Điểm tin kinh doanh 2/12: Chiều 1/12, mỗi lít xăng giảm mạnh 1.000 đồng

Việt Báo (Tổng hợp)| 02/12/2022 06:00

Chiều 1/12, mỗi lít xăng giảm mạnh 1.000 đồng; Chính phủ đồng ý nghỉ Tết Nguyên đán 2023 kéo dài 7 ngày

- Chiều 1/12, mỗi lít xăng giảm mạnh 1.000 đồng

Từ 15 giờ hôm 1/12, giá xăng E5 giảm 1.000 đồng/lít, A95 giảm 1.080 đồng/lít.

Chiều 1/12, Liên bộ Công Thương - Tài chính thực hiện việc điều hành giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ. Trên cơ sở điều hành của Liên Bộ, các doanh nghiệp đồng loạt giảm mạnh giá xăng dầu từ 15 giờ chiều 1/12.

Cụ thể, giá xăng E5 giảm 1.000 đồng/lít, mức giá mới là 21.670 đồng; xăng A95 cũng giảm 1.080 đồng/lít, xuống còn 22.700 đồng/lít.

Cùng với xăng, giá dầu cũng giảm theo. Dầu diesel giảm mạnh 1.590 đồng/lít, giá mới là 23.210 đồng/lít.

Đây là lần giảm giá thứ hai liên tiếp của mặt hàng này sau chuỗi tăng giá bốn kỳ liền kề trước đó.

Tại kỳ điều hành này, Liên Bộ ngừng chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Đồng thời, thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5 là 300 đồng/lít, xăng A95 là 400 đồng/lít, dầu diesel là 700 đồng/lít, dầu hỏa 300 đồng/lít, dầu mazut 500 đồng/kg.

- Chính phủ đồng ý nghỉ Tết Nguyên đán 2023 kéo dài 7 ngày

Lãnh đạo Chính phủ đồng ý phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2023 kéo dài 7 ngày.

Sau khi xem xét đề nghị của Bộ LĐ-TB&XH, sáng 1/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có văn bản đồng ý phương án nghỉ tết Tết Âm lịch năm 2023 kéo dài 7 ngày.

Theo đó, công chức, viên chức nghỉ Tết Nguyên đán 2023 từ thứ Sáu ngày 20/1/2023 đến hết thứ Năm ngày 26/1/2023 Dương lịch (tức ngày 29 tháng chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 5 tháng giêng năm Quý Mão).

Đối với dịp lễ Quốc Khánh năm 2023, Chính phủ đồng ý phương án nghỉ kéo dài 4 ngày. Cụ thể, công chức, viên chức được nghỉ từ thứ Sáu ngày 1/9/2023 đến hết thứ Hai ngày 4/9/2023.

Đối với Tết Nguyên đán người sử dụng lao động có thể lựa chọn một ngày trước tết và bốn ngày đầu sau tết hoặc hai ngày trước tết và ba ngày đầu sau tết. Song song đó, thông báo phương án nghỉ Tết Nguyên đán cho người lao động trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày.

Dịp nghỉ lễ Quốc Khánh năm 2023, người sử dụng lao động quyết định cho người lao động nghỉ hai ngày (ngày 2/9 dương lịch và một ngày liền trước hoặc sau).

- Ô tô nhập giá dưới 500 triệu đồng ồ ạt về nước

Lượng ô tô nhập khẩu và sản xuất trong nước tăng mạnh tới 49% trong tháng 11, nhưng các chuyên gia lại dự đoán kết quả kinh doanh trong tháng này không bằng các năm trước.

Theo báo cáo sơ bộ của Tổng cục Thống kê, trong tháng 11 vừa qua đã có khoảng 77.800 chiếc ô tô được bổ sung cho thị trường ô tô Việt Nam (bao gồm cả xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước). Như vậy, so với tháng 10, lượng ô tô tăng mạnh 49% và trở thành tháng có lượng xe mới cao nhất trong năm.

Cụ thể, lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tháng 11 ước đạt 45.800 chiếc, tăng mạnh khoảng 20,8% so với tháng 10 (với 37.900 chiếc) và tăng tới 28,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Kéo theo đó, tổng lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước 11 tháng đầu năm 2022 ước tính lên tới 407.100 chiếc, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, tính trung bình mỗi chiếc ô tô nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 11 có giá trị ở mức thấp, chỉ đạt 19.250 USD/chiếc (tương đương khoảng 480 triệu đồng). Trong khi đó vào tháng trước, giá trị đơn chiếc của xe nhập khẩu lên tới 24.600 USD/chiếc (tương đương khoảng 610 triệu đồng). Điều này cho thấy xu hướng của các nhà nhập khẩu ô tô trong tháng vừa qua chủ yếu hướng tới các dòng xe giá rẻ thuộc phân khúc bình dân.

- 11 tháng: Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.638,9 nghìn tỷ đồng

Theo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 11 tháng ước đạt 1.638,9 nghìn tỷ đồng, bằng 116,1% dự toán, tăng 17,4% so cùng kỳ năm 2021 (NSTW đạt 114,9% dự toán; NSĐP đạt 117,4% dự toán).

Trong đó, thu nội địa đạt 110,5% dự toán, tăng 13,5%; thu từ dầu thô vượt 144,6% dự toán (giá dầu bình quân khoảng 105,2 USD/thùng, tăng 45,2 USD/thùng so dự toán), tăng 77,6%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 132,4% dự toán, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Thu NSNN 11 tháng vượt dự toán chủ yếu do hoạt động kinh tế tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng khả quan (GDP 9 tháng đã tăng 8,83%); tổng mức bán lẻ 11 tháng tăng 17,5%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,6%, xuất khẩu tăng 13,4%, xuất siêu 10,6 tỷ USD. Bên cạnh đó, giá dầu và một số hàng hóa, nguyên liệu đầu vào tăng cao đã góp phần tăng thu từ dầu thô và từ hoạt động XNK.

- ILO: Lạm phát gia tăng khiến tiền lương thực tế giảm đáng kể

Cuộc khủng hoảng lạm phát nghiêm trọng kết hợp với sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang gây ra sự sụt giảm nghiêm trọng về tiền lương hàng tháng thực tế ở nhiều quốc gia.

Theo báo cáo Tiền lương Toàn cầu 2022-2023 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cuộc khủng hoảng đang làm giảm sức mua của tầng lớp trung lưu và đặc biệt ảnh hưởng nặng nề đến các hộ gia đình có thu nhập thấp.

Báo cáo cho biết về tác động của lạm phát và Covid-19 đối với tiền lương và sức mua, với ước tính rằng tăng trưởng tiền lương hàng tháng trên toàn cầu theo giá trị thực đã giảm xuống mức âm 0,9% trong nửa đầu năm 2022, đây là lần đầu tiên trong thế kỷ này giá trị thực giảm xuống mức âm.

Trong số các quốc gia G20 tiên tiến, tiền lương thực tế trong nửa đầu năm 2022 ước tính giảm xuống mức âm 2,2%, trong khi tiền lương thực tế ở các quốc gia G20 mới nổi tăng 0,8%, thấp hơn 2,6% so với năm 2019.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 2/12: Chiều 1/12, mỗi lít xăng giảm mạnh 1.000 đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO