Điểm tin kinh doanh 17/2: Vàng chịu áp lực giảm, SJC vẫn neo cao

Việt Báo (Tổng hợp)| 17/02/2023 06:00

Vàng chịu áp lực giảm, SJC vẫn neo cao; Tháng 1, Việt Nam chi hơn 900 triệu USD nhập khẩu xăng dầu

- Vàng chịu áp lực giảm, SJC vẫn neo cao

Giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế sáng 16/2 giảm thêm gần 20 USD/ounce khi xuống 1.835 USD/ounce. Trong khi, giá vàng SJC chỉ giảm nhẹ xuống 66,35-67,15 triệu đồng/lượng.

Sở dĩ giá vàng giảm thêm do chịu áp lực bởi sự phục hồi mạnh mẽ của USD sau báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2023 vừa được công bố.

Chỉ số US Dollar Index đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt tăng lên gần mức 104 điểm. Các thông về lạm phát đã đẩy USD tăng lên mức cao nhất trong hơn 1 tháng, khiến vàng giảm trở lại.

Các dự báo đưa ra, giá sẽ tiếp tục giảm trong nửa đầu năm khi Fed tiếp tục tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát. Giá vàng vẫn có thể giảm hơn nữa do lợi suất trái phiếu vẫn tăng.

Thị trường vàng cũng chịu áp lực khi các quan chức Fed cho biết vào đầu tuần này rằng cơ quan này sẽ cần tiếp tục tăng lãi suất. Kim loại quý được coi là một công cụ phòng ngừa lạm phát, nhưng lãi suất cao hơn làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng.

Trong khi giá vàng thế giới giảm sâu trong 3 phiên gần đây thì giá vàng SJC trong nước chỉ giảm nhẹ khi mở phiên sáng nay niêm yết mức 66,4-67,2 triệu đồng/lượng (mua-bán), nhưng sau đó giảm xuống 66,35-67,15 triệu đồng/lượng.

So với giá vàng thế giới, vàng miếng SJC cao hơn gần 14 triệu đồng/lượng khiến người mua vàng ở thị trường nội địa khó tránh rủi ro, trong khi nhu cầu vàng của thị trường Việt Nam vẫn luôn tăng cao.

Sáng 16/2, Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá trung tâm 5 đồng, lên 23.636 đồng/USD. Tỷ giá mua bán tham khảo được Sở giao dịch NHNN duy trì ở mức 23.450 - 24.780 đồng/USD. Vietcombank mua USD với giá 23.420 - 23.450 đồng, bán ra 23.790 đồng/USD.

- Tháng 1, Việt Nam chi hơn 900 triệu USD nhập khẩu xăng dầu

Tháng 1, nhập khẩu xăng dầu các loại vào Việt Nam tăng mạnh ở hai thị trường chính là Hàn Quốc và Singapore

Về nhập khẩu, tháng 1 Việt Nam nhập khẩu 22,95 tỉ USD, giảm 4,34 tỉ USD so với tháng 12-2022 và giảm 7,27 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 798 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện giảm 618 triệu USD…

Tuy nhiên, nhập khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 776 triệu USD, xăng dầu tăng 89 triệu USD so với tháng trước.

Cụ thể, trong tháng 1-2023 lượng xăng dầu các loại nhập khẩu đạt 1,03 triệu tấn, với trị giá 911 triệu USD, tăng 8,6% về lượng và tăng 10,8% về trị giá so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2022, lượng nhập khẩu đã tăng 69,8% và trị giá tăng 99,7%.

Nhập khẩu xăng dầu các loại vào Việt Nam tăng mạnh ở hai thị trường chính là Hàn Quốc 369 ngàn tấn, tăng ba lần; thị trường Singapore là 243 ngàn tấn, tăng 2,5 lần. Nhập khẩu từ Malaysia là 220 ngàn tấn, tăng 28,5% trong khi đó nhập khẩu từ Thái Lan là 83 ngàn tấn, giảm 18,4%.

- Bắc Ninh đứng đầu cả nước về xuất khẩu, đạt 3,3 tỷ USD trong 1 tháng

Tổng cục Hải quan thông tin, Bắc Ninh là địa phương có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước trong tháng 1/2023, với kim ngạch đạt 3,3 tỷ USD.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Bắc Ninh là địa phương có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước trong tháng 1/2023, với kim ngạch đạt 3,36 tỷ USD. Đứng thứ hai là TP. Hồ Chí Minh với kim ngạch xuất khẩu tháng 1/2023 đạt 2,6 tỷ USD; thứ ba là Thái Nguyên, với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,5 tỷ USD.

Một số địa phương khác cũng có kim ngạch xuất khẩu tháng 1/2023 vượt mốc 1 tỷ USD gồm Bắc Giang (1,6 tỷ USD), Bình Dương (1,8 tỷ USD), Đồng Nai (1,4 tỷ USD), Hà Nội (1 tỷ USD) và Hải Phòng (1,6 tỷ USD).

- Apax Holdings lỗ 111 tỷ quý 4/2022, tiền mặt tăng lên hơn 700 tỷ đồng

Sau 2 lần bị HoSE nhắc nhở vì chậm nộp báo cáo tài chính, CTCP Apax Holdings (IBC) đã có công bố BCTC vào ngày 15/2 với mức lỗ khủng trong quý cuối năm.

Trong quý 4/2022, IBC ghi nhận doanh thu thuần âm 45 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm ngoái đạt 352 tỷ đồng. Tuy nhiên giá vốn bán hàng cũng âm 81 tỷ đồng nên công ty vẫn ghi nhận lợi nhuận gộp 36 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính âm 42 tỷ đồng còn chi phí bán hàng cũng âm 85 tỷ đồng. Cùng kỳ năm 2021, 2 chỉ số này là 170 tỷ đồng và 65 tỷ đồng.

Chi phí tài chính tăng gấp đôi so với cùng kỳ, lên mức 89 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay chiếm 35 tỷ đồng (cùng kỳ không ghi nhận). Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 78% lên 80 tỷ đồng.

Kết quả, doanh nghiệp báo lỗ sau thuế 111 tỷ đồng, so với cùng kỳ lãi sau 118 tỷ đồng. Đây cũng là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của IBC.

Một loạt chỉ tiêu âm bất thường nhưng công ty không đưa ra thuyết minh hay giải trình cụ thể.

- Một nửa lượng vỏ iPhone sản xuất tại Ấn Độ không đạt chuẩn

Theo Financial Times (FT), tỷ lệ loại bỏ 50% vỏ iPhone không đạt chuẩn sản xuất tại Ấn Độ cho thấy khó khăn của Apple trong việc thoát ly khỏi chuỗi cung ứng tại Trung Quốc.

Apple luôn nổi tiếng là doanh nghiệp cầu toàn. Tỷ lệ lỗi với vỏ iPhone mà hãng hướng tới là 0% và những gì mà các nhà cung ứng Trung Quốc hiện làm được đã tiệm cận con số này.

Sự chênh lệch giữa hai quốc gia tỷ dân đang khiến Apple đau đầu trong việc đẩy nhanh kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào các đối tác tại Trung Quốc.

Theo nguồn tin của FT, tại một nhà máy sản xuất vỏ iPhone của Tata ở Hosur (Ấn Độ), cứ 2 thành phẩm xuất xưởng thì chỉ một chiếc đủ tiêu chuẩn để gửi tới Foxconn lắp ráp iPhone.

Tỷ lệ 50% này cách rất xa mục tiêu mà Apple mong muốn. Hai nhân sự từng làm việc cho Apple tại Ấn Độ cho hay nhà máy ở Hosur đang nỗ lực để cải thiện hiệu quả, tuy nhiên con đường phía trước vẫn rất gian nan.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin kinh doanh 17/2: Vàng chịu áp lực giảm, SJC vẫn neo cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO