- Giá xăng dầu giảm mạnh, Thủ tướng chỉ đạo kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện gửi Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Chủ tịch UBND các tỉnh, TP về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.
Công điện nêu rõ trước diễn biến giá cả các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong thời gian qua vẫn ở mức cao, Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã triển khai nhiều giải pháp giữ ổn định giá hàng hóa, dịch vụ; kịp thời trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường để bình ổn, giảm giá mặt hàng xăng dầu trong nước.
- Quy định kiểm dịch thủy sản nhập khẩu thay đổi
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 06 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản.
Theo đó, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu làm nguyên liệu để gia công xuất khẩu, sản xuất xuất khẩu được miễn kiểm dịch. Cụ thể, danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản miễn kiểm dịch gồm: động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu thuộc diện ngoại giao; sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu làm nguyên liệu để gia công xuất khẩu, sản xuất xuất khẩu; sản phẩm động vật thủy sản làm hàng mẫu thử nghiệm; sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu để trưng bày hội chợ, triển lãm; sản phẩm động vật thủy sản làm thực phẩm xuất khẩu bị triệu hồi hoặc trả về.
Thông tư số 06 quy định, sản phẩm động vật thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch gồm sản phẩm động vật thủy sản, bao gồm cả phôi, trứng, tinh dịch và ấu trùng của các loài thủy sản ở dạng tươi sống, ướp lạnh, đông lạnh; các đối tượng sản phẩm động vật thủy sản khác thuộc diện phải kiểm dịch theo yêu cầu của nước nhập khẩu hoặc theo quy định của các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
- Viettel Global có lợi nhuận tăng mạnh
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Viettel Global đạt 11.287 tỷ đồng doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh, tăng 17% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế tăng gấp 3,5 lần, từ 912 tỷ đồng lên 3.159 tỷ đồng.
Viettel Global (Upcom: VGI) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý II năm 2022 với doanh thu đạt 5.850 tỷ đồng, tăng hơn 700 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Cùng với đó, lợi nhuận gộp tăng 39%, từ 1.928 tỷ đồng lên 2.676 tỷ đồng. Đây đều là mức doanh thu và lãi gộp theo quý cao nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp viễn thông này.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Không có chuyện thiếu thịt heo
16 doanh nghiệp chăn nuôi heo lớn đang chi phối tỷ trọng chăn nuôi giữ đà tăng trưởng 4,8%, cùng với chăn nuôi nông hộ, cả nước đang duy trì tổng đàn heo với số lượng trên 28 triệu con... Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, từ nay đến Tết Nguyên đán không xảy ra nguy cơ thiếu thịt heo, cũng như nguồn cung thực phẩm nói chung sẽ được đảm bảo.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay năm nay sản lượng thịt của cả nước chắc chắn đạt trên 7 triệu tấn các loại, 18,4 tỷ quả trứng, trên 1,3 triệu tấn sữa.
Khảo sát thị trường heo hơi ngày 1/8 cho thấy, giá chủ yếu đi ngang, chỉ giảm nhẹ ở một số tỉnh thành miền Nam. Hiện, thị trường heo hơi 3 miền đang ở mức 63.000 - 69.000 đồng/kg.
- Vietjet công bố kết quả kinh doanh tích cực 6 tháng đầu năm
Với 53 đường bay trong nước, doanh thu nội địa tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019 (giai đoạn trước đại dịch Covid-19), Vietjet đã đạt doanh thu vận tải hành khách trong quý II là 11.355 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ trước đại dịch), lợi nhuận sau thuế đạt 36 tỷ đồng.
Về doanh thu hợp nhất, trong quý II/2022, Vietjet đạt 11.590 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 181 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu vận tải hành khách của hãng đạt 14.696 tỷ đồng, doanh thu hợp nhất đạt 16.112 tỷ đồng, lần lượt tăng so với cùng kỳ năm 2019 trước dịch.
Với những kết quả trên, 6 tháng đầu năm, Vietjet đạt lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 76 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất là 426 tỷ đồng.
- Thặng dư xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 7 tháng đạt 6,28 tỷ USD
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố ngày 1/8 cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 7 tháng năm 2022 đạt 32,3 tỷ USD (tăng 12,2%), còn kim ngạch nhập khẩu ước trên 26 tỷ USD. Như vậy, thặng dư xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản trong 7 tháng là gần 6,3 tỷ USD, tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất trong bảy tháng, chiếm 26,8%, đạt gần 8,7 tỷ USD. Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc với tổng giá trị xuất khẩu trên 5,7 tỷ USD, chiếm 17,8% thị phần; thứ 3 là thị trường Nhật Bản trên 2,3 tỷ USD, chiếm 7,2%; thứ 4 là thị trường Hàn Quốc đạt trên 1,5 tỷ USD, chiếm 4,7%.
Xét theo khu vực, châu Á là thị trường xuất khẩu chiếm thị phần lớn nhất với 42,4%, tiếp đến là châu Mỹ 29,3%, châu Âu 11,9%, châu Đại Dương 1,7% và châu Phi 1,6%.