- Giá vàng hôm nay 18/12: Vàng SJC đứng cao chót vót
Do nhiều công ty vàng lớn và ngân hàng thương mại nghỉ giao dịch cuối tuần, nên giá vàng miếng SJC có sự cách biệt giữa các tiệm vàng.
Ngày 18/12, giá vàng SJC ở thị trường trong nước được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 662, triệu đồng/lượng, bán ra 67 triệu đồng/lượng, ổn định so với hôm qua. So với cuối tuần trước, giá vàng cũng gần như không biến động khi chỉ giảm khoảng 100.000 đồng/lượng.
Do nhiều công ty vàng lớn và ngân hàng thương mại nghỉ giao dịch cuối tuần, nên giá vàng miếng SJC có sự cách biệt giữa các tiệm vàng. Dù vậy, mức chênh lệch cũng không quá lớn. Một số tiệm vàng ở TP HCM giao dịch vàng SJC quanh 66,4 triệu đồng/lượng mua vào, 66,6 triệu đồng/lượng bán ra.
Trong khi đó, giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch quanh 53 triệu đồng/lượng mua vào, 54 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 100.000 đồng/lượng so với hôm qua. Nếu so với cuối tuần trước, giá vàng trang sức giảm mạnh khoảng 400.000 đồng/lượng.
Như vậy, giá vàng hôm nay ở thị trường trong nước ổn định đối với vàng SJC và giảm khá mạnh đối với vàng trang sức. Vàng SJC tiếp tục giữ ở vùng giá cao dù thị trường vàng trong nước không có nhiều biến động. Một số công ty vàng cho hay sức mua cả vàng trang sức vẫn vàng miếng SJC đều trầm lắng, nhu cầu yếu.
- Kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất cho vay 0,5 - 2%/năm
Các ngân hàng thương mại đồng thuận áp dụng lãi suất huy động không quá 9,5%/năm, đồng thời kêu gọi giảm lãi suất cho vay với mức giảm từ 0,5-2%/năm tùy từng đối tượng.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa có văn bản gửi các với hội viên chính thức thống nhất thỏa thuấn áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm đã đạt được trong cuộc họp tuần qua.
Trên cơ sở thực hiện kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng, ý kiến chỉ đạo của Phó Thống đốc Đào Minh Tú, các ngân hàng thương mại thống nhất cam kết nghiêm túc thực hiện đồng thuận lãi suất huy động VNĐ không quá 9,5%/năm tại tất cả kỳ hạn (đã bao gồm các khoản khuyến mại). Thời gian áp dụng từ ngày 15/12/2022.
Đồng thời, các ngân hàng căn cứ khả năng, năng lực tài chính của mình, tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm lãi suất cho vay, với mức giảm từ 0,5-2%/năm tùy từng đối tượng, trong đó tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên.
- Thông qua Đề án cơ cấu lại Petrolimex giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2035
Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022 của Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa thông qua Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2035.
Để hoàn thành các mục tiêu của Đề án này, Petrolimex sẽ cơ cấu lại vốn Công ty mẹ, đảm bảo có đủ năng lực tài chính để đầu tư tại các công ty con, tạo ra các doanh nghiệp trong Tập đoàn có vốn chủ sở hữu lớn, có tiềm lực về tài chính, đảm bảo nâng cao hiệu quả vốn đầu tư.
Cụ thể, Nhà nước tiếp tục nắm giữ 75,87% vốn điều lệ tại Petrolimex. Công ty mẹ-Tập đoàn đặt mục tiêu đến năm 2025, vốn điều lệ đạt 20.000 tỷ đồng trong trường hợp cấp có thẩm quyền cho phép tăng vốn điều lệ hoặc thực hiện đầu tư bổ sung vốn nhà nước theo quy định.
Theo đề án, Petrolimex cũng sẽ sắp xếp các đơn vị góp vốn. Cụ thể, giữ nguyên loại hình doanh nghiệp với 44 công ty thành viên kinh doanh xăng dầu thuộc ngành nghề kinh doanh chính do Petrolimex sở hữu 100% vốn điều lệ; thành lập mới một số công ty TNHH MTV kinh doanh xăng dầu do Petrolimex nắm giữ 100% vốn điều lệ trên cơ sở vốn và tài sản hiện có của một số chi nhánh các công ty xăng dầu tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của Petrolimex hiện nay; giữ 65% vốn điều lệ trở lên với Công ty TNHH Liên doanh kho ngoại quan xăng dầu Vân Phong; giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ với 4 đơn vị là Tổng Công ty Gas Petrolimex-CTCP, CTCP Nhiên liệu bay Petrolimex, Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex-CTCP và Công ty xăng dầu Kiên Giang-TNHH; giữ từ 35% đến dưới 50% vốn điều lệ với 2 đơn vị là Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex và Công ty TNHH BP Petco.
Đặc biệt, Petrolimex sẽ thực hiện thoái toàn bộ phần vốn đang nắm giữ giai đoạn 2022-2023 với 2 đơn vị là Tổng Công ty xây lắp và thương mại Petrolimex và Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex.
- Doanh thu viễn thông đạt 138.000 tỷ đồng, đóng góp 76.452 tỷ vào GDP
Lĩnh vực viễn thông liên tục có những đóng góp ấn tượng vào sự phát triển chung của đất nước. Năm 2022, lợi nhuận sau thuế của ngành viễn thông ước đạt 44.500 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2021.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022, ước tính doanh thu dịch vụ viễn thông đạt 138.000 tỷ đồng, tăng 1,6% so với năm 2021. Ngành viễn thông nộp ngân sách ước đạt 48.000 tỷ đồng năm 2022, đạt kế hoạch đề ra và tăng 9,8% so với năm 2021.
Lợi nhuận sau thuế của ngành viễn thông năm 2022 ước đạt 44.500 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2021. Năm 2022, đóng góp của ngành viễn thông vào GDP ước đạt 76.452 tỷ đồng.
Tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng smartphone tại Việt Nam hiện đạt 75,8%. Số thuê bao băng rộng di động trên 100 dân hiện đạt 84%.
Việt Nam hiện có 72,1 triệu người sử dụng Internet. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang tính đến tháng 12/2022 ước đạt 74,5%, tăng 11 % so với năm 2021.
Số thuê bao băng rộng cố định đến tháng 12/2022 ước đạt 21,5 thuê bao/100 dân, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2021, gần đạt mục tiêu kế hoạch năm 2022 là 22 thuê bao/100 dân.