Điểm tin kinh doanh 20/9: Giá vàng trong nước và thế giới vẫn trên đà tăng, thị trường nhộn nhịp

Việt Báo (Tổng hợp)| 20/09/2023 06:00

Lãi suất huy động đồng loạt giảm về đáy lịch sử; Năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 11% của Singapore Việt Nam

gia-vang-14-7.jpg

- Giá vàng trong nước và thế giới vẫn trên đà tăng, thị trường nhộn nhịp

Sáng 19/9, giá vàng trong nước và thế giới vẫn tiếp đà tăng của các phiên trước đó. Hai thương hiệu vàng SJC và vàng Rồng Thăng Long đồng loạt tăng từ 50.000 - 150.000 đồng mỗi lượng.

Giá vàng vẫn luôn là sự quan tâm của không ít người bởi chúng có sức ảnh hưởng khá lớn đến nền kinh tế của quốc gia. Thời gian qua vàng không ổn định cả về giá thành lẫn thị trường. Tuy nhiên, vài ngày trở lại đây giá vàng liên tục tăng và đây chính là phiên thứ 2 liên tiếp từ 50.000-150.000 đồng mỗi lượng theo đà tăng của thế giới.

Theo đó, tại thời điểm 9 giờ, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC từ 68,50-69,2 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 150.000 đồng/lượng.

Tương tự, Công ty Doji Hà Nội thông báo giá mua và bán vàng SJC từ 68,45-69,30 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 50.000 đồng/lượng.

Công ty Doji TP. Hồ Chí Minh nâng giá vàng SJC cũng thêm 50.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước, giá mới từ 68,50-69,20 triệu đồng/lượng.

Về phía Công ty Bảo Tín Minh Châu, doanh nghiệp thông báo giá vàng Rồng Thăng Long từ 57,18-58,08 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 100.000 đồng/lượng.

Trên thế giới, giá vàng dao động quanh ngưỡng 1.932 USD/ounce, tăng 7 USD so với cùng thời điểm phiên trước. Khi quy đổi, đồng kim loại quý này xấp xỉ 57,09 triệu đồng/lượng.

Có thể thấy những ngày qua giá vàng trong nước và thế giới liên tiếp tăng. Điều đó giúp thị trường về dòng kim loại quý này cũng có nhiều chuyển biến tích cực, chúng trở lên nhộn nhịp hơn rất nhiều.

- GREENFEED nỗ lực hỗ trợ phát triển chăn nuôi bền vững

Công ty cổ phần GREENFEED Việt Nam vừa đón nhận Bằng khen từ Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn vì những đóng góp nổi bật cho sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi giai đoạn 2022-2023, góp phần vào sự phát triển nông nghiệp Việt Nam.

Theo đó công ty cổ phần GREENFEED đã triển khai Chuỗi thực phẩm 3F Plus (FEED - FARM - FOOD) áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn ngày càng hoàn thiện. Xuyên suốt hành trình nhằm hoàn thiện mô hình chuỗi thực phẩm lành 3F Plus GREENFEED không ngừng nỗ lực chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả vận hành, năng suất, và chất lượng sản phẩm.

GREENFEED hiện là nơi làm việc của 4.000 người lao động trong và ngoài nước. Tính đến năm 2022, Tập đoàn đã triển khai thành công hơn 80.000 giờ đào tạo nội bộ, trao 4.286 suất hỗ trợ học phí và 99 suất học bổng cho con em cán bộ nhân viên. 200 trên tổng số hơn 400 sinh viên tham gia chương trình đào tạo của Tập đoàn đã được GREENFEED tuyển dụng, hơn 400 sinh viên được Tập đoàn trao cơ hội thực tập mỗi năm.

GREENFEED đã triển khai các sáng kiến biến chất thải chăn nuôi thành nguồn năng lượng sạch dưới dạng điện khí sinh học Biogas và các dạng phân bón hữu cơ, không chỉ góp phần xử lý hiệu quả chất thải chăn nuôi mà còn tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng cho người tiêu dùng và cộng đồng địa phương.

GREENFEED cũng triển khai điện mặt trời áp mái và chuyển sang sử dụng nhiên liệu Biomass để vận hành lò hơi tại các nhà máy thức ăn chăn nuôi nhằm tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Năm 2022, tổng lượng giảm phát thải ước đạt hơn 11,639 tấn CO2, đạt tỷ lệ 12.8% so với cùng kỳ.

- Lãi suất huy động đồng loạt giảm về đáy lịch sử

Toàn bộ nhóm Big4 (VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank) đều hạ lãi suất huy động cao nhất xuống còn 5,5%/năm - ngang mức thấp lịch sử ghi nhận trong giai đoạn Covid-19. Lãi suất huy động các kỳ hạn của nhiều ngân hàng đã về dưới 6%/năm.

Hôm 19/9, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) công bố biểu lãi suất huy động mới với mức giảm từ 0,2-0,3 điểm % tại các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên.

Theo đó, lãi suất các kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 3,8%/năm xuống 3,5%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng giảm từ 4,7%/năm xuống 4,5%/năm.

Các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên cũng giảm 0,3 điểm %, đưa mức lãi suất huy động cao nhất về còn 5,5%/năm.

Trước đó, từ ngày 14/9, Vietcombank và Agribank đã giảm 0,2-0,3 điểm % lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn, đưa lãi suất cao nhất còn 5,5%/năm. Đến ngày 18/9, BIDV cũng giảm 0,2-0,3 điểm % ở hàng loạt kỳ hạn.

Như vậy, toàn bộ nhóm 4 ngân hàng quốc doanh đều đã giảm lãi suất huy động cao nhất xuống còn 5,5%/năm - ngang mức thấp lịch sử ghi nhận trong giai đoạn Covid-19.

Hiện lãi suất ở các kỳ hạn của 4 ngân hàng này khá tương đồng, chỉ có một số khác biệt ở hình thức tiết kiệm online nhưng không đáng kể.

Không chỉ ở nhóm Big4, lãi suất huy động còn ồ ạt giảm tại các ngân hàng cổ phần tư nhân, có ngân hàng giảm tới 2 lần từ đầu tháng.

Đơn cử, Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) lần thứ hai trong tháng điều chỉnh giảm lãi suất huy động với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Theo biểu lãi suất huy động online tại Nam A Bank, lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm 0,4 điểm % xuống 5,6%/năm; kỳ hạn từ 7-11 tháng giảm 0,5 điểm % xuống còn 5,9%/năm; kỳ hạn 12-14 tháng giảm 0,2 điểm % xuống 6,3%/năm.

Tương tự, Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) công bố giảm lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6-36 tháng kể với mức giảm 0,15 điểm % kể từ 19/9.

Từ đầu tháng 9 đến nay đã có 26 ngân hàng giảm lãi suất huy động. Trong đó, MB, OCB, ACB, Techconbank, Eximbank, Nam A Bank và GPBank đã hai lần giảm lãi suất kể từ đầu tháng.

Bên cạnh nhóm Big 4, hiện có nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cũng đã đưa lãi suất huy động các kỳ hạn về dưới 6%/năm. Chẳng hạn: KienLong Bank, ACB, MB, SeABank, VPBank, MSB, Eximbank, GPBank và TPBank.

Lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm mạnh thời gian qua do tình trạng dư thừa thanh khoản. Hiện mặt bằng lãi suất huy động đã tiến sát xuống mức thấp trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Các ngân hàng đều niêm yết lãi suất dưới 7%/năm. Nhóm Big 4 và các ngân hàng tư nhân lớn đã điều chỉnh xuống dưới 6%/năm (kỳ hạn 12 tháng).

Giới chuyên gia nhận định, việc lãi suất huy động đi xuống sẽ tạo điều kiện giúp cho lãi suất đi vay hạ dần, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng thời gian tới.

- Lãi kỷ lục, Cấp nước Thủ Đức chia cổ tức với tỉ lệ 34%

Cấp nước Thủ Đức thanh toán cổ tức năm 2022 với tỉ lệ 34% được chia thành 3 đợt vào tháng 5/2023, tháng 7/2023 và đợt cuối vào tháng 10/2023 tới đây.

CTCP Cấp nước Thủ Đức (HOSE: TDW) mới có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh thông báo chốt quyền trả cổ tức đợt 3/2022 bằng tiền mặt.

Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng là 29/9/2023, ngày thanh toán vào ngày 12/10/2023 và tỉ lệ chi trả cổ tức là 10% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng).

Hiện Cấp nước Thủ Đức đang lưu hành khoảng 8,5 triệu cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, tương ứng với mức chi trả 10%, công ty sẽ phải bỏ ra khoảng 8,5 tỷ đồng để hoàn tất đợt thanh toán cổ tức trên.

Trước đó, vào tháng 5 và 7/2023, Cấp nước Thủ Đức cũng đã tiến hành thanh toán 2 đợt cổ tức năm 2022 cho cổ đông với tỉ lệ lần lượt là 14% và 10%, tổng giá trị thanh toán hơn 20 tỷ đồng. Như vậy, tổng tỉ lệ cổ tức mà cổ đông của doanh nghiệp này nhận được cho năm 2022 lên đến 34%.

- Năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 11% của Singapore Việt Nam

Theo số tuyệt đối tính theo sức mua tương đương năm 2017, năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 đạt 20,4 nghìn USD, chỉ bằng 11,4% mức năng suất lao động của Singapore; bằng 15,4% của Mỹ.

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, năng suất lao động là yếu tố quyết định nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ông dẫn câu nói của Paul R. Krugman - Nhà kinh tế học người Mỹ, đạt giải Nobel kinh tế đánh giá: “Năng suất không phải là tất cả, nhưng trong dài hạn, năng suất gần như là tất cả!”.

Đối với kinh tế Việt Nam, TS. Lâm cho rằng cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là vấn đề cốt lõi hiện nay, là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bắt kịp trình độ phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Trong những năm qua, năng suất lao động của Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với các nước trong khu vực ASEAN có trình độ phát triển cao hơn. Tuy vậy, theo số tuyệt đối tính theo sức mua tương đương năm 2017, năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 đạt 20,4 nghìn USD, chỉ bằng 11,4% mức năng suất lao động của Singapore; 35,4% của Malaysia; 64,8% của Thái Lan.

So với các nền kinh tế phát triển có quy mô lớn, năng suất lao động của Việt Nam bằng 15,4% của Mỹ; 19,1% của Pháp; 21,6% của Anh; 24,7% của Hàn Quốc; 26,3% của Nhật Bản và 59% của Trung Quốc.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 20/9: Giá vàng trong nước và thế giới vẫn trên đà tăng, thị trường nhộn nhịp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO