- Nhà đầu tư vàng 9999 đang thiệt thòi
Giá vàng 9999 tăng 2 triệu đồng mỗi lượng từ đầu năm đến nay, trong khi đó nhà đầu tư vàng thế giới chỉ cần có nửa đầu tháng 11 đã kiếm lời tới 5 triệu đồng mỗi lượng.
Đầu giờ chiều ngày 16/11, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn vẫn giữ nguyên so với giá đóng cửa hôm qua, niêm yết giá mua và bán ở mức 66,7 – 67,7 triệu đồng/lượng.
Còn tại các Tập đoàn kinh doanh vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Phú Quý lại giảm từ 50.000 – 150 đồng mỗi lượng, đưa giá mua vào – bán vàng miếng SJC về quanh ngưỡng 66,7 – 67,65 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch tại mức 1.775 USD/ounce, giảm nhẹ 4 USD so với giá mở cửa hôm qua. Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương khoảng 53,2 triệu đồng/lượng và đây là mức giá cao nhất trong vòng 3 tháng qua.
Chỉ tính từ đầu tháng 11 đến nay, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 170 USD/ounce, tương đương tăng tới 5 triệu đồng mỗi lượng. Như vậy, chỉ sau nửa tháng miệt mài leo dốc, kim loại quý trên thị trường quốc tế đã bù đắp toàn bộ phần thua lỗ của nhà đầu tư trong 3 tháng gần nhất.
- USD giảm, giá vàng tăng vọt
Các dữ liệu lạm phát của Mỹ đang tạo sức ép lên đồng USD và hỗ trợ thị trường vàng. Giới đầu tư nghiêng về khả năng Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 12.
Trong phiên giao dịch ngày 15/11 (theo giờ Mỹ) trên sàn New York, giá vàng giao ngay có lúc vượt ngưỡng 1.786 USD/ounce, rồi giảm nhẹ về 1.779,2 USD/ounce, tăng 7,6 USD/ounce so với phiên trước đó.
Kim loại quý hưởng lợi khi đồng USD trượt giá. Các dữ liệu mới nhất tại Mỹ đều đang quay lưng với đồng bạc xanh. Báo cáo chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 10 của Mỹ cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt.
Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 16/11, trong vòng 24 giờ qua, chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ chính khác - có lúc rơi xuống dưới 105,5 điểm, rồi nhích nhẹ lên 106,2 điểm, đánh dấu mức thấp nhất kể từ ngày 14/8.
- VN-Index thủng mốc 900, hơn 200 mã nằm sàn khi mở cửa
Mở cửa phiên sáng 16/11, hơn 200 mã đã nằm sàn khiến VN-Index nhanh chóng thủng mốc 900. Tại thời điểm 9h30, chỉ số sàn HoSE đã mất 37 điểm so với phiên hôm qua, về mốc 874 điểm.
Áp lực bán diễn ra trên diện rộng, chỉ số VN30 giảm hơn 40 điểm với hàng loạt các mã “trắng bên mua”. Ngoài 2 cái tên quen thuộc là NVL và PDR thì còn có MWG, PLX, POW… Hầu hết các nhóm ngành đều chìm trong sắc đỏ. Nhóm dầu khí, bán lẻ, chứng khoán, hóa chất, nông nghiệp, bảo hiểm, ngân hàng, xây dựng giảm mạnh nhất.
Chứng khoán Việt Nam tiếp tục diễn biến tiêu cực với thị trường thế giới.
Chốt phiên chiều 16/11, VN-Index tăng 31 điểm, vượt qua ngưỡng kiểm định 940 điểm và dừng ở mức gần 943 điểm; HNX-Index cũng tăng hơn 7,6 điểm và dừng ở 183 điểm. Toàn sàn có gần 290 mã tăng trần trong tổng số gần 700 mã tăng, gần 200 mã giảm.
- TP Hồ Chí Minh kiến nghị giải pháp điều hành biên độ giá xăng theo thị trường
Liên quan đến việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, trước đó chiều 15/11, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cũng đã gửi UBND TP Hồ Chí Minh dự thảo, xem xét trình Thủ tướng Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn và đảm bảo cung ứng xăng dầu trên địa bàn. Theo dự thảo này, trung bình mỗi ngày có từ 9-20% trên tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại TP Hồ Chí Minh tạm thời thiếu hụt mặt hàng xăng.
Ngoài ra, cần có giải pháp điều hành theo biên độ giá xăng dầu tăng/giảm phù hợp với thị trường; đồng thời đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh còn từ 3 - 5 ngày (kể cả ngày nghỉ) so với quy định hiện hành là 10 ngày.
TP Hồ Chí Minh cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho Bộ Công thương, Bộ Tài chính trong trường hợp cần thiết được chủ động quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu phù hợp; đề xuất điều chỉnh chi phí định mức áp dụng trong tính toán cơ cấu giá cơ sở đối với mặt hàng xăng dầu. Ngoài ra, hiện chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức do Bộ Tài Chính xác định và thông báo hàng năm để Bộ Công Thương áp dụng trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu được áp dụng từ năm 2014 nên không còn phù hợp với thực tiễn.
TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài Chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở xăng dầu, bao gồm: chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức theo hướng phản ánh đầy đủ các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở…
- Gần 2.300 doanh nghiệp môi giới BĐS tạm ngừng kinh doanh trong 10 tháng
Thị trường kém thanh khoản khiến cho hoạt động của doanh nghiệp môi giới bất động sản (BĐS) bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 10 tháng đầu năm 2022, số lượng doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn là gần 2.300 DN, tăng 52,8% so với cùng kỳ.
Gần 2.300 doanh nghiệp môi giới BĐS tạm ngừng kinh doanh trong 10 tháng
Trong báo cáo mới đây về tình hình thị trường BĐS của Viện Ngiên cứu Kinh tế - Tài chính - BĐS Dat Xanh Services (FERI) đã nói đến tình hình của các doanh nghiệp môi giới BĐS. Theo đó, khi thị trường kém thanh khoản khiến cho hoạt động của doanh nghiệp môi giới BĐS bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
10 tháng đầu năm 2022, số lượng doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn là gần 2.300 doanh nghiệp, tăng 52,8% so với cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể gần 1.000 doanh nghiệp, tăng 42% so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp phải tái cơ cấu lại mô hình, giảm quy mô, tinh giảm hệ thống nhân sự.