Điểm tin Kinh doanh 22/11: Giá vàng: Đồng loạt tăng giá

Việt Báo (Tổng hợp)| 22/11/2024 06:00

VN-Index tăng mạnh phiên thứ hai nhờ cổ phiếu vốn hoá lớn; Tiền số bitcoin tăng giá không phanh

nghen-lenh-chung-khoan-16293650266371928881315.jpg

- Giá vàng: Đồng loạt tăng giá

Giá vàng hôm 21/11 ở thị trường trong nước đồng loạt tăng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.

Cụ thể, giá mua vào tăng từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng/lượng.

Trong khi đó, giá bán ra tăng từ 400.000 đồng đến 500.000 đồng/lượng.

Theo số liệu cập nhật vào 13 giờ 30 phút chiều 21/11, giá vàng trên thị trường trong nước được niêm yết cụ thể như sau:

Vàng SJC: 83,7 triệu đồng/lượng mua vào (tăng 1.000.000 đồng); 86,2 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 500.000 đồng).

Vàng DOJI tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều ở mức: 83,7 triệu đồng/lượng mua vào (tăng 1.000.000 đồng); 86,2 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 500.000 đồng).

Vàng PNJ tại TP Hồ Chí Minh tăng 600.000 đồng/lượng mua vào, ở mức 84,6 triệu đồng/lượng; tăng 400.000 đồng/lượng bán ra, ở mức 85,6 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo Tín Minh Châu được giao dịch ở mức 84 triệu đồng/lượng mua vào và 86,2 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 800.000 đồng/lượng mua vào, tăng 500.000 đồng/lượng bán ra).

Giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc Phú Quý: 83,9 triệu đồng/lượng mua vào và 86,2 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 700.000 đồng/lượng mua vào, tăng 500.000 đồng/lượng bán ra).

Như vậy, giá vàng trong nước chiều 21/11 tăng ở hầu hết các thương hiệu.

- VN-Index tăng mạnh phiên thứ hai nhờ cổ phiếu vốn hoá lớn

Dòng tiền tập trung vào các mã vốn hóa lớn như VHM, VPB, MWG giúp chỉ số đại diện cho sàn TP.HCM tăng gần 12 điểm, qua đó nối dài mạch tăng phiên thứ hai và tiến gần mốc 1.230 điểm.

Sau phiên hồi phục hôm 20/11, một số chuyên gia cho rằng VN-Index có thể rung lắc mạnh trong ngắn hạn bởi nhà đầu tư tranh thủ xả hàng. Thực tế đã phần nào chứng minh cho những nhận định này khi VN-Index rung lắc mạnh ngay khi mở cửa phiên 21/11. Trước giờ nghỉ trưa, nhà đầu tư bắt đầu giải ngân vào các mã vốn hoá lớn, nhờ đó bảng điện tử dần chuyển sang sắc xanh và giữ trạng thái này cho đến lúc đóng cửa. Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM chốt phiên hôm 21/11 tại 1.228,33 điểm, tăng 11,79 điểm so với tham chiếu.

VN-Index có 278 cổ phiếu đóng cửa trong sắc xanh, gấp 3 lần so với 94 mã chốt phiên dưới tham chiếu. Động lực tăng chính trong phiên hôm nay chủ yếu đến từ các cổ phiếu vốn hoá lớn. Điều này thể hiện qua việc chỉ số đại diện cho rổ VN30 tích luỹ gần 15 điểm so với phiên trước. Hầu hết 10 mã đứng đầu danh sách những cổ phiếu tác động tích cực đến thị trường đều thuộc nhóm này.

Cụ thể, CTG trở thành động lực chính trong phiên hôm 21/11 khi tăng 2,94% lên 35.000 đồng. Tiếp đến, VPB tăng 2,67% lên 19.200 đồng, MWG tăng 3,35% lên 58.700 đồng, TCB tăng 1,53% lên 23.200 đồng, MBB tăng 1,91% lên 24.000 đồng. Những cổ phiếu vốn hoá lớn còn lại góp mặt trong danh sách trên là BID, GVR, HPG và ACB.

Thanh khoản thị trường hôm 21/11 đạt 12.179 tỷ đồng, giảm 5.628 tỷ đồng so với phiên trước. Đây là phiên có giá trị khớp lệnh thấp nhất trong nửa tháng trở lại đây. Khối lượng giao dịch giảm 285 triệu đơn vị, đạt 482 triệu cổ phiếu. Trong đó, rổ vốn hoá lớn đóng góp khối lượng giao dịch hơn 228 triệu cổ phiếu và giá trị khớp lệnh đạt hơn 7.462 tỷ đồng.

VHM dẫn đầu về giá trị sang tay với hơn 1.493 tỷ đồng (tương ứng 34,4 triệu cổ phiếu). Những mã xếp sau lần lượt là VPB hơn 529 tỷ đồng (tương ứng 27,8 triệu cổ phiếu), MWG hơn 472 tỷ đồng (tương ứng 8,2 triệu cổ phiếu) và FPT hơn 419 tỷ đồng (tương ứng 3,2 triệu cổ phiếu).

Nhóm dầu khí cũng góp phần không nhỏ vào phiên tăng hôm nay. Cụ thể, PVD tăng 1,7% lên 23.600 đồng, PLX tăng 1,2% lên 39.050 đồng, GAS và POW cùng tăng 0,9%, lần lượt lên 68.200 đồng và 11.450 đồng.

Nhóm phân bón ghi nhận giao dịch hứng khởi khi hầu hết đóng cửa trên tham chiếu. Trong đó, DPM tăng 3,1% lên 34.850 đồng, BFC tăng 2,3% lên 38.200 đồng và DCM tăng 2,2% lên 37.400 đồng.

Ở chiều ngược lại, SAB vấp phải áp lực chốt lời mạnh khiến thị giá mất 0,36% xuống 55.300 đồng và lấy đi của VN-Index hơn 0,06 điểm. BCM xếp tiếp theo trong danh sách tác động tiêu cực đến chỉ số khi giảm 0,3% xuống 65.500 đồng.

Thị trường tăng điểm phiên thứ hai nhưng chuỗi bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Cụ thể, nhóm này bán ra gần 68 triệu cổ phiếu trong phiên hôm nay, tương ứng giá trị giao dịch hơn 2.327 tỷ đồng trong khi chỉ giải ngân hơn 1.469 tỷ đồng để mua 44 triệu cổ phiếu. Giá trị bán ròng theo đó xấp xỉ 858 tỷ đồng. Đây là phiên thứ sáu liên tiếp khối ngoại bán ròng trên 500 tỷ đồng.

Nhà đầu tư ngoại xả hàng quyết liệt VHM với giá trị ròng xấp xỉ 587 tỷ đồng, tiếp đến là SSI khoảng 130 tỷ đồng, HPG hơn 118 tỷ đồng và MWG gần 105 tỷ đồng. Ngược lại, dòng tiền ngoại tập trung vào cổ phiếu ngân hàng với CTG đạt giá trị ròng gần 67 tỷ đồng. TCB xếp tiếp theo khi hút ròng hơn 52 tỷ đồng và VPB hơn 43 tỷ đồng.

- Tiền số bitcoin tăng giá không phanh

Tiền số bitcoin tiếp tục thiết lập mức giá chưa từng có.

Tiền số bitcoin hôm 21/11, đã tăng lên mức giá 97.000 USD. Sự tăng giá của tiền số bitcoin đến từ nguyên nhân công ty truyền thông của ông Donald Trump, Tổng thống thứ 47 của Mỹ đang đàm phán để mua công ty giao dịch tiền điện tử Bakkt.

Mặt khác, tiền số bitcoin tiếp tục hưởng lợi vì hy vọng ông Trump sẽ tạo ra một môi trường quản lý thân thiện hơn cho tiền điện tử, bao gồm các quy định hỗ trợ nhiều hơn cho ngành công nghiệp và chiến lược xây dựng kho dự trữ tiền số bitcoin cho Mỹ.

Các chuyên gia cũng cho rằng, chính sách thương mại của ông Trump sẽ tạo ra thâm hụt ngân sách lớn hơn, lạm phát có khả năng gia tăng và những thay đổi đối với vai trò quốc tế của đồng đô la Mỹ. Tất cả nhân tố này sẽ có tác động tích cực đến giá bitcoin.

Tiền số bitcoin liên tục đạt kỷ lục mới trong tháng 11 kể từ khi ông Trump thắng cử. Từ đầu năm đến nay, tiền số bitcoin đã tăng hơn 127%. Thị trường đang kỳ vọng tiền số bitcoin sẽ tăng 100.000 USD trong thời gian tới, và kỳ vọng tăng giá gấp đôi trong năm 2025.

co.opmart-chuan-bi-buoc-vao-cao-diem-mua-sam-cuoi-nam.jpg

- Ngân hàng Quốc tế (VIB): Vợ và con Phó chủ tịch HĐQT đăng ký mua 14 triệu cổ phiếu

Bà Đặng Thị Thu Hà, vợ ông Đặng Văn Sơn, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB – sàn HOSE), đã đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu VIB nhằm thay đổi tài chính cá nhân.

Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 27/11 đến 26/12/2024, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Nếu giao dịch thành công, bà Hà sẽ nâng sở hữu tại VIB từ 71,6 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 2,821% lên 81,6 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,215% vốn VIB (không bao gồm 12,2 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 17% đang chờ về).

Cũng trong khoảng thời gian trên, bà Đặng Minh Ngọc, con gái ông Sơn đã đăng ký mua 4 triệu cổ phiếu VIB, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Qua đó, bà Ngọc muốn nâng sở hữu tại VIB từ 4,07 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 0,16% lên gần 8,07 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 0,318% (không bao gồm 691.254 cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 17% đang chờ về).

Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/11, cổ phiếu VIB tăng nhẹ 0,83% lên mức 18.300 đồng/CP. Tạm tính theo mức giá này, bà Hà và bà Ngọc sẽ phải bỏ ra lần lượt khoảng 183 tỷ đồng và 73,2 tỷ đồng để mua vào lượng cổ phiếu VIB như đã đăng ký.

Cũng theo thông tin từ Ngân hàng, mới đây, trong phiên 11/11, CTCP Đầu tư Phát triển Quang Kim đã mua vào 17,2 triệu cổ phiếu VIB, nâng tỷ lệ sở hữu của công ty này cùng nhóm cổ đông có liên quan lên 9,836% vốn Ngân hàng.

Trước đó, ngày 8/11, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính Ngân hàng Hồ Vân Long cũng đã mua thành công 3 triệu cổ phiếu VIB. Sau giao dịch, ông Long nâng sở hữu tại VIB lên 14,53 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 0,573% (chưa bao gồm 1,96 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 17% và gần 150 nghìn cổ phiếu thưởng theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty đang chờ về).

- Thị trường mua trước trả sau của Việt Nam ước đạt 5,9 tỷ USD vào năm 2027

Theo ước tính của UnaFinancial, một tập đoàn phát triển các giải pháp tài chính kỹ thuật số tại châu Á và châu Âu, đến năm 2023, 20,6% người trưởng thành tại Đông Nam Á đã tiếp cận với giải pháp tài chính mua trước trả sau…

Tại Singapore, tỷ lệ áp dụng đạt 31,3%, tại Philippines đạt 27% và tại Malaysia đạt 24,4%. Đây là ba thị trường trung tâm trong bối cảnh mua trước trả sau (BNPL) ngày càng phát triển tại Đông Nam Á. Trong khi đó, tại Indonesia, Việt Nam và Thái Lan, khoảng 1/5 người trưởng thành đã lựa chọn hình thức thanh toán này.

Về khối lượng giao dịch, thị trường BNPL của khu vực đạt 14,7 tỷ USD trong năm 2023. Indonesia dẫn đầu với 4,28 tỷ USD giao dịch, tiếp theo là Thái Lan (2,91 tỷ USD), Việt Nam (2,34 tỷ USD), Philippines (1,97 tỷ USD), Malaysia (1,86 tỷ USD) và Singapore (1,3 tỷ USD).

Trong tương lai, các nhà phân tích của báo cáo dự đoán các giao dịch BNPL sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng trên khắp Đông Nam Á, đạt 53,2 tỷ USD vào năm 2027. Đông Nam Á có đặc điểm là dân số trẻ và am hiểu công nghệ. Mật độ người dùng Gen Z cao, những người thường cởi mở với việc áp dụng các công nghệ tài chính mới, đã thúc đẩy nhu cầu về BNPL. Tùy chọn thanh toán này đã thu hút được sự chú ý do phù hợp hoàn hảo với thói quen mua sắm của Gen Z, cung cấp cho họ một giải pháp thay thế cho các hệ thống tín dụng và ngân hàng truyền thống.

Việt Nam, Thái Lan và Singapore được dự báo có nhiều triển vọng phát triển hơn nữa hình thức thanh toán này nhưng với tốc độ ổn định. Tại Việt Nam, BNPL vẫn là một xu hướng mới nổi. Thị trường dự kiến ​​sẽ đạt 5,9 tỷ USD, được hỗ trợ bởi hệ sinh thái thanh toán không dùng tiền mặt đang phát triển.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin Kinh doanh 22/11: Giá vàng: Đồng loạt tăng giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO