Điểm tin kinh doanh 18/6: Cả tháng không có sóng để kiếm lãi, nhà đầu tư âm thầm rút vốn khỏi vàng

Việt Báo (Tổng hợp)| 18/06/2023 06:00

Nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất; Bộ Tài chính lên kế hoạch giám sát tài chính 5 doanh nghiệp

vang-1.jpg

- Cả tháng không có sóng để kiếm lãi, nhà đầu tư âm thầm rút vốn khỏi vàng

Trong quần qua, giá vàng thế giới giảm nhẹ 3 USD/ounce, giá vàng trong nước giảm 50.000 đồng/lượng. Giá cả trên thị trường vàng trong và ngoài nước gần như đứng yên, không tạo ra cơ hội kiếm lãi cho các nhà đầu tư trong suốt tuần.

Ngày cuối tuần 17/6, giá vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 66,5- 67,1 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần trước.

Hiện nay chênh lệch giá mua- bán vẫn hiện chỉ còn 600.000 đồng/lượng, bằng với tuần trước.

Giá vàng thế giới hôm 17/6 cũng đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần dưới ngưỡng 2.000 USD/ounce, với mức 1.958,7 USD/ounce, giảm nhẹ 3 USD/ounce so với giá cuối tuần trước.

Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại ngày 17/6 mua bán quanh mức 55,6- 56,55 triệu đồng/lượng, nhích tăng nhẹ 50.000 đồng mỗi lượng so với mức giá cuối tuần trước. Chênh lệch mua- bán vàng trang sức tuần này hiện ở mức 950.000 đồng/lượng.

Trong các tuần qua, giá vàng thế giới liên tục biến động sau khi lùi sâu dưới ngưỡng 2.000 USD/ounce. Nhưng giá vàng miếng SJC trong nước không đi cùng chiều vàng thế giới. Dù giá vàng thế giới tăng hay giảm, nhưng vàng miếng SJC luôn níu giữ ngưỡng 67 triệu đồng/lượng.

Điều này dẫn đến khoảng cách giữa giá vàng thế giới và trong nước cũng tăng- giảm không ngừng. Hiện quy đổi theo tỷ giá, vàng thế giới đang rẻ hơn vàng miếng SJC khoảng 11,2 triệu đồng/lượng và rẻ hơn vàng trang sức khoảng 1 triệu đồng/lượng.

Ghi nhận từ các đơn vị kinh doanh, thị trường vàng trong nước đang trong giai đoạn mua bán khá ế ẩm. Các dòng sản phẩm từ vàng miếng, vàng nhận cho đến cả vàng trang sức đều vắng khách mua. Hiện mức chênh lệch mua- bán của các loại vàng đều đã xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm trở lại đây, nhưng người dân vẫn không mua vàng, một số ít người canh theo giá vàng vọt tăng mang vàng tích trữ ra bán.

Giá vàng thế giới hôm 17/6 biến động trong bối cảnh lộ trình tăng lãi suất của Mỹ chưa rõ ràng, đồng USD hồi phục sức mạnh. Các ngân hàng trung ương lớn khác cũng góp phần hạn chế đà tăng giá vàng.

Cụ thể, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa nâng lãi suất thêm 0,25 điểm % lên 3,5% - mức cao nhất trong 22 năm qua và cho biết còn tăng tiếp để kéo giảm lạm phát. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % vào ngày 22/ 6.

Đêm qua 16/6, có thời điểm giá vàng thế giới từ 1.962 xuống còn 1.950 USD/ounce. Thế nhưng ngay sau đó, giá vàng tăng trở lại và đến đầu ngày 17/6 đóng cửa tại 1.958,7 USD/ounce.

Hiện giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.958,2 USD/ounce. Giá vàng giao tương lai tháng 8 trên sàn Comex New York ở mức 1.971 USD/ounce.

Theo nhà phân tích của Marex, USD mất giá có lợi cho giá vàng, vì vàng là một tài sản được định giá bằng đồng bạc xanh. Tuy nhiên, Suki Cooper, nhà phân tích của ngân hàng Standard Chartered nhận định, thị trường đang bước vào giai đoạn nhu cầu vàng vật chất giảm theo mùa. Giá vàng vẫn có khả năng giảm tiếp trong các phiên tới.

Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các nhà đầu tư nên tiếp tục coi vàng là một tài sản chiến lược quan trọng, ngay cả khi kim loại quý này sẽ phải đối mặt với những thách thức trong ngắn hạn khi Fed tạm dừng chính sách tiền tệ tích cực.

- Nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất

Ngay sau quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, hôm nay (17/6), nhiều ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất huy động.

Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) giảm lãi suất kỳ hạn 1 tháng về 4,5%/năm, kỳ hạn 2-5 tháng còn 4,75%/năm, giảm cao nhất 0,5 điểm % so với trước đó. Ở các kỳ hạn dài, ABBank cũng điều chỉnh mạnh khi từ 8,3%/năm xuống còn 7,9%/năm các kỳ hạn từ 15 tháng trở lên, giảm 0,4 điểm % so với trước đó.

Ngân hàng Quốc tế (VIB) hạ lãi suất huy động với mức giảm 0,1 điểm % các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Theo biểu lãi suất huy động online mới nhất của VIB, lãi suất huy động kỳ hạn 6 - 8 tháng hiện là 7,3%/năm; kỳ hạn 9 – 11 tháng là 7,4%/năm; các kỳ hạn từ 15 tháng trở lên có lãi suất 7,5%/năm.

Lãi suất huy động online kỳ hạn 6 - 8 tháng đã giảm 0,2 điểm phần trăm còn 7%/năm; kỳ hạn 9 – 11 tháng cũng giảm tương tự xuống còn 7,1%/năm. Cũng với mức giảm này, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng hiện còn 7,4%/năm, trong khi các kỳ hạn còn lại vẫn được giữ nguyên. Trong đó, mức lãi suất cao nhất tại Saigonbank thuộc về kỳ hạn 13 tháng, lên tới 8%/năm.

Ngày 16/6, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành các quyết định điều chỉnh các mức lãi suất.

Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,0%/năm xuống 4,75%/năm. Quyết định hiệu lực từ ngày 19/6.

Theo các chuyên gia, động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước cho thấy áp lực lạm phát không quá lớn và có thể đạt mục tiêu kiểm soát ở mức 4,5% trong năm nay. Tăng trưởng tín dụng hết tháng 5 chỉ đạt 3,17% trong khi cùng kỳ năm trước tăng 8,09%. Áp lực phải hạ lãi suất trên thị trường khi doanh nghiệp rất khó khăn trước mặt bằng lãi suất cao. Nhà điều hành rất quan ngại khi tín dụng tăng trưởng thấp và đang chịu áp lực lớn, để đạt tốc độ tăng 14-15% cả năm nay thì tín dụng sẽ phải tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm.

- Bộ Tài chính lên kế hoạch giám sát tài chính 5 doanh nghiệp

Kế hoạch giám sát tài chính năm 2023 áp dụng đối với các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có vốn Nhà nước do Bộ Tài chính đại diện.

Bộ Tài chính mới đây đã gửi dự thảo Kế hoạch giám sát tài chính năm 2023 đối với các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có vốn Nhà nước do Bộ đại diện tới cơ quan quản lý để lấy ý kiến.

Theo đó, Bộ Tài chính dự kiến thực hiện giám sát tài chính đối với 5 doanh nghiệp gồm Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC); Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX); Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC); Công ty TNHH Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott); và Tập đoàn Bảo Việt (BVH).

Phương thức giám sát là thực hiện trực tiếp (kiểm tra trực tiếp tại doanh nghiệp) và gián tiếp (theo dõi, kiểm tra tình hình doanh nghiệp thông qua các báo cáo tài chính, thống kê…).

Đối với DATC, Bộ Tài chính sẽ giám sát gián tiếp việc bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp (bao gồm hoạt động đầu tư vốn đối với các dự án, đầu tư vốn ngoài doanh nghiệp, tình hình huy động và sử dụng vốn, quản lý tài sản, lưu chuyển tiền tệ).

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; hoạt động chấp hành pháp luật về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước; cơ cấu lại vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; cơ cấu vốn của doanh nghiệp đầu tư tại công ty con, công ty liên kết; chế độ tiền lương, thưởng, thù lao…

Việc thực hiện các phương án mua, bán, xử lý nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp có thời gian thu hồi nợ kéo dài (thời gian thực hiện vào quý III) của DATC sẽ được giám sát theo phương thức trực tiếp.

Đối với Vietlott, VNX và VSDC, Bộ Tài chính dự kiến giám sát gián tiếp các nội dung tương tự DATC. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý sẽ kiểm tra chuyên đề tại VSDC (thời gian thực hiện vào quý IV) theo hình thức trực tiếp.

Với Tập đoàn Bảo Việt, ngoài nội dung về bảo toàn, quản lý, sử dụng, cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ giám sát thêm việc thu cổ tức được chia từ doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 18/6: Cả tháng không có sóng để kiếm lãi, nhà đầu tư âm thầm rút vốn khỏi vàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO