“Mọi người đang đổ xô mua vàng vì nhu cầu nắm giữ tài sản an toàn trong bối cảnh có nhiều rủi ro địa chính trị. Nếu căng thẳng tiếp tục gia tăng ở Trung Đông, giá vàng sẽ dễ dàng vượt mốc 2.000 USD/ounce” - chiến lược gia Phillip Streible của Công ty Blue Line Futures nhận định.

Giá vàng còn được hỗ trợ bởi sự giảm giá của đồng USD, khi chỉ số Dollar Index chốt phiên dưới mức 106,2 điểm, từ mức 106,3 điểm của phiên trước. Phát biểu trên CNBC, ông Ryan McIntyre, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Sprott Asset Management cho rằng, vàng có thể vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce trong ngắn hạn nếu xung đột địa chính trị leo thang. Ngoài ra, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tạm dừng tăng lãi suất hoặc gợi ý về khả năng tăng thấp hơn trong tương lai sẽ được xem là tín hiệu tích cực cho kim loại quý.

Một số nhà phân tích dự báo giá vàng có thể sớm chạm lại ngưỡng 2.000 USD/ounce hoặc thậm chí hướng đến mức kỷ lục quanh 2.075 USD/ounce, mức cao nhất kể từ năm 2020.

Trong phiên ngày thứ Sáu tuần trước, quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust mua ròng 15 tấn vàng, nâng khối lượng nắm giữ lên mức 863,2 tấn vàng. Trước đó, quỹ đã bán ròng tổng cộng hơn 14 tấn vàng trong phiên ngày thứ Hai và thứ Tư tuần này.

Sáng 23/10, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC được mua vào 70,25 triệu đồng/lượng và bán ra 71,05 triệu đồng. Tổng cộng sau một tuần, vàng miếng SJC đã tăng 550.000 đồng ở chiều mua vào và tăng 350.000 đồng ở chiều bán ra. Chiều mua tăng nhanh hơn giúp chênh lệch với chiều bán rút ngắn xuống còn 800.000 đồng mỗi lượng thay vì mức 1 triệu đồng như tuần trước.

Riêng vàng nhẫn 4 số 9 được SJC mua vào 58,1 triệu đồng và bán ra 59,1 triệu đồng, cao hơn 1 triệu đồng so với cuối tuần trước. So với đầu tháng 10, vàng nhẫn 4 số 9 của SJC đã tăng hơn 1 triệu đồng và lên đỉnh lịch sử. Chênh lệch giữa giá mua và bán vàng nhẫn SJC vẫn được duy trì ở mức 1 triệu đồng một lượng.

Giá vàng hiện nay đang ở mức cao nhất trong năm nên những người nắm giữ vàng hiện nay đã có lời. Tuy nhiên, giá hiện nay vẫn đang thấp hơn so với mức giá kỷ lục mà kim loại quý lập được hồi đầu năm 2022 ở 74 triệu đồng/lượng.

Theo tính toán, nếu vàng thế giới lên mức 2.000 USD/ounce, tương đương 59,6 triệu đồng (chưa bao gồm thuế, phí). Hiện SJC đang cao hơn thế giới gần 12,5 triệu đồng thì khi đó vàng miếng trong nước sẽ lên gần 73 triệu đồng/lượng.

- Giá xăng ngày 23/10 có thể tăng thêm 600 đồng/lít

Theo phân tích, nếu cơ quan điều hành không tác động đến Quỹ bình ổn thì giá xăng có thể tăng từ 250-600 đồng/lít vào ngày 23/10.

Vì trùng với lịch nghỉ cuối tuần, nên theo quy định tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, kỳ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu sẽ được chuyển từ thứ Bảy (21/10) sang ngày đi làm đầu tiên của tuần làm việc mới, tức là ngày thứ Hai (23/10).

Theo dự báo, kỳ điều hành ngày 23/10, nếu cơ quan điều hành không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) thì giá xăng trong nước có thể tăng từ 250 - 600 đồng/lít tùy loại. Còn giá dầu có khả năng tăng từ 50 - 120 đồng/lít.

“Giá xăng có thể tăng từ 250 - 600 đồng/lít chưa bao gồm việc trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu và các loại thuế phí khác nếu có thay đổi. Còn giá dầu có thể tăng ít hơn, vào khoảng 300 đồng/lít", đại diện một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết.

Nếu đúng như dự đoán, giá xăng, dầu sẽ tăng sau 2 lần giảm mạnh. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 29 lần điều chỉnh, trong đó có 16 lần tăng, 9 lần giảm và 4 lần giữ nguyên.

Tại kỳ điều chỉnh gần đây nhất (ngày 11/10), giá xăng dầu được điều chỉnh giảm mạnh.

Cụ thể, giá xăng E5 giảm 1.600 đồng/lít, giá bán xuống mức 21.900 đồng/lít. Giá xăng RON95 giảm 1.800 đồng/lít, giá bán lẻ còn 23.040 đồng/lít.

Giá dầu diesel giảm 1.180 đồng/lít, giá bán không cao hơn 22.410 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 1.350 đồng/lít, về mức 22.460 đồng/lít.

Ở kỳ điều hành này, liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định ngừng trích lập và cũng không chi Quỹ Bình ổn giá.

Giá xăng dầu thế giới tuần trước tăng nhẹ với mức tăng hơn 1%. Giá dầu Brent kết tuần ở mức 92,16 USD/thùng, còn giá dầu WTI ở mức 88,08 USD/thùng.

Vào tuần trước đó, giá dầu thế giới tăng mạnh với dầu Brent tăng 7,5% và giá dầu WTI tăng 5,9%.

Như vậy, giá xăng dầu thế giới trải qua hai tuần tăng liên tiếp. Giá xăng dầu đi lên do chịu tác động mạnh bởi xung đột Israel - Hamas cộng với dự trữ xăng dầu ở Mỹ bất ngờ giảm sau nhiều tuần tăng cao.

Nhận định về giá xăng dầu tại kỳ điều hành ngày hôm nay 23/10, lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu cho biết, ở kỳ điều hành này, giá xăng dầu thế giới tăng nên giá xăng dầu bán lẻ trong nước ngày mai có thể tăng theo.

- Đặc sản OCOP thu về 100 tỉ đồng sau 800 phiên livestream

Hiện đã có hơn 800 phiên live gắn logo "Chợ phiên OCOP" được thực hiện trên TikTok xuyên suốt 6 tháng qua, thu hút hơn 300 triệu lượt xem và mang về doanh thu hơn 100 tỉ đồng cho ngành hàng OCOP.

Khởi động chương trình "Chuyến xe OCOP" từ tháng 4/2023 với mục tiêu mở rộng đầu ra cho đặc sản địa phương và nâng cao năng lực số cho các chủ thể OCOP, đến nay, "Chợ phiên OCOP - Chiến dịch quảng bá nông đặc sản" đã trải dài xuyên suốt nhiều tỉnh, thành phố từ: Bắc Kạn, Sơn La, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh)... đồng thời sẽ tiếp tục mở rộng, nâng tầm hơn nữa quy mô chương trình trong giai đoạn tới.

Đây là hoạt động được TikTok phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức.

Tính đến quý 4/2023, đã có hơn 800 phiên LIVE gắn logo Chợ phiên OCOP được thực hiện xuyên suốt 6 tháng qua, thu hút hơn 300 triệu lượt xem và mang về doanh thu hơn 100 tỷ đồng cho ngành hàng OCOP.

- VEFAC - công ty con của Vingroup “bỏ túi” gần 350 tỷ đồng lợi nhuận sau 9 tháng

Trong quý 3/2023, VEFAC mang về 0,2 tỷ đồng doanh thu và 116 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần và lãi sau thuế của công ty lần lượt là 3 tỷ đồng và 344 tỷ đồng…

Theo báo cáo tài chính quý 3/2023 của Công ty Cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC – mã chứng khoán: VEF), doanh thu thuần đi ngang so với cùng kỳ năm trước, đạt 0,2 tỷ đồng. Lưu ý, toàn bộ doanh thu hoàn toàn đến từ hoạt động cho thuê và không ghi nhận doanh thu từ cung cấp dịch vụ tổ chức triển lãm hội chợ.

Kết quả, lợi nhuận sau thuế của công ty trong quý 3 đạt 116 tỷ đồng, tăng 53% nhờ doanh thu từ hoạt động tài chính (lãi trái phiếu, tiền gửi, tiền cho vay). Đến hết kỳ kinh doanh, tiền và khoản đầu tư trái phiếu của công ty lên đến hơn 1.688 tỷ đồng.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của VEFAC đạt gần 3 tỷ đồng, tăng mạnh 278% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế tăng 56% so với năm trước, nâng lên khoảng 344 tỷ đồng. Như vậy, so với mục tiêu đặt ra từ đầu năm, VEFAC đã vượt 72% chỉ tiêu lợi nhuận và mới đạt 30% mục tiêu doanh thu.

- Vẫn còn 33 triệu lao động bấp bênh, gần như không được hưởng các chế độ an sinh

Số lao động này hầu hết trình độ chuyên môn thấp, làm các công việc thiếu bền vững, bấp bênh, ít được bảo vệ bởi pháp luật lao động vì không ký kết hợp đồng lao động.

Thực tế này được Ủy ban Xã hội của Quốc hội nêu tại báo cáo một số ý kiến về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch năm 2024; đánh giá giữa kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, thuộc lĩnh vực phụ trách.

Nửa nhiệm kỳ qua, một trong những hạn chế được Uỷ ban chỉ ra là thể chế phát triển thị trường lao động tuy đã được triển khai nhưng còn chậm, chưa khắc phục được những bất cập đã tồn tại nhiều năm qua về mất cân đối cung - cầu lao động, dự báo thị trường lao động theo ngành, nghề, vùng trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn; chất lượng lao động, chất lượng việc làm còn thấp.

Tiêu chuẩn lao động, quan hệ lao động còn chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ thông tin trong xây dựng hệ thống thông tin về thị trường lao động quốc gia, kết nối cung - cầu lao động triển khai còn chậm…

Đây tiếp tục là điểm nghẽn cần tháo gỡ để thực hiện mục tiêu phát triển thị trường lao động đến năm 2030, Ủy ban Xã hội nhận định.

Đáng chú ý, theo cơ quan của Quốc hội, tỷ lệ lao động ở khu vực phi chính thức trong nền kinh tế vẫn khá cao. Hiện có 33 triệu lao động có việc làm phi chính thức, chiếm 64,6% trong tổng số việc làm của nền kinh tế.

Số lao động này hầu hết trình độ chuyên môn thấp, làm các công việc thiếu bền vững, bấp bênh, ít được bảo vệ bởi pháp luật lao động vì không ký kết hợp đồng lao động, do đó, hầu như không được hưởng các chế độ an sinh, phúc lợi xã hội và các điều kiện lao động an toàn như lao động chính thức.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 23/10: Giá vàng thế giới tiến gần 2.000 USD/ounce, dự đoán trong nước lên 73 triệu đồng/lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO