- Cổ phiếu bị ông Trịnh Văn Quyết thao túng giá sắp rời sàn
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo, cổ phiếu của CTCP Chứng khoán BOS (ART) bị đình chỉ giao dịch từ ngày 21/11/2022. Sau sự việc này, nhóm FLC chỉ còn 2 cổ phiếu được giao dịch trên sàn.
HNX cho biết, ART bị đình chỉ giao dịch do công ty tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin.
HNX yêu cầu ART phải giải trình nguyên nhân, đưa ra biện pháp khắc phục tình trạng chứng khoán bị đình chỉ và công bố thông tin theo đúng quy định.
Trước đó, cổ phiếu này đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch do công ty chưa nộp báo cáo tài chính quý 3/2022. Theo giải trình của ART, việc chậm nộp báo cáo tài chính do công ty gặp khó khăn trong tìm kiếm đơn vị kiểm toán.
Đóng cửa phiên giao dịch 18/11, ART ở mức 1.300 đồng/cổ phiếu.
Trước ART, hai mã khác thuộc "họ FLC" cũng bị đình chỉ giao dịch gồm: FLC (Tập đoàn FLC) và HAI (Nông dược HAI). Còn ROS (FLC Faros) đã huỷ niêm yết.
Trong hệ sinh thái FLC, chỉ còn 2 mã đang giao dịch. Dù vậy, KLF (Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS) và GAB (Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC) nằm trong diện hạn chế. Đóng cửa phiên 18/12, KLF giao dịch ở mức 700 đồng/cổ phiếu.
Còn AMD (FLC Stone) đang trong diện kiểm soát, hiện ở mức 1.050 đồng/cổ phiếu.
- Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về lượng người dùng iPhone
Nghiên cứu mới cho biết, trong khi tổng sản lượng smartphone xuất xưởng giảm đáng kể ở Đông Nam Á trong quý 3/2022, iPhone của Apple đã tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo AppleInsider, vào năm 2019, Apple chứng kiến sự cạnh tranh mạnh mẽ ở khu vực Đông Nam Á bắt nguồn từ những chiếc smartphone giá rẻ hơn đáng kể so với iPhone. Giờ đây, bất chấp áp lực kinh tế khiến doanh số smartphone Đông Nam Á giảm 10% trong quý 3, doanh số iPhone vẫn tăng trưởng đáng kể.
Báo cáo đến từ hãng nghiên cứu Counterpoint Research cho biết, Việt Nam đang là thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất với mặt hàng iPhone. Dữ liệu cho thấy riêng mảng smartphone cao cấp trong nước đã tăng trưởng 75% trong quý II. Đồng thời, iPhone của Apple là động lực phát triển chính ở mảng điện thoại thông minh đắt tiền.
Theo nội dung báo cáo của Counterpoint Research: “Có một số thành công và thất bại ở cấp độ thương hiệu trong quý 3/2022. Trong khi doanh số của Samsung giảm 13% so với quý trước đó, doanh số iPhone của Apple đã tăng 63% tại tất cả các quốc gia trọng điểm”.
- Tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại tại các ngân hàng Big 4 tiếp tục tăng
Số liệu cập nhật trong tuần 14/11 - 18/11 của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam ghi nhận, khối ngoại đã tăng mua vào cổ phần tại các ngân hàng trong nhóm Big 4 gồm Vietinbank, Vietcombank và BIDV để nâng tỷ lệ sở hữu.
Đối với ngân hàng BIDV (Mã: BID), nhà đầu tư nước ngoài hiện đang nắm giữ 17,03% trên tỷ lệ 30% cổ phần được sở hữu tối đa. Con số này đã tăng 0,02% so với mức 17,01% của tuần trước đó.
Tại Vietinbank (Mã: CTG), tính đến hết ngày 18/1, nhà đầu tư nước ngoài hiện nắm giữ 27,23% trên tỷ lệ 30% được sở hữu tối đa. Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 15/1, khối ngoại đã có hành động mạnh tay ở cổ phiếu CTG khi đã mua ròng gần 4 triệu đơn vị.
Qua đó, tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại với mã CTG đã tăng 0,31% so với mức 26,92% của 1 tuần trước đây.
Tại Vietcombank (mã: VCB), nhà đầu tư nước ngoài hiện đang nắm giữ 23,6% trên tỷ lệ 30% được sở hữu tối đa. Như vậy, tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại với mã VCB đã tăng 0,01% so với mức 23,59% của 1 tuần trước đó.
Chốt phiên giao dịch ngày 18/11, cổ phiếu BID đã tăng nhẹ lên 0,84%, đóng cửa ở mức 35.950 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, cổ phiếu VCB tiếp tục đi ngang và đóng cửa ở mức 76.500 đồng/cổ phiếu.
Chiều ngược lại, cổ phiếu CTG đã giảm 1,2% và đóng cửa ở mức 24.700 đồng/cổ phiếu.
Trong các báo cáo công bố mới đây, nhiều quỹ ngoại cũng đưa ra nhận định tích cực đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng. Theo Dragon Capital Việt Nam nhận định, năm 2022, tín dụng được cải thiện, lợi nhuận bình quân toàn ngành có thể đạt mức tăng 30% so với năm 2021.
- Xuất khẩu gạo có thể đạt 7 triệu tấn trong năm nay
Tại diễn đàn kết nối nông sản 970 với chủ đề "Kết nối cung cầu chuỗi lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long" của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 19/11, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, trong bối cảnh lạm phát và bất ổn về kinh tế ở nhiều quốc gia, Việt Nam đang hướng tới mốc 7 triệu tấn gạo được xuất khẩu trong năm nay.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam - VFA, giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm đang ở mức 428 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 408 USD/tấn. So với thời điểm trước khi Ấn Độ ban hành chính sách hạn chế xuất khẩu gạo thì giá xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam tăng trung bình khoảng 30 USD/tấn.
Giới chuyên gia nhận định, trong ngắn hạn, giá gạo Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao khi những bất ổn về kinh tế, chính trị làm nhu cầu lương thực tăng cao. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần nắm bắt cơ hội trong việc tiếp cận và mở rộng các thị trường mới.
Nếu duy trì sản lượng xuất khẩu trên 400.000 tấn/tháng trong 2 tháng cuối năm, xuất khẩu mặt hàng gạo năm nay có thể đạt từ 6,8 - 7 triệu tấn.
- Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc tăng mạnh
Xuất khẩu rau quả Việt Nam trong tháng 10 ghi nhận điểm sáng khi trị giá xuất khẩu đạt 310 triệu USD, tăng 28% so với tháng cùng kỳ năm 2021.
Việc chuyển dịch mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch đối với thị trường Trung Quốc sẽ góp phần thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng khả quan
Đáng chú ý, sau nhiều tháng tăng trưởng âm, tháng 10 ghi nhận mức xuất khẩu quả sang Trung Quốc tăng trưởng dương trở lại, với nhiều tín hiệu tích cực.
Cụ thể, sự khởi sắc trong tháng 10 nhờ trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc đã tăng mạnh, đạt 152 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ 2021.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, triển vọng xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường Trung Quốc có nhiều tín hiệu tích cực, như sầu riêng, khoai lang và tổ yến đã được xuất khẩu theo đường chính ngạch sang Trung Quốc.