- Giá xăng nhập đã xuống 17.000 đồng/lít
Giá xăng nhập vẫn duy trì mức thấp sẽ giúp giá xăng trong nước tiếp tục giảm.
Theo dữ liệu của Bộ Công thương, giá xăng A95 nhập từ Singapore tiếp tục thiết lập mức thấp kỷ lục trong năm 2022. Theo đó, giá xăng nhập chỉ còn 82 USD/thùng.
Mức giá này tương đương với ngày 3-9-2021, khi đó giá xăng trong nước (A95) là 21.131 đồng/lít. Nếu trừ đi thuế bảo vệ môi trường là 3.300 đồng thì giá xăng chỉ còn 17.831 đồng/lít.
Trong suốt thời gian qua, giá xăng A95 nhập từ Singapore vẫn duy trì mức dưới 90 USD/thùng. Mức giá xăng nhập cao nhất cũng chỉ 89 USD.
Hai ngày nữa sẽ đến kỳ điều chỉnh xăng tiếp theo, do đó, với việc giá xăng nhập giảm kỷ lục cùng với tỉ giá hạ nhiệt thì giá xăng trong nước có khả năng giảm lần thứ 4 liên tiếp.
Trong kỳ điều chỉnh trước, giá xăng A95 đã giảm 1.504 đồng xuống còn 21.200 đồng/lít. Đây là lần giảm thứ 3 liên tiếp.
Giá xăng giảm mạnh trong thời gian qua nhờ vào giá dầu thô toàn cầu rớt xuống mức thấp nhất trong năm 2022.
- Thị trường bất động sản năm 2023 vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro
Các chuyên gia Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương dự báo, rủi ro kinh tế quốc tế sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng trong năm 2023, tiềm ẩn các rủi ro nội tại: lạm phát, lãi suất và tỷ giá tăng; tín dụng đối với thị trường bất động sản và đầu tư nước ngoài giảm; giải ngân vốn đầu tư công thấp…
Thị trường bất động sản năm 2022 rất khó khăn, sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền; thiếu nguồn cung nhà ở đi liền với cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý, thiếu nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, thừa nhà ở cao cấp; giá nhà tăng liên tục vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân.
Bên cạnh đó, các vướng mắc pháp lý, cơ cấu vốn của thị trường bất động sản thiếu linh hoạt có thể tiếp tục kéo thị trường trượt vào suy thoái trong năm 2023 với nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.
Chinhphu.vn dẫn lời chuyên gia Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, năm 2023, rủi ro kinh tế quốc tế tiếp tục ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng, tiềm ẩn các rủi ro gây lạm phát, lãi suất và tỷ giá tăng cao; tín dụng đối với thị trường bất động sản và đầu tư nước ngoài giảm; giải ngân vốn đầu tư công thấp…
- Khối ngoại xả blue-chips, loạt trụ kéo sập chỉ số cuối phiên
VN-Index bất ngờ chốt phiên đầu tuần giảm tới 14,08 điểm tương đương -1,34%. Từ chỗ tăng trên 13 điểm, cú đảo chiều này khiến biên độ giảm trong ngày của chỉ số lên tới trên 2,55%, nhiều cổ phiếu cũng quay đầu rơi từ sáng sang chiều, tạo lỗ lớn cho các nhà đầu tư đua giá...
VN-Index bất ngờ chốt phiên đầu tuần giảm tới 14,08 điểm tương đương -1,34%. Từ chỗ tăng trên 13 điểm, cú đảo chiều này khiến biên độ giảm trong ngày của chỉ số lên tới trên 2,55%, nhiều cổ phiếu cũng quay đầu rơi từ sáng sang chiều, tạo lỗ lớn cho các nhà đầu tư đua giá.
Khối ngoại có động thái đáng chú ý khi xả mạnh ở cổ phiếu, nhất là với các blue-chips. Nếu không nhờ mua ròng 126,2 tỷ đồng ở chứng chỉ quỹ FUEVFVND thì khối này đã đảo chiều bán ròng cổ phiếu khoảng 17,5 tỷ đồng. Riêng với các mã trong rổ VN30, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng xấp xỉ 155 tỷ đồng.
Tổng giá trị bán ra của khối ngoại với nhóm VN30 là 721,1 tỷ đồng, tương đương chiếm 12% giá trị khớp của rổ. Áp lực bán như vậy cũng không phải là quá áp đảo, nhưng lực mua của nhà đầu tư trong nước cũng quá cạn, dẫn đến sự cộng hưởng giảm giá.
- Năm 2022: Thu ngân sách đạt gần 1.7 triệu tỷ đồng, nợ công được kiểm soát
Chiều 19/12, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2022, trong đó thu ngân sách vượt 19,8%, bội chi được kiểm soát.
Với việc triển khai có hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa, đồng bộ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi kinh tế, kết hợp với tăng cường công tác quản lý thu, đã tác động tích cực đến kết quả thu ngân sách Nhà nước năm 2022.
Tính đến ngày 15/12/2022, thu ngân sách đạt 1.691,8 nghìn tỷ đồng, vượt 19,8% dự toán, cao hơn 78 nghìn tỷ đồng so với đánh giá thực hiện cả năm đã Báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10, 11/2022). Trong đó, thu ngân sách trung ương vượt 19,3% dự toán; thu ngân sách địa phương vượt 20,4% dự toán. Từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính tiếp tục phấn đấu thu ngân sách đạt ở mức cao hơn.
Theo Bộ Tài chính, thu ngân sách nhà nước đạt cao còn là nhờ kinh tế đã phục hồi đà tăng trưởng, dự kiến GDP năm 2022 tăng khoảng 7,5%, cao hơn kế hoạch đề ra. Về tổ chức điều hành chi ngân sách nhà nước, đến ngày 15/12, chi ngân sách nhà nước ước đạt xấp xỉ 1.450 nghìn tỷ đồng, bằng 81,2% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 72,4% dự toán, chi thường xuyên đạt 88,1% dự toán.
- Các quỹ đầu tư cam kết 1,5 tỷ USD vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam
Tại diễn đàn Đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo (KNST) Việt Nam 2022 (Vietnam Venture Summit 2022), 39 quỹ đầu tư đã cam kết đầu tư 1,5 tỷ USD trong 3 năm 2023-2025 và tổng giá trị đầu tư KNST Việt Nam trong giai đoạn này dự kiến sẽ đạt 5 tỷ USD.
Tại Diễn đàn các năm 2019 và 2020, các quỹ đầu tư đã cam kết đầu tư cho KNST Việt Nam với số vốn cam kết tăng dần qua các năm, từ 425 triệu USD năm 2019 lên 815 triệu USD năm 2020. Và trong giai đoạn 2020 - 2022, số vốn đầu tư vào doanh nghiệp KNST đã đạt gần 2 tỷ đô la Mỹ.
Riêng 6 tháng đầu năm 2022, tổng số thương vụ thành công tại Việt Nam chiếm 19% số thương vụ của toàn khu vực Đông Nam Á. Các Quỹ đầu tư cũng đồng thời đóng vai trò như các đơn vị ươm tạo, tăng tốc cho nhiều startups.