Điểm tin kinh doanh 17/4: Giá vàng: Vàng trong nước lẫn vàng thế giới vẫn tiếp tục tăng cao

Việt Báo (Tổng hợp)| 17/04/2024 06:00

Nhóm cổ phiếu ngân hàng "gánh" thị trường phiên 16/4; Mùa đại hội cổ đông ngân hàng: Vắng bóng kế hoạch M&A

chung-khoan-thanh-khoan.jpg

- Giá vàng: Vàng trong nước lẫn vàng thế giới vẫn tiếp tục tăng cao

Giá vàng thế giới tăng mạnh nhờ được thúc đẩy bởi nhu cầu trú ẩn an toàn. Trong khi đó, giá vàng trong nước của một số thương hiệu cũng tiếp tục “phi mã”.

Tại thời điểm khảo sát lúc 5h ngày 16/4, giá vàng trên sàn giao dịch của một số công ty như sau:

Giá vàng 9999 được DOJI được niêm yết ở mức 81,10 triệu đồng/lượng mua vào và 84,10 triệu đồng/lượng bán ra.

Còn tại Công ty Vàng bạc đá quý Mi Hồng, giá vàng Mi Hồng thời điểm khảo sát niêm yết giá vàng SJC ở mức 82,20 - 83,90 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cũng được doanh nghiệp giao dịch ở mức 81,75 - 83,95 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Còn tại Bảo Tín Mạnh Hải đang được giao dịch ở mức 81,50 - 84,25 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Giá vàng Vietinbank niêm yết ở mức 81,9 triệu đồng/lượng mua vào và 84,12 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 600.000 đồng chiều mua và 400.000 đồng chiều bán. Giá vàng miếng thương hiệu PNJ đang niêm yết ở mức 81,8 triệu đồng/lượng mua vào và 84,1 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 1,2 triệu đồng giá mua và 1 triệu đồng giá bán.

Theo Kitco, giá vàng thế giới ghi nhận lúc 5h hôm 16/4 theo giờ Việt Nam giao ngay ở mức 2.380,95 USD/ounce. Giá vàng hôm 16/4 chênh lệch 37,66 USD/ounce so với giá vàng ngày hôm 15/4. Quy đổi theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, vàng thế giới có giá khoảng 71,314 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Như vậy, giá vàng miếng của SJC vẫn đang cao hơn giá vàng quốc tế là 10,786 triệu đồng/lượng.

Giá vàng bật tăng trong phiên giao dịch ngày hôm 16/4 do nhu cầu trú ẩn an toàn được thúc đẩy bởi căng thẳng ở Trung Đông, ngay cả khi đồng USD và lãi suất trái phiếu kho bạc tăng sau mức tăng cao hơn dự kiến ​​trong doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 3, làm dấy lên lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể trì hoãn việc cắt giảm lãi suất trong năm nay.

- Thị trường dầu mỏ "nín thở" chờ tình hình Trung Đông

Những diễn biến xung đột mới nhất tại Trung Đông liên quan đến Iran và Israel đang khiến cho nguy cơ giá dầu có thể trở lại mức cao tới 100 USD/thùng, đồng thời, thúc đẩy chuỗi ngày tăng giá của vàng không giới hạn. Các chuyên gia nhận định, thị trường dầu mỏ và vàng đang “nín thở” chờ đợi những hành động tiếp theo của Israel và Phương Tây nhằm vào Iran.

Tính đến đầu giờ sáng nay 16/4 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 86,01 USD/thùng - tăng 0,7%, trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 90,66 USD/thùng - tăng 0,62%. Thậm chí, dữ liệu của hãng tin Bloomberg còn cho thấy, các nhà giao lịch đổ xô vào thị trường quyền chọn dầu thô sau vụ tấn công của Iran nhằm vào Israel, giao dịch với số lượng quyền chọn mua kỷ lục đối với giá dầu Brent tương lai, đạt tới 100 USD/thùng. Các chuyên gia cho rằng, khi căng thẳng ở Trung Đông leo thang, các nhà giao dịch đã chuyển sang thị trường quyền chọn, đặt cược vào giá dầu cao như một biện pháp phòng ngừa giá dầu có thể tăng vọt.

“Thị trường sẽ tiếp tục có những biến động, đặc biệt là đang chờ đợi phản ứng tiếp theo của Israel. Nó có thể đi xuống nhưng cũng có thể đi lên tùy thuộc vào sự nhạy cảm của thị trường. Gần đây, các vấn đề địa chính trị sẽ có tác động không ổn định đối với thị trường nói chung và thị trường năng lượng nói riêng. Nhưng tôi cho rằng, địa chính trị là một khía cạnh, động lực tăng giá dầu lớn nhất ở thời điểm này còn nằm ở nguồn cung và nhu cầu”, bà Amrita Sen, Chuyên gia trưởng về năng lượng của công ty Energy Aspects nói.

Một báo cáo tháng đưa ra cuối tuần trước, Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024 khoảng 130.000 thùng/ngày xuống còn 1,2 triệu thùng/ngày, với lý do mức sử dụng nhiên liệu sưởi ấm thấp hơn và sự sụt giảm sản xuất kéo dài ở các nền kinh tế phát triển. IAE dự kiến sẽ mở rộng tốc độ giảm hơn nữa xuống còn 1,1 triệu thùng/ngày vào năm tới “khi quá trình phục hồi sau Covid-19 đã kết thúc”.

- Nhóm cổ phiếu ngân hàng "gánh" thị trường phiên 16/4

Nhóm cổ phiếu bất động sản diễn biến tiêu cực, trong khi nhiều mã cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh giúp chỉ số hồi phục tích cực về cuối phiên.

Sau phiên giảm mạnh hôm 15/4, thị trường chứng khoán Việt Nam hôm 16/4 tiếp tục biến động mạnh trong phiên. Áp lực bán tăng mạnh vào phiên chiều 16/4, khiến VN-Index có lúc giảm tới hơn 24 điểm. Sau đó, dòng tiền bắt đáy xuất hiện đã giúp chỉ số gần về lại mốc tham chiếu khi chốt phiên.

Đóng cửa phiên giao dịch 16/4, VN-Index giảm gần 1 điểm về 1,215.68 điểm. HNX-Index và UPCoM-Index lần lượt giảm 0,88 điểm và 0,59 điểm, dừng ở 228,83 điểm và 88,.4 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt tới hơn 33.606,5 tỷ đồng

Khối ngoại trở lại mua ròng 115 tỷ đồng trên toàn thị trường. Cụ thể, khối ngoại mua ròng với giá trị xấp xỉ 71 tỷ đồng trên HOSE và 30 tỷ đồng trên HNX, trong khi bán ròng 14 tỷ đồng trên thị trường UPCOM.

Cuối phiên chiều, sắc xanh xuất hiện rộng hơn tại các nhóm cổ phiếu; trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng khá tích cực với đà tăng của các mã như LPB tăng 4,01%, TCB tăng 2,48%, MBB tăng 2,14%, ACB tăng 1,12%, BID tăng 1,21%, CTG tăng 1,79%)… Các mã TPB, VIB, VPB có mức tăng dưới hơn 1%.

Nhóm cổ phiếu dầu khí có PTV, PVB, PVC, PVD, PVS, TOS ở chiều giá xanh, nhưng mức tăng không lớn. Nhiều cổ phiếu ngành cao su cũng ở chiều tăng giá như CSM, DPR, DRC, SRC, TNC. Nhóm cổ phiếu khai khoáng, sản xuất nhựa và hóa chất, công nghệ thông tin cũng diễn biến khá tích cực.

Cổ phiếu chứng khoán vẫn chìm trong sắc đỏ, tuy nhiên đà giảm thu hẹp dần về cuối phiên. Thậm chí một số mã còn ngược dòng tăng giá như CTS tăng 5,44%, MBS tăng 2,15%, SHS tăng 1,58%, SSI tăng 0,72%.

Nhóm bất động sản vẫn diễn biến tiêu cực với nhiều cổ phiếu giảm mạnh như BCM giảm 2,11%, NVL giảm 4,55%, PDR giảm 2,02%, DIG giảm 3,68%, DXG giảm 4,34%, VCG giảm 4,15%, HHV giảm 4,27%, CII giảm 2,03%, ITA giảm 4,72%, AGG giảm 3,24%... Chỉ có một số ít cổ phiếu tăng nhẹ như VHM, KDH, SJS, SZC.

Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng, dư địa của xu hướng tăng đã phần nào bị thu hẹp khi VN-Index tiến gần đến mốc 1.300 điểm, tương ứng với mức P/E bình quân của 10 năm gần nhất.

a2-1-.jpg

- VNPT nhận giấy phép kinh doanh dịch vụ 5G

Chiều 15/4, tại cuộc giao ban Quản lý nhà nước của Bộ TT&TT, Tập đoàn VNPT đã được trao giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G.

Phát biểu tại sự kiện, ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch VNPT chia sẻ, việc cấp giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G là bước ngoặt để doanh nghiệp có thể làm các thủ tục triển khai dịch vụ đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Với việc được nhận giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G, Tập đoàn VNPT sẽ lên kế hoạch triển khai 5G trên toàn quốc, sẽ ưu tiên việc phát triển hạ tầng mạng 5G theo hướng nâng cao trải nghiệm của người dùng, đem đến tốc độ cao, dung lượng lớn, độ trễ thấp nhất mà vẫn tối ưu chi phí nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, gia tăng hiệu quả kinh doanh. Trước mắt, VNPT sẽ tập trung triển khai 5G ở những khu vực đòi hòi sự tương tác cao, giao tiếp qua mạng bằng thời gian thực, các khu vực như Khu Công nghệ cao, Khu đô thị, các trường đại học…

Việc triển khai 5G hiện đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. So với các thế hệ mạng cũ, 5G cung cấp thông lượng dữ liệu được cải thiện vượt trội, mạng lưới sử dụng năng lượng ít hơn, hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), có độ trễ gửi và nhận tín hiệu chỉ bằng 1/5 so với 4G. Mạng 5G sẽ sử dụng năng lượng ít hơn khoảng 10 lần so với 4G, góp phần tạo ra môi trường số bền vững và tiết kiệm năng lượng.

- Mùa đại hội cổ đông ngân hàng: Vắng bóng kế hoạch M&A

Khác với các năm trước, mùa Đại hội cổ đông của các ngân hàng năm nay, kế hoạch mua bán - sáp nhập (M&A), chào bán cổ phần cho nhà đầu nước ngoài vắng bóng.

Trong tài liệu Đại hội đồng cổ đông vừa công bố, năm nay, LPBank dừng kế hoạch tăng vốn bằng phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài. Thay vào đó, ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng (tương đương mức tăng 31%) qua phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Trước đó, năm 2023, Đại hội đồng cổ đông LPBank đã thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 3.000 tỷ đồng, song kế hoạch này không thể triển khai do điều kiện thị trường không thuận lợi.

Tương tự, năm 2024, tài liệu Đại hội đồng cổ đông của MSB cũng không ghi nhận tờ trình hay thông tin nào về kế hoạch M&A đối với ngân hàng khác. Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2023, Hội đồng quản trị ngân hàng này đã trình cổ đông thông qua việc nhận sáp nhập một tổ chức tín dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, tờ trình này sau đó không được cổ đông thông qua.

Trong các ngân hàng thương mại cổ phần đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông từ cuối tháng 3/2024 đến nay, cũng ít ngân hàng công bố kế hoạch M&A hoặc chào bán riêng lẻ cho đối tác nước ngoài.

- Vận tải biển suy giảm, cảng biển đối diện áp lực cạnh tranh

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cho biết, trong thời gian tới sẽ triển khai đầu tư đồng bộ hệ thống cảng biển nước sâu tại các khu vực Lạch Huyện, Liên Chiểu và Cần Giờ, đầu tư phát triển đội tàu container và các cơ sở hạ tầng logistics để tăng sức cạnh tranh.

Sáng 16/4, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Tại đại hội, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc VIMC cho biết, năm 2023 doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát duy trì ở mức cao, gắn với những diễn biến căng thẳng của các xung đột địa chính trị.

Thị trường tàu hàng khô diễn biến không thuận lợi, chỉ số vận tải tàu hàng rời (BDI) có những thời điểm giảm xuống mức rất thấp, dao động ở mức 500 điểm (mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020).

Thị trường vận tải container chứng kiến sự suy giảm mạnh trong năm 2023, thậm chí có thời điểm giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm 2022.

"Hệ thống cảng biển của VIMC cũng chịu nhiều áp lực cạnh khi các cảng biển tư nhân liên tục ra đời, với sự linh hoạt cao trong chính sách giá, có lợi thế tuyệt đối trong công tác phát triển thị trường, tiếp thị khách hàng", ông Tĩnh chia sẻ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp dịch vụ logistics cũng gặp nhiều khó khăn khi các dịch vụ truyền thống ngày càng mai một, cơ sở hạ tầng, kho bãi không còn nằm ở các vị trí thuận lợi, năng lực cạnh tranh thấp.

Kết quả, năm 2023, VIMC đạt doanh thu hợp nhất 13.964 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.126 tỷ đồng.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 17/4: Giá vàng: Vàng trong nước lẫn vàng thế giới vẫn tiếp tục tăng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO