Điểm tin kinh doanh 20/7: Vàng nhẫn, vàng trang sức bật tăng

Việt Báo (Tổng hợp)| 20/07/2023 06:00

Loạt ngân hàng chốt quyền trả cổ tức; Biến động mạnh trong phiên đáo hạn, VN-Index có phiên giảm điểm đầu tiên

gia-vang-cua-ngoc-thang-16888632109871807014085.jpeg

- Vàng nhẫn, vàng trang sức bật tăng

Giá vàng hôm 19/7 vẫn duy trì ổn định quanh mốc hơn 67 triệu đồng/lượng; riêng vàng nhẫn bật tăng 100.000 – 200.000 đồng/lượng.

Theo ghi nhận vào chiều 19/7, giá vàng được niêm yết như sau: Vàng SJC Hà Nội, SJC Đà Nẵng, SJC TP Hồ Chí Minh đều ở mức 66,600 triệu đồng/lượng mua vào; 67,200 triệu đồng/lượng bán ra (ổn định so với chốt phiên hôm trước đó).

Vàng DOJI Hà Nội 66,500 triệu đồng/lượng mua vào; 67,200 triệu đồng/lượng bán ra (bằng giá hôm trước đó).

Vàng DOJI SG 66,500 triệu đồng/lượng mua vào; 67,200 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 50 đồng/lượng so với chốt phiên hôm trước đó).

Trong khi đó, giá vàng PNJ Hà Nội được giao dịch ở mức 56 triệu đồng/lượng (tăng 100.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm trước đó).

Đáng chú ý, vàng PNJ TP.HCM thì bật tăng 200.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua: Mua vào 56 triệu đồng/lượng; 57,100 triệu đồng/lượng bán ra.

Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết Vàng Rồng Thăng Long ở mức 56,18 - 57,03 triệu đồng/lượng, tăng 110.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào - bán ra.

Như vậy, giá vàng hôm 19/7 bật tăng đối với vàng nhẫn, vàng trang sức, ổn định ở các mặt hàng vàng còn lại. Giá vàng nhẫn biến động theo sát giá vàng thế giới.

Trong khi đó, giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.974,6 USD/ounce, tăng 10,6 USD/ounce so với cuối tuần qua. Giá vàng giao tương lai tháng 8 trên sàn Comex New York ở mức 1.979,3 USD/ounce.

Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 56,9 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 10 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 18/7.

- Chính thức khai trương hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

Ngày 19/7, Bộ Tài chính tổ chức lễ khai trương và đưa vào vận hành hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (TPDNRL) tại Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) Hà Nội.

Hệ thống giao dịch TPDNRL cho phép thành viên giao dịch kết nối và gửi lệnh lên hệ thống giao dịch của Sở GDCK Hà Nội. Hệ thống hiện hỗ trợ 2 loại lệnh là: thỏa thuận điện tử và thỏa thuận thông thường (báo cáo giao dịch).

Đối với lệnh điện tử, thành viên có thể lựa chọn gửi lệnh chào đến một số thành viên nhất định hoặc gửi lệnh đến tất cả các thành viên của thị trường và chỉ các thành viên nhận được lệnh chào mới có thể xác nhận lệnh. Hệ thống cho phép trao đổi thông tin giao dịch, thông tin lưu ký với hệ thống của Trung tâm Lưu ký chứng khoán.

Việc thanh toán các giao dịch TPDNRL được thực hiện theo phương thức thanh toán tức thời theo từng giao dịch, tương tự phương thức thanh toán đang áp dụng trên thị trường chứng khoán phái sinh, hoặc lệnh sẽ được thanh toán vào cuối ngày giao dịch theo lựa chọn của nhà đầu tư.

- Hợp tác xã vận tải Thanh Hà thuê 250 xe ô tô điện VinFast từ GSM để cung cấp dịch vụ taxi điện tại Đắk Lắk

Hợp tác xã Vận tải Thanh Hà đã ký hợp đồng thuê 250 xe ô tô điện VinFast VF e34 và VF 8 Eco từ Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) để cung cấp dịch vụ taxi điện đầu tiên tại Đắk Lắk.

Theo hợp đồng vừa được ký kết, Hợp tác xã Vận tải Thanh Hà sẽ thuê tổng cộng 250 xe ô tô điện VinFast VF e34 và VF 8 Eco từ GSM để vận hành dịch vụ taxi điện với thương hiệu taxi Tây Nguyên tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Trong đó, GSM sẽ bàn giao ngay 50 xe cho Thanh Hà trong tháng 7/2023, 200 xe còn lại sẽ được bàn giao trong các giai đoạn tiếp theo. Thời hạn thuê xe là 36 tháng kể từ ngày bàn giao xe, có thể được gia hạn tuỳ theo nhu cầu sử dụng thực tế.

Với việc thuê 250 xe ô tô điện VinFast từ GSM, taxi Tây Nguyên sẽ trở thành hãng taxi đầu tiên tại Đắk Lắk cung cấp dịch vụ taxi điện thông minh, thân thiện với môi trường cho người dân. Đây là loại hình dịch vụ taxi đã chứng minh được hiệu quả kinh tế và những tác động tích cực đến môi trường và xã hội, góp phần thay đổi diện mạo giao thông tại nhiều tỉnh, thành phố lớn trong thời gian qua.

- Loạt ngân hàng chốt quyền trả cổ tức

Nhiều ngân hàng lớn sẽ chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức trong nửa cuối tháng 7.

Theo công bố thông tin, ngày 20/7 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức năm 2022 của cổ đông Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank, mã chứng khoán: HDB). Trong đợt này, cổ đông HDBank sẽ nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%, tức mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận 15 cổ phiếu mới.

Sau khi hoàn thành việc trả cổ tức, vốn điều lệ của HDBank sẽ tăng từ 25.303 tỷ đồng lên trên 29.076 tỷ đồng.

Cùng với cổ tức tiền mặt tỷ lệ 10% được chi trả hồi đầu tháng 6 vừa qua, cổ đông của HDBank năm nay được nhận cổ tức với tổng tỷ lệ 25%.

Ngân hàng Nhà nước cũng chấp thuận việc Ngân hàng OCB phát hành gần 685 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu.

Ngày 25/7, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB – Mã: SHB) sẽ chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18%.

Theo đó, ngân hàng này dự kiến phát hành hơn 552 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành là 18%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 18 cổ phiếu mới.

Sau khi hoàn thành việc chi trả cổ tức, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng thêm hơn 5.520 tỷ đồng, lên mức 36.194 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – Mã: VCB) thông báo 26/7 là ngày đăng ký cuối cùng hưởng quyền nhận cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020.

Theo đó, Vietcombank sẽ phát hành gần 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 181 cổ phiếu mới).

Dự kiến sau khi phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng thêm gần 8.566 tỷ đồng. Với mức vốn điều lệ sau khi phát hành cổ phiếu trả cổ tức dự kiến là 55.891 tỷ đồng, Vietcombank sẽ vượt VietinBank và BIDV trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn thứ hai hệ thống, chỉ sau VPBank.

Sang đến tháng 8, hiện mới có Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank, mã chứng khoán: LPB) công bố ngày chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức.

Theo công bố, LPBank sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 23/8 để phát hành hơn 328,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 19%. Sau phát hành, vốn điều lệ của LPBank sẽ tăng thêm 3.285 tỷ đồng.

Tương tự, Ngân hàng Nhà nước cũng chấp thuận việc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) phát hành gần 685 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, đưa vốn điều lệ của ngân hàng tăng từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng.

Trong khi đó, NHNN cũng đã cho phép OCB phát hành gần 685 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương đương với tỷ lệ 50%.

Đây là một trong những bước cuối cùng để ngân hàng này tiến hành trả thưởng cổ phiếu cho cổ đông. Sau phát hành, vốn điều lệ của OCB dự kiến tăng từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng.

- Biến động mạnh trong phiên đáo hạn, VN-Index có phiên giảm điểm đầu tiên

Sau khi liên tục duy trì được sắc xanh trong những phiên gần đây, thị trường chứng khoán trong nước tưởng chừng như có thể nối dài chuỗi tăng điểm, nhưng do hôm 19/7 là phiên đáo hạn phái sinh nên đã xuất hiện biến động mạnh khiến thị trường quay đầu giảm điểm.

Đầu phiên vẫn có những sự tích cực nhất định khi thị trường mở cửa với một gap (khoảng trống giá) tăng khoảng 3 điểm. Sau đó điều này tiếp tục được giữ vững trong phần lớn thời gian của phiên. Thậm chí có thời điểm VN-Index còn tiệm cận đến vùng 1180. Tuy nhiên thời gian cuối phiên là lúc đáo hạn phái sinh diễn ra nên áp lực bán đã xuất hiện mạnh mẽ. Điều này đã khiến thị trường gặp rất nhiều khó khăn và điểm số nhanh chóng tụt giảm.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đóng cửa ở mốc 1172.98, giảm nhẹ 1.11 điểm (-0.09%). Thanh khoản tiếp tục được duy trì ở mức tốt khi có gần 900 triệu cổ phiếu được giao dịch, tổng khối lượng khớp lệnh trên toàn sàn đạt mức hơn 17 nghìn tỷ đồng. Sắc đỏ tiếp tục chiếm ưu thế lớn hơn trong ngày hôm nay khi có 276 mã giảm điểm, trong khi đó số mã tăng điểm chỉ là 185, còn lại là 67 mã đóng cửa ở mốc tham chiếu.

VN30 hôm 19/7 cũng tương tự là như vậy khi có cho mình mức giảm 1.63 điểm (-0.14%). Toàn nhóm hôm nay có đến 19/30 mã giảm điểm. Nổi bật hơn cả trong số đó là PDR (-2.34%) và NVL (-2.33%) khi đây là hai cổ phiếu có mức giảm lớn nhất trong nhóm. Bên cạnh đó còn có một vài cái tên đáng chú ý khác như POW (-1.48%), VPB (-1.43%) hay TPB (-1.32%). Ở chiều hướng ngược lại, HDB (+2.43%) và VCB (+2.11%) là hai cổ phiếu duy nhất có mức tăng đáng kể trong phiên hôm nay.

Nhóm cổ phiếu có mức giảm đáng chú ý nhất trong ngày hôm 19/7 chính là bất động sản. Ngoài PDR (-2.34%) và NVL (-2.33%) ở trong rổ VN30 thì rất nhiều cổ phiếu khác trong nhóm cũng đồng loạt giảm mạnh. Một số cái tên nổi bật có thể kể đến như DXG (-3.98%), SCR (-2.37%) hay DIG (-1.71%).

Bên cạnh nhóm bất động sản thì cũng không có nhóm cổ phiếu nào giảm điểm thực sự đáng kể. Tuy nhiên vẫn có nhiều cổ phiếu riêng lẻ có mức giảm khá mạnh, điển hình như KHG (-4.53%), LDG (-4.16%), TCH (-2.63%) hay AAA (-2.56%).

Ở chiều hướng tăng điểm, cũng không có nhóm cổ phiếu nào tăng điểm đáng chú ý trong ngày hôm nay. Sắc xanh chủ yếu đến từ một vài cổ phiếu riêng lẻ. Một số cái tên đáng chú ý có thể kể đến như VIX (+1.55%), LPB (+0.93%) hay HSG (+0.58%).

Khối ngoại tiếp tục mua ròng trong phiên hôm 19/7 với giá trị vào khoảng hơn 200 tỷ đồng. Trong đó, VNM (+90.19 tỷ) và VHM (+79.92 tỷ) là hai cổ phiếu được tham gia mua ròng tích cực nhất toàn thị trường. Bên cạnh đó còn có một vài cái tên đáng chú ý khác như HPG (+68.71 tỷ) hay SSI (+31.94 tỷ). Ở chiều hướng bán ròng, VCB (-114.49 tỷ) là cổ phiếu duy nhất đáng chú ý trong ngày hôm 19/7.

Khối tự doanh cũng tiếp tục tham gia mua ròng với giá trị đạt mức hơn 130 tỷ đồng. Trong đó, VPB (+73.31 tỷ) và VNM (+42.33 tỷ) là hai cổ phiếu được mua ròng đáng chú ý nhất toàn thị trường. Ở chiều hướng ngược lại, VSC (-23.10 tỷ), BCM (-21.07 tỷ) và DBC (-19.00 tỷ) là những cổ phiếu bị bán ra mạnh nhất trong phiên hôm 19/7.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 20/7: Vàng nhẫn, vàng trang sức bật tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO