Điểm tin kinh doanh 21/11: Giá vàng giữ ổn định ở mức cao

Việt Báo (Tổng hợp)| 21/11/2023 06:00

Giá USD ngân hàng giảm mạnh, mất mốc 24.400 đồng; 84% ngành hàng tiêu dùng nhanh đều tăng giá

gia-vang-hom-nay-30-8-1-1693361008-316-width1500height937.jpg

- Giá vàng giữ ổn định ở mức cao

Theo đó, giá vàng SJC hôm 20/11 ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 69,95 triệu đồng/lượng mua vào và 70,77 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP HCM, giá vàng SJC ngày 20/11 đang mua vào mức tương tự so với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng/lượng.

Giá vàng Doji tại khu vực Hà Nội đang là 69,95 triệu đồng/lượng mua vào và 70,75 triệu đồng/lượng bán ra. Giá vàng Doji ngày 20/11 ở TP HCM đang mua vào cao hơn 50.000 đồng/lượng và bán ra tương tự so với khu vực Hà Nội.

Giá vàng PNJ niêm yết ở mức 70 triệu đồng/lượng mua vào và 70,85 triệu đồng/lượng bán ra.

Giá vàng Bảo Tín Minh Châu được doanh nghiệp giao dịch ở mức 70,02 triệu đồng/lượng mua vào, 70,7 triệu đồng/lượng bán ra.

Như vậy, giá vàng trong nước ngày 20/11, giữ ổn định ở một số thương hiệu vàng trong phiên giao dịch đầu tuần.

Theo cập nhật giá vàng thế giới tính đến trưa 20/11 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới ngày 20/11 có xu hướng giảm với vàng giao ngay giảm 2,1 USD so với mức chốt phiên giao dịch tuần trước xuống 1.979 USD/ounce.

Trong tuần trước, vàng đã lấy lại được đà phục hồi và có được mức tăng 2,5% khi đồng USD suy yếu và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm. Vào thứ 3, vàng đã tăng 1% trong ngày khi báo cáo công bố cho thấy lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt.

Với giá vàng trong nước giữ ổn định và giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức 1.979 USD/ounce (tương đương gần 58,5 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng ngày 20/11 tại thị trường vàng trong nước và thế giới là khoảng 12,4 triệu đồng/lượng.

- Giá USD ngân hàng giảm mạnh, mất mốc 24.400 đồng

Giá USD tại các ngân hàng hôm 20/11 giảm tới hơn 100 đồng, mất mốc 24.400 đồng/USD ở chiều bán ra.

Chốt phiên hôm 20/11, Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 23.975-24.345 đồng/USD, giảm 115 đồng/USD ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với cuối tuần qua.

Vietinbank niêm yết USD ở mức giá 23.929 đồng/USD (mua vào) và 24.349 đồng/USD (bán ra), giảm 114 đồng/USD ở cả 2 chiều so với sáng 17/11.

Techcombank mua vào USD với giá 24.002 đồng/USD, bán ra ở mức 24.346 đồng/USD, giảm 124 đồng/USD ở chiều mua vào và giảm 121 đồng/USD ở chiều bán ra so với cuối tuần qua.

Sacombank niêm yết giá USD ở mức 23.975-24.330 đồng/USD (mua vào - bán ra), giảm 117 đồng/USD ở chiều mua vào và giảm 120 đồng ở chiều bán ra so với cuối tuần qua.

Trái lại, giá USD trên thị trường tự do vẫn đi lên. Giá USD tự do hôm 20/11 được giao dịch ở mức 24.570-24.650 đồng/USD (mua vào - bán ra), tăng 70 đồng ở chiều mua vào và tăng 50 đồng ở chiều bán ra so với phiên liền trước.

Giá USD mua vào tại thị trường "chợ đen" đang cao hơn tại các ngân hàng thương mại khoảng 500-600 đồng/USD, giá USD bán ra cũng cao hơn tại các ngân hàng hơn 300 đồng.

Tỷ giá trung tâm hôm 20/11 đi xuống. Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố hôm nay ở mức 23.954 đồng/USD, giảm 18 đồng/USD so với hôm 19/11. Trong vòng 1 tháng qua, tỷ giá trung tâm giảm tới gần 160 đồng/USD.

- Năm 2023: Xuất khẩu rau quả dự kiến đạt hơn 5 tỷ USD

Bộ NN&PTNT thông tin, từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt hơn 4,9 tỷ USD, tăng 78,4% so với cùng kỳ năm trước.

Các thị trường nhập khẩu rau quả chính của Việt Nam là: Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan. Trong đó, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt trên 2,75 tỷ USD, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Hà Lan tăng 50%, Hàn Quốc tăng 21%, Nhật Bản tăng 6%. Trung Quốc đang là thị trường lớn, chiếm 65% thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

Trong nhóm hàng rau quả xuất khẩu, nhiều loại trái cây bứt phá ngoạn mục. Cụ thể, sầu riêng đạt 1,8 tỷ USD, chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu; mít, xoài, nhãn, bưởi, dưa hấu của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan tăng mạnh từ 45-150% so cùng kỳ năm trước.

Bộ NN&PTNT dự báo, năm 2023, xuất khẩu ngành hàng rau quả có thể đạt trên 5 tỷ USD. Tuy nhiên, để xuất khẩu rau quả bền vững, các doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng đến vấn đề chất lượng, hạn chế tối đa tình trạng gian lận mã số vùng trồng, ảnh hưởng đến thương hiệu rau quả Việt Nam xuất khẩu; xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, đáp ứng đầy đủ quy định về kiểm dịch từ các thị trường nhập khẩu.

- 84% ngành hàng tiêu dùng nhanh đều tăng giá

Hãng nghiên cứu thị trường Nielsen IQ đã đưa ra số liệu cho thấy, hầu hết mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đã tăng giá trong 8 tháng đầu năm nay.

Qua thống kê, 84% các mặt hàng của nhóm tiêu dùng nhanh bao gồm thực phẩm chức năng, thực phẩm và hàng chăm sóc cá nhân, sản phẩm gia dụng, các sản phẩm dùng trong vệ sinh và giặt ủi,... đã có mức tăng giá trung bình trong 8 tháng đầu 2023 so với cùng kỳ 2022 là 4,4%. Trong đó, các sản phẩm có mức tăng giá bán hàng đầu là thực phẩm tăng 7,6%, bia tăng 7,3% và sản phẩm từ sữa tăng 4,9%.

Kết quả này có sự tương đồng với các chuyển động gần đây trên thị trường khi các nhà bán lẻ, chủ hệ thống siêu thị gần đây cho biết đã nhận được nhiều đề nghị tăng giá sản phẩm từ các nhà cung cấp. Lý do được đưa ra là giá nguyên liệu đầu vào, điện và xăng dầu tăng.

Việc tăng giá trong lúc sức mua yếu đã khiến tăng trưởng doanh thu của ngành hàng tiêu dùng nhanh liên tục giảm tốc kể từ khi đạt mức đỉnh hồi quý III/2022. Thời điểm đó, FMCG tăng doanh thu đến 32% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số liệu gần nhất của Nielsen IQ cho hay kết quả quý II/2023 đã giảm 2,1%.

Ngành hàng FMCG có mức tăng giá bán lớn nhất là thực phẩm với mức tăng 7,6% đã có tăng trưởng sản lượng giảm xuống mức âm (-3,6%). Ngành tăng giá bán thứ 2 là bia với mức tăng là 7,3% có mức tăng trưởng sản lượng dương nhưng chỉ ở 0,1%. Nhóm hàng duy nhất có mức tăng trưởng có vẻ tương đối khả quan là thức uống (trừ bia) với mức tăng sản lượng 4,9% trong khi giá bán tăng 3,8%.

- Lượng ô tô nhập khẩu giảm 21 ngàn chiếc so với cùng kỳ năm trước

Lượng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống nhập về Việt Nam đạt 84.047 chiếc trong 10 tháng đầu năm 2023, giảm hơn 21.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, ô tô nguyên chiếc và linh kiện phụ tùng ô tô trong tháng 10 đạt 647 triệu USD, tăng 29,6% tương ứng tăng 148 triệu USD so với tháng trước.

Tính đến hết tháng 10-2023, trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này đạt 5,78 tỉ USD, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 10 đạt 9.612 chiếc, tăng 29,4% so với tháng trước tương ứng tăng 2.182 chiếc.

Trong 10 tháng của năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 103.778 ô tô nguyên chiếc các loại, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, lượng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống nhập về Việt Nam đạt 84.047 chiếc, chiếm tới 80% tổng lượng ô nguyên chiếc các loại nhập về Việt Nam và giảm hơn 21.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

Ô tô nguyên chiếc các loại nhập về Việt Nam trong 10 tháng của năm 2023 chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc.

Trong đó, nhập khẩu từ Thái Lan là 46.946 chiếc, giảm 3.385 chiếc, nhập khẩu từ Indonesia với 38.124 chiếc, giảm 16.233 chiếc và nhập khẩu từ Trung Quốc với 8.495 chiếc, giảm 7.221 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 21/11: Giá vàng giữ ổn định ở mức cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO