- Giá xăng hôm nay dự báo tiếp tục giảm
Lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dự báo giá xăng dầu trong nước tiếp tục giảm trong kỳ điều hành hôm nay, mức giảm không nhiều.
Dự báo cho thấy, giá xăng dầu bán lẻ tại kỳ điều chỉnh 21/12 có thể giảm nhẹ do các hợp đồng nhập khẩu trong tuần giảm.
Đại diện một doanh nghiệp cho rằng khả năng cao giá xăng sẽ giảm khoảng 300 - 500 đồng/lít để về dưới mức 20.000 đồng/lít - mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua.
Kỳ điều hành ngày 12/12, Liên bộ Công Thương điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo hướng giảm đồng loạt tất cả các mặt hàng. Theo đó, giá xăng E5 RON92 giảm 1.330 đồng/lít, bán ra ở mức 20.340 đồng/lít, giá xăng RON95 giảm 1.500 đồng/lít, bán ra ở mức 21.200 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu diesel giảm 1.543 đồng/lít, còn 21.670 đồng/lít. Đây là lần thứ ba liên tiếp giá xăng trong nước giảm. Tính từ đầu năm đến nay, mặt hàng xăng đã trải qua 33 lần điều chỉnh giá, trong đó có 17 lần tăng và 15 lần giảm, một lần giữ giá.
- Giá vàng sẽ rớt xuống 45 triệu đồng?
Bước sang năm 2023, giá vàng tiếp tục duy trì mức thấp do áp lực của lãi suất.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, mặc dù Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang giảm tốc độ tăng lãi suất nhưng họ sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm 2023, và điều này tiếp tục gây khó khăn cho vàng.
Ông Douglas Groh, chuyên gia quản lý danh mục đầu tư cấp cao Sprott Asset Management, cho biết quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu sẽ không được giải quyết vào năm 2023. Sẽ cần rất nhiều tiền để giải quyết những vấn đề này và điều đó sẽ khiến lạm phát tăng cao trong vài năm tới.
Điều này đồng nghĩa với việc thế giới đang bước vào thời kỳ lạm phát cao hơn. Nhưng vàng sẽ có lợi trong trung hạn vì lạm phát cao buộc nhà đầu tư tìm đến vàng để chống lạm phát.
Ngân hàng TD Securities (Canada) cũng vừa đưa ra nhận định, trong quý đầu tiên của năm 2023, giá vàng sẽ giảm xuống mức thấp là 1.575 USD/ounce, tương đương 45,6 triệu đồng/lượng.
Đến cuối năm 2023, giá vàng sẽ quay lại 1.800 USD (52,2 triệu đồng), và năm 2024 là 1.900 USD (55,1 triệu đồng).
Phiên giao dịch hôm nay (20-12), giá vàng thế giới giảm nhẹ còn 1.793 USD/ounce, tương đương 52 triệu đồng/lượng. Vàng PNJ và SJC lần lượt bán ra thị trường là 54 và 66,9 triệu đồng/lượng.
- WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2022
WB nhận định hoạt động kinh tế ở Trung Quốc tiếp tục biến động lên xuống do tác động của đại dịch, đà tăng trưởng chậm lại và phục hồi không đồng đều.
Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 20/12 hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2022 xuống còn 2,7%, giảm so với mức 4,3% đưa ra hồi tháng 6, viện dẫn tác động do dịch COVID-19 và hoạt động yếu kém trong ngành bất động sản của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Thông cáo báo chí của WB nêu rõ: "Hoạt động kinh tế ở Trung Quốc tiếp tục biến động lên xuống do tác động của đại dịch, đà tăng trưởng chậm lại và phục hồi không đồng đều. Tăng trưởng GPD thực dự báo đạt 2,7% trong năm nay, trước khi phục hồi lên 4,3% vào năm 2023 nhờ mở cửa trở lại nền kinh tế."
Trước đó, dự báo về tình hình kinh tế năm 2023, một quan chức thuộc Ủy ban các vấn đề tài chính và kinh tế trung ương Trung Quốc cho rằng nền kinh tế nước này sẽ đi theo một biểu đồ tăng trưởng độc lập, phục hồi toàn diện, nhờ 3 yếu tố chính gồm biện pháp ứng phó với đại dịch COVID-19 được điều chỉnh phù hợp, các chính sách thúc đẩy tăng trưởng phát huy hiệu quả và cơ sở tham chiếu (mức tăng trưởng năm nay) thấp.
- Đồn đoán về 'cá mập' gom 400 tấn vàng
Thị trường xuất hiện thông tin đồn đoán Trung Quốc là một 'cá mập', gom 400 tấn vàng.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương mua gần 400 tấn vàng trong quý III/2022, tăng gấp 4 lần so với một năm trước đó. Con số này đưa tổng số vàng được mua trong năm nay lên mức cao nhất kể từ năm 1967, khi giá kim loại quý này giảm vì đồng USD tiếp tục mạnh lên.
WGC cho biết, không phải tổ chức lớn nào cũng công khai về việc nắm giữ vàng hoặc có thể họ sẽ đưa ra thông báo sau. Không loại trừ trường hợp những thương vụ mua thêm vàng mà không báo cáo.
Theo Nikkei, thị trường xuất hiện thông tin đồn đoán, Trung Quốc là một “tay chơi lớn”. Các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc và một số quốc gia khác nhanh chóng giảm bớt sự lệ thuộc vào USD.
- TP Hồ Chí Minh: GRDP năm 2022 tăng trưởng 9,03%
Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, trong năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP trên địa bàn TP ước tăng 9,03% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 5,36%) và vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch là 6-6,5%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 30,6% so với năm 2021, trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 20,4%, ngành lưu trú và ăn uống tăng 128%, dịch vụ lữ hành tăng 195,2%…
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của TP duy trì tốc độ tăng trưởng tốt. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 49,5 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ giảm 1,0%); tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 66,2 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 12,95)
Về du lịch, năm 2022 ước đạt 120.000 tỷ đồng, tăng 171,2% so với cùng kỳ năm 2021 (do năm 2021 bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19) và tăng 33,33% so với kế hoạch. Khách quốc tế đến TP ước đạt 3,5 triệu lượt, tăng 100% so cùng kỳ năm 2021. Khách du lịch nội địa ước đạt 25 triệu lượt, tăng 167,4% so với cùng kỳ năm 2021, cả 2 lượng khách đều đạt 100% kế hoạch.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2022 ước đạt 457.500 tỷ đồng, đạt 118,35% dự toán và tăng 17,05% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 91.291 tỷ đồng, đạt 91,59% dự toán giao đầu năm và giảm 5,65% so với cùng kỳ.